31 tháng 10, 2012

Ba lần gặp ông Đại sứ

Lần thứ nhất vào dịp Festival Huế 2004, tại KS Century. Cô giáo Elle người Thái dẫn mình đến chào ông. Đó là một người đàn ông trạc 59-60, cao to lịch lãm trong bộ vest đen.  thoạt nhìn đã thấy là lạ cái cảm giác như tin cậy. Cô giáo mình chào ông rất thành kính không dấu sự ngưỡng mộ. Mình lại nghĩ: đó là chuyện của người ta.

Lần thứ hai, chừng một năm sau đó, khi mình nhận phiên dịch cho một đoàn khách gồm các nhà hoạt động kinh tế TL. Khách ở cái thể mà ông Đại Sứ một điều dạ, hai điều dạ và khi chào tay đưa cao, đầu cuối thấp- (thể hiện sự tôn trọng). Chương trình là đón đoàn ở sân bay ĐN lúc 11h30, vậy mà mới 6h sáng điện thoại đã réo. Đầu dây bên kia giọng thuần chất ngoại giao: Tôi là Đại sứ toàn quyền Thái Lan tại VN đây. Cô dịch cho Đoàn khách CP chúng tôi hôm nay phải không? Mình nhận là phải, nhưng bảo chưa đến giờ, rồi tự cúp máy. Chừng nửa giờ sau ông lại điện đến, nói là đang chờ ở  sân bay ĐN, bảo mình đến ngay. Mình bực bội trả lời: đoàn 11h 30 đến, 11h15 tôi sẽ có mặt. Lòng nghĩ chắc một nhân viên nào đó của Bộ Ngoại giao tự xưng là đại sứ đây. Ông đại sứ mà rảnh vậy ư?. ...11h mình đến sân bay thì trời ạ- Đó là ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền TL... Cái ông mình từng gặp ở Century năm 2004 ấy.

Mình  theo đoàn, cũng là theo ông suốt mấy ngày ở Miền Trung. Hội nghị này rồi họp kia. Trước buổi gặp mặt Tỉnh ủy TT-H ông bảo mình: chiều nay có buổi gặp quan trong, cô ăn mặc nghiêm chỉnh nhé. Mình hỏi lại nghiêm chỉnh kiểu gì? Tôi mặc áo dài VN được không! Ông báo : Không! Cô mặc vest như chúng tôi. Cô là người của chúng tôi. Và mình đã làm vậy. Ông nhìn mình gật gù.

Hội nghị xong hai bên tặng quà cho đoàn. Bên TT-H cũng trao cho mình một suất quà. Mình nghĩ họ nhầm mình người TL nên trả lại và nói: tôi là người VN và chỉ làm nhiệm vụ phiên dich. Ông Lý ngớ ra nhưng rồi bảo: em nhận đi, người ta mình còn tặng được nữa là mình, sao lại không!(?)

Ngoài gờ làm việc đoàn còn đi tham quan nơi này nơi khác ở Huế. Ông ĐS đã hướng dẫn rất nhiệt tình. Ông nói được cả những điều về đất và người quê mình, mà rất nhiều người Việt Nam chưa chắc nói được. Mình ngồi nghe, dần thấy quí ông. Mình thấy ân hận vô cùng chuyện ở sân bay hôm đón, nên xin lỗi. Ông bảo: không sao. Tôi cũng sai vì đã gọi cô sớm quá, mà cũng là do tôi lo cho công việc... Lần ấy ông cũng đã kể là lo chuyện Festival Huế 2004 như thế nào. Huế dạo đó mưa dai dẵng  Rồi ông hạ giọng ra chiều bí mật: tôi đã vào điện thờ trong Đại nội cầu xin vua Gia Long giúp đỡ, và thần kì thay, mưa đã ngớt trong giờ làm lễ. Cô thấy không- phép lạ có thật đấy( Ông tin là vua Gia Long đã nghe lời ông khấn cầu mà xua mây đi cho mưa ngớt) Ông nhắc mình về niềm tin và sự chân thành. Mình hiểu, ông nói từ gan ruột và coi mình như một đàn em.

Lần thứ ba, ông dẫn đoàn khách liên hợp Chính Phủ Thái Lan đến Miền Trung. Lần này ông đã thôi chức Đại sứ, về  nước nhận một công việc khác trong CP. Đoàn này lớn lắm.  Mình và ông đã biết nhau hơn, đã là người quen nên trong cách đối xử có phần phe ta hơn... Ở nhà Tấn Ký Hội An ông tâm sự về điều đúng điều sai và ngậm ngùi cho thân phận cựu thủ tướng Thaksin shinawatra. Khi xe chở đoàn chạy dọc đường Lê Lợi - Huế, ông bảo: H cho anh thuyết minh nhé. Và ông đã nói về Huế say sưa qua cách nhìn của một người thiện cảm. Ngoài giờ, mình trêu ông: hay là ông có nỗi niềm gì với con người mãnh đất nơi đây. Ông ậm ừ: chắc thế H ạ!

Chỉ vậy rồi thôi, việc ai nấy làm. Khi đoàn theo đường Xuyên Á ngược về Lào, trên xe mình ngồi cạnh ông. Thấy ông mãi mê đọc, không biết làm gì, mình cũng đọc ké. Đó là tài liệu nội bộ về nước Lào mà mình chưa hề biết. Thấy mình đọc và  hiểu, ông cho xem và giảng giải ... Ông nói ông cảm giác mắc nợ người Lào vì Tổ tiên ông đã từng có lỗi với hiện trạng nghèo khó của đất nước này. Mình nghe ông, thấy vỡ ra nhiều điều... thầm biết ơn nghề phiên dịch đã cho mình có dịp gặp ông- một nhà ngoại giao tâm huyết. Và hơn hết thảy ông biết yêu, biết trăn trở về mãnh đất con người không chỉ của đất nước ông.

Từ ngày rời bỏ công việc, mình chưa có dịp gặp lại ông Đại sứ- giờ đã là là nguyên đs. Kỉ niệm về ba lần gặp ấy cho mình ấn tượng về một nhà ngoại giao của xứ sở nổi tiếng về nụ cười thân thiện- đất nước SIAM . Đất nước mà chính bằng  tài ngoại giao, họ đã  tránh được đến mấy cuộc chiến tranh, và vẫn giữ được vẹn toàn lãnh thổ.
ttt (trả lại đây đtd ơi!)

30 tháng 10, 2012

Một chút mùa thu còn sót lại

Đường lên chùa Linh Ứng (Bãi Bụt- Đà Nẵng)

Từ chùa Linh Ứng nhìn ra biển Pacific
ttt

29 tháng 10, 2012

Hồi kí chương III


CHƯƠNG III:   Thay lời cảm tạ
     Cho đến sang nay những dòng cuối cùng của tập hồi ký cũng đã viết xong. 
     Xin cảm tạ chân thành đến Lớp trưởng thân yêu. Cám ơn các bạn đã đọc và ủng hộ mình.
     Cuối cùng mình xin chúc các bạn và gia đình luôn luôn mạnh khỏe và vạn sự như ý.
     Nếu có gì sai sót mong các bạn góp ý cho nhé.
                                                                  Lê  huyên-Lê đức Lê

Chiều nay nghe buồn buồn, chép tặng các bạn một bài nữa (TQS)

Hành phương Nam

Tác giả: Nguyễn Bính


Đôi ta lưu lạc phương Nam này,
Trải mấy mùa qua én nhạn bay.
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở;
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay.
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu,
Mà không uống cạn mà không say ?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã[1],
Mà áo khinh cừu[2] không ai may.
Người giam chí lớn vòng cơm áo,
Ta trói chân vào nợ nước mây.
Ai biết thương nhau từ buổi trước,
Bây giờ gặp nhau trong phút giây.
Nợ tình chưa trả tròn một món,
Sòng đời thua đến trắng hai tay.
Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,
Ly tán vì cơn gió bụi này.
Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết,
Ngày mai ra sao rồi hãy hay.
Ngày mai sáng lạn màu non nước,
Cốt nhất làm sao tự buổi nay.
Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn,
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay.
Hỡi ơi! Nhiếp Chính[3] mà băm mặt,
Giữa chợ ai người khóc nhận thây.
Kinh Kha[4] giữa chợ sầu nghiêng chén,
Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự[5],
Giày cỏ, gươm cùn ta đi đây.
Ta đi nhưng biết về đâu chứ ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời.
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ.
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười.
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.

