7 tháng 9, 2012

Đọc chuyện LH (tiếp theo)

  (HK có 33 trang. Mình đã post hai lần 17 trang. Còn 16 trang sẽ post hai lần nữa. Chiều nay xin giới thiệu 8 trang. Ngày mai sẽ giới thiệu 8 trang cuối cùng. Rất cảm ơn các bạn đã đọc và chia sẻ - TQS).

Mỗi sáng người dân lên nương trong làn sương lan tỏa các lối đi như bức rèm được kéo lên theo ánh ban mai. Cảm giác buổi sáng mùa xuân của Trường Sơn thật là tuyệt diệu. Sau mỗi đêm tình nồng đượm với cỏ cây những làn sương mỏng thắm lại quyện cùng mây khói trở về trời.
Chiều Trường Sơn sao mà đáng nhớ đến thế. Những chiếc gùi đầy khoai sắn theo sơn nhân trở về ngôi nhà sàn ấm áp. Những bếp lửa tỏa hồng bập bùng. Ôi bếp lửa Trường Sơn bếp lửa hoang sơ bếp lửa kì diệu và thiêng liêng.
Sự sống vẫn âm thầm nảy sinh dưới những tán lá rừng dưới những gian nhà sàn ẩn dưới rừng cây.
Với đề tài đã chọn “Hôn nhân - gia đình người Tà ôi”, tôi có dịp chứng kiến những đồ trang sức quý: vòng tai, vòng tay bằng bạc, vòng cổ bằng đá quý long lanh sắc màu. Những tục lệ cưới xin mang màu sắc dân tộc đậm đà.
Hôn nhân - gia đình mãi mãi là chiếc nôi của sự sống là cội nguồn của sự sinh sôi nảy nở.
Cách nơi ở chúng tôi về phía tây chừng vài km là quốc gia của đền đài tráng lệ quốc gia của những vũ hội dân gian:
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Trường Sơn! Một lần đã đi và một lần đã đến…và duyên nợ vẫn còn.
Lần thứ hai chúng tôi cùng nhau đi xe “Hải Âu” của trường đại học đến viếng “Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn”. Dọc đường Hồ Chí Minh có những chiếc cầu treo xinh xắn được xây dựng trong những năm chống Mỹ cứu nước. Đây là kì công của những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
10.000 người đã yên nghỉ bên những hàng thông. Những dãy mộ thẳng tắp với những hàng bia trắng còn gợi mãi trong ta một thời oanh liệt.
Các anh nằm đó bình yên và thanh thản như người lính đã làm tròn trách nhiệm. Những thế hệ đến sau mãi mãi biết ơn những con người nằm xuống ở nơi đây. Những cái chết đã làm nên sự sống.
Lại tạm biệt Trường Sơn, trở về Vĩnh Linh- lũy thép kiên cường:
“Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”
             (Vĩnh Linh một chiều thu xưa).
Tạm biệt Trường Sơn. Tạm biệt “chiều A So gió mới lên cao” chúng tôi nghiêng mình trước tượng đài “Tổ quốc ghi công” hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng nằm xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
“Rién ne pas précieu endependance et liberte” (Không có gì quý hơn độc lập tự do)
Trên con đường Hồ Chí Minh này lớp lớp những chàng trai cô gái ngày hôm qua đã đến đây vì lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã dâng toàn bộ tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đối với lớp cha anh của chúng tôi “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Có cái chết hóa thành sự sống có ích hơn sự sống.
Trường Sơn! Những năm dài khủng khiếp và ác liệt dưới những trận mưa bom mang tính  hủy diệt của tên đế quốc giàu có nhất. Những con người “gan sắt dạ vàng” đã làm nên sự sống. Lịch sử quả là khắc nghiệt khi đặt cả dân tộc trước sự lựa chọn duy nhất: sống hay chết. Và tự bản thân nó đã sinh ra những anh hùng , chính họ đã góp phần to lớn làm rạng rỡ non sông gấm vóc Việt Nam.
