6 tháng 9, 2012

Đọc chuyện LH (tiếp theo)


Biết bao thánh nhân tiền bối- những con người tiên phong trong bão táp báo hiệu một thời đại mới. Biết ơn Dante vĩ đại, L.Tônstoi kì vĩ, Dostoievski tài ba, Ban Dăc thật thà là “người thư ký trung thành” của thời đại mình, W.Sêchspia trữ tình và thơ mộng với hàng trăm vở kịch, hàng trăm bản sône bất tử:
“Vâng cho đến ngày cuối cùng phán xử
Những cung điện nguy nga, những đền đài tráng lệ
Không sống nổi bằng một bài sône anh viết về em”
Với “Giấc mộng đêm hè”, “Người lái buôn thành Vecnơ ”…mãi mãi là bài ca của lòng nhân nghĩa và tình yêu cuộc sống.
Những hỏa diệm sơn tư tưởng và những dòng thác tình cảm. Triết học và thi ca là những đỉnh núi và những dòng sông muôn đời quấn quít bên nhau trên đó có hương thơm của hàng trăm loài hoa, tiếng hát của hàng trăm loài chim… mãi mãi vang vọng trong tim ta những bài ca kì diệu của cuộc sống - quà tặng của con người trao cho con người để tăng thêm hiểu biết, kính trọng lẫn nhau…trên lối về hạnh phúc.
Riêng tôi, tôi kính cẩn nghiêng mình trước những “kim tự tháp sống” ấy và thầm biết ơn những con người đã xây nên những kì công bất tử. Trên nấm mồ của họ luôn rủ xuống những dòng lệ nóng hổi của chúng tôi.
Với năm học này, cuộc sống của chúng tôi ngày càng đi vào nề nếp trật tự. Những nhung nhớ cũng vơi dần để dành thời gian cho học tập. Nếu lên lớp buổi sáng thì buổi chiều tôi đi thư viện và ngược lại. Ấy là chưa kể ban đêm trời mát tôi thường đến thư viện học tập, đọc sách, đọc báo.
Từ thiên đường lãng mạn tôi lần lượt hạ cánh xuống phi trường hiện thực.
Ngoài những giờ học chúng tôi thường đi chơi với nhau hoặc ngồi bên ấm trà. Thỉnh thoảng đi uống rượu. Nhất là quán Kho Rèn, chúng tôi thường đến đó vì bà chủ bán tương đối rẻ hơn  các nơi khác. Nếu có tiền khá hơn thì xuống quán Cây Dừa, Mệ Cợ ở đường Võ Thị Sáu…Tôi vẫn giữ được nề nếp đi thư viện. Ăn cơm chiều hoặc tối xong, lấy cặp bỏ sách vở vào, ung dung ra phố. Có những buổi trưa về bụng đói cồn cào, tôi nhẩm bước cho quên đi mùi thơm của  thịt rán bày trên giá ở những quán dọc đường. Bởi vì, mỗi lần nhận tiền của Mẹ, anh hoặc người yêu gởi cho, tôi đều trích hai phần ba mua sách , một phần ba còn lại mới chi tiêu ăn uống. Thế là nhịn, đành ăn sách trừ cơm vậy.
Càng học càng ngẫm lời khuyên của C.Mác thật thắm thiết và cụ thể biết chừng nào: “Đối với khoa học không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả. Chỉ có những ai không sợ chồn chân mỏi gối leo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học mới hi vọng đạt đến những đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi”
Dù khoa học của tôi là sử học, nhưng tôi vẫn đọc văn học, luật học…để mở rộng hiểu biết để thỏa  mãn những ham muốn của mình. Một học kỳ với tám môn. Cuối cùng vẫn đạt học sinh tiên tiến. Cánh đồng tri thức quả là mênh mông vô tận.
