5 tháng 9, 2012

Suy nghĩ và nhớ lại.
        LH

Chủ nhật nầy TTM và ĐVH sẽ thay mặt Lớp đến thăm gia đình LH. Vậy là câu chuyện tìm LH sau 26 năm  biệt tích có hồi kết vô cùng tuyệt vời. Để kỉ niệm, mình đã đt hỏi ý kiến và được LH đồng ý đăng một số đoạn của LH viết trong nhũng ngày xa bạn bè xa mái trường đại học TH Huế. Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.(TQS)
(Bản quyền thuộc về tác giả: LH - lopsuk6- ĐHTH Huế)  TQS


HỒI KÝ THỜI ĐẠI HỌC
1982-1986
L H
Souvenir
 Ngày 21.12.1986
Vâng, tôi biết bây giờ mà ghi hồi ký về một quảng đời gần đây, ngắn ngủi  xem ra có gì vội vàng so với tuổi 25. Tuổi thanh niên có bao nhiêu mơ ước phải làm sao cho chúng trở thành hiện thực, nhưng oái ăm thay ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Và thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn đời bằng đôi mắt trẻ thơ dù rằng mình không còn thơ bé. Có sao đâu, khi tôi phải nhìn và cảm nhận cuộc sống như vậy?
Khi tôi viết những dòng chữ này mong các bạn không may mắn thứ lỗi cho; vì rằng mọi người dù còn trẻ thơ hay đã về già đều cho rằng quãng đời học sinh là những ngày đẹp nhất. Mỗi lần phượng vĩ nở hoa, mỗi lần nghe tiếng ve ngân trong nắng ấm là mỗi lần hồn tôi bâng khuâng, xao xuyến và vụng dại như một sáng nào tôi không thuộc bài khi đến lớp; như một chiều nào bỡ ngỡ trước làn gió nhẹ vương vấn hương tình yêu…Cảm ơn Giang Nam khi nhà thơ đã viết:
“Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…”
Vượt qua những bất hạnh, dồn nén những mất mát riêng chung, tôi đã leo lên giảng đường đã mặc áo sinh viên.
Cùng với màu áo trắng nguyên sơ, tôi đã đến cố đô của triều Nguyễn. Nhớ lại, khi mình đọc trong sách thấy có câu:
“Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành” mà cảm thấy buồn cười và sửa lại:
Học trò trong Quảng ra thi
Có cô gái Huế bỏ đi không đành.
Đấy là những mẩu chuyện vui trong buổi đầu gặp gỡ. Cố đô ơi! Tôi đã đến nơi này. Trên mảnh đất văn vật tôi đã sống và học tập suốt 4 năm; và cùng với núi Ngự, sông Hương tôi đã hít thở những đêm dài với Huế. Bốn năm qua mình đã thực hiện một công việc của ước mơ, của thời niên thiếu.
Vâng! Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in một buổi chiều trong sân trường L’universite’ de Huế (đại học Tổng hợp Huế).
 Theo như  giấy báo nhập học tôi phải có mặt tại trường vào ngày 10.11.1982 nhưng vì các ông các bà ở địa phương  gây khó khăn nên đến chiều 21.11.1982 tôi mới đến trường.
Sáng 21.11, sau khi công việc giấy tờ đã xong xuôi, tôi chỉ kịp nói lời tạm biệt Mẹ con đi. Mẹ tôi vừa mừng vừa khóc và cho tôi khoảng 400 đồng (tiền cũ). Tôi lặng lẽ xách chiếc va li cũ  (của anh tôi để lại) ra đi. Trong va li gồm có vài bộ quần áo, mấy quyển vở, giấy tờ…Ra bến xe Quảng Ngãi mua vé đi Đà Nẵng rồi từ Đà Nẵng đi Huế…Khi vừa xách va li đến phòng đầu cư xá, Phạm Công Như chạy ra rồi Nguyễn Văn Luận, Chế Quang Hoanh ra đón. Buồn vui sao nói hết trong giây phút ngắn ngủi này.
Trời cố đô chiều hôm ấy hơi lành lạnh. Những tia nắng nhạt nhòa lẫn trốn trên hàng xà cừ xanh thẳm; hoàng hôn sắp đi vào giấc ngủ. Những ngọn đèn điện sắp sáng lên. Cũng như tôi đã trút bỏ những dằn vặt, ưu tư để bắt đầu những ngày mới trên mảnh đất chưa quen. Buổi chiều mùa thu ấy đã đi vào kỉ niệm của đời tôi như một trong những phút giây đáng nhớ nhất của cuộc đời.
Sau những phút giây tâm tình với bạn bè tôi xin phép đi ngủ sớm vì đi đường quá mệt. Chế Q Hoanh vẫn là người bạn tốt, anh đã dẫn tôi đi tắm rửa qua loa rồi ngủ cùng giường với anh. Chiếc giường gỗ hai tầng, tôi và Hoanh ngủ gường dưới. Điện vẫn sáng thâu đêm.
