16 tháng 9, 2012

Bông phèng lai rai...



- A-lô! Lão Cận làm gì đó?
- Ô-la! Lão Hói, à xin lỗi, lớp trưởng hả? Em đang cà-phê trưa ạ! Có gi không sếp?
- Trưa không nhậu mà còn cà-phê hả? Uống với ai vậy?
- Với hai người nữa… nhưng chỉ mình em là giống đực đó sếp! Một ”quân xanh”, một “quân đỏ”…hì…hì … để nghi binh thôi. Gọi em chắc là có việc cần?
- Cậu chỉ giỏi cái khoản tình…tính…tinh! Cậu biết hôm nay là ngày gì không?
- Ngày thứ bảy… ngày giãn gân, giãn cốt… À, nhớ rồi, ngày em phải đi hớt tóc đó sếp… Hai tháng một lần ... Còn sếp, tháng cạo một lần chứ?
- Tớ hả? Ba tháng… được cái là nhanh, mấy nhỏ hớt tóc, ngoáy tai ,… chỉ lấy nửa tiền thôi! Mà này, đừng lấy cái đầu hói của tớ ra xỏ xiên nhé !
- À, em nào dám! ”Nợ lớp chưa xong đầu đã …hói“. Công lao lớp trưởng không thể nghĩ bàn mà…
- Hè… hè… Thôi, trở lại chuyện nãy tớ nói nhé. Cậu hớt tóc cách đây 2 tháng… đúng không? Để làm gì nhớ không?
- Ô, cái này khỏi cần nghĩ chi cho mệt… Để đi họp mặt Lớp SK6. Đúng không sếp?!
- Đúng rồi, còn hỏi. E hèm… để kỷ niệm… 60 ngày lớp ta hội ngộ tại Bà Nà… tớ thay mặt... tớ yêu cầu cậu phải viết một bài để đời cho lớp và cho cậu nữa…
- Trời đất! Lão Hói ơi, việc này quá sức gánh gồng của em… Cho em khất đi lão…
- Tớ đã nghĩ cả đêm rồi! Lão Cận phải viết thôi! Cấm cãi …! Này, hỏi nhỏ, “quân xanh” ngon mắt không? Chia bớt tớ với…
- Khật… khật …
                                               *  *  *
           
- Ô-la! Sếp đấy hả?
- Ừa, tớ đang nhậu đây! Sao, viết xong chưa? Cái gì? Không biết viết… cái gì… là làm sao...?.
- Đúng vậy sếp. Em vắt óc mãi mà chẳng ló ra chữ nào… À,  hỏi thêm,  em viết văn hay sử ạ?
- Văn là sao mà sử là sao…
- Thì… nếu sếp bảo viết văn thì em phăng bút ký, ký sự, kể cả… lăng quăng ký nữa. Nếu sếp bảo viết sử thì em chơi luôn… biên niên… chép kỹ từng phút một, ghi rõ đến từng sợi…lông, được không ạ?
- Cậu nói sao mà lùng nhùng quá! Nào cụng ly… “zô …zô!“. Ậy, cậu có nghe tớ hít một hơi cạn đáy chứ?
- Có, mùi bia sực cả mũi em đây này…
- Ặc…ặc… lớp ta là SK6… vậy cậu phải chơi cái món… sử mới đã… Biên niên, biên niết gì đó đi …
- OK! Em sẽ… sử… (cái)… ký nhé!
- Ừ… ừ… Này em Thủy… em uống không được nữa… cứ nhấp môi… rồi để anh uống… Nào, vui đi các em… đời cho ta vui thì ta cứ… À, quên mẹ đang nói chuyện với lão Cận. Lão Cận đâu! Còn gì hỏi nữa không?
- Lão Hói này, em viết theo “phong cách” gì ạ?
- Sử… ký mà cũng phải có “phong cách” hở trời!
- Có đấy ạ! Cổ điển, lãng mạn và hiện thực… Sếp khoái loại nào để em chìu…
- Nói rõ hơn được không? Rắc rối quá…
- À … à… nó cũng na ná như cô em nhậu bên sếp. Theo “cổ điển” thì… nút áo cô em cài đến tận cổ; một nút áo chực sắp bung ra thì đang “lãng mạn“ đấy!
- Còn “hiện thực?” À, tớ biết rồi, thôi khỏi nói. Nút áo bung ra hết chứ gi … khè … khè… Mà này, tớ cùng học với cậu mà sao tớ đếch nhớ cái gì... "phong cách" ấy  nhè? Hay là bữa đó… đói quá…tớ chuồn… về cầm đồ… có tiền đi ăn sắn…bỏ buổi học…
- Để em nhớ thử … Chết rồi sếp ơi! Em nhớ rồi! Tại em thôi! Bữa đó … thế quái nào … em lạc vào học với… lớp văn… Bọn văn tóc tai cũng trùm tới ót như bọn sử, em nhận đếch ra…