Chú thích

  1. Tư Mã Tương Như nhà Hán rời Thành Đô vào kinh đô Lạc Dương, khi đi qua cầu Thăng Tiên đã đề lên thành cầu rằng: “Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều” (Không cưỡi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này). Cây cầu đó được người sau gọi là cầu Tư Mã.
  2. Khi Tương Như thành danh, được Lương vương trọng vọng, ban cho quan tước, còn tặng một chiếc áo cừu túc sương. Khi Lương vương mất, Tương Như về quê, gặp Trác Văn Quân là con gái một tay cự phú trong vùng, hai người cùng nhau trốn đi. Tương Như nghèo khó, bèn đem cầm chiếc áo cừu lấy rượu cùng Văn Quân đối ẩm. Sau hai người mở quán nấu rượu, vợ nhóm lò nấu rượu, chồng rửa chén bát.
  3. Một người anh hùng ẩn thân đời Chiến Quốc. Có người biết chàng, tìm đến xin chàng trả hộ mối thù với Hiệp Lũy, tướng quốc nước Hàn, phi anh hùng không ai làm nổi. Người đó cung phụng mẹ già của Nhiếp Chính rất tử tế như con cái trong nhà, đến lúc chết lại lo ma chay phận sự. Cảm cái ơn đó, lại không còn vướng bận, Nhiếp Chính đến nước Hàn, vào phủ tướng quốc giữa thiên binh vạn mã, đâm chết Hiệp Luỹ, chống cự với ba quân rồi rạch nát mặt, tự vẫn mà chết. Vua nước Hàn đem thây chàng ra giữa chợ trao giải cho ai tìm được tung tích. Chị gái Nhiếp Chính đã đi lấy chồng, nghe tin tìm đến ôm xác em mình khóc thảm thiết, rồi nói với những người xung quanh đại ý rằng: Em tôi là Nhiếp Chính, vì sợ liên luỵ đến tôi và người ơn của nó nên mới phải rạch mặt để không nhận ra mà chết thế này, nay tôi lại tiếc thân để người đời không ai biết đến nó thì còn mặt mũi nào nữa. Nói rồi cũng tự vẫn chết bên xác em. Nhờ đó, tên tuổi của Nhiếp Chính mới lưu danh sử sách như một anh hùng. Chị của Nhiếp Chính cũng là một nữ nhân anh liệt.
  4. Kiếm khách thời Chiến Quốc, được thái tử Đan của nước Yên thuê hành thích Tần Thủy Hoàng. Khi tiễn biệt nhau qua sông vào đất giặc, Kinh Kha ngậm ngùi ngâm lên:
    Gió đìu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê
    Tráng sĩ một đi chừ không bao giờ về.
    Việc hành thích bất thành, Kinh Kha bị thủ hạ của Tần Thủy Hoàng giết chết.
  5. Phùng Hoan, môn khách của Mạnh Thường Quân lãnh nhiệm vụ đi đòi nợ, khi đến ấp Tiết gọi các con nợ lại và tuyên bố đốt hết văn tự nợ. Sau về nói với Mạnh Thường Quân là đã lấy tiền nợ ấy mua “Đức” hết rồi! Sau Mạnh Thường Quân bị vua Tề phế, khi đi ngang qua ấp Tiết thì toàn dân ra đón linh đình, nhờ thế được vua Tề thu dụng lại.
Chép tặng SKS một bài thơ của Lưu Quang Vũ
                                       (TQS)


  • Chiều chuyển gió

    Chân bước vội em về từ phố rộng
    Mang mùa hè xanh biếc trên vai
    Chiều mênh mông gió lớn thổi từ trời
    Em bỏ nón tóc lòa xòa trên má.
    Ngày thường ngày chẳng có gì lạ cả
    Sao suốt chiều anh cứ đợi mong em
    Anh hồi hộp vào ra, anh xếp sách dọn bàn…
    Và gió cứ đập hoài ngoài cửa sổ
    Chỉ gió chuyển chứ có gì khác lạ
    Hè sắp qua, thu sắp trắng bên trời
    Sống bên em thấm thoắt mấy năm trôi
    Lòng sao vẫn ngỡ ngàng như mới gặp?
    Anh nghe tiếng những vòm cây gió động
    Lá chập chờn muôn ánh nắng lung linh
    Nắng tan ra như hơi thở vô tình
    Hơi thở lớn ào ào trên phố xá …
    Những mái nhà chập chùng như biển cả
    Sự diệu kì của trời đất mênh mông
    Sự diệu kì của tia nắng mong manh,
    Sự diệu kì của cuộc đời mạnh mẽ
    Vừa bí ẩn vừa rõ ràng đến thế
    Không cho ai được sống nửa vời
    Có em anh hiểu lại cuộc đời
    Có em anh bắt đầu tất cả
    Bắt đầu con đường, bắt đầu nhịp thở
    Mùa hạ đầu tiên, ngọn gió đầu tiên
    Muốn trao em gương mặt đến tâm hồn
    Đều trong trắng, tràn đầy thuần khiết nhất
    Niềm vui sống như dòng sông mãnh liệt
    Một sáng mai, một cảng mới để lên đường
    Đất đai thành xứ lạ lúc trăng lên…
    Còn bao chân trời mình chưa tới kịp
    Bao đau đớn, yêu thương, nụ cười, nước mắt
    Mỗi con đường lại có những ngã ba
    Dẫn đến vô biên bao chuyện bất ngờ
    Bao bài hát mình chưa nghe kịp
    Trang giấy rộng ngòi bút đưa gấp gấp
    Cuốn sách hay cuống quýt lật trên tay
    Chưa đọc hết trang kia sợ bỏ sót trang này
    Anh là kẻ suốt đời tất bật
    Suốt đời vội đi, suốt đời nóng ruột
    E đến nơi mùa đã gặt xong rồi
    Nhưng cốc rượu đầy uống mãi chẳng hề vơi
    Sau mùa hạ đến mùa thu lá đỏ
    Sau mùa cúc lại mùa hoa vạn thọ
    Sau cửa gương là đôi mắt thương yêu
    Ôi vai em mềm ấm biết bao nhiêu
    Em ngoảnh lại nhìn buổi chiều lộng gió
    Tim anh đập như quả chuông bé nhỏ
    Dưới hồi chuông vô tận của trời xanh                           
  •                  Lưu Quang Vũ


Trong lúc chờ đợi các bạn viết bài, mình post một bài mới đọc được để các bạn đọc cho vui (TQS)

5 ĐIỀU HỐI TIẾC NHẤT LÚC SẮP LÌA TRẦN

 Một nữ y tá người Úc tên Bronnie Ware đã có nhiều năm chuyên chăm sóc người bệnh ở thời kỳ 12 tuần cuối của cuộc đời họ. Qua đó cô đã có cơ hội ghi lại những điều mà người bệnh còn hối tiếc trước khi nhắm mắt. Cô nhận ra rằng khi người sắp qua đời được hỏi có điều gì trong cuộc đời mà họ hối hận vì đã không làm khác đi, đã có một số câu trả lời rất phổ biến trong tâm lý chung của  con người ở giai đoạn này mà cô có thể tổng kết lại thành năm điều và viết thành cuốn sách cùng tên: “5 điều hối tiếc nhấ lúc sắp lìa trần”. Đã không có câu trả lời nào đề cập đến sự ham muốn về tình dục hay những cú nhảy bungee mạo hiểm.
Dưới đây là năm điều hối tiếc phổ biến nhất của những người sắp chết, mà Ware đã ghi lại:

1. Giá mà tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, chứ không phải là cuộc sống mà những người khác mong đợi ở tôi.
Đây là niềm hối tiếc phổ biến nhất. Khi con người ta nhận ra rằng cuộc đời của họ đang gần đến điểm kết thúc, ngoảnh nhìn lại, thật dễ dàng để nhận ra có bao nhiêu giấc mơ đã trôi đi mà chưa thành hiện thực. Hầu hết mọi người đã không tôn trọng thậm chí chỉ một nửa giấc mơ của mình và giờ đây họ phải ra đi trong suy nghĩ rằng điều này hoàn toàn do những gì họ đã lựa chọn, hoặc không lựa chọn. Sức khỏe mang lại một sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn có nó được nữa”.
2. Giá mà tôi đã không làm việc một cách cật lực.
Điều hối tiếc này này đến từ tất cả các bệnh nhân nam mà tôi chăm sóc. Họ đã bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái họ cũng như sự đồng hành của người bạn đời. Phụ nữ cũng có nhắc đến điều hối tiếc này, nhưng vì hầu hết họ đến từ thế hệ cũ, họ đã không cần phải là trụ cột gia đình. Tất cả những người đàn ông mà tôi đã chăm sóc đều hối hận một cách sâu sắc rằng họ đã chi tiêu quá nhiều cuộc sống của họ để chạy đua với công việc”.
3. Giá mà tôi có đủ can đảm để bộc lộ cảm xúc của mình.
Nhiều người phải ức chế cảm xúc của mình để giữ hòa khí với những người xung quanh. Kết quả là, họ phải tự nén mình xuống sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ trở thành người mà họ đã thực sự có khả năng trở thành. Nhiều căn bệnh phát triển liên quan đến sự cay đắng và oán giận mà họ đã phải ôm trong người”.
4. Giá mà tôi giữ liên lạc với bạn bè của tôi.
Thường thì họ sẽ không thực sự nhận ra những lợi ích đầy đủ của những người bạn cũ cho đến những tuần cuối cùng của cuộc đời, và không phải lúc nào cũng có thể tìm lại được bạn bè. Nhiều người đã bị kẹt trong cuộc sống riêng của họ đến nỗi đã để những tình bạn vàng trôi đi theo năm tháng. Đến cuối đời họ cảm thấy rất ân hận bởi đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để chăm chút cho tình bạn của mình. Tất cả họ đều nhớ đến những người bạn của mình khi họ đang hấp hối”.
5. Giá mà tôi để cho bản thân mình được hạnh phúc hơn.
Đây là một niềm hối hận phổ biến đến mức ngạc nhiên. Nhiều người cho đến phút cuối cùng mới nhận ra hạnh phúc chính là một sự lựa chọn cho cuộc sống. Họ bị kẹt trong những mô hình và thói quen cũ. Cái gọi là “sự dễ chịu” của sự quen thuộc đã lấn át đời sống tinh thần cũng như thể chất của họ. Sự sợ phải thay đổi đã khiến họ phải giả vờ với mọi người xung quanh và với chính bản thân họ, rằng họ đang rất mãn nguyện, nhưng thực ra, ở sâu bên trong, họ thèm được cười hết mình và có được lại sự khờ dại”.