Một mùa đông thứ hai trôi qua trên đất Thần Kinh. Chàng học trò xứ Quảng vẫn nện gót trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi…vẫn lên giảng đường với màu áo sinh viên. Cảm ơn Giang Nam khi nhà thơ viết “chế độ cho tôi đôi cánh chim bằng”. Nhưng đấy là thơ còn hiện thực, tôi vẫn đi bằng đôi chân của chính mình ,vẫn suy nghĩ qua mỗi chặng đường đi tới:
Có ai đếm bước mình không nhỉ
Nghìn dặm đường qua biết mấy năm?
Dẫu biết rằng, suy nghĩ nhiều chóng già ( ngạn ngữ Nga) nhưng Dercart thì có lí hơn “Je pensé done je suis” ( mình dịch thử có trúng không: Tôi suy nghĩ tôi tồn tại-TQS ) dù mệnh đề này xét về triết học là duy tâm nhưng góc độ xã hội thì xem ra cũng có ích. Bởi vì chừng nào con người còn thờ ơ với cuộc sống thì chừng đó họ chỉ là một sinh vật, một thân cây mục không hơn . Mình lại suy ngẫm về Nguyễn Trãi – về những ngày theo đuổi “công danh” bằng khoa cử thời bấy giờ. Người thanh niên ấy đã vượt lên trên những nho sĩ đương thời với những ước mơ suy tư về đất nước con người…mà mỗi lần nhớ đến ông ta không khỏi bùi ngùi day dứt. Càng thấm  nỗi đau kêu trời không thấu của vụ án Lệ Chi Viên càng cảm phục một thiên tài trên con đường  mưu cầu ích nước lợi dân:
“Một thân lẫn quẩn đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia” (Ngôn Chí).
Mỗi lần nghĩ về ông, nghĩ về con người và xã hội lúc bấy giờ là mỗi lần tôi rùng mình ớn lạnh. Tôi lại thấy thần Visnu xuất hiện:
“Làm sao quên được Lệ Chi Viên
Ngục tối thân ông nặng xích xiềng
Xưa là công thần nay “siểm nịnh”(!)
Trách trời sao khéo vơ quàng xiên”.
Nhớ Nguyễn Trãi vô tình gặp F.Hêghen khi ông nói “Bản chất con người là thiện nhưng người ta quên một chân lí vĩ đại hơn, bản chất con người là ác”. Từ đông- tây với  lời lẽ của những con người uyên bác tôi  tìm về với triết lý thâm trầm của người thường dân “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Biết nói thế nào được, chừng nào còn bất bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, chừng nào còn “lãnh chúa” và “nông nô”, chừng nào còn “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, đồng tiền hơn mọi giá trị nhân phẩm của con người thì chừng ấy còn phải tranh giành chém giết. Chừng nào con người không được hưởng quyền lợi ngang với công sức của mình bỏ ra, chừng nào giá trị chân chính của con người bị xúc phạm thì chừng ấy vẫn còn mâu thuẫn. Và như Tô mác đã nói ở Pháp thời bấy giờ “người với người là chó sói”.
Hiện thực ngày nay đã khác, đâu phải qua đoạn đường lửa bỏng, cuộc đời ta bỗng chốc hóa thiên đường. Hiện thực đã chỉ ra rằng chỉ có một xã hội nhân văn mới đủ sức hàn gắn và xây đắp một tình người bền chặt. Tuy mây đen nhưng trời sẽ sáng.
Nếu như ở phương Tây thời cổ đại người ta chôn sống hàng trăm người trong nấm mộ thì ở phương Đông- Việt Nam thời kỳ này có N A xâu những đầu lâu của dòng họ Tây Sơn bằng những dây xích to đùng . Có một cô Tấm muối đầu cô Cám gởi về cho Mẹ. Đấy, cái man rợ một thời của con người và còn bao nhiêu âm mưu thủ đoạn nữa? Dù sao chúng ta vẫn tin tưởng và hi vọng vào ngày mai.