Một giấc ngủ bình yên và hạnh phúc trên đất Thần kinh. Sáng hôm sau dậy rõ muộn khi mặt trời đã chiếu qua khung cửa sổ. Rủ bạn bè đi uống café rồi Hoanh dẫn tôi đi nộp giấy tờ cần thiết và tôi được cấp giấy chứng nhận vào lớp. Lúc này lớp của tôi đang tập quận sự. Tôi cứ ngỡ mình vào khoa Văn, ai ngờ lại vào khoa Sử. Với cái dáng gầy, cao lêu ngêu lại đến sau nên bạn bè lúc bấy giờ thường nhìn xem anh chàng kia sẽ ra sao. Tôi cùng bạn bè mới quen ngày hai buổi tập quân sự, lúc ngoài sân, lúc trên sân thượng. Lòng vui nhưng chưa có người chia sẻ.

    Chương I: Trường đại học, niềm tin và hi vọng, mơ ước và hiện thực.
Cho đến hôm nay khi mình đã giã từ mái trường đại học Tổng hợp Huế; màu áo sinh viên đã xếp gọn vào ký ức; sách vở đã đóng lại trong hòm; và không còn những ngày, những đêm thao thức dưới ánh điện lung linh để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời qua từng trang sách, qua từng lời truyền lại của thầy giáo, cô giáo…Tôi vẫn thấy nhớ nhung nhưng không hối tiếc về việc giả từ này vì trong khoảng thời gian ấy mình đã hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ của người sinh viên, đã đi và đã đến; cũng như người nông dân đã cày xong thửa ruộng, đã gieo hạt và đã gặt hái xong. Bấy giờ anh ta đang thảnh thơi và chuẩn bị vụ mùa khác. Nhưng tôi thì không phải như vậy, chia tay với trường đại học này tôi đến với trường đại học khác. Từ trường đại học chuyên về lý luận (mà chúng tôi thường nói đùa với nhau bên ly café và làn khói thuốc bằng những danh từ khá kêu rằng, không khéo sau này chúng ta sẽ trở thành những “chuyên gia lý thuyết”) tôi lại vào trường “đại học thực tiễn” sinh động, phong phú…để kiểm nghiệm phần nào vốn hiểu biết nhỏ nhoi của chính mình. Tôi xin trở lại thời điểm năm 1982, trở lại “buổi ban đầu lưu luyến ấy…”
Thi đậu vào trường đại học Tổng hợp là ước mơ của cậu học trò phổ thông trung học. Đến với nơi đây là tạm biệt quê nhà, tạm biệt những  đường làng bé nhỏ thân yêu, cánh đồng bát ngát, tạm biệt gia đình…để nhập vào nếp sống thị thành, tập làm quen với những con đường thênh thang muôn người qua lại, làm quen với những quán café dọc đường…và cái chính yếu, cái quan trọng là để nghiên cứu , học hành.
Như chúng tôi thường nói với nhau thuở còn phổ thông rằng: “cổng trường đại học thật là cao” nhưng khi vào rồi thì xem ra mình cũng trèo qua được. Cái ước mơ đã thành hiện thực. Cổng trường bấy giờ không cao nữa, mà rất đỗi thân quen hằng ngày ra vào, thỉnh thoảng lại trèo cổng đi chơi khuya. Trường đại học bấy giờ là ngôi nhà đồ sộ gồm nhiều dãy nhiều tầng; tôi đã sống và học tập ở đây. Nó không phải là trường đại học văn khoa cũ mà là một ngôi trường thời trước (1975) dành cho con em những người công giáo theo học. Sau ngày giải phóng miền Nam nơi đây nghiễm nhiên trở thành trường đại học Tổng hợp. Nói đúng hơn là một khu, một bộ phận cơ bản hợp thành chỉnh thể của trường vì giới hạn của nó gồm 7 khu vực khác nhau: khu trung tâm là nơi làm việc của cán bộ, nơi hội họp của sinh viên gồm một tòa nhà đồ sộ. Nghe người ta nói là Viện dân biểu Trung kì trước kia, cấu trúc theo kiểu Gôtic của Pháp thời trung cổ, chúng tôi quen gọi là khu vực 3 – Lê Lợi nằm đối diện với nhà khách Bình Trị Thiên, cách ga Huế chừng 300m. Khu 4 – Lê Lợi, khu Minh Khai, khu Đống Đa là nơi ở của thầy, cô giáo. Khu Morin là trường Đại học khoa học thời trước, thời Pháp là cửa hàng bách hóa của Morin, một viên quan người Pháp, nằm gần cầu Trường Tiền, dọc đường Lê Lợi, phía Nam sông Hương…
Trường Đại học Tổng hợp nơi tôi sống và học tập là một khu vực khá rộng với một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, gồm ba dãy nhà ba tầng  xây theo hình chữ U. Dãy chính trông ra đường Nguyễn Huệ. Đứng trên sân trường nhìn thấy núi Ngự Bình và dòng sông An Cựu. Về thắng cảnh này có câu ca khá hay:
“Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong”