A.T dịch từ bản tiếng Anh: Top five regrets of the dying tại trang theguardian.

 

27 tháng 10, 2012

Như mưa đời phất phơ...

         Năm thứ nhất...Hễ rảnh là hắn hay lang thang cùng với một anh đồng hương học Sử K2. Nơi thường lui tới nhất là căn nhà có ba chị em gái xóm đạo, cách không xa nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Hắn nhớ, cứ men theo con đường phía nam dòng sông An Cựu, rẽ vào ngõ hẻm là đến nhà. Ngôi nhà đối với anh SK2 hình như rất đỗi gần gũi, nhưng với hắn lần đầu sao mà lạ lẫm, nhất là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt hắn là hình tượng Chúa Jesu ngự trên tường bao dung, thánh thiện. Còn trên nền nhà, hai người con gái bình thản ngồi chằm nón. Người chị ngước lên, mỉm cười: " Các anh tới chơi ...". Giọng dịu nhẹ như gió thoảng. Cô em gái cũng ngước lên chào anh SK2, rồi nhìn hắn có chút ngạc nhiên, nhưng cái nhìn rất thẳng, khác với nhiều  cô gái sau này hắn hay gặp. Rồi, cô em nhẹ nhàng đặt khẽ chiếc nón đang chằm dở sang bên, dứng lên rót hai ly nước mời: " Hai anh uống nước...". Chỉ có thế. Anh SK2 nói chuyện đủ thứ, từ chuyện thời tiết xứ Huế dạo này mưa sao buồn quá, dẫn đến chuyện có đoàn văn công gì đó sắp diễn ở Cung An Định. Chẳng biết có dụng ý gì. Hình như anh ấy muốn gợi ý mời ba chị em đi xem thì phải. Còn hắn, hắn ngồi yên, không dám thở mạnh. Phải hơn nửa tiếng, hắn mới dám nhìn nghiêng nghiêng cô em gái lúc này như vẫn mải mê chăm chút từng đường kim, mũi chỉ trên chiếc nón lá trắng nuột. Một nửa mái tóc xấp xỏa trên bờ vai  gầy gầy, cánh mũi thẳng, làn da mặt mịn màng và trắng hơn do màu trắng của chiếc nón hắt lên. Lát sau, có một người con gái nữa bước vào nhà. " Các anh tới chơi...". Hắn biết ngay là cô chị lớn trong nhà. Khác với hai cô em, người chị nói chuyện với hắn vẻ cởi mở hơn. Chị hỏi ra ngoài này học có nhớ nhà nhiều không, chuyện ăn, chuyện ở nơi cư xá đã quen chưa...Hắn bớt ngại dần. Anh SK2 nói chuyện khá rôm rả với người chị lớn này. Hình như họ đã có mối thân tình từ lâu rồi...Lần thứ hai, lần thứ ba hắn đi với anh. Nhưng đến lần thứ tư thì hắn bạo gan đi một mình đến căn nhà có ba chị em gái ấy. Vì anh SK2 đã giã từ khung trời Tổng hợp với mùa mưa xứ Huế năm ấy sao mà dầm dề, lê thê. Anh đi, và gửi lại "thằng nhỏ em" làm bạn với ba chị em"cho vui"...
         Thường là những buổi chiều không có tiết học, hắn xuôi đường Nguyễn Huệ, qua cổng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế,thẫn thờ dừng ngắm đi, ngắm lại không biết bao nhiêu lần công trình kiến trúc tuyệt mỹ này. Rồi hắn vòng qua cổng phía bên kia , đến nhà ba chị em. Chẳng có gì, ngoài việc lặng lẽ ngắm nhìn cô gái chằm nón lá. Chiếc nào xong, cô em gái thản nhiên đưa hắn: " Anh coi thử... chiếc này chắc xấu òm ...".Hắn cầm lên, ngó vào mặt trong, rồi soi ngược ánh nắng chiều. Cầu Tràng Tiền, dòng Hương Giang, núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ bảng lãng, mông lung, ẩn mờ quanh thành nón. Và gương mặt cô em lúc này, Chúa ơi, sao mà phảng phất nét diệu hiền, thánh thiện như Đức Mẹ Maria.
           Vài tháng sau...một chiều, hình như một chiều chủ nhật, hắn lại lang thang theo con đường quen thuộc đó. Và gặp cô em gái trên đường, gần nhà thờ. "Em đi đâu vậy Vân ?". Ngạc nhiên như hắn, cô em cũng hỏi:" Anh đi mô rứa ?". "...Anh đến nhà em !". " Em đi lễ nhà thờ !". " Vậy hả?". " Thôi em đi nhen ! Mai anh tới nhé !". Cô em gái đi xa rồi nhưng cái dáng thướt tha trong tà áo dài trắng như khói sương quẩn trong đầu hắn không rời. Lòng vòng một lát, hắn lại thập thò ngoài cửa thánh đường. Hắn đảo mắt tìm và thấy cô em quỳ cầu nguyện như bao con chiên của Chúa. Thanh thản và sâu lắng. Và rất chi là ...Ma Soeur!
            Vậy là cứ chiều chủ nhật, hắn lại đến nhà thờ, để gặp một chút, để ngắm cô em cầu nguyện và có vài lần mạnh dạn theo chân tiễn mấy chị em về gần tới nhà. 
            Noel năm ấy, cùng với mấy bạn trong lớp,  hắn  đến nhà thờ với tâm trạng vui không thể xiết. Vì lần đầu đi Noel ở xứ thần kinh mộ đạo. Và đi để cố tìm cô em trong vô vàn người dự lễ. Âm thầm tìm. Lặng lẽ buồn vì tìm không thấy. Về lại cư xá, rồi quay lại nhà thờ. Đến giờ khắc Chúa Giáng sinh, hắn len lỏi vào trong và cố tìm cô em . Không có. Nhưng rồi hắn ngây ngất khi thấy cô em xuất hiện trong nhóm các cô gái hát Thánh ca. Bài Thánh ca kết thúc, cô em cùng nhóm hát lui vào trong để lại cho hắn một cảm giác thiêng liêng chưa hề có. Dường như kể từ giây phút ấy, hắn mường tượng dần dần, để đến lúc này hắn tin là có Chúa ở trên cao...
          Tết năm ấy, hắn đem về tặng mẹ chiếc nón bài thơ do chính tay cô em chằm. Rồi cuối năm thứ nhất, hắn có chiếc túi "sinh viên" đan bằng sợi cước nhựa, hai màu ô vuông xanh đen.Cũng chính bàn tay cô em ấy đan...
         Ở đất kinh kỳ, cái nôi văn hóa, chịu nhiều biến cố trầm luân, hắn học lam nham được vài thứ. Trong đó có âm nhạc. Mỗi lần qua nhà thờ, chiều chiều nghe tiếng chuông nguyện, hắn bất chợt lảm nhảm hát: " Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa. Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa ?". Những ngày tháng ấy...hắn giống như cơn mưa phất phơ. Hình như cuối năm thứ tư, Ma Soeur nói với hắn: " Tháng sau em làm lễ cưới ở nhà thờ đó anh..." trong một dịp tình cờ gặp nhau trên con đường chạy ven dòng sông An Cựu lờ lững...
                                                                                                                           VĐT

26 tháng 10, 2012

HELLO SKS !

     Chào các bạn! Mấy tuần rồi mình bận rộn quá, ít có dịp ghé về ngôi nhà chung của chúng ta. Giờ biết các bạn đều mạnh khỏe, chăm lo nhà cửa khang trang sạch đẹp mình rất mừng. Cám ơn thật nhiều mọi người! Mình đi một chuyến dài ngày ra Bắc, có nhiều chuyện rất hay nhưng chưa có thời gian cà kê dê ngỗng trên blog để chung vui cùng mọi người. Rồi từ từ mình sẽ kể.
     ĐVH cùng phu nhân xinh đẹp và cháu ra Huế gặp lúc mình đang ở xa không gặp bạn được để tâm sự, hàn huyên và sẻ chia thật áy náy. Mình về Huế thì bạn đã quay lại SG. Gọi cho bạn thì không hiểu sao lại không liên lạc được với số mobifone của bạn. Gởi lời xin lỗi đến bạn cùng MT và mong bạn thông cảm.
     Nghe bảo và biết TA lâu nay vẫn khỏe như vông mình thật mừng, ước gì mình được một tí vỗng như khoe của cậu. Vì cậu đang khỏe nên đề nghị cậu lên blog lái cho ồn nhà ồn cửa để tiếp thêm sinh khí cho SKS nhé.
     Xin gởi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến tất cả các bạn cùng gia đình. Chào thân ái!
                                                                                                                           đtd 

SỰ CỐ

  Hôm qua đi dự liên hoan cùng anh em bạn, về, mình bị say. Đêm về , vào blog quậy lung tung. Sáng nay trong vòng 5 giờ đồng hồ, một số bạn trong lớp không vào Ngôi nhà chung được. Bây giờ đã khắc phục sự cố. Xin cáo lỗi cùng các bạn trong Lớp. Lần sau, xỉn sẽ không vào quậy lung tung nữa. Password có thay đổi. Sẽ nhắn tin cho các bạn biết chừng. (TQS)

Cảm ơn anh em lớp Sử K6.

