11 tháng 9, 2012

Bông phèng một chút về...sử siết .

     Hôm trước, có một vị hỏi mình: Này, bỏ họp thẩm định mấy buổi rồi đấy nhé!
     Mình nói tránh: Bận việc quá! Với lại, tớ có biết đếch gì đâu mà ngồi thẩm với định!
     Vị ấy bảo: Thì ngồi cho... có cũng được. Vắng nhiều vị quá ... Không đảm bảo ...
     Mình ừ hữ cho qua chuyện. Thẩm với định cái nỗi gì chuyện sử siết làng xã. Trang nào cũng xịt đùng đánh đấm, quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện người làng trên giết người xóm dưới, những kể lể của dăm vị từng có mặt thời khói lửa mà trí nhớ leo lét như ngọn đèn sắp tắt. Chứng cứ mơ hồ mà bốc tận mây xanh. Tụi mình cũng có một thời tròn mắt nghe họ phán, cẩn thận ghi ghi, chép chép như nguồn "tư liệu" sống, hết sức quí hiếm (!?). Hề.. hề .. Có nhúm chuyện đó rồi ngồi tán ra, xào xáo, nhào nặn... thành tiểu luận, luận văn... Eo ơi, đó là thời sinh viên tụi mình làm như thế, chẳng qua kiếm đủ điểm rồi quên đi cho phức mắt. Vậy mà bây giờ nơi này, nơi kia đua nhau làm sử, viết sử. Nghe mà hãi. Và ngán đến tận cổ.
    Trong hồi ký của LH có nhắc đến một thầy dạy sử. Đến giờ, riêng mình, mình không nhớ hết bao nhiêu thầy đã từng dạy mình. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là người thầy đầy trí tuệ, uyên bác ấy. Nhưng cao hơn hết là thầy dám nói sự thật. Mà nói đến sử trước hết và sau cùng vẫn là sự thật. Tỉ như, vào ngày 14-15 tháng 7 năm 2012, tại Bà Nà, lớp Sử k6 họp mặt sau 26 năm ra trường... Một "sử gia" trong lớp ngứa nghề muốn viết biên niên. E hèm... để cho sinh động phải chắc lọc đưa vào một số chi tiết thật nhưng cũng "khắc hoạ" nhân vật "lịch sử" chứ, mặc dù có khi đọc tụi mình cười vỡ bụng. Ví dụ, lửa trại vừa tắt, thằng TĐV vội về phòng ôm vợ ngủ; thằng DMV đi hội lớp mà chỉ mặc một áo pun, một quần lửng (không biết có quần xịp không) và một cây dù; thằng MTT tranh thủ ôm eo vợ thằng HVĐ chụp liền mấy pô làm kỷ yếu ... Hê..hê. Bông phèng cho Ngôi nhà chúng ta vui vui một chút để nhớ về cái thời tụi mình học sử nhưng đến giờ chẳng có ai làm cái nghề này. Cái nghề mà nghĩ cho kỹ chẳng dám đụng đến vì đối diện với nó là sự thật. Ai sợ sự thật thì nên chào... em rút lui, chỉ thế thôi! Hè..hè. VĐT
                                                                                 

8 nhận xét:

  1. Mình trích 1 đoạn đã đọc nhưng không nhớ tên tác giả để chia sẻ với TĐV :
    Ghi chép của người yêu sử
    Xu thế của con người là muốn hiểu, muốn biết quá khứ của mình. Con người tìm thấy sự hấp dẫn của Sử khi từ quá khứ nhận ra những mối liên hệ với ngày hôm nay, thấy ngày hôm nay là tiếp nối của ngày hôm qua. Tôi cũng vậy, tôi thích sử bởi tôi thấy các vấn đề xảy ra trong trong lịch sử dân tộc đang đổ bóng vào cuộc sống hàng ngày tôi đang sống.

    Một lần đọc Hà văn Tấn tôi thấy ông trích dẫn một câu khá hay của nhà triết học B. Russel,“ đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại “
    Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339 ),thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.Có điều ông cũng rất giỏi tham lam vơ vét. Khi làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung quốc, ông ra lệnh cho quân không được đội các nón kiểu phương bắc mà phải đội nón của một làng gần đấy gọi là nón ma lôi để phân biệt.Nghe thì có vẻ rất nghiêm !Có biết đâu,trước đó ông đã sai người nhà mua sẵn nón về bán, mỗi chiếc giá đắt gần bằng một tấm vải, nhờ thế cũng có được một “chiến công tưng bừng” trên phương diện kiếm lợi bỏ túi.
    Câu chuyện trên không thấy ghi trong các bộ sử hiện đại, kể cả Việt nam sử lược, tôi chỉ biết được nhờ mấy hôm buồn tình lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đọc. Đến khi tìm lại Đại việt sử ký toàn thư thấy có thêm một chi tiết có sức tố cáo mạnh hơn. Có lần người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn công khai tuyên bố: “ Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ? ”.
    Câu chuyện về Trần Khánh Dư trước tiên mang lại cho tôi một sự an ủi, hoá ra nhiều chuyện đời nay chỉ là phóng chiếu những chuyện đời xưa.
    Về tham nhũng, Đại việt sử ký toàn thư ghi, không phải đến thời vua Lê chúa Trịnh, mà ngay từ đời Lê Nhân Tôn ( sau Lê Thái Tổ và Lê Thái Tôn, trước Lê Thánh Tôn ), tức khi vương triều thịnh trị, đã có hiện tượng “ trên thì tể tướng, dưới thì trăm quan, hối lộ bừa bãi ”.
    Về những dễ dãi trong việc ban quan tước, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi: “ Triều Tây Sơn phong tước quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá. Danh khí tồi đến như thế ! Muốn cho khỏi loạn,có thể được không ?”.