Trên con đường lịch sử này Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Bùi Đức Ái… đã đi qua. Các anh đã gởi tặng cho đời những bài ca anh hùng. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh. Những con người khát khao hạnh phúc và đã chiến đấu quên mình cho hạnh phúc của nhân dân.
Không thể nào quên âm vang Trường Sơn.
Biết ơn Gớt khi người nói “mọi lý thuyết đều màu xám chỉ có cây đời là vĩnh viễn xanh tươi” và lịch sử không phải là những bài học khô như đá. Chúng tôi cảm nhận lịch sử bằng tất cả giác quan của mình, bằng trí tuệ của một dân tộc đã kết tinh thành những tiêu điểm anh hùng. Ở đó giữa cao cả và thấp hèn chỉ cách nhau gang tấc. Nói một cách đúng hơn, ở đó - những Cồn Tiên - Dốc Miếu - Vĩnh Linh…không có chỗ đứng cho những kẻ thấp hèn và phản phúc. Chính nơi đây sự quả cảm của lòng trung thành của lòng cao cả…ngự trị.
Vĩnh Mốc: “biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”…
Sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5.8.1964 báo hiệu cuộc chiến tranh lan ra miền Bắc. Cả nước là chiến trường chống Mỹ.
Vĩnh Mốc là tiêu điểm của cuộc chiến tranh cách mạng là nơi hội tụ của tấm lòng nhân ái và sự chịu đựng vô song của con người, nơi phơi bày sự hủy diệt tàn bạo, nơi hàng ngày chứng kiến sự đánh trả ác liệt của nhân dân ta đối với giặc lái Hoa Kỳ, nơi thể hiện lòng can đảm kì diệu của con người dưới lòng đất và sự run sợ của những kẻ bay trên trời.
Những “Thần sấm” “Con ma”- niềm tự hào của tư bản Mỹ - “anh hùng” của bầu trời - niềm kiêu hãnh và thần tượng của phụ nữ Mỹ đã thảm hại khi rơi xuống mặt đất và lặng lẽ cúi đầu vào “khách sạn Hin –tơn”.
Thần tượng một khi bị hạ bệ thì thảm hại biết chừng nào! Lũy thép Củ Chi, địa đạo Vĩnh Mốc là bài ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Khi chiếc xe “Hải Âu” đưa chúng tôi về đây vào một chiều mùa thu  thì sự sống nơi đây đã bắt đầu trỗi dậy. Trong niềm vui không kể xiết tôi thấy trong mắt mẹ vẫn còn ẩn chứa nỗi đau to lớn và lòng căm thù giặc khi nhìn quê hương trơ trụi dưới bom đạn giặc thù.
Hàng dừa lại được trồng lên trên mảnh đất tưởng chừng như không còn sự sống rồi ra hoa kết trái. Dưới bàn tay kì diệu của con người sự sống lại mọc lên với nhiều hứa hẹn.
Các bác Bí thư, Chủ tịch xã và những trai làng quen đánh Mỹ năm xưa hôm nay lại run run tay cầm bó đuốc dẫn chúng tôi vào thăm địa đạo.
Ba quả đồi cao bị giặc Mỹ đánh bạt ngày đêm. Quyết tâm vượt qua thử thách ác liệt, tranh thủ từng giây từng phút, nhân dân Vĩnh Linh đã làm nên địa đạo nầy. Dưới lòng đất sâu thẳm của ba quả đồi này, người dân đã đào hơn 10 km đường hầm, chia làm 3 tầng rõ rệt. Mười ngách ra vào nối liền 3 tầng địa đạo bởi căn nhà trung tâm ở giữa lòng một quả núi. Nơi đây là trung tâm chỉ huy những trận đánh giặc lái Mỹ cũng là nơi tổ chức, duy trì cuộc sống của nhân dân toàn xã Vĩnh Mốc, nơi nhận những nguồn hàng chi viện của miền Bắc đưa vào; 10 km địa đạo  được chắn bởi những đòn tre chắc chắn để tránh những chấn động mạnh do bom đạn Mỹ ném xuống.
Phía trước địa đạo nhìn ra một vùng biển kín, cách đảo Cồn Cỏ chừng 30 km về phía đông.
Vĩnh Mốc nói riêng, Vĩnh Linh nói chung là cầu giao nối liền hậu phương lớn và tiền tuyến lớn bằng đường thủy. Vĩnh Mốc là một trong những tiêu điểm hội tụ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nơi mà giặc Mỹ trút xuống hàng triệu tấn bom đạn để hủy diệt sự sống trên mặt đất. Bằng sự chịu đựng vô song và trí thông minh tuyệt vời , người dân Vĩnh Mốc vẫn làm nên cuộc sống dịu kì. Theo lời kể của bác Bí thư xã, trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, trong địa đạo nhân dân vẫn sống và sinh hoạt bình thường…Những cháu bé vẫn ra đời bình thường…