    Sau hơn 2 tháng bị bệnh. Biên đã hồi phục sức khỏe và đi làm hơn tuần nay. Biên cảm ơn bạn bè trong lớp sử k6 đã quan tâm đến Biên, cử Đinh Văn Hạnh, Tôn Thất Minh, Lê Huyên đến thăm Biên và gởi quà. Biên cảm ơn Trương Quang Sửu nhiều, quan tâm điện thoại thăm hỏi. 
      Nguyễn Biên

24 tháng 10, 2012

Hồi kí chương II (tt)

   Người thầy thứ hai là Giáo sư Tiến sỹ Dương Đình Khôi, người đậm đà tầm thước. Thầy dạy chuyên đề về"Nhân chủng học".

   Thầy Hồng là người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của tôi. Hiền hậu, vui vẻ,... Xin cầu chúc thầy cô luôn luôn hạnh phúc.

   Còn một người Thầy đặc biệt nữa là Nhà nghiên cứu Dân tộc học Nguyễn Từ Chi. Trong những ngày ông về nghiên cứu cấu trúc kinh thành Huế, tôi may mắn được gặp ông, cùng ông ăn những bữa cơm cộng cảm rất vui, ông kể hàng trăm thứ chuyện trên đời. Ông kể chuyện về những ngày làm chuyên gia ở châu Phi, về mối tình hết sức cảm động của mình…Cám ơn đời đã cho tôi gặp gỡ một người Thầy lớn, một con người vô cùng đặt biệt, một nhân cách lớn, một tài năng bẩm sinh, một nhà khoa học uy tín và tài năng.

     Bên cạnh những người Thầy khả kính là những người bạn tuyệt vời.

     Viết về những người bạn cùng thời là một công việc không dễ dàng chút nào. Lại càng khó khăn hơn khi các bạn ấy đang làm nhiều công việc khác nhau liên quan đến các quan hệ chồng chéo, phức tạp…Trong quá trình tái hiện chân dung của các bạn nếu có gì sơ suất xin các bạn góp ý chân thành nhé.

Người bạn thứ nhất là Trương Quang Sửu (Lớp trưởng). Viết về người bạn này sao khó quá...Thôi thì nghĩ gì viết nấy, có gì viết nấy… Ấn tượng đầu tiên là dáng đi " đáng ghét" của anh ấy. Cái sự "ghét" ở tại đôi chân 'vòng kiềng" ấy. Lưng đi thì cong cong và lúc nào cũng muốn lao về phía trước. Rất nghiêm khắc với chính mình và đòi hỏi cao các bạn ở trong lớp. Làm việc nghiêm túc, chơi hết mình. Đôi mắt rất sáng, long lanh, những lúc giận ai thì cũng long sòng sọc, phát ra lữa đấy. Ối! TQS ;Tôi " ghét " anh quá chừng. Anh và cả lớp đã cứu tôi một bàn thua trông thấy trong giờ lich sử thế giới năm nào. Merci mon cours d'histoire K6 thân yêu của tôi. Cầu chúc Anh Chị và các cháu luôn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc .

   Người bạn thứ hai chính là Trần Ánh. Nghệ sỹ quá đi thôi! Cao lêu nghêu.Tóc xoăn kiểu dân cao bồi Nam Mỹ. Tại sao Anh lại lọt vào lớp Sử K6 nhỉ? Học giỏi, vẽ đẹp, đàn ca rất tuyệt. Nói chung là có rất nhiều tài vặt. Bạn là một hình mẫu SV mà các cô bé mới chập chững bước vào cổng trường Tổng hợp luôn mê tít thò lò....... Đã có bao nhiêu cô nàng từng mơ mộng được làm người tình của anh vậy Trần Ánh của tôi?????????

  Ra trường nghe anh về quê phục vụ đúng chuyên nghành đã học. Tôi đã thấy anh vài lần xuất hiện trên ti vi và tôi mừng quá. Bạn mình đã phần nào công thành danh toại. Được sống cống hiến hít thở không khí nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì còn gì sướng hơn được nữa. Chúc nghệ sỹ hanh thông trong con đường hoạn lộ. Và đừng quên những người ban thân yêu của lớp Sử K6 năm nào!

       Người bạn thứ ba; Tiến sỹ Đinh Văn Hạnh. Đây là người bạn thứ ba của tôi, có nhiều thứ  “cùng’’ lắm, cùng  “Âm” trong tên gọi,  cùng  giường. Anh ấy vào trước chiếm tầng dưới, tôi đến sau phải ở tầng trên. Thằng nào cũng chăm chú đọc đọc, chép chép…Thỉnh thoảng dưới nhìn xéo lên, trên cúi đầu nhìn xuống. Rồi lại lao vào đọc đọc, chép chép. Những tập vỡ Anh đóng cho tôi năm nào để ghi nhật ký và làm thơ, tôi vẫn giữ gìn cẩn thận.Xin cảm ơn Anh rất nhiều.

Chúc anh chị Thu, đặc biệt là cháu gái sớm hết bệnh .


Bên cạnh là các bạn ĐTD, TBN, HN, KO… mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Cầu chúc cho lớp chúng ta moị việc bình an vạn sự như ý. 
LH

21 tháng 10, 2012

LAI RAI BÔNG PHÈNG ( tiếp theo )

