18 tháng 5, 2012

Nhớ thời bao cấp

Các bạn thân mến. Thế hệ chúng ta được chứng kiến 4 thời kỳ:
1. Có biết một chút về chiến tranh chống Mỹ,
2. Được nếm mùi chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp,
3. Sống trọn thời kỳ đổi mới,
4. Và nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến thời điểm đất nước “trở thành nước công nghiệp hiện đại” (sau 2020).
Đối với mình, trong 4 thời kỳ đó, thời kỳ bao cấp vẫn là “hay” nhất: Sức trẻ, khát vọng, lòng say mê trong sáng, sự nghèo túng, nghịch ngợm, phá phách và những tình bạn rất đẹp (mở ngoặc: không phải tình yêu, vì từ phổ thông đến đại học mình quá xấu trai nên không ai yêu).
Thực tế cuộc sống bây giờ đã dễ dàng hơn rất nhiều và cũng có lắm vấn đề phải lo toan. Nhưng những trải nghiệm của thời kỳ khó khăn ấy vẫn là điều lắng đọng nhất, dễ trở về nhất mỗi khi nhìn lại. Đúng như một câu nói của ai đó mà mình quyên tên mất, rằng “Chúng ta không tự do, tất cả đều lệ thuộc vào quá khứ”.
Quả thật, sử K6 của chúng ta lúc đó khá nổi trội và đồng điệu, quậy phá cũng dữ. Mình nhớ rất nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là một đêm gió bão ầm ầm, ngồi chẻ song giường ra nấu cháo gà ăn, sau đó lăn ra ngủ không biết trời đất gì, sáng hôm sau nhà cửa cây cối bị bão đánh sập tan hoang. Nhớ ngày chuẩn bị lên đường đi thực tập tốt nghiệp nhưng rủ nhau đi đánh bài, cuối cùng Thầy Lộc phải cho gọi lên bắt làm bản kiểm điểm. Nhớ bắt chó lên nhà ĐTD nhậu. Nhớ tháp tùng TQS đi đánh lô tô ở Cung Anh Định thua sạch bách. Nhớ hút nguyên một gói thốc Sông Cầu và miệng mồm lở loét. Nhớ nhiều lần cầm đồ đi ăn sau đó cãi nhau ì xèo, nhưng cứ giở nhật ký Trần Ánh ra là không thể cãi được. Nhớ tháp tùng NĐH đi đánh cờ tướng tại An Cựu, lúc đầu thua hết, nhưng sau ăn lại hết và mang về rất nhiều chiến lợi phẩm. Nhớ cùng TQT đi đánh đô mi nô 30 ngày ròng rã, và nhớ nó mà mình với TQT sống được 30 ngày trong lúc không còn tem phiếu...và vô vàn những câu chuyện khác.
Các bạn thân mến. Không biết những ngày ở Đại học Huế, mình có làm chuyện gì cho ai đó trong lớp buồn không. Chắc chắn là có nhưng chưa nhận ra. Nếu vậy xin được các bạn lượng thứ.
Mình cũng xin lỗi NTHN và VMD, vì đi với HN gần 3 tháng giữa rừng mà không để HN “sứt mẻ” gì cả (đó là khuyết điểm chứ không phải ưu điểm).
Chắc chắn nói không bao giờ hết. Nhưng để kết thúc, mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui của thời bao cấp để các luôn nhớ thời bao cấp.
Câu chuyện thế này: Thời bao cấp, có hai vợ chồng nọ đều là cán bộ công chức, có một đứa con trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng chưa có nghề nghiệp gì, thành thử cả 3 người chỉ sống nhờ vào 26 kg gạo tiêu chuẩn của hai ông bà. Nhưng nghiệt một nổi, đứa con trai đòi cưới vợ. Hai ông bà khuyên con chững lại đã, chờ khi có việc làm rỗi hẵng cưới. Song đứa con nhất quyết đòi cưới và hứa với ba mẹ rằng: Ba mẹ yên tâm, con cưới vợ về sẽ tự lo, không ăn gì cả, ba mẹ đừng sợ thiếu lương thực.
Ông bà nghe nói vậy thì yên tâm cho cưới.
Quả thật, ba ngày đầu tiên sau khi cưới chúng nó không ăn gì cả, thậm chí không ra khỏi phòng ngủ.
Nhưng đến ngày thứ tư, chàng quý tử không chịu nổi liền nói với vợ: Em xuống bếp coi còn gì ăn không, nếu không thì không làm ăn gì nổi.
Vợ nghe nói vội xuống bếp, may thay còn một ít cơm cháy liền cạo lấy. Nhưng đang cạo thì ông bà già đi làm về, cô vợ liền dấu vào bụng rồi chạy vào phòng ngủ. Vừa thấy vợ vào, quý tử chồm dậy hỏi: có gì không? Vợ sợ ông bà già nghe liền ra dấu im lặng và chỉ vào bụng mình (ý nói là có cơm đang dấu trong này). Nhưng quý tử không hiểu, tưởng vợ bắt làm “chuyện ấy” liền quỳ sụp xuống và vái:
Thôi, thôi em ơi, bây giờ mà không có cơm thì anh không làm được gì cả!!!
NVN


5 nhận xét:

  1. Văn Nam ơi,chỉ riêng những điều bạn kể không thôi, mình đã thấy cả một trời Huế yêu thương, ngày thơ dại của chúng mình.
    T