    Chống tham nhũng đang là vấn đề “nóng”. Tôi đọc sử và phát hiện ra trong lịch sử các triều đình xưa đầy rẫy chuyện tham nhũng. Từ đời Lê Thái Tổ trở đi đã có tham nhũng rồi. Một trong những lý do đẻ ra tham nhũng bởi vì lương của quan chức ở ta thời xưa thấp quá, bù lại, triều đình thả ra cho họ tha hồ kiếm chác ở dân. Hay hiện tượng mua quan bán chức cũng sớm phổ biến, thời nào cũng có, từ trong các làng xã ngược mãi lên đến cả triều đình. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số ra đầu 2008, có bài nói về ngoại thương thời chúa Trịnh. Hóa ra bản chất của vấn đề y như bây giờ. Các chúa chỉ tính tới ngoại thương khi yếu quá và muốn lợi dụng khả năng quân sự của nước ngoài để đánh nhau, chứ không phải vì muốn buôn bán gì cả. Lúc thì cấm, lúc thì cho phép, lung tung tuỳ tiện. Những người làm ngoại thương vì xã hội thì ít mà vì chính mình thì nhiều.Các quan chức nghề này thường lợi dụng việc xuống tàu kiểm tra để xin xỏ. Đọc lại tự nhiên thấy cảm ơn các nhà viết sử thời xưa và muốn đi tìm để đọc tiếp.(TQS)


    Trả lờiXóa
  2. Hình như trên đây là bài viết của Vương Trí Nhàn (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Mệt quá các ngài .Chiều hơi rảnh mình lãng đãng một chút cho vui .Bông phèng thôi mà .Làm gì to chuyện vậy. Mình có đọc bài của ông giáo sư này ,ông tiến sĩ nọ đâu mà biết.Gì mà chụp mũ dữ vậy .Ngôi nhà chúng ta có tiếng cười vui,hoặc hóm hoặc bông phèng ,xởi lởi chứ đâu phải lâu đài "khoa học" ,lý luận lý lẹo gì cho cam .Nếu như thế mình xin không dám vào,chỉ đứng ngắm thôi .Nếu không thích ,xin các bạn gõ xuông dùm mình .Cám ơn nhiều .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ê! Ông VĐT ơi, ông lại hờn mát rồi. Như đã nói ở cái còm trước mà S đã đẩy lên ở bài Tâm sự cùng các bạn, tui mở máy, vượt tường vào thì thấy bài ông, thấy thích liền còm luôn mà chưa đọc các bài khác trong đó có bài Phở mắng rất hay của bà TTT và cái còm la tui om sòm của ông S ở bài Quà của lớp... Định Còm nịnh ông vài câu bông phèng như là món phụ họa để ông sướng thêm bù lại lâu ngày không gặp nhưng thấy hứng lên nên viết dai và viết dài, bèn Ctrl + C và đẩy lên trang chính, chỉ để lại mấy chữ như ở còm dưới lúc 23h34 thay cho nội dung đã cắt. Khi ấy tui chưa thấy cái còm này của ông, giờ đọc thấy nên trao đổi thêm. Tui thấy có ai làm to chuyện đâu và sao lại có chụp mũ ở đây. Không biết bạn nào nhạy cảm quá chăng nên trao đổi riêng tư ra sao tui không rõ, chứ tui thấy vấn đề ông nêu nó hay. Chuyện biểu đạt chính kiến riêng tư để anh em biết và chia sẻ nếu thích là chuyện bình thường như con dế mèn phiêu lưu trong khoảng trống nhỏ hẹp của khu vườn SKS. Riêng cái khoản bông phèng theo tui thì đúng là bông phèng vui vẻ, vị nào lại chi ly mổ xẻ cho mệt óc và nặng nề với nhau vậy. Cũng cần có Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế mới ly kỳ hấp dẫn như là kiếm hiệp chứ, chẳng lẽ chúng ta lại cứ thích quy về một mối nhất thống thiên hạ thì còn gì là kiếm hiệp SKS nữa. Khi ấy văn phong bài vở ý tưởng hẳn sẻ là một sản phẩm của lô hàng công nghiệp rẻ tiền và thiếu sức sống, mất bản sắc và thui chột tính sáng tạo. Sẽ buồn và chán lắm. Ông cứ phát huy đi, nhưng chú ý đừng phát hủy là tui luôn OK. Chú ý ở vị trí trung tâm còn có sự hiện diện đầy quyền lực của Trung Thần Thông - Vương Trùng Dương nữa đó nghe. Thân! đtd

      Xóa
    2. Xin lỗi! viết vội nên nhầm đính chính lại là: Bài Nói cùng các bạn của cụ Cửu Soang. đtd

      Xóa
    3. Mình rất thích còm 15h 48 phút của ĐTD. VĐT cứ tiếp tục viết. (TQS)

      Xóa
  4. Ứ ừ ...Mình chẳng hờn mát gì đâu .Các cụ yên tâm đi .Đã bỏ công xây Ngôi nhà, mong các bạn đừng để hoang phế ,lại càng không nên thiêu rụi nó .Cũng có nơi chốn đi về để cuộc đời chúng ta bớt đi vô vị ,nhàm chán .Đơn giản vậy mà ...

    Trả lờiXóa