         - A - lô! Lão Cận! Lão Cận đâu... nghe điện này...
         - Dạ  Em nghe đây Sếp ơi! Xin lỗi Sếp... em chậm một tí...
         - Làm éo gì mà không thưa máy tớ hả? Này tớ không có nhiều thời gian đâu nhé. Tối qua có việc gì điện tớ thế?
         - Em chậm một chút do còn phải mặc áo quần  chứ truồng như nhộng mà nói chuyện với Sếp lỡ Sếp biết,  Sếp bảo em bất kính thì cái chức Tổ trưởng Tổ Gà chắc dìa hóc bà Tó đó Sếp.  Còn tối qua em điện để chúc mừng phu nhân nhân ngày chị em đó mà... Sếp vừa mở máy em liền nghe tiếng nhạc tiếng hát ồn ã là biết ngay Sếp bận, em liền tắt máy ngay. Tắt rồi vẫn còn run...
        - Hè... hè... Nhậu chúc mùng rồi... mấy nhỏ hứng chí kéo tớ đi hát cho hả hơi. Này  mấy nhỏ còn bày đặt trao giải  lại phong cho tớ danh hiệu nghệ sĩ nữa đấy. 
       - Giải gì đó Sếp?  Lại nghệ sĩ nữa...
       - Ù! Nghệ sĩ "nhăn răng" đạt giải "bàn tay Rờ" tiếng hát karaoke đấy! 
       - Hì... hì...! Sếp ngồi ghế cao ngất ngưởng mà còn ngó xuống tận mấy nhỏ... là diễm phúc cho Lớp ta đấy nhé! Em mà dược ngồi hát chung với Sếp,  em cũng sướng rân người ấy chứ!
       - Cậu chỉ được giỏi nịnh! Tớ chúa ghét mấy thằng nịnh, nhưng... hè...hè... nói vậy chứ... cũng phải trừ đứa nào nịnh tớ! Ghét nhiều quá thì sống với ai... Mà này, cậu điện tớ ngoài việc chúc tụng vớ vẩn, chắc muốn hỏi về chuyện Tổ Gà chứ gì?
       - Trời, Sếp thật sáng suốt! Đúng  là việc đó đấy Sếp! Sếp ơi, Sếp đã bỏ chút thời giờ "ngâm cứu" chưa ạ? Kết quả thế nào?
        - Việc cậu, tớ thao thức mấy đêm không ngủ đấy?
        - Ghê răng vậy nha Sếp? Em tưởng dễ như hát karaoke vậy mà! Chẳng cần biết nhạc, biết lời gì cũng hát tuốt luốt! Có lúc cứ ê a cũng được giải "bàn tay Rờ"...
       - Bậy nào, làm Sếp khó lắm! Nếu dễ thì cái đầu củ chuối của cậu cũng làm được tất... Này nhá, bữa trước cậu khai báo lý lịch rồi. Cứ cho là đảm bảo để cậu còn chui sâu, leo cao tới chức Lớp phó! Bước thứ hai là có sự đồng ý của mấy thằng được các cậu bầu lên mà tớ là một trong số đó. Một thằng như tớ dù có thương cậu mấy, thấy tài của cậu chói như đèn pha cũng không nhắc cậu ngồi lên ghế Tổ trưởng của cái Tổ có 7 chú gà cồ và 1 cô gà mái được đâu?
        - Sếp nói vòng vo quá, thiệt tình em éo hiểu!
        - Lão Cận ơi, là lão Cận! Nói nôm na là phải đủ mấy thằng đồng ý thì tớ mới phong chức cho cậu được! Trước hết phải có ý kiến của lão NM ở tít Quảng Bình.
        - Ủa, em thấy lão đó có làm gì trong Lớp đâu? Chẳng giữ sổ đầu bài, không giữ cuốc xẻng, cũng không nhận, phát phiếu ăn... Ngay cái chuyện đầu têu hát hò cũng có lão khác làm...
         - Cậu ngu bỏ mẹ, hèn chi cậu chỉ làm thằng phó thường dân đỏ đít. Cái lão ấy nó không làm gì nhưng nó chỉ nói là tớ làm, các cậu làm, cả lớp kéo nhau làm. Cậu không nhớ năm thứ nhất lão bốc đồng trương ra khẩu hiệu dán trên lớp không?
        - A! Em nhớ như in. "Hỡi các chàng trai, cô gái SKS, hãy chuẩn bị luận văn tốt nghiệp ngay từ hôm nay!". 
       - Đúng rồi! Còn năm thứ ba?
       - "Luận văn tốt nghiệp = Luận án phó tiến sĩ: Tại sao không?".
      - Ồ, cái đầu cậu từ củ chuối có chuyển biến tốt thành củ đậu rồi đấy! Cậu nhớ lúc đó cả lớp rùng rùng làm luận văn, làm luận án phó tiến sĩ chứ?
       - Làm sao mà em quên. Em lao vô hùng hục, sau đó em ngã vật ra, thở pheo pheo...
       - Khật... khật... rồi sao?
      - Được đâu chừng hai tháng gì đó, em vẫn chưa biết mặt mũi cái luận văn là cái éo gì? Nếu em bám theo vài tháng nữa thì con bồ mới chôm nó theo thằng khác rùi! May sao nó bẹo má em rồi bảo em ngu vừa vừa thôi! Rùi em nó ỏn ẻn nói với em đừng tin thằng trương ra khẩu hiệu đấy!
       - Khật...khật... Tớ thì biết tỏng lão ấy! Tớ cũng vờ vĩnh làm để lão ấy khỏi càm ràm vì sao làm Lớp trưởng mà không gương mẫu. Chỉ khổ cho các cậu... Mà thôi, lần này cậu phải gặp cho được lão ấy nhé! Dại bầy hơn khôn độc!
       - ...Là sao hở Sếp? 
      - Là nắm đầu cậu lên ghế Tổ trưởng Tổ Gà, nếu cậu làm không được, thì cả bọn cùng chịu. Tớ không dại gì chịu một mình, mấy thằng kia cũng vậy.
      - Chí lý... chí lý... Mà sao... em thấy giống như thời còn... bầy đàn hả Sếp? Khôn độc còn hơn... dại bầy chứ?
       - Cậu có muốn làm Tổ trưởng không?!
       - Dạ có! em xin lỗi Sếp!
       - Muốn vậy phải gặp lão ấy ngay!
       - Sẵn sàng! Nhưng Sếp ơi, em hỏi thế này, nếu không phải... Sếp đừng biếm chức em nha...
       - Ừ, nói đi!
      - Gặp lão ấy... em có...em có...gì gì không ạ?
      - Đúng là cậu giống con... chỉ biết rúc đầu trong hĩm! Cậu có biết "gì gì" không? Ví dụ cho dễ hiểu như cái việc vợ cậu đẻ. Muốn cho con cậu chào đời êm ả, cậu có "gì gì" với các bác phụ sản ở bệnh viện không?
      - A! Có chứ Sếp! Chuyện thường ngày ấy mà! Chuyện nhỏ dài tập, kể không hết... Trẻ con bây giờ cũng hiểu nhanh hơn em đó Sếp! Em phải...
      - Nói cái việc đó với cậu chán bỏ mẹ! Thôi được, ở Quảng Bình có món gì ngon?
       - Em nghe nói có món mực ngon lắm. Nõn nà, trắng muốt và múp làm sao...
       - Còn quê cậu, có đặc sản gì không?
       - Để em nghĩ coi... A! Có rồi Sếp ơi! 
       - Nói thử để xem cái IQ cậu ra cái khỉ gió gì?
       - Hì... hì... Quê em có món "ngò". Em sẽ đem "ngò" ra xào với "mực" thành món "mực ngò" được không Sếp?
       - Đầu cậu lại có chuyển rồi đấy! Cứ thế mà "chuyển" vào tiếp với hai lão lớp phó nhá! Hai lão ấy cũng thích nhiều món, coi mặt mà đãi nhá! Kết quả thế nào mươi ngày nữa báo cho tớ biết để tớ còn xem xét đấy!
     - Zdet-xờ! Thưa Sếp!...
                                                                ( còn tiếp )
                                                                                                                                  VĐT
       

20 tháng 10, 2012

Hò giã gạo- dân ca Huế



Vẫn đang trong những ngày tháng mười  thương yêu tha thiết,
mình rinh về nhà chung một nét Huế cho đỡ nhớ.
T

19 tháng 10, 2012

CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10

       Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, blog Sử K6 xin chúc toàn thể chị em Phụ nữ lớp ta và các cô dâu của lớp nhiều sức khỏe, suốt ngày vui vẻ và luôn răn đe các ông chồng theo kiểu.....giơ cao đánh khẽ.
       Thương tặng các chị em món quà nhỏ:

  

17 tháng 10, 2012

Xin đừng ú ớ, sàm nâng...!

Hà Văn Thịnh
Tin Mạc Ngôn vừa được nhận giải Nobel văn học vừa được loan báo có mấy tiếng đồng hồ, tôi đã thấy một số báo đưa tin (lúc này là 02:20 AM, 12.2.2012) và, thậm chí, viết bài để ca ngợi(!)? Đưa tin thì nên bởi chẳng ai cấm, nhất là cái “niềm tự hào” vì là châu Á; nhưng ca ngợi thì xin can, ngàn lần can, nếu các vị (đã viết, đã đăng hoặc sẽ viết, sẽ đăng).
     Trước hết, với cách dùng từ vô cảm và... dốt nát khi ca ngợi Ma chiến hữu là “một tác phẩm nổi bật” thì quả là không tài nào hiểu nổi. Thậm chí cái title thì chối hết biết: “luôn kiêu hãnh”! TQ kiêu hãnh là chuyện của họ chứ đừng thấy ngô rang mà vàng con mắt. Cách đây 3 năm tôi đã viết hai bài liền phê phán nhà xuất bản và người dịch tác phẩm đó là TS Trần Trung Hỷ (hiện đang là Phó Ban – ngang cấp phó hiệu trưởng ở ĐHH?) vì cái TỘI dịch, in một tác phẩm chửi người Việt là loại chó mèo, là tàn ác, là xâm lược Trung Quốc, là ăn cháo đái bát (đăng ở Văn hóa Nghệ An, ai còn lưu xin gửi cho tôi, rất cảm ơn vì máy tính viết 2 bài đó bị mất rồi). Chuyện quan chức thì ĐHH vì... cái gì tôi không rõ nên thích thì cứ coi dân như khoai mà cứ bổ nhiệm; nhưng chuyện dịch, in một tác phẩm nhục mạ cả dân tộc, chà đạp lên sinh mạng hàng vạn con người (cả quân và dân) đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc là điều không thể chấp nhận được. Lẽ ra, phải có lệnh thu hồi ngay tác phẩm đó, trừng phạt nghiêm khắc những ai đã tiếp tay cho giặc (dù vô tình hay cố ý). Thế nhưng, thời thế đảo điên. Trước đã có tờ báo ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu (kẻ chỉ huy quân xâm lược VN), đến tận bây giờ lại còn viết bài ca ngợi thì quả là “bụt trên chùa cũng phải u ư”.
Tại sao khi báo chí đưa tin có nói chuyện một số tác phẩm của Mạc Ngôn đã bị cấm lưu hành ở TQ nhưng lại không hề có lời nào nói về Ma chiến hữu? Các vị lại vô tình hay tại cậu đánh máy, cô thư ký? Muốn bào chữa cách nào đi nữa thì trong bài viết về Mạc Ngôn phải kể cho hết, cho đủ những tư tưởng, nghệ thuật (thi pháp) của Mạc Ngôn, trong đó có cả chuyện coi dân Việt Nam là đáng dạy cho một bài học (nguyên văn trong Ma chiến hữu) và, trang bìa của cuốn sách đó nhấn mạnh rằng những tên lính TQ xâm lược VN đã viết nên BẢN ANH HÙNG CA(!?) Các vị hãy đọc lại những dòng sau đây trên bìa 4 của cuốn sách đáng phỉ nhổ ấy: “Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng.”. Lời lẽ đó có giống với giọng điệu mới đây của Hoàn Cầu khi khẳng định VN là ĐỊCH hay không?
Xin các vị nếu không quan tâm đến lòng dân, vận nước đi nữa; không còn muốn chống lại giặc ngoại xâm đi nữa thì hãy lặng yên! Đừng có ú ớ khen bậy, khen sàm mà làm cho hàng triệu trái tim người đớn đau. Hãy để cho cái tình cảm tự nhiên của quý vị đối với bá quyền bành trướng hóa thành xi măng trong cái góc tối tăm nào đó vẫn được gọi là cái đầu. Rất cảm ơn!
Quảng Trị, 02:50, 12.10.2012

Hồi kí chương II (tt)