Huế mùa đông thật ảm đạm. Cây cối rủ xuống những làn mưa như dao chém. Màu áo mới hôm nào của những cô gái khoe màu cuối mùa phượng vĩ bây giờ được thay bằng những áo đi mưa thẫm màu thoạt nhìn như những hàng cây di động. Riêng hàng xà cừ vẫn bốn mùa xanh lá phủ sân trường. Càng về cuối mùa những cơn mưa càng mạnh tưởng chừng như những phiến đá trời ném xuống trần gian cho hả giận. Những con nước cuồn cuộn về xuôi. Hương Giang không buồn trôi chậm rãi. Con nước đã cuốn phăng rác rến dọc triền sông và trên mặt đất đổ về đại dương rồi lắng xuống biển sâu.
Mùa đông trôi qua, mỗi ngày trời lại sáng. Học kì sắp xong mùa thi cũng qua. Chúng tôi lại trở về quê nhà. Mỗi lần chia tay là mỗi lần như đàn chim vỡ tổ. Chúng tôi nắm tay hẹn hò chúc tụng nhau.
Sáu tuần ngắn ngủi thú vị  qua nhanh. Mỗi lần gặp lại nhau chúng tôi thấy mỗi người đều trẻ khỏe hẳn ra. Phải chăng hương đồng gió nội đã ướp vào da thịt những chàng trai cô gái tuổi thanh xuân, tôn thêm vẻ hồng hào hấp dẫn của họ?
Riêng tôi ngoài niềm vui chung, mỗi lần về quê là mỗi lần bồi hồi xao xuyến. Mỗi lần xe chạy qua cầu Trà Khúc tôi lại thấy dòng sông xanh quê hương, bãi cát trắng mịn màng long lanh dưới ánh mặt trời. Dòng sông Vệ thân quen với những chiều đón xe ra trường cũ. Với chiếc va vi tôi lững thững về nhà. Những hàng cây, bãi mía lại bày ra trước mặt vẻ đẹp tinh khôi mới mẻ. Chợ Huyện chiều nay làm gì đông thế nhỉ? Tôi tò mò nhìn vào. Cá ơi là cá. Núi Long Phụng vẫn hiên ngang rẽ gió bay vào vũ trụ dù “bàn chân Cao Biền” một thời còn lưu dấu.
Và biển…
Quê hương là bài ca kì diệu nhất trong những bài ca kì diệu. Sô panh, Bettovel, Gôganh... dù tài ba cũng không tài nào sáng tác những bài ca, phong cảnh trữ tình bằng chính quê hương. Chỉ có thể nói “Trời” còn xanh hơn cả trời xanh”( Viễn Phương). Dù anh có hiểu chỗ lõm chỗ lồi trên bề mặt trăng sao nhưng với quê hương làm sao anh hiểu hết? Làm sao anh tính được mỗi bông lúa vàng rộm kia đã kết tinh bao nhiêu mồ hôi công sức của con người? Làm sao anh tính được bao nhiêu đêm thức khuya dậy sớm? Làm sao anh hiểu được tâm trạng của người nông dân khi bội thu hay lúc mất mùa?...Làm sao anh biết được một căn nhà mới mọc lên tốn bao nhiêu năm dài dành dụm, tích lũy của người mẹ hiền và sự gom góp của đàn em thơ dại?
Không thể nhìn quê hương bằng những ống kính điện tử trăm màu. Không thể chiêm nghiệm quê hương bằng những ý niệm cao siêu. Không thể hiểu quê hương bằng con tim băng giá. Không thể biết quê hương như một khách qua đường. Lại càng không thể dùng những máy tính hiện đại để đo những đêm dài thao thức của người nông dân trước mỗi vụ  mùa trong quá trình lao động.