Đó là một chiến công kì diệu.
Sau khi tham quan địa đạo chúng tôi đều nhận xét rằng đây là một trong những kim tự tháp của Việt Nam trong thế kỉ 20.
Khi đoàn chúng tôi về Vĩnh Mốc cuộc sống đã hồi sinh. Những hàng dừa xanh mơn đã bắt đầu đơm hoa, các loại cây trồng trong vườn đã đâm chồi nẩy lộc. Đàn em thơ vây quanh chúng tôi. Những mẹ già vui mừng khôn xiết trìu mến nhìn chúng tôi rồi ngắm lại quê hương mình. Trong đôi mắt hiền hậu thâm quầng kia vẫn còn lóe lên những tia sáng căm thù đối với bọn cướp nước khiến cho tôi phải thốt lên:
“ Hỡi người Mẹ tuổi già nghiêng bóng xế
Chiều Vĩnh Linh rực cháy lửa căm hờn”
“ Những người vợ vẫn vẹn tình chung thủy
Những người yêu vẫn giữ trọn lời thề”
Chiều buông xuống chúng tôi lên đường trở lại cố đô. Tạm biệt Vĩnh Linh anh hùng! Tạm biệt “kì quan của thế kỉ 20”! Tạm biệt những con người kì diệu! Tạm biệt mảnh đất rực lửa anh hùng hôm nay đã xanh màu sự sống! Chiếc xe Hải Âu lại một lần nữa đưa chúng tôi trở về trường.
Lại những ngày trăn trở, tìm tòi những câu trả lời, những lời giải đáp…về sức chịu đựng của con người, về sự căm thù và tấm lòng nhân ái, về sự sống và cái chết… Biết ơn  Dostoievski khi đại văn hào nói “ý thức là nguyên nhân độc nhất của mọi sự đau khổ” của sự sống trên cõi đời nầy.
Những ngày đi thực tập tham quan qua đi, năm học thứ hai kết thúc tốt đẹp. Một lần nữa chuẩn bị tạm biệt mái trường, tạm biệt thầy cô và bè bạn thân yêu, tạm biệt những quán cà phê và những lần gặp gỡ…
Quê hương là bài ca bất hủ. Xin hẹn Người trong một thiên tùy bút khác. Ở đây quê hương là những giây phút êm đềm. Căn nhà ấm áp với những bữa cơm ngon do bàn tay người mẹ già,  người chị thương mến nấu cho, thật là hạnh phúc biết bao.
Hạnh phúc biết bao khi đêm về, cả nhà quây quanh ánh đèn dầu tỏa sáng, những bát canh bốc khói, những đĩa cá, đĩa rau…Những câu chuyện về làng xóm thân yêu, về công việc đồng áng, niềm vui và nỗi buồn của người nông dân là những bài ca đằm thắm tình người thể hiện mối quan hệ huyết thống và láng giềng tốt đẹp.
Tuổi thơ và những năm tháng kì diệu của tuổi thơ. Tiếng chim hót líu lo trên hàng dừa, trên hàng cau xanh biếc… Mẹ hiền vẫn một mình vò vỏ ở quê hương. Ôi quê hương những con đường xanh ngát hôm nay, một thời như hành nhân hoang phế. Những con đường máu chảy đầu rơi của những năm tháng trước năm 1975. Các anh: những người chiến thắng và những người chiến bại trong một chung cục đều trở về với đất. Người mẹ cùng một lúc khóc cho hai người con nằm xuống. Các anh lại trở về quê hương muôn thuở:
“ Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên…
Đất ôm anh đưa về cội nguồn” .
Ngoài chiếc nôi của tuổi thơ, quê hương là chiếc nôi của tình yêu. Em đã đến như ánh nắng mai, như làn gió sớm, một chiều xuân.
Em không phấn son kiểu cách mà vẫn hiện ra những đường nét gợi hình gợi ảnh tuyệt vời. Đôi mắt biếc thơ buồn như nhìn vào cõi xa xăm đôi lúc vụt sáng lên như cố tìm lại thời gian đã mất. Em, sự hóa thân kì diệu của Eva. Anh, hành nhân trên sa mạc đang tìm kiếm lối về miền đất hứa Giesusalem. Em- hiện thân của Đức Mẹ đồng trinh kiều diễm trong bộ áo choàng len. Anh- một con chiên của Giê su. Một chàng trai đang miệt mài kinh sử:
“ Một thân lẩn quẩn đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia”.
Biết ơn Nguyễn Trãi và tuổi thanh niên kì diệu của đời ông. Một vĩ nhân đã gặp quá nhiều bất hạnh. Bản án bi thảm của ông và dòng họ ông đã phản ảnh một triều đại sắp bước vào buổi xế tàn, sắp bước vào giờ chung cụộc.
Có những cái chết còn hơn trăm lần sự sống; buổi ra đi quí hóa hơn lúc trở về, dẫu rằng “ai có thích gì đi mãi mãi” phải không nhà thơ Xuân Diệu? Còn Valentina thì sao, “dù có mất cả cuộc đời cũng phải trở về”. Valentina đã trở thành bất tử khi bút chạm vào giấy. Với “Gaxep 33” chị đã trở về với nhân loại cho đến ngày tận thế.
Nam Cao với Chí Phèo, Lỗ Tấn với AQ, Ban Zắc với “Tấn trò đời”, V. Huygô với “Truyền kì các thời đại”, “Những người khốn khổ”, Camus với “Người xa lạ”, Niets với “Zarathutra đã nói như thế”, L.Tonstoi với “Chiến tranh và hòa bình”, Đantê với “Thần khúc”, Hôme với “ Iliat và Ôđixê”… đã thật sự  “trở về” và trở thành của chung nhân loại.
Tác phẩm tuyệt mỹ nhất là người phụ nữ . Macket đã nói như vậy. Phải chăng cuộc sống ở một góc độ nhất định đã trở nên nhân đạo hơn khi Em xuất hiện:
Trên những nẽo đường anh đã qua
Có em, đời dịu bớt phong ba
Đôi bàn tay đẹp, em như nói
Trăm vạn lời yêu lắm thiết tha… (Lối về)
Biển cũng hiền hòa dịu êm khi em đến  cùng anh. Và Xuân Diệu cũng trở thành bất tử khi nói về cuộc hôn phối kì diệu này:
Biển đắng khôn nguôi nỗi khát thèm
Trời ơi! Ta muốn uống hồn em…
“Thành phố Biển” với những chiều dịu êm những đêm trăng sóng bước:
Trên bến Quỳnh Sa ngọn sóng cồn
Đôi bàn tay với mắt trao hôn
Sương khói phai mờ hoa cúc tím
Bóng lồng trong bóng dưới trăng buông (Lối về)
Biển dạt dào biển hát ca biển phun châu ngọc dệt lời gấm thêu. Chỉ có những con mắt tinh đời, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn mở ra với trăm chiều giác quan, vạn chiều xúc cảm mới “uống” được chén quỳnh với người đẹp ở bến Tầm Dương:
Ôi nhớ đêm nao bên biển xanh
Miên man tiếng sóng ấm lòng anh
Mây bay sóng vỗ bao lời nhớ
Đường đi muôn lối
Biết ai thấu tình ta…
         (Tình em như biển tím)
Một tháng hè trên quê hương thật là kì thú. Những cuộc hội ngộ đã mở ra trên đỉnh Ô lim pơ giữa các vị thần ái tình, thi ca, âm nhạc… bên những nàng A ri na, An giê li ca xinh đẹp. Rượu, trà, thuốc… những giây phút cảm động, xúc cảm thần thánh bạn bè, những con người trần tục. Thật hiếm hoi những giờ hội ngộ. Những nét mặt bè bạn hồng hào, những nụ cười tròn trĩnh và bất tuyệt. Hằng nga cũng giáng thế tham dự cuộc vui. Nàng hôn người nầy, ân cần mời mọc nũng nịu người kia…
Những lần liên hoan không có khái niệm buồn chán, dư âm ấy như vang vọng mãi cùng đất trời. Trăng lên cao trăng sẽ tàn, tình bạn vẫn bao la như rừng cây xanh lá. Đúng, tình bạn- hiểu theo nghĩa cổ điển của từ nầy- là viên ngọc đẹp nhất của cuộc đời.
Những cuộc dạo chơi đây đó cuối cùng bao giờ cũng trở về với biển. Cùng nhau đùa vui trên sóng. Da dẻ những chàng bạch diện thư sinh được biển vỗ về và miết vào, dưới ánh mặt trời trở nên ngăm ngăm như những chàng Mô rơ cổ xưa.
Bản hòa ca tuổi học trò bất tuyệt trên hàng phượng vĩ non tơ như muốn níu lại bước người đi níu lại giờ tiễn biệt:
Nghe tiếng ve réo gọi hồn tôi
Thôi cạn li giã từ nhau nhé
Mai cho dù mình có xa nhau
Phút giây nầy nhớ vạn ngày sau…