      Giã từ trường cấp 2 số 10, tôi  thi chuyển cấp, lên cấp 3.
      Trường THPT Tư Nghĩa. Ngôi trường có quá nhiều kỷ niệm, có quá nhiều  người bạn mà chỉ số IQ đều vượt trội. Lớp 10c3, lớp 11C3. Hai năm, tôi học ban C. Lớp có các thầy cô điển trai, xinh gái quá chừng: thầy Cảnh dạy toán, thầy Vũ, thầy Binh dạy Lí, thầy Thanh dạy Địa,... Cô Thanh (người Huế) dạy Văn, cô Nguyễn Thị Mai dạy Lí kiêm chủ nhiệm lớp. Quê cô ở Nghĩa Hà. Em và các bạn rất nhớ cô. Nghe nói bây giờ cô đang bán vải ở chợ Tân Bình.
      Thầy Lũy dạy văn lớp 11C3, thầy có mối tình quá đẹp mà thầy thường kể cho chúng em nghe năm nào. Bên cạnh những bài học hấp dẫn, lí thú… Thầy còn kể chuyện “Ngìn lẻ một đêm” cho lớp nghe. Ôi quá tuyệt vời! Khi nào ghé QN-ĐN em sẽ tìm thăm thầy. Chúc thầy cô và gia đình  hạnh phúc.
      Các thầy khác như thầy Cảnh, nghe đâu đã chuyển sang trường chuyên Lê Khiết; thầy Vũ, thầy Thanh vẫn còn đứng nguyên trên bục giảng, tiếp tục sứ mệnh dẫn đường đàn em sau này.
      Lớp 12A có quá nhiều sự kiện. Giữa học kì 1 tôi chuyển sang lớp này. Tạm biệt 11C3 nhưng tình bạn vẫn nguyên vẹn như ngày xưa. Thầy Huỳnh Ngọc Anh làm chủ nhiệm lúc nào cũng tưng tưng khi vào lớp, lúc lắc cái đầu, dáng cao, gầy, nhanh nhẹn...
      Thầy vào lớp là kiểm tra bài ngay. Eo ôi! Tôi bây giờ bết bát môn Toán lắm rồi! Mỗi lần kiểm tra được 5, 6 hoặc 7 điểm là mừng lắm rồi. Vài năm nay thầy đã về hưu. Sáng uống cafe, đánh bi-a, quây quần bên vợ con. Cầu chúc thầy cô luôn hạnh phúc. Sự đời nó vốn thế. Khi “làm quan” thì họ nể vì cầu cạnh, khi về hưu, làm dân thì họ lánh xa.
      Chuyện ấy đời nào cũng thế. Hỡi những con người chính trực, thẳng ngay. Không chơi với đời thì ta chơi với tùng, với bách vậy. Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… đã từng như thế có sao đâu?
       “Kiếp sau xin chớ làm người
        Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
        Giữa trời vách đá cheo leo
        Ai mà chịu rét thì trèo với thông”
        Xin chúc thầy như cây Thông  ở giữa cuộc đời này.
      Rồi thầy Lượng dạy Hóa, thầy Đỉnh-cô Cúc dạy Sinh-dạy Anh… vào lớp chép bài lên bảng rồi đọc kiếm hiệp cho đến khi kẻng báo hết giờ là ra khỏi lớp. Cứ thế hết ngày nay sang ngày khác, hết học kì này sang học kì khác.
      Đặc biệt, người thầy mà tôi chịu nhiều ơn nghĩa nhất là nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Quyền. Năm ấy, Đoàn Thành Tiến, Quang Chu, Nguyễn Văn Luận do thầy trực tiếp giảng khi thì học ở lớp, khi thì học ở nhà Đoàn Thành Tiến…Đi thi cấp tỉnh, Đoàn Thành Tiến đậu. Cùng với Huỳnh Giới đậu Toán. Tất cả vào đội chuyên của Tỉnh để đi thi toàn quốc.Vì ăn uống kham khổ nên các bạn  nghịch ngợm viết và vẽ bậy lên bảng nên vô tình bị công an phát hiện. Như thế là Huỳnh Giới bị kỉ luật ở lại 1 năm.
      Suốt năm 12 tôi chỉ viết một bài “Phát biểu cảm tưởng về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu” mà chỉ thầy Quyền và thầy Lũy hiểu được bí ẩn sau 6 trang giấy khổ lớn của tác giả. Còn bạn bè không ai hiểu hết. 17/20 là điểm duy nhất cho cậu học “trò cưng” nhất của thầy.
      Ôi người thầy tài hoa, hóm hỉnh…làm sao! Vào lớp thì ngó nghiêng, lúc thì Ngọc, lúc thì Lựu…có hiểu thầy nói gì không? Thưa thầy chúng em rất hiểu và rất biết ơn dạy dỗ của thầy nhiều lắm. Thầy đã mất rồi bây giờ chỉ còn lại mình cô (Dương Thị Vân Nghê) vò vỏ một mình trong căn nhà lạnh lẽo…Cô ơi hãy vui lên mà sống với các em, cô nhé !
      Ôi! Những người thầy, người cô suốt đời tôi yêu mến và biết ơn. Các thầy không những là những người lái đò mà còn là những người lái xe, những phi công, người dẫn đường cho chúng em khám phá những tinh cầu mới lạ trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai.

      Trường ĐHTH Huế, ước mơ của chàng học sinh phổ thông nay đã thành hiện thực. May mắn thay, chúng tôi đã gặp những người thầy tài năng về nhiều mặt như thầy Thịnh, thầy Thông, thầy Phú; đặc biệt là thầy Dương Đình Khôi (TS Nhân chủng học, tốt nghiệp ĐH Sorbon, Pháp) giảng dạy. Trong khuôn khổ một quyển hồi kí, tôi chỉ xin kể về một vài người thầy đặc biệt để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Thông. Thầy là người dẫn  lớp đi thực tập ở A Lưới năm thứ 2 về Dân tộc học. Thầy rất gần gũi với học trò. Với giọng Huế đặc trưng, bài giảng của thầy rất cuốn hút khiến chúng tôi không ai bảo ai luôn luôn lắng nghe những chuyên đề do thầy phụ trách: chuyên đề về dân tộc Chăm-pa, chuyên đề về văn học dân gian… Riêng thầy đã dành cho tôi rất nhiều ưu ái trong quá trình học tập, nghiên cứu, được đi chơi với thầy nhiều hơn các bạn trong lớp. Thầy dẫn tôi đến Kim Long- một làng nổi tiếng ở kinh thành Huế. Làng có rất nhiều cô gái đẹp, những “Kiều nữ” thắt đáy lưng ong, đôi mắt sắc như là dao cau, những cái nhìn “chết người” đã làm cho vua chúa, quan lại bao phen điêu đứng, dại khờ:
         Kim Long có gái mĩ miều
         Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi
      Tôi đã đến thăm nhà bà Nguyễn Đình Chi, một nhà yêu nước, một con người tài hoa trên xứ Huế. Ấn tượng lớn nhất lúc bấy giờ là khu vườn hoang sơ, căn nhà rêu phong cổ kính. Trước nhà là một  vườn hồng khoe sắc thắm mà giống của nó được mua từ Pháp về. Ôi những bông hồng to, đỏ tươi bốn mùa vẫn nở trong khu vườn lặng lẽ, hoang sơ. Nghe đâu ngày nay nó đã trở thành một địa chỉ văn hóa trên đất Thần Kinh với tên gọi “Thư Hiên đạo quán”?
      Thầy dẫn tôi ngược phía Tây kinh thành thăm chùa Huyền Không nằm trên một vùng núi cao. Con đường đi về gập ghềnh, khúc khuỷu. Ôi! Chùa Huyền Không làm cho tôi quá ngỡ ngàng. Ở đây gồm những nhà sư vô cùng uyên bác về nhiều mặt: Họ trồng hoa, trồng cải…Những vườn hoa đầy màu sắc: Nào hồng, nào cúc, đồng tiền muôn màu khoe sắc. Lần đầu tiên tôi được uống trà Đài Loan, được hầu chuyện với các nhà sư uyên bác nhưng rất bình dị nơi đây. Một bữa cơm chiêu đãi “khách thập phương” về viếng chùa với bao nhiêu là “cao lương mĩ vị”, “tôm công chả phụng” muôn màu nghìn sắc, muôn hình muôn vẻ. Hóa ra tất cả đều làm bằng bột. Thế mới biết khối óc và đôi tay con người kì diệu biết bao. Nó đã biến những vật bình thường thành một bữa tiệc vô cùng thịnh soạn, cao cấp. Cám ơn các nhà sư, cám ơn chùa Huyền Không. Một lần tôi đã đi và đã đến. Huyền Không ơi, biết bao giờ trở lại? Vốn biết cửa Phật luôn luôn mở rộng mà đến đó sao khó khăn vô cùng? Huyền Không ơi! Hi vọng có ngày trở lại.
      Bây giờ tôi xin trở lại tư gia của thầy nằm ở phía tây kinh thành Huế, trên đường Lò Đúc. Hai bên là những pho tượng nằm dọc ven đường. Những thửa ruộng đương thì con gái, làng xóm thân yêu chạy dài theo con đường nho nhỏ ngày xưa. Trước ngõ là cỗng vào rêu phong cổ kính. Đây là dinh thự xưa của cụ Nghè Đường (cha của thầy đã từng làm quan trong kinh thành Huế). Thầy ở với người mệ già, lúc nào chúng tôi lên chơi cũng thấy bà nằm trên chiếc võng đu đưa đọc sách. Ôi người mẹ tuổi già nghiêng bóng xế. Nơi này đã từng đón tiếp những con người tài hoa của một thời: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Khánh Ly…Lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy cây hải đường bằng xương bằng thịt
         “Hải đường lả ngọn đông lân
         Giọt xuân gieo nặng, cành xuân la đà”
      Đóa hải đường đẹp như người con gái Huế. Bốn góc trời ngoài hiên là 4 “nhàn tịnh cảnh” mà thầy nói sẽ xây lại sau này. Không biết thầy đã thực hiện dự định này chưa? Hỡi “chàng tư mã áo xanh”… Ôi căn nhà, khu vườn của thầy có quá nhiều kỉ niệm đối với chúng tôi. Biết ơn Trời, chúng tôi đã học thầy quá nhiều điều tốt đẹp về đối nhân xử thế, về nhân cách làm người… Bên cạnh một người thầy tận tụy, hết lòng thương yêu, gần gũi, chia sẻ những buồn vui cùng học trò, thầy còn là một  nghệ sĩ tài hoa.  Hát rất hay với chất giọng Huế không lẫn vào đâu được. Hai bài hát mà chúng tôi còn nhớ khi thầy đàn và hát cho lớp nghe là “Lí chiều chiều” và “Dân ca 3 miền”… vẫn còn đâu đây trong tâm trí mỗi người học trò thân yêu của thầy. Ước gì ngày gặp lại, thầy sẽ hát cho chúng em nghe lần nữa thì thú vị biết bao! (Lê Huyên, còn nữa )

