10 tháng 5, 2012

Bá cáo thất lạc

Lại đi đâu mất cái hình ngô đồng  Huế  bên góc phải rồi?
Bà con ai có cái hình nào hay hay, thì đưa lên  thế chỗ cho cái bị lấy xuống - hay mất gì đó đi.
(không phải mình gỡ đâu nhé Hạnh)
T

6 nhận xét:

  1. Đang lục tìm trong bộ nhớ câu thơ về ngô đồng của Bích Khê thì tấm hình ngô đồng Huế bị mất.Các bạn đưa tấm hình khác lên đi(TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô hay, buồn vương cây ngô đồng
      Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

      (Tỳ Bà – Bích Khê )

      Đây phải không Sửu?
      T.

      Xóa
    2. Đúng rồi. Cảm ơn Thủy rất nhiều(TQS)

      Xóa
  2. MỘT CHIẾC NGÔ ĐỒNG RỤNG
    (Mình đẩy bài của hoàng Bình Thi lên để các bạn thưởng thức thêm về cây ngô đồng ở Huế. ĐTD)
    Ðọc câu thơ nổi tiếng:"Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu" mới biết ở vùng Giang Châu (Trung Quốc), là ngô đồng thường rụng vào mùa thu. Lá như cùng rủ nhau chỉ rụng và đổ vàng cả những dặm vuông dưới chân cây. Nhưng khi đến Huế tá túc, cây ngô đồng lại rụng lá vào cuối xuân. Trong những ngày có gió mùa đông bắc, lá rơi từng chiếc trong gió và vàng tả tơi.
    Có một chiều gió heo may, tôi một mình về thăm cội ngô đồng ở công viên Tứ Tượng, bên dòng Hương Giang. Hôm ấy trời rất nhiều gió, gió từ phía bên kia sông thổi lang thang qua hàng cây đoác già, dồn từng đám sương mù trên mặt sông vào những góc khuất của phố Huế. Từ góc nhỏ ở quán café Sơn có thể nhìn thấy rất rõ chiều cao thẳng vút của cây. Bình thường cây ngô đồng có thân màu trắng mốc, nhưng vào mùa rụng lá, thân cây chuyển sang màu xám nhạt vân hơi xanh, giông giống màu da của một thiếu phụ trong ngày "vượt cạn". Các vóc thẳng đứng như một mũi tên của cây ngô đồng là sự khẳng định về một thái độ, một nhân cách sống ở đời. Nhìn bóng cây dũng mãnh cứ vươn mãi lên bầu trời cao rộng, sao bỗng dưng tôi nhớ cái ngày Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông anh dũng hy sinh ở Yên Bái. Chính sự tương quan giữa cây và người đã cho tôi một hình dung về tính cách sống can trường của người Việt xưa và nay.
    Nhưng ám ảnh nhất ở loài cây ngô đồng vẫn là ở những chiếc lá, độ lớn, diện mạo và màu sắc rất đặc biệt của nó. Phiến lá ngô đồng bình thường to bằng hai bàn tay người lớn chắp lại. Cuống lá dài gần bằng thân lá, khi còn ở trên cây cho con người cái cảm giác mong manh như một chiếc cổ cao nhiều ngấn xanh xao. Lòng lá ngô đồng phẳng và rộng như lòng lá sen nhưng gân lá khô và mang cốt cách của xương mai. Ðã từ lâu lắm, bạn tôi vốn rất yêu ngô đồng đã phát hiện ra rằng chiếc lá ngô đồng có hình ảnh của một trái tim lớn hay na ná như hình giọt lệ khi vừa bị hai mí mắt kẹp vỡ.
    Nhưng phải đến mùa lá ngô đồng mới là cuộc chơi cự phách của tạo hoá. Lá không vàng rực rỡ, cũng không phai như những màu lá mùa thu khác, mà lá ở giữa vàng, xám và xanh. Trải chiếc lá ra trên cỏ, không có gam màu nào là chủ đạo, tất cả như những được chồng mờ lên nhau với những bước chuyển đậm nhạt chân phương và tài hoa vô cùng. Như rằng trong một phút chốc thăng hoa và đãng trí nào đó, người nghệ sĩ tạo hoá đã lặng lẽ đổ cả mùa thu và kỷ niệm lên màu lá, rồi âm thầm bỏ đi, để lại sau lưng bao nỗi ngậm ngùi.
    Cuối mùa xuân ở Huế, lá ngô đồng rụng để cả nhân gian biết rằng đã từng có những ngày lá xanh, đã từng có cái đẹp đi đến ngày cuối cùng từ chiếc lá rụng đầu tiên...

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết quá hay.Người nghệ sĩ tạo hóa đã lặng lẽ đổ cả mùa thu và kỷ niệm lên màu lá, rồi âm thầm bỏ đi, để lại sau lưng bao nỗi ngậm ngùi. Còn người nghệ sĩ bình thường thì lặng lẽ đổ cả tình yêu và nỗi nhớ lên người con gái mình yêu, rồi cay đắng bỏ đi, để lại sau lưng một trời kỷ niệm...Cảm ơn ĐTD cho mình đọc được bài nầy. (TQS)

    Trả lờiXóa