    Trả lờiXóa
  2. Trong những chuyện bạn kể, mình nhớ nhất là chuyện chẻ song giường để nấu cháo trong một đêm mưa bão.Cả nhóm ăn ngon lành.Hình như gà ngày xưa ngon hơn gà bây giờ. Nam kể luôn chuyện cầm đồ để lên Kho Rèn ăn bánh bột lọc đi.Rồi chuyện cá đực cá cái,áo mi zô 1 lỗ...Đọc bài viết của Nam, mình thấy rất thú vị.Một thời sinh viên nghèo nhưng ai cũng trong sáng, ai cũng dễ thương.Nghe chuyện của mình ngày xưa mà cứ ngỡ chuyện tiếu lâm , chuyện cổ tích.Theo mình nghĩ,có lẽ nhờ ngày xưa như vậy nên chúng ta trưởng thành hơn.Tính cách của từng người được thể hiện rõ ràng.Mình nhớ mãi một câu nói:Cho dù sau nầy bạn thế nào đi chăng nữa thì xuất phát điểm trong hành vi của bạn là nằm trong tính cách của bạn.Lịch sử của một con người là nằm trong tính cách của người đó.(TQS)

    Trả lờiXóa
  3. VN nhầm rồi, không phải nói cho vừa lòng VN đâu. Trong lớp mình người O thấy quí mến nhất là VN đó. Sau nhiều lần gặp lúc nào O vẫn thấy VN như ngày xưa: chân thật và hiền lành, sống hết lòng vì bạn bè. VN còn nhớ ngày VN kể cho mình nghe ngày VN cùng chú đi bốc mộ ba VN không? O vẫn nhớ cái buổi sáng gặp VN ở giảng đường với cái miệng sưng vù... hỏi các bạn trai dấu mãi sau này mới biết nguyên nhân. VN còn nhớ hồi đi A Lưới không? một mình VN được tin tưởng giao cho phụ trách 03 cô công chúa của lớp mình với cái gùi đi kiếm rau... Đúng như VN nói về thời bao cấp , nhất là chiều nay khi O xem chương trình VTV3, nghe tiến sỹ Thái nói về thời bao cấp ngày nào O thấy đúng quá.
    Buổi tựu trường vừa rồi O gặp lại 10 cô gái ở cùng phòng ngày nào, VN biết O nhớ nhất là gì không? nhơ một buổi tối trời vừa mưa vừa lạnh cả phòng đói quá góp nhau lại được có 5 hào đi mua củ mì dải bằng ngón tay về ăn mà sao thấy ngon thế. Và O thật mừng khi vừa rồi cả 10 chị em trong phòng đều có mặt đầy đủ và chụp với nhau một kiểu hình thật ấn tượng. Hồi đó so với các bạn trong lớp o cũng thuộc kinh tế đỡ hơn các bạn. Nhưng khi ra trường O được nhận vào ĐH sư phạm Quy Nhơn các thấy nói nếu O dậy sử thì phải đi học cao học tại Hà Nội hoặc TP HCM, còn dậy sử chính trị thì học cao học chính trị tại Quy Nhơn. Mà VN biết là O rất dốt môn chính trị mà và ngày đó bọn mình còn nhiều nhiệt huyết, với nhiều ước mơ và cũng rất yêu Sử và một lý do chính nữa nói bây giờ con O không tin là: lấy tiền đâu đi học, khi mà ba má O về hưu, đồng lương ít ỏi , nuôi O 4 năm ĐH đã phải vất vả lắm rồi ( VN có tin là ba O phải đi làm rẫy cách nhà hàng chục cây để nuôi O không?). Hồi đó có lẽ O là người gần các bạn nhiều, biết nhiều hoàn cảnh của bạn bè... và cũng qua đó O biết sống vì mọi người nhiều hơn cho đến tận bây giờ ( vì trước đó O là cô út được ba mẹ chiều nên hơi ích kỷ). Cảm ơi trời đã cho O được sống trong ngôi hhà sử k6 của bọn mình. KO

    Trả lờiXóa
  4. Vâng, mình cũng nhớ lắm cái thời "đói khổ vĩ đại" ấy, cái thời mà SV đích thực là "động vật dễ nuôi" với bo bo, sắn lát, gạo mốc,...đứa nào cũng còm nhom nhưng nhiệt huyết thì không bao giờ thiếu và nhờ vậy mà bọn mình dày dạn, bản lĩnh hơn. Thế hệ con cái bọn mình bây giờ sướng quá, gần như có được mọi thứ mà chúng yêu cầu nhưng điều kiện ấy chưa chắc làm cho chúng có chất lượng đào tạo tốt hơn ba mẹ chúng trong thời bao cấp! (TA)

    Trả lờiXóa
  5. Tui thích ông tán chuyện hồi xưa như bài này, nó chân tình và đầy ắp kỷ niệm thân thương của tụi mình hơn là bài về Hoa Đà Lạt. Nói thật, ông đừng buồn là nó lạt nhách. Sao mấy hôm nay không thấy ông lên trang vậy, có chuyện gì à! hay là uống say bí tỉ quên trời quên đất rồi! Sao lúc nào gặp ông trên trang cũng nghe có mùi rượu vậy, coi chừng lá gan đó nghe cha! Tui mấy hôm nay lu bu lễ lượt nên ít vào, giờ mới rảnh rỗi nên ngồi luyện thiên lý nhãn đây. Hai thằng giặc nhà ông có ngoan hiền và tơ lựng lựng như ông ngày xưa không? Gởi lời thăm bà xã nhà ông nhé! ĐTD

    Trả lờiXóa