27 tháng 9, 2012

Hồi kí Chương II

CHƯƠNG II: NHỮNG MỐI QUAN HỆ NẶNG TÌNH NẶNG NGHĨA

"Chí trai há chẳng ở công danh
Chẳng trọng hoàng kim chỉ trọng tình..."
                                                 (Đào Tấn)
      Trên con đường tìm kiếm nguồn tri thức, tôi đã gặp những người thầy thật tuyệt vời. Và mỗi khi nhớ lại, trái tim tôi vẫn bồi hồi như thuở còn đi học. Người thầy đầu tiên là "Thầy Ba Quẹo". Khoảng tháng 7 năm 1970, tôi từ Sài Gòn về sau hơn 1 tháng trị bệnh hen suyển tại một căn nhà gần Cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Bình Thạnh (năm 1991 tôi đã ghé lại thăm và người con cô chủ nhà đã thết tôi một bữa thật tuyệt vời). Ba tôi dẫn tôi lên gặp thầy đang dạy học ở đầu thôn. Lớp học là một căn nhà cũ kỉ. Bàn học là những tấm ván lủng thủng khắp nơi, ghế ngồi là hai cây tre khép lại. Thầy ngồi trên bàn ở trước hiên nhà. Lớp học vỡ lòng, được chia làm hai bộ phận. Một nửa lớp ở trong phòng, nửa còn lại ở ngoài hè. Sau khi ổn định lớp, thầy gọi tên từng người một mang vở lên thầy phóng bài cho (phóng bài tức là thầy trực tiếp viết bài vào vở cho tôi). Xong mang vở ra ngoài sân, ngoài gốc cây ngồi học cho thuộc. Thuộc xong mang vở vào cho thầy kiểm tra rồi phóng bài tiếp theo.

      Ôi nói về chuyện hủ mực và cây bút lá tre, lá bầu. Chúng chẳng tuân theo một kỷ luật nào. Mang nó theo từ nhà đến lớp nó văng tung toé, dính quần dính áo tùm lum. Lớp học hồi đó tôi nhớ khoảng năm sáu chục học trò đủ mọi lứa tuổi, đủ các sắc màu quần áo. Ai có gì mặc lấy. Tôi nhớ nhất là những lần thầy uống rượu say và đến lớp. Thầy nhốt tất cả chúng tôi lại, ai nhanh chân thì thoát nạn. Thật là khủng khiếp, thầy quất túi bụi vào lưng vào đầu chúng tôi, những cậu bé từ 8 đến 11, 12 tuổi. Có những chiều mưa tầm tã cha mẹ chạy tới tìm con vất vả dẫn về. Bình thường thì thầy rất hiền từ. Ôi cái dáng đi của thầy thì khập khiểng làm sao; bàn tay trái của thầy thì co dúm lại, nên có tên là thầy "Ba Quẹo". Tôi và các bạn của mình học chừng hơn một tháng thì đến ngày khai giảng. Xin từ giã những tháng ngày học vỡ lòng.

      Tôi vào lớp 1: "Một sáng mùa thu trời đầy sương..." Ba tôi cầm tay dắt đến trường. Sau khi làm việc với thầy Hiệu trưởng, thầy dắt tay tôi vào lớp 1. Nói chuyện với Thầy Nhị một lúc, tôi được vào lớp và ngồi vào bàn cuối của lớp học. Trường học có 6 phòng. Một phòng làm việc của Hiệu trưởng, 5 phòng còn lại là lớp học. Sau này lấy thêm 2 phòng nữa, tổng cộng là 7 phòng, cấu trúc hình chữ L, nằm ở đầu thôn. Trường được xây bằng gạch và lợp ngói khang trang, dù màu sơn đã ố vàng. Thầy Hiệu trưởng của tôi tên là Đặng Mỹ, quê ở xã Đức Quảng (Đức Nhuận bây giờ). Người dạy lớp 1 là thầy Nhị dáng gầy gầy, thầy mặc bộ đồ bà ba màu đen. Học được 4,5 tháng tôi được chuyển lên lớp 2 vì là học sinh giỏi lúc bấy giờ. Lên lớp 2 tôi lại học cô Thủy, các lớp 4-5 học cô Đào, cô Thu... Các anh lớp lớn có người 19, 20 tuổi vẫn mặc quần đùi, áo màu đủ dạng, vui vẻ tung tăng đến lớp. Cô giáo thì tha thướt, trông rất đẹp và quyến rũ lạ lùng. Tôi đã cảm nhận tình yêu từ dạo ấy, cảm nhận cái đẹp của người phụ nữ trẻ tuổi từ buổi học đầu tiên ở mái trường làng. Đúng như hình ảnh bài hát "Trường làng tôi" của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu mà các bạn đã nghe, đã cảm từ lâu rồi.

      Chiến tranh lan tràn khắp nơi trên quê nội. Gia đình tôi lại tản cư về quê ngoại ở bên kia sông: xã Tư Hòa (ngày nay là xã Nghĩa Hiệp). Tôi vào lớp 3, lớp 4, lớp 5 ở ngôi trường to nhất xã. Trường là một dãy nhà 15, 16 phòng khang trang, có sân bóng chuyền, sân cầu lông. Trước sân, ở giữa là cột cờ cao chót vót. Dọc bờ tường là hàng dương liễu vi vu gió thổi đêm ngày. Hiệu trưởng là thầy Phan Văn Liêm, phu trường là chú Trung. Các thầy cô hiện nay người còn dạy ở trường cũ, có người ra đi hiện sống khắp nơi trên đất nước này. Mỗi lần trở lại trường xưa, tôi vẫn ghé thăm những người thầy cũ năm nào đã ra đi vĩnh viễn không về.