Các ngài “trí thức giả”, những “ kẻ ngồi mát ăn bát vàng”, “con ông cháu cha”; những người chỉ biết hưởng thụ…xin đừng cau mày khi thấy bát gạo chưa ngon, mớ rau khô héo…Các ngài làm sao hiểu được cảnh:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần”
Biết ơn Nguyễn Trãi khi nhà thơ đã viết:
“Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”
Và càng biết ơn Đào Tấn khi Người nói:
“Chí trai há chẳng ở công danh
Chẳng trọng hoàng kim, chỉ trọng tình
Một bát cơm bưng, muôn thưở nhớ
Một lời bất quá bốn năm thanh”
Có sống với quê hương mới hiểu được quê hương. Có thao thức…mới hiểu được con người. Từ đó góp phần làm cho quê hương giàu đẹp và  làm cho con người trở nên nhân đạo, vị tha hơn.
Lại tạm biệt quê hương, tạm biệt gia đình, tạm biệt hàng dừa xanh trước ngõ; lòng bồi hồi khi sắp sửa dời chân. Lại đốt những nén hương lên bàn thờ Ba, lên áng thờ Ông Bà. Tạm biệt Mẹ. Tôi lên đường với chiếc va li cũ kĩ năm nào, trở lại Cố đô trở lại thị thành. Tạm biệt núi Ấn sông Trà trở lại sông Hương núi Ngự. Tiếp tục con đường nhỏ bé gập ghềnh để tích lũy tri thức, tu dưỡng rèn luyện bản thân. Tạm biệt xứ Quảng thân yêu!
Một chiều mùa xuân tôi lại ung dung trên lối về cư xá. Mùa xuân như một ngày hội và ở đâu bao giờ cũng tuyệt đẹp. Lại nhớ bếp lửa và ánh đèn khi nhìn những bóng điện rực rỡ sắc màu giữa phố đêm. Xa rồi tiếng côn trùng đồng nội khi (thong thả ngồi trong quán trà) lắng nghe tiếng nhạc thính phòng. Mùa đông đã tắm gội những hàng cây mái nhà sạch sẽ. Cung An Định lại vào mùa vũ hội. Những đôi trai gái dìu nhau trên sàn nhảy. Tiếng nhạc bổng trầm theo nhịp bước du dương. Nhà thờ An Cựu vẫn uy nghiêm , lộng lẫy. Chúa vẫn lặng im cùng sương giá! Cổng trường lại mở, chúng tôi trở lại phòng mình. Vẫn chiếc giường hai tầng quen thuộc, vẫn những chiếc rương chất đầy sách vở. Học kỳ hai  bắt đầu.
Như thường lệ, đầu học kỳ hai chúng tôi đi thực tập. Năm nay, giã từ khảo cổ trở về dân tộc. Chúng tôi lên A lưới, một huyện miền Tây Bình Trị Thiên giáp Lào. Chiếc xe khách lại đưa chúng tôi ra Đông Hà, rẽ đường Lam Sơn 719, chuyển qua hệ thống đường Hồ Chí Minh. Đây rồi “chiều A So gió núi lên cao”. Mắt lại nhìn và da thịt lại cảm nhận một miền đất mới lọt thỏm giữa lòng Trường Sơn. Xuân đã về nhưng khí hậu ở đây rất lạnh. Những ngày đầu chúng tôi ở lại Nhà khách huyện ủy. Sau đó chúng tôi chia ra bốn nhóm về các xã.
Đoàn chúng tôi gồm 4 người về một xã xa nhất: A Đớt. Một sáng mùa xuân chúng tôi được đồng chí huyện ủy viên dẫn lên một chiếc xe con xuôi về phương Nam trên quốc lộ 14 (một nhánh của đường T.S). Đến trưa xe dừng lại ở nhà của các anh giáo viên miền núi. Chúng tôi nghỉ tạm và ăn trưa ở nhà bác Bí thư xã. Xong xuôi đồng chí Thường vụ huyện dẫn chúng tôi đến nhà chú CôSưa, một y tá của xã. Một căn nhà ngói xinh xắn, sàn nhà lát bằng xi măng sạch sẽ. Bốn chúng tôi ngủ chung một giường rộng rãi. Buổi chiều, đoàn làm việc với Đảng ủy, Ủy ban. Ngày hôm sau bắt tay vào việc, mỗi người nghiên cứu một chuyên đề hẹp.