Ba mươi năm lớp chúng mình

 Huế ngày 11, tháng 10 năm 1982:
25 đứa gái trai mới lớn quê từ Quảng Bình rải dọc vào Quảng Trị TT- Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định Quy Nhơn... có tên trong danh sách được gọi vào lớp SK6- ĐHTH Huế.

Buổi đầu, mắt đen tròn nhìn nhau ngập ngừng. Mấy đứa học trước ở Huế như ĐVH, BMĐ,NMN, TTM ra vẻ từng trải nhìn bọn mới đến sau. Dân Huế gốc Huế ngọn:  ĐTD, NĐN, NHL, PHM, VMD, HN... ra dáng chủ nhà. TKK, NVN, NĐH, đến từ đất lửa Quảng Trị. Các bạn phía nam đèo Hải Vân VNĐ, HTT, NĐB, TQS, LH,VĐT ...ngơ ngác với vẻ đẹp kinh đô một thời. KO đứng khóc tỉ ti bên hàng hiên cư xá...Có đôi ba đứa như mình và TA hoang mang vì không hiểu sao mình lại học khoa Sử (?)

Khoảng chừng tháng sau đó, lớm quen hơi bén tiếng nhau, chúng mình yên tâm học khoa Lãnh tụ. Không còn ai có ý chuyển ra chuyển vào gì nữa. Chúng mình 25 đứa: 22 anh và 3 nàng, sáng lên giảng đường, trưa đói cồn cào chờ cơm kẻng, chiều tối cần mẫn đi thư viện, chủ nhật từng nhóm, từng nhóm đi chơi nơi này nơi khác, đêm về  rôm rã chuyện đêm khuya.

Sang năm thứ 2, bổ sung thêm một số gương mặt đáng yêu vào lớp đó là NB,MVD, TQT, NHÂ... Chẳng mấy chốc tất cả kết thành một khối. Các bạn lớp khác hay trêu đùa- các anh SK6 đẹp trai. Chúng mình nghe khen thế thì sướng lắm. TBN hát vang bài Tiểu đoàn 307. TA đa tài với một bờm tóc, ĐTD là hình ảnh đẹp rất nghệ sĩ. Mùa lạnh bạn khoác thêm chiếc áo badesi trông như diễn viên ngoại quốc. NHL nhìn thư sinh nhất lớp, lại đá bóng rất cừ khôi, những trận đấu trong sân cư xá 27 Nguyễn Huệ, ba đứa con gái chúng mình cũng bỏ học theo gào cỗ vũ khản cả cổ.

Đêm vui, có đứa lấy gàu múc trộm rượu (thật ra là cồn) trong xưởng sản xuất rượu của trường. Cả bọn  uống say, mửa thấu mật xanh mật vàng.
Năm thứ ba, thầy Thịnh chủ nhiệm lớp. Thầy xếp lại chỗ ngồi. Nhiều đứa thích chạy loăng quăng, nhưng cứ đến giờ của thầy là trở về đúng vị trí. Mấy đứa trốn học đi theo lễ Kỉ niệm 10 năm giải phóng, bị thầy phạt viết bản kiểm điểm.
Năm thứ tư phân chuyên ban- tách lớp, đứa nào cũng dùng dằng không muốn đi. Bảo vệ luận văn xong cũng là chớm bắt đầu chia xa...

Chúng mình đã cùng nhau đi qua những mùa đông rét mướt đói lạnh đến thấu xương. Ngồi trên giảng đường áo phong phanh, lạnh run cầm cập. Mấy đứa sáng kiến xé vở cũ đốt hơ tay cho ấm. Vài anh bắt dế rít vài hơi đỡ lạnh... Nghỉ giữa giờ, chen nhau nơi cửa sổ nhìn ra đường Hùng Vương dưới mưa sa.

Chúng mình cũng đã từng khờ dại, lỗi lầm, từng yêu để  rồi hạnh phúc và khổ đau... Chúng mình đã cùng nhau đi qua những ngày buồn vui đáng nhớ nhất trong quãng đời đẹp nhất của thời trai trẻ.

Ba mươi  năm rồi, và còn được bao năm nữa?
Con của chúng mình có đứa năm nay bằng tuổi ba mẹ chúng của 30 năm trước... Chẳng mấy nữa, chúng mình sẽ lên sui, lên ông lên bà.

Kỉ niệm 30 năm ngày khai sinh lớp Sử K6, đứa này nhường đứa kia, đứa kia chờ đứa nọ...nên ngày 11/10 của 30 năm  qua đi, chỉ có mấy dòng của ĐVH từ Sài Gòn, còm của S, và tâm sự của L:”ĐVH ơi! Mình cũng luôn nhớ về ngày này với nhiều hoài niệm chất chứa”
Bạn bè ơi, thương nhau chín bỏ làm mười, cho hạnh phúc được nhân lên cho muộn phiền được chia xẻ.
T

16 tháng 10, 2012

Thông báo!

     Mình vừa nghe tin vợ chồng Đinh Văn Hạnh đưa con từ Sài Gòn ra Huế để chữa bệnh cho con. Nghe là có một đoàn bác sĩ người Mỹ sẽ đến Huế để giúp cho một số bệnh nhân Việt Nam. Mình cầu chúc cho cháu được gặp người bác sĩ giỏi chữa cho cháu bớt bệnh để trở lại cuộc sống  học tập, sinh hoạt bình thường như những cháu khác. Cầu mong những điều may mắn đến với gia đình Hạnh- Thu (TQS)
     Giải Nobel văn chương năm nay được trao cho nhà văn Mạc Ngôn người Trung Quốc. Mình chưa đọc tác phẩm "Ma  chiến hữu " nhưng nghe những người đọc rồi nói rằng Mạc Ngôn dùng ngôn ngữ và ý thức nhìn nhận sai về con  người và đất nước Việt Nam. Mình giới thiệu đến các bạn một bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh về vấn đề nầy và mình  hoàn toàn ủng hộ bài viết nầy (TQS)

Xin thêm chút hương thơm cho Mạc Ngôn

     Khác với những giải Nobel Văn chương được trao trong sự tán thưởng nhiệt liệt cho Cao Hành Kiện hay Herta Muller, giải thưởng cho nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc vừa rồi đã dấy lên không ít bàn tán.

     Thực tế, không ai phủ nhận tài năng văn chương của Mạc Ngôn, cũng như không thể phủ nhận giá trị cao quý Nobel Văn chương từ Thụy Điển. Nhưng đôi lúc, thước đo của tài năng và cuộc đời vẫn có những điều khập khiễng đáng bàn.
     Sự khập khiễng đó, trước khi được người ngoài nói đến, thì ngay trong nước Trung Quốc, một làn sóng hụt hẫng trước tin mừng Nobel Văn Chương 2012 đã lan nhanh trong những người mơ một tương lai cho nhân dân và đất nước Trung Quốc tốt đẹp hơn. Nhanh chóng nhất, người ta nhận được lời bình luận của ngài Ngải Vị Vị rằng Mạc Ngôn là một nhà văn giỏi nhưng tiếc là luôn biết cách đứng về phía quyền lực, còn nhà tranh đấu Ngụy Kinh Sinh đang lưu vong thì bày tỏ sự thất vọng khi nghe Mạc Ngôn được nhận giải Nobel cao quý này.
     Mạc Ngôn vẫn được đánh giá là một nhà văn giỏi và thân cận với chính quyền Cộng sản Trung Quốc, thậm chí ông còn được đánh giá là người hết sức khôn khéo trong việc sử dụng văn chương của mình làm hài lòng người cầm quyền, nhưng biết cách để không quá mếch lòng dân chúng.
     Điều đã làm một số người ngạc nhiên, là vì sao một nhà văn như Mạc Ngôn, với nhân thân là sĩ quan trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội, Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, luôn ủng hộ chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc, luôn phản ứng bài xích với nhà văn tự do lưu vong người Hoa… đã đột ngột cất vài tiếng ngắn ngủi về số phận của Lưu Hiểu Ba trong buổi trao giải Nobel.
     Nhưng điều đó cũng đã không qua được mắt của nhiều người rằng, để nhận một giải thưởng danh giá và đầy ham muốn bảo vệ ánh hào quang của đời mình, Mạc Ngôn không ngại lấn một chút qua lằn ranh cấm kỵ để sử dụng tên tuổi sáng giá của nhà tranh đấu dân chủ Lưu Hiểu Ba như một thứ hương thơm vay mượn.