Trong ngôi nhà này gồm nhiều bộ phận nhỏ hợp thành và chia làm hai phần. Phần chính là văn phòng của các khoa và Bảo tàng Dân tộc học, phòng y tế, phòng hành chánh - quản trị và phòng máy của khoa ngoại ngữ. Nối liền với dãy bên bằng một lan can là Phòng họp sinh viên, Câu lạc bộ tuổi trẻ, Văn phòng Đoàn. Hai bên của tòa nhà chính là hai tòa nhà dùng làm nơi học tập. Chúng tôi học ở tầng hai và tầng ba. Tầng dưới dùng để chứa đồ đạc, phòng điều chế rượu êtylit, phòng ăn…Sau cùng là 6 dãy nhà ngói xinh xắn, mỗi dãy 10 phòng là nơi ở của sinh viên. Ngoài ra còn có sân chơi, có những chiếc ghế đá xinh đẹp nằm dưới gốc xà cừ hay gốc bàng; sân bóng đá, bóng chuyền, sân tập thể dục, khu vực chăn nuôi, hồ cá, khu đất tăng gia của cán bộ công nhân viên chức…Tất cả đều nằm trong một khuôn viên uy nghiêm. Cổng trường với một lối chính, hai lối phụ có cửa khép mở bằng sắt với bốn trụ đá hình vuông, cao chừng 2m. Tấm biển đề khiêm tốn lẫn trong vách với dòng chữ kẻ màu trắng “Trường Đại học Tổng hợp Huế”, một kích thước rất nhỏ nếu so sánh với quy mô của trường, nó càng khác xa với những khu vực hành chính với những biển đề to tướng sặc màu xanh đỏ. Là một dãy nhà nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, chúng tôi quen gọi là Khu 27 – Nguyễn Huệ, giáp ngã tư Lí Thường Kiệt, cạnh nhà máy điện, phía dưới  nhà thờ An Cựu, cách bến xe chừng hơn một cây số. Thư viện trường cùng thư viện nhân dân tỉnh, thành phố.
Đấy là vài nét chấm phá về bức tranh và quy mô của trường, căn nhà tri thức của tôi. Nơi đây, bên trong những bức tường những ô cửa kính, tôi đã gặp những nhà văn, những nhà khoa học, những lãnh tụ…qua từng trang sách, qua đôi lần gặp gỡ. Nơi đây tôi đã – bước đầu – tìm về cội nguồn, đã lần theo bước chân con người tìm về quá khứ, nhìn nhận hiện tại, hướng về tương lai. Tôi đã đến với nền văn minh sông Hồng – quê hương buổi đầu của dân tộc; thời đại Hùng Vương; chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng và thành Cổ Loa bất hủ; tôi đã đến với Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Tôi đã sống với đất thần kinh cổ kính và thơ mộng, đã thở những đêm dài với Huế thân yêu. Và từ đó, hiểu biết, tưởng tượng…lại bay về mọi ngả đường, như một nhà địa chất, nhà khảo cổ tìm về từng niên đại lịch sử qua những tầng văn hóa để hít thở những mùa hương trước, cũng như Xuân Diệu, tôi “ghếch mũi lên trên ba trăm triệu năm…để lắng nghe “những con vật khổng lồ tình tự”…làm quen với Hôme tìm về Hi Lạp qua những chuyên đề, qua trường ca I-li-át - Ô-đi-xê…tìm lại nền văn hóa Phục hưng phương Tây…dừng lại trước những kì quan kì diệu mà con người đã sáng tạo ra trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai; nghiêng mình trước những kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Ba bi lon, ngọn hải đăng A-lec-xăng-dri…Trên cơ sở đó, tôi tìm lại chính mình:
“Chế độ cho tôi đôi cánh chim bằng
Và vinh dự làm người hiểu biết” …    với khát vọng muốn bóp chết thời gian và xoay tròn quả đất làm cho con người thật sự người hơn.
Sau một tháng đầu học quân sự, tôi lao vào học văn hóa. Những ngày đầu đến với Huế làm sao mà quên được. Bấy giờ là mùa thu. Những hồ sen hương thơm ngào ngạt, hoa đại hồng tươi dưới ánh mặt trời, những chùm hoa phượng cuối mùa rải dọc những con đường đỏ thắm, chùm ti-gôn tím ngát bâng khuâng trách những tình nhân lỗi hẹn. Tôi nhớ T.T.KH với “Màu máu Tigon”:
…Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Tôi chờ người đến với yêu thương…
để mãi mãi họ vẫn là người tình lỗi hẹn vì Hàn Mặc Tử đã ra đi, vì con thuyền chưa trở về bến đợi, người lái đò còn mê mãi ngắm trăng neo thuyền giữa dòng sông Ngân rực rỡ sắc màu;  tình nhân kêu gào trong đêm, gọi mãi vào hư vô, gọi mãi bác lái đò vẫn còn say giấc ngủ vùi:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay…”
Hữu Lũng đêm nay buồn hiu hắt. Những giọt mưa nhè nhẹ ngoài trời và đợt gió mùa  kéo nhau về làm tái tê tâm hồn  người đi giữ gìn màu xanh cuộc sống. Tôi lại tiếp tục ghi những dòng hồi ký của đời mình. Mỗi lần viết là mỗi lần sống thêm được vài tuổi nữa dù mắt thâm quầng vì thao thức. Biết ơn nhiều K.Rôn của “Thao thức” vượt qua những rào chắn của bi quan chán ngán, con người có đầy đủ lý do chính đáng để thao thức, để nghiền ngẫm chiêm nghiệm cuộc sống, vũ trụ và khám phá cái indivudu ( bản ngã) của chính mình.