      Một thời tiểu học với biết bao kỉ niệm buồn vui. Mỗi lần nhớ lại là mỗi lần tôi mím chặt môi cho trái tim mình đừng bật khóc. Bao nhiêu hình ảnh tuổi thơ ùa về trong kí ức: "...Tôi trở về thăm trường cũ /... / Thầy đó, trường đây, bạn hữu đâu rồi /... / Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên. Hoa leo phủ phàng đan kín/ ... / Có ai đi thương về trường xưa." Giã từ bậc tiểu học, tôi lên trung học: "Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả, dư âm làm sống lại đời ta...". "Cầm tay bốn mắt thương cảm nỗi sầu..." LH


7 nhận xét:

  1. Ký ức LH thật đầy cảm xúc ,nhiều chi tiết sinh động .Mình cũng vậy,khoảng 7 tuổi học vỡ lòng với thầy dạy tư trường làng .Những người thầy đầu tiên ấy đã ít nhiều tạo nên dấu ấn để mình đi suốt cuộc đời từ nét chữ đến tính cách .Mình học 3 năm thì phải, rồi vào học thẳng lớp 4 trường tiểu học cộng đồng,năm 1974.Lớp học vỡ lòng đơn sơ ,ở gần nhà thầy.Học một buổi,chơi hai buổi,thật sướng quá trời.Quê mình nằm trong vùng "xôi,đậu".Tiếng súng ,tiếng mìn ,đạn cối,đạn pháo,tiếng máy bay trực thăng ,phản lực...cứ xoáy vào lớp học nhỏ bé .Có bữa, trên đường về nhà thấy người chết ghê quá sau tiếng mìn nổ và những loạt đạn rít chối tai lúc nửa buổi .Có lần, thấy một người bị bắt trên đường, rồi một chặp sau nghe mấy phát súng nổ đoàng đoàng.Thế là một người dân trong xóm ra đi .Có sống ở một nơi mà chiến tranh lúc nào cũng hiện ra sờ sờ trước mặt mấy thấy cái khổ ải của người dân và cái khổ của tuổi thơ biết dường nào.Có chăng chỉ có cái việc học là nhẹ nhàng,thoải mái nhưng những gì mình học 3 năm vỡ lòng cơ bản ấy cũng đủ tạm xài đến bây giờ.Mình không xạo đâu .Cảm ơn trang ký ức của LH nhé !

    Trả lờiXóa
  2. Kí ức LH thật xúc động. Mình trông chờ LH đăng tiếp. Rất cảm ơn bạn. Có những lỗi chính tả, mình sẽ sửa giúp cho LH (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Mình xin phép chỉnh sửa mấy lỗi chính tả cùng ca từ bài hát "Trường cũ tình xưa" và "Ba tháng tạ từ" để hoàn thiện hồi ký rất sinh động của LH. đtd

    Trả lờiXóa
  4. Mình có một tuổi thơ tương đồng nhiều nét với LH nên cảm nhận những dòng hồi ức của LH khá sâu sắc. Mong được đọc tiếp và có thể đến ngày nào đó mình cũng chia sẻ hồi ức tuổi thơ với các bạn (TA)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm tới luôn đi TA để bọn mình coi thử tuổi nhí bạn có "dữ dội " không ? Hè...hè..

      Xóa
    2. Hồi ức cũng phải bỏ công đi nhặt lại mới hệ thống được Thọ ơi! Bây giờ thì lu bu công việc quá, chưa thể có thời gian để làm. Hẹn các bạn vậy!(TA)

      Xóa
  5. Nghĩ về những ngày đi học và hiện tại mình đã viết:Nếu biết trước buổi ban đầu nghiệt ngã.Tôi đã van cha tôi đừng cầm tay dắt tới trường.Để bây giờ giữa mùa Đông và nắng Hạ .Nào có đâu vây bủa mọi cung đường.Nếu biết trước trăm sông về với bể .Thì có đâu tên gọi Kỳ Cùng.Nếu biết trước chia tay là suối lệ.Tôi tạ từ tham dự cuộc vui chung.Giờ đã biết tuổi thơ buồn trốn biệt .Và xuân xưa đi mãi mãi không về.Tôi níu gọi tuổi xuân thì tha thiết.Những bình minh lịm chết phía bên lề .Tặng TQ Mỹ Khê bài thơ thơ của Po6ris Paternet (giải Nobel).
    .. Tôi vươn lên
    . Tôi vươn lên từ cái ban đầu.


    Như thường lệ tôi đâu có biết
    Máu câu thơ có thể làm chết
    Nó bóp cổ anh và nó giết anh.

    Nếu biết trước bao nhiêu hoàn cảnh
    Tôi sẽ không đùa cợt bao giờ
    Cái bắt đầu đầy cả ngây thơ

    Huyên
    Ý nghĩa bài thơ lúc đầu e lệ

    Khi trái tim sáng tạo câu thơ
    Như giải thoát một người nô lệ
    Và nghệ thuật hoàn thành như thế
    Và cuối cùng là số phận chờ anh

    Trả lờiXóa