Chuyên đề của tôi là Hôn nhân và gia đình người dân tộc Tà Ôi.
Đây là lần đầu chúng tôi tiếp xúc với người dân tộc Tà Ôi với tư cách là “những nhà khoa học”. Công việc khó khăn nhất là sự giao tiếp. Sự bất đồng ngôn ngữ gây khó khăn trong công việc thăm hỏi dân tộc học. Được Ủy ban đồng ý, anh Sáu vừa làm người dẫn đường vừa làm người phiên dịch cho chúng tôi.
Lần đầu tiên đến với Trường Sơn (tương đối lâu), một cảm giác buồn nhưng vô cùng thú vị.
Mỗi buổi sáng chúng tôi lại ngồi đợi mặt trời lên sưởi ấm. Những làn sương mờ sau một đêm phủ trên đồi xanh trùng điệp lại cuốn lên nhẹ nhàng thanh thoát trở về trời. Thung lũng A So xanh mướt một màu cỏ dại.
Chủ nhà là một người khôn ngoan và lịch thiệp. Mỗi ngày chúng tôi được ăn ba bữa cơm nếp với rau rừng ngon lành. Riêng tôi, được các bạn ủy nhiệm mỗi chiều được ngồi uống rượu với chủ nhà. Trong hơn một tháng ở Trường Sơn, hầu như chiều nào tôi cũng được vinh dự ấy. Qua nhiều lần tiếp xúc, ấn tượng về sự “man di” không còn chỗ đứng trong suy nghĩ của tôi  nữa. Các dân tộc ít người nói chung là lạc hậu nhưng xét về từng mặt cụ thể có những cái họ văn minh hơn chúng ta nhiều.
Theo bước chân người dẫn đường, chúng tôi đến hầu hết các thôn các tập đoàn sản xuất trong xã. Một hôm, bà con ở thôn B nghe đoàn nghiên cứu của trường Đại học Tổng hợp đến, họ để dành một đùi con mang bắn được. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn thịt mang. Thực ra họ cũng chẳng hiểu công việc của chúng tôi là mấy dù đã được giải thích nhiều lần. Họ đinh ninh rằng chúng tôi là đoàn cán bộ trung ương về tìm hiểu đời sống, tâm tư…dân tộc. Đi đến đâu chúng tôi cũng được tiếp đón thân mật trang trọng. Lại phải làm quen với những cầu thang, những ngôi nhà sàn. Người dân ở đây ăn gì chúng tôi ăn nấy. Khi thì cơm với rau, khi thì cơm với thịt rượu. Họ đã giành những bữa cơm ngon, chỗ nằm tươm tất cho chúng tôi.
 Thời tiết mùa hè ở đây rất nóng nhưng phải cố vượt qua:
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.
Điều đó đúng hay sai còn phải suy nghĩ tiếp. Nhưng Trường Sơn thật là kì diệu, hùng vĩ và bí hiểm. “Tấm bia ngửa mặt nhìn trời” như Thép Mới đã viết – muôn thuở vẫn nguyên sơ. Núi đồi vẫn một màu xanh biếc. Núi tiếp núi, thung lũng, mây, gió và cây cối ở đây là bạn lòng tri kỉ của nhau.

( Bây giờ là 17h50. Mình còn đang ở cơ quan và vừa đánh máy xong một số trang của HK LH.Xin giới thiệu cùng các bạn. Mình sẽ cố gắng post toàn bộ HK trước ngày ĐVH và TTM đến nhà LH vào chủ nhật đến.TQS)


1 nhận xét:

  1. Các bạn đọc hồi ký nhưng cũng đừgn quên quay lại "Danh sách đóng góp..." nhé, mới cập nhật đó. Kế hoạch của chúng ta 100% là thực hiện trọn vẹn rồi. [h]

    Trả lờiXóa