Tôi lại lùi về quá khứ bằng những dòng suy tưởng và nhớ lại những ngày học quân sự đầu tiên dưới mái trường đại học trên đất cố đô. Bấy giờ là cuối thu sắp sang đông. Cảm giác đầu tiên là tôi phải quen dần với cái lạnh. Những ngày này Huế mưa và lạnh đúng như Tố Hữu diễn tả:
“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”…
Trong những ngày mưa chúng tôi học chính trị ở trên lầu do một thầy giáo quân sự ở trường Sư phạm lên giảng, rồi những buổi làm bài kiểm tra…Đấy là những bài học vỡ lòng môn quân sự chính khóa dưới mái trường đại học. Những lúc trời tạnh, chúng tôi học điều lệ đội ngũ (đi đều, nghiêm, nghỉ…) rồi học bắn, học ném lựu đạn…ở công viên nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở sân trường. Lòng vui và bỡ ngỡ. Niềm vui của người “ đi không há chẳng trở về không, cái nợ cầm thi phải trả xong”. Như vậy là tôi may mắn hơn nhà thơ Tú Xương “tám khoa chưa khỏi phạm trường qui” để một đêm nào nhà thơ bỗng giật mình thốt lên lời uất nghẹn:
“ Kìa cái đêm nay mới gọi đêm
Mắt giương không ngủ bụng không thèm…
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”
Âu cũng là số phận và cũng do qui chế nghiêm ngặt của trường thi trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Tuy vui nhưng vẫn còn thấy mình ngơ ngác, lạ lẫm đối với mảnh đất trữ tình này. Không phải cái ngơ ngác của một “con nai vàng” của bác Lưu Trọng Lư mà là nỗi niềm xao động trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, của sông Hương, của núi Ngự…của những công trình sáng tạo kì diệu của con người: cầu Trường Tiền trắng nhịp cầu sương trắng, những cung điện nguy nga, những đền đài tráng lệ…còn in dấu một thời kì vàng son của xã hội phong kiến; những phiến đá vẫn ngày đêm nói lời tình tự.
Cho đến bây giờ Huế vẫn là một trung tâm văn hóa của miền Trung với những dáng nét riêng không trộn lẫn vào đâu còn lắng sâu và nổi bật lên trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nếp sống thị thành phương Đông này quả là rất thú vị. Những giọng hò mái nhì vẫn còn ngân lên trong những đêm trăng trên dòng sông Hương và những giọng nói êm dịu chừ, mô, răng, rứa…của những cô gái lưng cong mới kì lạ làm sao.
Cái buổi ban đầu đến Huế. Ngàn năm chưa dễ quên đâu. Một tháng tập quân sự xong, chúng tôi được nghỉ vài ngày để chuẩn bị học văn hóa. Tôi đến muộn nên không được dự lễ khai giảng năm học. Rồi gặp gỡ những người thầy đầu tiên (trong những lần đầu tiên gặp gỡ) với những môn học thú vị: Thầy Việt ( Trưởng khoa- ĐHSP) dạy môn Lịch sử thế giới cổ đại; thầy Hà (chủ nhiệm) dạy Khảo cổ học…Tôi lại được dịp tìm hiểu kĩ lưỡng xã hội Hi – La cổ đại với Nhà nước dân chủ Aten, Spác…làm quen với “chế độ tam hùng” với người anh hung cổ đại Spác-ta-cút…Trở về lịch sử Việt Nam tôi lại hiểu sâu thêm con người Việt Nam từ nguồn gốc đến thời kỳ xây dựng nhà nước phôi thai: Hùng Vương- An Dương Vương đến cuộc khởi nghĩa Ngô Quyền mở đầu thời kỳ tự chủ sau gần một nghìn năm cả dân tộc bị phương Bắc đô hộ…
Những ngày này, vì thời tiết khắc nghiệt chưa thích nghi nên tôi bị đau ốm luôn. Tuy vậy, tổng kết học kỳ vẫn được học sinh tiên tiến. Học kỳ một trôi qua là một thử thách bước đầu đối với một chàng trai từ lũy tre làng bước ra thành phố, phải tập trung làm quen với mọi thứ, từ chiếc giường hai tầng đến chiếc vali cũ kỹ làm bàn viết …Mặt khác, nỗi nhớ lại dâng lên cồn cào trong những ngày giáp Tết. Tôi còn nhớ, sáng 25 Tết vẫn kiểm tra, bạn bè vội vàng làm bài và nộp trước giờ . Sau khi nộp bài xong, tôi vội vàng xách vali xuống bến xe về nhà ăn Tết. Vẫn không quên mang vài chiếc nón Huế về cho mẹ và chị. Chia tay với bạn bè hẹn sau Tết gặp lại…
Chiếc xe For vù vù chở chúng tôi vượt đèo Hải Vân cao ngất, tạm biệt trường lớp bè bạn. Chào Hương Phú, Hương Điền, chào Lăng Cô xóm chài thơ mộng. Chiều 25, tôi đã có mặt ở nhà và ăn một bữa cơm ngon lành ấm cúng với mẹ và chị. Nói chuyện với mẹ và chị một lúc rồi lên giường ngủ một giấc ngon lành. Tôi vẫn không quên thắp hương trên bàn thờ ông bà, trên bàn thờ người cha kính mến.