                                                 * * *                                                              
            - Ô-la! Ô-la…!
- …..!?
- Sếp ơi! Sếp làm gì đó … cho em hỏi …
- E… hèm… Ai gọi anh vậy Thủy… Đưa điện thoại cho anh…A-lô! Lão Cận à! Có việc gì không?
- Báo cáo sếp … em gõ tới hồi thứ 35 rồi.Hồi này có tên là: “Lửa trại tàn rồi,chúng mình nhậu tiếp”.
- Tốt! Tốt lắm! Cứ thế nhé! Tớ đang bận mà …
- Có việc hơi bí, em xin ý kiến chỉ đạo của sếp… em mới dám gõ tiếp…
- Này, có sao viết vậy, không làm sai lệch, không bớt, không bịa …
- Em vẫn biết mà …Có điều… việc này liên đới với mấy thằng không có mặt để nhậu tiếp. Em chưa tra hỏi chúng nó làm gì sau khi tàn lửa trại… Sếp điện đến cháy máy mà chúng nó chẳng thèm ư hữ…
- Vậy mà cũng hỏi. Thì chúng nó ôm vợ ngủ chứ làm gì lúc đó …
- Ờ há! Để em hỏi từng cặp vợ chồng chúng nó cho rõ ràng rồi em đưa vào hồi này nhé!
- Lão Cận ơi là lão Cận! Cậu cạy răng chúng nó cũng không nói đâu …
- Chà khó quá. Thôi em gõ thế này được không: Có 8 thằng không nhậu, về ôm vợ ngủ khì. Lão Hói gọi khản cổ, chúng nó bận lên mây…
- Nhưng lỡ có cặp nào… chơi bài hoặc đọc thơ cho nhau nghe thì sao …
- Em đảm bảo với sếp… không có cặp nào hâm như thế đâu…
- Thôi tùy cậu… làm sao để chúng nó không kiện tớ vu khống, bôi bác là được. Phải cổ điển nhé, nhưng đoạn này cũng pha thêm một chút lãng mạn nhưng không được hiện thực quá đấy! Chờ anh tí nữa cưng. Cái thằng bạn anh bám dai như đỉa … để anh kết thúc nhen. Lão Cận đâu, ừ, cố gắng tối xong không?
- Chuyên nhỏ. Nhưng hồi kết viết như thế nào để biết rằng sếp đã chỉ đạo, đã quan tâm hả sếp?
- Hè… hè…
- Để sếp khỏi chờ lâu, em định gõ thế này: Dù bận trăm công việc. Lão Hói vẫn quan tâm. Chuyện lớn đến chuyện nhỏ…
- … anh cúp máy đây… cúp đây… đừng dỗi nữa… cưng…
- ...!?                                                                        
                                                                                            VĐT

   

                                            

6 nhận xét:

  1. Theo mình hiểu, VĐT muốn mượn chuyện bông phèn để đề cập đến một vấn đề quan trọng trong đời sống hiện nay là cách học sử và cách viết sử của chúng ta có vấn đề. Điểm thi môn sử của học sinh rất thấp. Học sinh không yêu môn lịch sử của dân tộc. Tại sao?
    Mình xin chia sẻ với VĐT qua bài viết của Vương Trí Nhàn mà mình thấy đúng.Bài viết được giới thiệu qua 2 nhận xét:
    Từ đầu thế kỷ 20, một trí thức nổi tiếng là Hoàng Cao Khải trong cuốn Việt sử yếu (viết năm 1914) đã nhận xét rằng bao đời nay, người Việt mình thường tỏ ra thạo sử Trung Quốc hơn sử Việt. Từ các sĩ phu và quan lại, tình hình này lan ra đến đông đảo dân chúng.