Vẫy chào quê hương, lạy Mẹ con đi
Gửi lại em hương mùa lúa chín
Hàng dương xanh ru biển dạt dào

Những vòng tay ôm chặt yêu thương hẹn ngày trở về:
Cùng chúc nhau những lời gì đây…
Nay chúng ta giã biệt người ơi!...
         Mai cánh chim nhỏ dại tìm đi
Bay về đâu? cuối trời thương nhớ
Mai tôi về ngược chốn cố đô…

Thành phố mùa thu về!
Sân ga! Những nụ cười cho một lần hội ngộ và lệ buồn trước giờ phút chia tay. Tiễn đưa! “ Hoàng hôn đến đâu đây màu tím”. Những người tình như nắm mãi tay nhau “mong sao cho tàu đừng đi”. Sân ga là bến hẹn của mỗi cuộc hành trình, “xuân đình” và “cao đình” cũng nơi nầy có phải? Những đôi mắt nói lời từ biệt. Hôn nhau một lần cuối. Em về đi, anh đi.
Tạm biệt núi Ấn, sông Trà, Thiên bút phê vân…Tư Nghĩa,  Bình Sơn, Tam kì, Đà Nẵng… Lại dừng chân nơi thành phố cảng. Những con đường rộng thênh thang, ánh điện màu lấp lánh “kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Hỡi ghế đá công viên những tình nhân không bao giờ lỗi hẹn:
Tôi- hành nhân thế kỉ
Tìm kiếm hư vô giữa cuộc đời
“Quán trọ không buồn đâu lữ khách…
Anh vẫn cô đơn giữa kiếp người”.

Vẫy chào thành phố cảng. Tôi lại trèo lên Hải Vân mây bay đỉnh núi. Thiên nhiên ở đây hùng vĩ và bí hiểm. Núi cao và vực sâu như trêu ngươi số phận con người. Những suối nước “trắng màu sương trắng” như tà áo em bay dưới ánh mặt trời. Ôi diệu kì là sự sống! Có qua đây mới hiểu được lời nói người xưa bằng chính da thịt của mình:
Ví biết đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai

Hải Vân ơi! Phải chăng anh là một là riêng là thứ nhất, không có ai bè bạn nỗi cùng anh trên mãnh đất hình chữ S yêu thương nầy.
Chiều Hải Vân sương mù những chiếc xe cùng chiều “hôn” nhau thật đáng sợ. Nếu núi là con trai thì biển là con gái. Vẫy tay chào hai tình nhân vô thủy vô chung giữa cuộc đời. Lăng Cô xóm chài thơ mộng. Phá Lăng Cô tựa như cái eo của người con gái. Truồi, Hương Phú, Hương Điền… những tên đất tên làng khác nhau trên lối về cố đô.
Mảnh đất kinh kì ngày xưa với những cung điện đền đài lăng tẩm một thời đã trở thành nơi gặp gỡ của tầng lớp nho sĩ nặng lòng vì nghĩa nước.
Cao Chu Thần đã từng lều chỏng từ Bắc vào đây để thi thố tài năng. Nguyễn Văn Siêu đã khoác áo mũ công hầu. Những con người tài hoa một lòng vì dân vì nước ấy đã từng ôm ấp bao nhiêu hi vọng, đã bỏ cả tuổi thanh niên dưới “cửa Khổng sân Trình” nghiền ngẫm binh thư tìm một minh chúa. Cuối cùng khi biết lớp son thiếp vàng trên sập ngự kia chỉ là một lớp sơn bề ngoài của một thân gỗ mục, họ đã hoàn toàn thất vọng. Trong cái ngổn ngang vàng thau mập mờ sáng tối của cuộc đời, những con người đồng thanh khí đã tìm đến nhau. Cùng với Tùng Thiện Vương, Tuy Lí Vương họ đã xây đắp một mối tình tuyệt vời. Đó là tình bạn, tình thơ, tình đất nước. Mọi sự dối trá đều tan ra trước mắt họ. Bức tường giai cấp đáng sợ và khủng khiếp không ngăn nỗi tâm hồn và ước mơ của họ. Những con người nổi tiếng một thời về tài năng về học vấn:
“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh đường”
Nhân dân gọi họ là thần Siêu thánh Quát.
Ra đi từ nhân dân họ trở về với nhân dân bằng những con đường khác nhau. Những ông quan chính trực- không thể gọi như vậy được. Đó là những kẻ sĩ một thời. Những con người xa lạ với cân đai áo mão vua ban. Những con người đã xem thường công danh hão huyền. Là kẻ sĩ họ cũng là quan tòa của nhân dân. Khi giận lên đã giơ roi quất lại vua chúa ngu xuẩn đương thời. Khuôn khổ của cái gọi là chế độ phong kiến không vừa tầm vóc của họ. Những con người khổng lồ về tài năng, khổng lồ về học vấn của phương Đông thời trung đại. Nguyễn Văn Siêu về quê dạy học. Cao Bá Quát trở thành lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương. Để bây giờ họ trở thành tấm gương cho kẻ sĩ thời nay soi xét lại mình. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…Hạt bụi nào tỏa sáng long lanh…
Trong quá trình vận động của lịch sử, trong bước thăng trầm của chính nó, mấy ai hiểu được chân dung thật sự và tầm vóc tài năng một con người: anh hùng và kẻ cướp, trung thành và phản phúc…Thời gian thường trễ hẹn với những con người tài năng và tính cách khổng lồ, còn họ như những con tàu lao nhanh về phía trước.
Lại nhớ cụ đồ Tân Thới lều chõng bút nghiêng từ Gia Định lẽo đẽo ra kinh đô mong kiếm bảng vàng Thám hoa, Bảng nhãn… để tìm đường đến với nhân dân. Nhưng nửa đường nghe tin mẹ mất phải quay về. Con người nổi tiếng hiếu hạnh ấy đã mù mắt sau những đêm dài khóc người mẹ quá cố của mình. Tình duyên tan vỡ vì danh vọng không thành. Bất chấp và vượt lên hoàn cảnh, chàng trai Nguyễn Đình Chiểu vừa dạy để kiếm sống vừa tự học không ngừng. Có người học trò trọng đạo nghĩa và cám cảnh người thầy đã khuyên cha mẹ gã em gái của mình cho thầy. Cùng với người vợ thủy chung, Nguyễn Đình Chiểu đã lao vào cuộc chiến đấu với kẻ thù bằng vũ khí sở trường của mình:
Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.
Cùng với Thủ Khoa Huân, Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ khi triều nhà Nguyễn- Tự Đức kí giấy đầu hàng nhục nhã thực dân Pháp, dâng giang sơn cho bọn cướp da trắng ở bên trời Âu.
Lịch sử đã sản sinh ra anh hùng. Cùng với nhân dân họ đã góp phần to lớn tô thắm non sông gấm vóc của chúng ta.
Ai bảo rằng lịch sử khô như đá. Lịch sử chính là cuộc sống và những con người làm nên cuộc sống. Lịch sử là quá trình khám phá và sáng tạo trường kì của nhân dân đối với thế giới tự nhiên và chính bản thân mình trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai. Lịch sử là cơ thể sống động và phức hợp, một lâu đài nhiều tầng, nhiều lớp mà nhân dân đã sáng tạo nên bằng mồ hôi và xương thịt của chính mình.

5 nhận xét:

  1. Cảm ơn S. Mong bạn cố gắng đánh máy và post hết phần 1 HK của LH mà bạn có trước trưa chủ nhật 9-9. Mình có trao đổi với LH thì được biết phần 2 HK có tên là "Những mối quan hệ nặng nghĩa nặng tình" (nhưng chưa xong) và Nhật ký thì rất nhiều. Trong khi chờ LH hoàn thiện phần 2 HK, mình sẽ xem những cuốn NK, sẽ post để các bạn xem... [h]

    Trả lờiXóa
  2. Mình đã đánh máy xong toàn bộ phần 1 HKLH. Trưa mai ( thứ bảy, 8/9) mình sẽ post những trang cuối cùng. Rất mong được đọc phần 2 và Nhật kí LH do ĐVH biên tập , đánh máy và post lên blog của SKS (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Còn 815 lượt người xem nữa lả nhà SKS có 30 nghìn lượt khách ghé thăm đó [h]

    Trả lờiXóa
  4. Đến số 29.999 Lớp giao cho ĐVH thay mặt Lớp viết vài lời sơ kết. Mình nói trước để đến khi đó quên mất. (TQS)

    Trả lờiXóa