Những ngày Tết ở quê nhà khi khoác áo sinh viên mới “có giá” biết bao. Những cán bộ chính quyền ngày hôm qua gây khó dễ nhưng hôm nay lại đáng yêu làm sao. Họ chào hỏi ân cần và vồn vả . Lịch sử quả là hài hước, chỉ vắng Môlie vĩ đại mà thôi. Giá mà vị vua hề nổi tiếng này đến Việt Nam thì có lẽ ông ta còn vĩ đại hơn nhiều.
Sáng hôm sau, việc cần làm đầu tiên là quét dọn nhà cửa…chuẩn bị Tết. Công việc mất vài ngày. Sau đó lại xắn quần lên chạy khắp xóm trên, thôn dưới thăm hỏi bạn bè, người thân. Thật là những ngày hạnh phúc và tuyệt đẹp.
Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trên quê hương rồi cũng trôi qua. Còn lắng lại trong ta những kỉ niệm như một trong muôn ngàn tặng vật vô giá của đời sống và Thượng đế ban cho.
Khoảng mùng 8 Tết tôi lại lên đường trở lại cố đô. Gặp lại bạn bè và khung cảnh thơ mộng trữ tình. Lại tiếp tục học tập lại nhớ về Nguyễn Trãi trong những ngày lận đận trên nẻo đường khoa hoạn thời xưa; một con người giàu ước mơ và nhân hậu, giàu niềm tin và khát vọng, giàu nghị lực và suy tư:
“Một thân lẫn quẫn đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia” (Ngôn chí)
Mùa xuân trên đất Thần Kinh thật là diễm tuyệt. Những hàng cây thay áo mới, hoa mai vàng rộm trên những mảnh vườn dọc quốc lộ rực rỡ dưới ánh mặt trời, hoa hồng tím ngát…vừa e thẹn vừa duyên dáng tỏa ra những “hương thầm vương mãi bước người đi”.
Huế những ngày này còn se lạnh. Những cô gái Huế dịu dàng thanh thoát lại khoác trên mình những chiếc ảo mỏng gợi lên những đường nét của thân hình tuyệt mĩ. Những khuôn mặt hồng lên, những suối tóc mượt mà được che nghiêng bởi chiếc nón lá xinh xắn làm tôn thêm vẻ đẹp của người con gái.
Những quán café ồn ào vui vẻ; những giai điệu trẻ trung tươi vui ngân lên trong phòng khách, trong quán giải khát… như vẫn còn vang vọng trong tôi…
Tôi và bạn bè lại lên giảng đường nghe giảng và ghi chép những môn học do nhà trường quy định (phòng học di chuyển luôn, tuy nhiên trong một học kỳ vẫn học một phòng nhất định, phòng tôi ở lầu hai hoặc lầu ba; muốn đến đó phải qua khoảng 100 bậc tam cấp). Buổi chiều hoặc ngày nghỉ, tôi lại lững thững đi thư viện .
Từ cư xá đến thư viện gần hai cây số. Ra Nguyễn Huệ rẽ về Lí Thường Kiệt đến ngã Năm, qua Hà Nội đến cầu Mới rẽ về Lê Lợi vào Thư viện. Thư viện của trường Đại học Tổng hợp là một tòa nhà hai tầng đồ sộ. Nằm đối diện với sân ten-nit câu lạc bộ Thuận Hóa. Đây là căn nhà lí tưởng của chúng tôi. Căn nhà tri thức. Những ngày vui náo nhiệt của những ngày đầu xuân trôi qua, tôi lại lao vào học tập. Lại những ngày lên lớp đều đặn, lại ghi chép những môn học cơ sở. Trong những ngày Tết, tôi đã nhờ bác thợ già đóng cho  một cái hòm thật to. Bao nhiêu sách vở, bút mực…đều gói gọn trong “hòm” ấy kê ngay đầu giường. Mặt hòm được dùng làm bàn viết trong những lúc ở phòng cư xá.