    Có thể giải thích hiện tượng này bằng chế độ thi cử ngày xưa. Người ta chỉ cho thi Bắc sử. Và các trường học - dù là chốn Quốc tử giám của triều đình hay lớp học tự phát của một ông đồ nghèo ở một làng quê hoang vắng - đâu đâu người Việt cũng hình dung cuộc đời này qua các trang sử từ đời Trụ Kiệt đến đời Đường Tống...
    Trong khi đó thì bên phần Nam sử, một vài bộ như Toàn thư, Cương mục, Việt sử tiêu án, Lịch triều tạp kỷ... mà ngày nay ta tự hào, thật ra là quá ít ỏi và chưa bao giờ được mang lưu hành rộng rãi và đưa ra giảng dạy.
    Đến thời chúng ta, tình hình lại đi theo một hướng khác, nhưng kết cục vẫn như xưa.
    Những bộ sử thời nay do Nhà nước chỉ đạo biên soạn. Sự định hướng về dân tộc tỏ ra quá mạnh, thậm chí tôi còn muốn nói thẳng là lâu nay chúng ta chẳng chú ý gì đến lịch sử các dân tộc khác, và đó là một nhược điểm, nó hạn chế ngay sự hiểu biết của chúng ta khi muốn quay về nhận diện chính mình.
    Thế nhưng tại sao thanh thiếu niên cũng như nhiều người lớn tuổi vẫn thuộc, và qua phim ảnh, thấy thích sử Tàu hơn sử ta?
    Nhiều người cho rằng sở dĩ như vậy là vì người Trung Quốc có nhiều tiền hơn, làm ra những thước phim mùi mẫn hơn.
    Không, không phải vậy, hoặc lý do chủ yếu không phải vậy...( còn tiếp ở nhận xét thứ hai) (TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái lỗi trước hết là ở chính những cuốn sử đã viết, trong đó hạt nhân là khái niệm sử mà chúng ta đang sử dụng.
      Ở những trang sử Trung Quốc, không chỉ có những ông vua, khi là minh quân khi là bạo chúa chuyên chế, như Càn Long, như Tần Thủy Hoàng, mà còn có Tào Tháo gian hùng, Bao Công hiểu rõ tình đời đen trắng, Kỷ Hiểu Lam chăm chỉ học hành, Bạch Cư Dị sau khi đổi việc quan được dân chúng lưu luyến đưa tiễn... Đủ loại sắc thái nhân văn khác nhau nối tiếp hiện ra trong bộ mặt con người Trung Hoa, được vẽ trong những trang sử ấy. Và đằng sau đó là hình ảnh của cả xã hội trong suốt chiều dài thời gian mà mặc dù chúng ta khi thì căm ghét, khi thì ghê rợn, song bao giờ cũng thấy hấp dẫn, đã biết rồi còn muốn biết nữa.
      Quay trở lại với những gì được viết trong các bộ sử Việt Nam, mà khuôn mặt tiêu biểu thì thấy rõ nhất trong các sách lịch sử đang dùng ở các trường phổ thông và đại học. Đây tôi không nói về những gì đã xảy ra trong đời sống lịch sử ngàn năm của dân tộc, tôi chỉ muốn nói cái nó còn được ghi trong sách vở và truyền tụng giữa các đời.
      Ở những trang sử ta viết cho ta, trên cái nền là một ít sự kiện nghèo nàn, không có những con người mà chỉ có những hình nhân với một vài lời lẽ, hành động đôi khi cũng ấn tượng, nhưng quá nghèo nàn, đơn sơ. Đọc những trang viết khô khan cằn cỗi đó, thật không hình dung ra trong hàng chục thế kỷ qua, cộng đồng chúng ta đã ăn ở, sinh hoạt ra sao, quan hệ với nhau thế nào. Lại càng không thể từ đó rút ra những gợi ý về kiếp làm người của mình hôm nay. Bởi những bài học mà người viết sử gửi kèm chỉ là những kiến thức chính trị nông cạn, hời hợt, đến với người ta theo lối áp đặt gượng gạo.
      Sức phản cảm mà nó gây ra trong lớp trẻ thật ra là điều nhiều người đã thấy từ lâu rồi, chẳng qua tất cả cố tình làm ngơ vì biết rằng vô phương cứu vãn.
      Cái lỗi không phải chỉ là do mấy người soạn sách giáo khoa. Cái lỗi ở đây là của những người làm sử. Và suy đến cùng là sự hạn chế, nếu không muốn nói là nghèo nàn, kém cỏi trong ý thức lịch sử của cả xã hội.
      Vấn đề là ở tư duy lịch sử của người Việt.
      Chúng ta là một cộng đồng mải chinh chiến hơn là xây dựng. Trong quá khứ, chúng ta dành quá ít thời gian và tâm trí để suy nghĩ về chính mình, tìm sự thật về chính mình... Đó không chỉ là tình hình có thật trong cuộc sống của người Việt từ lúc khởi nguyên và kéo dài suốt vài trăm năm gần đây, mà cũng là của thời đương đại.
      Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của chiến tranh và cách mạng, nền sử học vốn rất còi cọc yếu đuối hôm nay chỉ dồn sức vào làm cho được nhiệm vụ trước mắt là giáo dục mọi người sẵn sàng ra trận, chứ sức đâu mà đáp ứng nổi cái nhu cầu tự nhận thức, cũng tức là nhu cầu soi lại quá khứ để xác định tương lai.
      Ngay trong cái phần tốt đẹp nhất của nó, nền sử học mà chúng ta có cho đến hôm nay là một thứ sử học của tồn tại mà không phải là một thứ sử học dành cho một cộng đồng muốn phát triển. Tóm lại là vậy.
      Cái việc lớp trẻ hiện nay từ chối sử học thật ra có một tác dụng tích cực. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới một thứ sử khác, sinh động hơn, có hình ảnh con người nhiều hơn. Nghịch lý cuối cùng chỉ là trong khi những đòi hỏi đã cấp bách lắm rồi, thì những điều kiện cần thiết không biết bao giờ mới hội tụ đủ.