Những ngày đi thực tập sau khi học xong môn khảo cổ đã đến gần. Tôi cùng bạn bè xếp “hành trang” nào không cần thiết vào hòm; những đồ dùng còn lại cho vào vali. Một số bạn lên phòng tài vụ, hành chính lo tiền nong, giấy công tác…Mọi công tác riêng chung cho chuyến đi khảo sát đầu tiên đã xong xuôi. Một buổi sáng thật sớm, chúng tôi ra bến xe An Hòa mua vé đi Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch. Lần đầu tiên ra phía bắc thật vui và thú vị. Chiếc xe như con ngựa không cương rẽ gió lao nhanh trên đường. Những hàng cây, làng xóm…lùi vun vút phía sau. Những địa danh xa lạ xuất hiện và tôi đã nhìn bằng đôi mắt của chính mình: Đông Hà-Mĩ Chánh . Chúng tôi dừng lại chụp ảnh dưới tượng đài cách đường quốc lộ 500m . Cầu Hiền Lương nối liền sông Bến Hải. Hai mươi mốt năm (kể từ 1975-về trước) đã ngăn cách hai miền, nay là nhịp cầu – vòng tay nối liền đôi bờ thương nhớ. Sông Gianh vì độ lún quá sâu nên chưa bắc cầu. Chúng tôi qua bằng phà. Đèo Ngang đây rồi bà Huyện Thanh Quan . Chúng tôi đến đèo Ngang lúc bóng xế tà nhưng không chỉ “một mảnh tình riêng ta với ta” mà với tất cả niềm vui của bạn bè, hoa lá, cỏ cây, trời mây non nước. Đến chiều chiếc xe dừng lại bến, chúng tôi đi bộ về  Phòng Văn hóa thông tin huyện Quảng Trạch. Sau đó chúng tôi được các đồng chí “gởi” vào nhà dân chung quanh đấy. Nghỉ ngơi, tắm giặt, nấu cơm ăn rồi đi ngủ. Sáng hôm sau làm công việc ngoại giao, hành chính. Ngày thứ ba bắt đầu đi khảo sát. Chúng tôi đi đào, đi nhặt những chiếc rìu đá, hòn đá, mảnh gốm…rồi tối về vẽ lại, ghi chép. Tôi còn nhớ, buổi sáng đầu tiên tôi nhặt được chiếc rìu đá có vai. Thầy giáo chủ nhiệm cười và nói đùa rằng đủ cho điểm 10 rồi đấy. Chúng tôi đi 21 ngày, sau một tuần đoàn tôi chia làm hai. Một bộ phận ở lại tiếp tục “sưu tầm đồ cổ”; một bộ phận khác ngược thuyền lên Phong Nha. Thật là một cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa chúng tôi với các cô gái địa phương. Tiễn các bạn Thọ, Nhật…ở bến sông về lại cội nguồn, tôi (vì bị ốm) xin phép thầy giáo trở về quê nhà. Sáng hôm sau tôi ra bến xe cùng với một số bạn  về lại trường. Chiều hôm ấy đến trường nghỉ ngơi tắm giặt, sáng hôm sau về nhà.
Hai tuần được ở nhà ăn, ngủ, đi chơi. Ngày thực tập cũng gần hết. Chúng tôi từ các ngả trở về trường, viết thu hoạch và nộp cho thầy giáo. Mùa thực tập ngắn ngủi qua đi tôi lại lao vào học tập. Bước sang học kỳ hai vì đau ốm hoài nên có phần biếng nhác hơn. Tuy vậy, tôi vẫn học hành nghiêm túc cho đến cuối kỳ.
Đông về - xuân qua- hạ đến.
Tiếng ve lại ngân vang trên những chùm hoa học trò đỏ thắm ven đường như một bản nhạc vui vẻ báo hiệu những ngày tạm biệt với thầy cô, bạn bè, sách vở… đã đến. Huế những ngày này chói chang nắng lửa. Chúng tôi lại cho sách vở vào hòm mang đi gởi nhà quen rồi lên đường về nghỉ phép. Với những chiếc nón bài thơ xinh xắn như những cánh bướm trắng tôi mang về làm quà cho mẹ và chị.
Ôi! Nói sao hết những nhớ nhung của một chàng trai lần đầu đi xa nay trở lại quê nhà. Chiếc xe For vượt đèo Hải Vân đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Núi Ấn sông Trà hiện ra với làn cát trắng lung linh dưới ánh mặt trời như một tấm thảm  kim cương lấp lánh nằm ôm dòng nước xanh trong. Bờ xe nước vẫn cần mẫn làm công việc muôn đời của nó. Đây Thiên Bút phê vân, kia La Hà thạch trận. Và dòng sông Vệ thân yêu ghi dấu kỉ niệm năm nào khi bạn bè kê bút lên thành cầu viết những dòng thơ  tiễn tôi vào trường đại học.
Lạc Phố-Long Phụng-Đức Phụng-Đức Thắng, những tên gọi khác nhau của quê hương yêu dấu. Tôi muốn ôm những người bạn vừa gặp trên đường. Tôi muốn hôn những hàng cây bờ cỏ quê hương. Một nhà thơ đã giành tình cảm về chiếc nôi thứ nhất- giang sơn tuổi nhỏ của tôi:
“Núi không cao nhưng sáng ngời dáng đứng
Sông không sâu mà rộng lắm lòng người”

 Quê hương xưa và nay đã có nhiều đổi mới:
“Lạc Phố rêu phong mờ lối cũ
Đường mới tươi màu đất đỏ au”
Vâng quê hương - con đường quê bé nhỏ - cánh đồng xanh lộng ngát – dòng sông Vệ xanh trong – biển mặn tình yêu – núi đồi bạc đầu vì trông ngóng ; con sóng ra đi có trở về, rừng dương xanh bất tận, bãi cát vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời tháng tư và long lanh dưới trăng rằm tháng bảy…Quê hương và căn nhà khu vườn lũy tre làng xanh biếc là bài ca kì diệu của tuổi thơ, là hình bóng tuyệt vời của những ngày đi xa khi bước chân chập chững vào đời, là kỉ niệm còn ghi dấu trong tim ta mỗi lần suy tưởng và nhớ lại.
      Những ngày này chúng tôi không còn khái niệm nghỉ hè nữa mà là về để gặp bạn bè, người thân và đồng nội thân yêu sau những mùa thi vất vả; và cái chủ yếu là để bồi dưỡng cho cơ thể có sức để tiếp tục những bước dài hơn, vững chắc hơn trên con đường học tập, con đường đến với  chân trời khoa học.
Thông thường cuối hè chúng tôi mới được nghỉ ,khi những chùm hoa phượng cuối mùa hối hả rơi trên vệ đường, trên vai áo những chàng trai cô gái dưới mái trường phổ thông. Đó là vào khoảng 25-27 tháng bảy hằng năm. Đến khoảng mùng ba, mùng năm tháng chín, chúng tôi lại về trường. Những cánh chim đồng nội  còn đẫm mùi hương của những loài hoa thôn dã lại bay về thành phố, lại vượt đèo Hải Vân “mây bay đỉnh núi” trở lại trường. Mỗi lần tạm biệt hay gặp lại nhau là một lần vui một lần kỉ niệm.
Trở lại trường chúng tôi lại nắm tay nhau thăm hỏi kể chuyện những ngày ở quê nhà. Sau những ngày sôi động, chúng tôi trở về với công việc hàng ngày. Cùng nhau học tập, vui chơi, lại nện gót trên đại lộ thênh thang, lại chiêm ngưỡng những sắc màu…
Trở lại cố đô lần nghỉ phép đầu tiên, chúng tôi “đối diện” với những cơn gió mùa đông bắc buốt da, những cơn mưa ròng rã suốt tuần này sang tuần khác.Mỗi đứa đều mang theo áo ấm, áo khoác. Thật “oai” và thánh thiện biết bao những chàng trai mười tám, đôi mươi…
Năm học thứ hai bắt đầu vào những ngày giá rét. Thầy H bị đình chỉ giảng dạy chuyển qua giữ thư viện .Thầy Q được thay thế chủ nhiệm lớp. Nếu thầy H là một người … thì thầy Q là một người “phớt ăng lê” trong quan hệ xã hội, dễ tính trầm lặng và khôn ngoan.
Trở lại năm học thứ nhất với những chuyện buồn vui. Cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp. Có những quan hệ mới nhìn bên ngoài tưởng đó là một tình bạn đẹp, một tình yêu thủy chung…nhưng nếu tinh ý một chút ta lại thấy quan hệ đó không phải như vậy. Và con người dù vô tình hay cố ý đều tạo ra cho mình một lớp vỏ bao bọc cái induvidu (cá nhân, bản thể) của mình. Hậu quả của lối sống giả tạo ấy là gì? Một người bị đuổi  khỏi trường vì tội ăn cắp đồng hồ .Một người bị đuổi khỏi trường vì dính líu vào vụ mất xe đạp của Hòa ( khoa Sinh) .
Trong cuộc sống mới mẻ  với những quan hệ đa dạng, bước đầu mình đã chiếm được lòng tin của bạn bè. Hay nói cách khác bạn bè đã hiểu và dành cho mình những tình cảm chân thành bằng những lời khuyên thẳng thắn và lịch sự. Bước đầu mình đã quen dần với cuộc sống mới mẻ thú vị này. Trải qua sóng gió mình đã tìm ra một lối đi, một cách sống có phần phù hợp với hiện thực bấy giờ.
Năm học thứ hai vất vả hơn vì môn học nhiều hơn ( 8 môn). Lại làm quen với môn học khó nhất nhưng hay nhất là triết học. Môn học này chỉ có ở trường đại học và các trường Đảng. Mình lao vào vật lộn với môn Triết nhưng chẳng ăn thua gì. Đọc khá nhiều trào lưu triết học trước Mác. Chủ nghĩa hiện sinh với những ông tổ lừng danh: Jean Paul Sart, A.Camus, Heideger, Kierkargard…Triết học tôn giáo…Từ “Người xa lạ” (Tác phẩm được giải Nôben của A.Camus) đến “Nạn nhân anh hùng và ý thức khốn khổ” của J. Sart; từ “Triết học nhập môn” đến “Con người và Thượng đế”; và lần mò mãi với F.Hê ghen, Phơ Bách rồi dừng lại ở Marxitme. Quay ngược dòng lịch sử về với Platông, Aristot, Desmocrit, Annaximang…Đọc mãi, cuối cùng thì như một người lạc vào khu rừng cấm. Triết học là một lâu đài nguy nga tráng lệ và cấu trúc phức tạp nhất mà con người đã sáng tạo ra từ trước tới nay. Có lẽ, phải bắt đầu triết học từ logic học là hay nhất. Sẽ còn trở lại với môn học cực kì lí thú và nhức óc này mới xác lập niềm tin một cách khoa học được đối với bản thân để giải phẫu cuộc sống này.