      ( trích từ bài Cần một thứ sử học khác của Vương Trí Nhàn, viết ngày 20/10/2011. Người giới thiệu: TQS)

      Xóa
  2. Chuyện nầy cười lâu chứ không phải cười một chút. VĐT tiếp tục viết. Viết thoải mái. Không có vùng cấm. Chỉ sợ nhất là những anh không dám viết, không bày tỏ chính kiến. Sợ nhất là những anh về hùa, dậu đổ bìm leo, theo đóm ăn tàn. Nghĩ đến câu nói người xưa mà xấu hổ: Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, mặc dù mình chưa phải là trí thức. Không nói, không viết, không thể hiện chính kiến, chỉ có ăn theo nói leo thì suốt đời chỉ có vậy...Rất mong được đọc những bài viết mới của VĐT và các bạn (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Vô phúc! Vô phúc! Họ Sử ta sao lại sinh ra đám con cháu dị hình dị tật thế này. Tổ tông chúng mày trước khi viết sử phải chay tịnh cả tháng để cái tâm nó sáng không vẫn đục hoen ố, sao chúng mày không học lại học thói xu nịnh, lươn lẹo vậy. Viết sử mà còn xin ý kiến chỉ đạo, rồi gái gú rượu bia thì còn gì tâm trí đâu mà viết nữa hả, khi ấy tụi bây chỉ còn lách chứ viết gì nữa. Ôi cứ đà này rồi đến tên húy ngài tổ chúng mày cũng sẽ viết thành Tự Mà Thiến như không. - Trích ghi âm lời cụ tằng tổ họ Sử. đtd

    Trả lờiXóa
  4. Ông nào học sử ra mà gái gú rượu bia thì đuổi hết. Thà không viết còn hơn. Viết kiểu nầy sẽ không yên với đám con cháu sau nầy.(TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu được các bạn khuyến khích ,mình sẽ cố gắng bông phèng nhiều chuyện nữa giữa lão Hói với lão Cận để cười mỉm chi cho vui nhen .Hè ...hè...

      Xóa