Aristot đã từng vĩ đại trong thời cổ đại. Sang thời trung đại có trào lưu “triết học khai sáng” gọi tắt là “Phong trào khai sáng” và nhóm Bách khoa Pháp với những tên tuổi lừng danh: Điđơrô, Vônte, J.Rutxo…Đúng như F .Ăng Ghen đã nhận xét rằng thời đại cần có những người khổng lồ và đã sản sinh ra những con người khổng lồ: khổng lồ về tài năng, khổng lồ về trí tuệ , khổng lồ về tính cách.
Những giàn hỏa thiêu của nhà thờ trung cổ thiêu sống những con người phủ nhận Chúa .Trái với ý đồ của nhà thờ, ngọn lửa ấy chứng minh hùng hồn rằng ánh sáng khoa học đã và sẽ xua tan bóng tối; rằng con người có quyền và có đầy đủ tài năng để sáng tạo thế giới mới; rằng khoa học và tôn giáo vĩnh viễn không đội trời chung.
Những con người khổng lồ của thời trung cổ bằng trí tuệ uyên bác và tài năng của mình đã nả những quả đại bác vào thành trì tưởng như bất khả xâm phạm của giáo hội. Đi đôi với kì công sáng tạo học thuyết mới và khôi phục có chọn lọc những giá trị tinh thần của nền văn hóa Hi-La, các nhà triết học và khoa học lúc bấy giờ đã vạch trần bản chất phản động của tăng lữ bằng những tác phẩm khoa học thực thụ. Sứ mạng cao cả và vĩ đại của những “con người khổng lồ” này là phán quyết và chuẩn bị giờ cáo chung bi thảm của xã hội phong kiến thời trung cổ.
Trong khi đó, trên dải đất nhỏ bé thuộc bờ biển Thái Bình dương nói riêng và phương Đông nói chung (trừ Nhật Bản), nhân loại còn ngủ vùi trong đêm trường trung cổ rét buốt và ngột ngạt.
Đỉnh Ôlimpơ ở phương Tây không còn thần Dớt ngự trị.  Ống kính thiên văn của Galilê nhìn thấy những chỗ lõm, chỗ lồi trên bề mặt trăng sao. Ở phương Đông thần Brama vẫn ngự trị, thần Civa và Visnu vẫn đánh nhau ngày đêm chưa phân thắng bại; mãi về sau thần Mars và thần Venus  tiếp tục những trận thư hùng cho đến khi thánh Găng Đi, R.Tago, Nguyễn Trãi giáng trần ; lúc ấy “nhân nghĩa mới thắng được hung tàn và chí nhân mới thay được cường bạo”, những con quỷ mới chịu chạy trốn trả lại trần gian cho con người.
( Còn nữa. Nếu các bạn ô kê, từ ngày mai đến chủ nhật-9/9/2012, mình sẽ tiếp tục đăng. TQS)

5 nhận xét:

  1. Tuyệt lắm! LH đã rất công phu khi tái hiện sinh động một quãng đời mình trong và ngoài giảng đường đại học. Bóng dáng của mình cũng dường như thấp thoáng đâu đó qua những trang viết của LH. Sửu cũng công phu nhiều lắm khi đọc, đánh máy và post những trang đời của LH lên ngôi nhà chung của lớp. Cảm ơn tác giả và "thư ký tòa soạn"! Nên tiếp tục S ơi! (TA)

    Trả lờiXóa
  2. Sâu sắc và ấn tượng. Đầy xúc cảm và rất indivudu. Cám ơn LH. Có một chi tiết là đợt khai quật khảo cổ năm thứ nhất ở Ba Đồn - Quảng Bình chúng ta chưa đi đến đèo Ngang - con đèo ranh giới giữa QB và Hà Tĩnh. Chắc LH nhầm lẫn. Nếu được LH đồng ý, mình đề nghị TQS post tiếp. đtd

    Trả lờiXóa
  3. Các bạn tiếp tục phát biểu ý kiến. LH giao cho mình toàn quyền về cuốn hồi kí.Đêm qua, trước khi đăng, mình đã đt hỏi và LH rất vui vẻ bảo rằng cứ đăng thoải mái. Mình đánh máy gần xong. Có một số đoạn vì tế nhị nên mình biên tập lại và bỏ qua. Nếu các bạn thích, chiều nay mình sẽ post tiếp (TQS)

    Trả lờiXóa
  4. Các bạn ơi, hôm nay là thứ 5 rồi. Chủ nhật lớp sẽ thực hiện kế hoạch "thế kỷ". Mong các bạn đã có nhả ý gíup sớm chuyển tiền cho NHL. [h]

    Trả lờiXóa
  5. OK ! LH và TQS xin cứ tiếp tục .Năm thứ nhất mình nhớ một nhóm ngược dòng sông Gianh đi Tuyên Hoá ,đến tận thị trấn Đồng Lê .Năm đó lớp ta chưa ai vượt đèo Ngang .LH có nhớ nhầm không chứ năm thứ nhất học triết.Cái môn ấy làm chúng ta khốn khổ và ...Không ít bác muốn trở thành "triết gia" ngay năm đầu ,quên béng mình đang học sử .

    Trả lờiXóa