   Sự tráo trở?

     Lời nói hy vọng tự do cho Lưu Hiểu Ba từ Mạc Ngôn, không xóa được những gì đã diễn ra trong đời ông, dù chưa bao giờ phạm tội ác, nhưng ông luôn thỏa hiệp với cái ác của chế độ. Và còn một điều quan trọng hơn nữa, là liệu ông Lưu Hiểu Ba có cần hay không lời nói đánh vào khoảng không đó của Mạc Ngôn, mang đầy giá trị tâm lý hơn là sự thật.
     Có lẽ, nhìn từ nơi đang bị chính quyền Trung Quốc cầm tù, ông Lưu Hiểu Ba đã bật cười.
"Nói về cuộc đời, cũng như sự kiện Lưu Hiểu Ba hay Ma Chiến Hữu, Mạc Ngôn sẽ phải còn thêm nhiều hương thơm nữa để ướp lâu cho tên tuổi của mình."
     Đó là sự tráo trở, cũng giống như sự tráo trở của chính quyền Trung Quốc vào năm 2000 khi nghe nhà văn Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel đã nguyền rủa không tiếc lời giải thưởng này, thậm chí âm mưu lập một giải thưởng văn học quốc tế khác để chống lại giải Nobel. Nhưng nay thì cũng chính họ đang ca ngợi Nobel Văn Chương như một điều không thề nào thay thế.
     Nói về Mạc Ngôn và Nobel Văn Chương 2012, là để nói về Việt Nam.
     Điều cần nhắc lại và nhấn mạnh, là không ai phủ nhận tài năng của Mạc Ngôn, nhưng trong quan điểm phục vụ chính quyền, Mạc Ngôn hoàn toàn vô giá trị với những tác phẩm có những ý thức xem cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là vệ quốc.
     Không phải không có những ý kiến bảo vệ tác phẩm Ma chiến hữu, cho rằng đó chỉ là viết về con người. Nhưng cần phải nhìn rõ là dù viết về con người cao đẹp như thế nào, nhưng ngôn ngữ và ý thức nhìn nhận sai về con người và đất nước Việt Nam như sự hàm hồ của chính quyền Trung Quốc, là không thể chấp nhận, ngoại trừ bạn có một cảm nhận quá mơ hồ về ý nghĩ và vị trí của đất nước mình trên thế giới.
     Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng Mạc Ngôn “nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Thực tế, lịch sử vĩ đại và kiêu hãnh của dân tộc Việt không cần bất kỳ một lời xin lỗi từ một cá nhân hay một nhóm người nào, vì mọi thứ đã có sự thật và giá trị văn minh nhân loại minh định. Ý kiến chờ mong một lời xin lỗi của một nhà văn Trung Quốc từ ai đó, chỉ là sự bộc phát không rõ ràng từ việc bị ám ảnh giá trị thân hữu láng giềng được tuyên truyền, không thể đại diện cho lý trí và thái độ đúng của người Việt trước thời cuộc.
     Nói về giải Nobel văn chương 2012, xin gửi một lời chúc mừng đến nhà văn Mạc Ngôn. Nhưng nói về cuộc đời, cũng như sự kiện Lưu Hiểu Ba hay Ma Chiến Hữu, Mạc Ngôn sẽ phải còn thêm nhiều hương thơm nữa để ướp lâu cho tên tuổi của mình.

15 tháng 10, 2012

     Hôm qua nay nghe tin blog Quê choa tạm thời nghỉ một thời gian (từ nay đến Tết), mình buồn vô cùng. Nói lời tạm biệt với Quê choa- Nguyễn Quang Lập, mình xin giới thiệu đến các bạn một bài thơ của Nguyễn Minh Khiêm. Rất mong Quê choa sớm trở lại diễn đàn mạng. Kính chúc nhà văn NQL sức khỏe và có nhiều niềm vui trong cuộc sống. (TQS)

NGUYỄN TRÃI- Trên bàn cờ thế
Thông sao hiểu được nỗi người
Trúc sao hiểu được nỗi đời thẳm sâu
Đá sao hiểu được lòng đau
Suối sao hiểu được sóng trào trong mơ!?
Côn Sơn mình một cuộc cờ
Mình một thế trận bao giờ giải xong?
Ức Trai ơi, tình một phong*
Muôn sau có mở nổi không hỡi Người?
Bốn phương giặc dã tan rồi
Cần chi tuyệt bút viết lời hùng thư?
Người về núi lánh nạn ư?
Bao nhiêu lưới độc giăng từ Hoàng Cung!
Hoa văn chạm dưới bệ rồng
Đều là lá ngón, đều cung nỏ bày!
Dù người cưỡi hạc vào mây
Làm sao thoát được lưới vây trập trùng!
Triều đình một nửa gian hùng
Một nửa bất chính, nửa ngông bạo quyền.
Nhiễu điều thành Lệ Chi Viên
Cỗ xe tâm phúc thành miền xe tang!
Tấu trình toàn giọng hoạn quan
Cầm cân luật pháp thì toàn lâu la!
Dạn dày trận mạc xông pha
Không hề biết lối vượt qua gian thần!
Dù tru di đến mấy lần
Sao Khuê vẫn sáng trong ngần muôn sau!
Câu thơ rũ hận thù sâu
Ung dung vào chốn thanh cao vĩnh hằng.
Hình như trong phấn thông vàng
Trên bàn cờ thế Người đang trở về.
1.10.2012
• Ý thơ của Nguyễn Trãi. Trong Bài thơ cây chuối, Nguyễn Trãi viết : « Tình thư một bức phong còn kín »

14 tháng 10, 2012

Mùa Thu phương Nam...

Mấy hôm trước LH điện thoại hỏi thăm mình đi công tác về chưa để tới chơi. Mình báo đã về và lại chuẩn bị đi. LH bảo sao đi suốt, sướng thế. Mình đang ngán lại có kẻ cho là sướng nên mình bảo: ông thấy sướng thì đi với tui. Đi điền dã, chẳng phải đi bắt tay ai đâu mà sướng. Không ngờ LH ham vui hào hứng OK. Vậy là y xin phép vợ, bỏ chạy xe lên đường về An Giang với H. Cũng may là dịp này chỉ xem nông dân Khmer Bảy Núi đua bò rồi cùng nhau bàn thảo, không xăn quần lội ruộng, không đi bộ mấy cây số dưới trời mưa trơn trượt, không xăm xoi coi ngó di tích, di sản... nên LH không cảm nhận được sự vất vả của công việc điền dã. Đã vậy LH còn gặp hên, được chụp ảnh với chị em Khmer. Xin giới thiệu với các bạn mấy hình ảnh về LH dạo chơi phên dậu phía nam... và cuộc đua Bò vừa diễn ra sáng nay (14-10-2012). [h]

Một cặp đấu đang vào vòng "hô", hết vòng này là vòng "thả"-nước rút, cực kỳ hấp dẫn

Đồng bào Bảy Núi rất hào hứng xem đua bò...

Triết gia tạo dáng bên chị em Khmer tươi trẻ



Chạm cúp 2012

LH muốn sắm đôi bò năm sau tham gia đua để lãnh thưởng...

13 tháng 10, 2012


     Ngày cuối tuần, mình đọc trên VietNamNet thấy có bài trả lời phỏng vấn của ông Lê Kiên Thành- con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Mặc dù bài trả lời có hơi dài nhưng mình thấy rất hay, đặc biệt là những suy nghĩ của ông về niềm tin, về lí tưởng, về tình thương giữa con người với con người... có một số điều giống với suy nghĩ của một số anh em chúng ta. Vì vậy, mình trân trọng giới thiệu bài nầy đến các bạn (TQS)

 “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi”...

     Tôi có một ấn tượng đặc biệt về TS. Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn. Lê Kiên Thành là người điềm đạm, chắc chắn và chính xác, nhưng không bao giờ thiếu lửa. Tôi thích cách Lê Kiên Thành nói về cha mình. Tôi thích niềm tin của Lê Kiên Thành về những việc mà cố TBT Lê Duẩn đã làm và con đường của những người Cộng sản như cha ông đã đi. Trong cảm nhận của tôi và nhiều người khác, Lê Kiên Thành là người con thừa hưởng nhiều nhất tinh thần sống của cha mình. Và bất kỳ trong hoàn cảnh nào, Lê Kiên Thành cũng là một người cộng sản như nghĩa dung dị và thanh cao của từ này.
     VietNamNet xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với TS Lê Kiên Thành được đăng trên báo Nghệ thuật mới.
     PV: Có một điều tôi nhận thấy rằng, càng ngày gương mặt của ông càng giống cha ông – cố TBT Lê Duẩn một cách đáng kinh ngạc. Nhưng ông không chỉ giống cha mình ở những cái bề ngoài đó. Ngoài nó ra, ông kế thừa những gì khác từ cha mình về tư duy, cốt cách, tinh thần?
     Lê Kiên Thành (LKT): Hồi xưa, em trai tôi (Lê Kiên Trung – pv) mới là người giống ba nhất. Em tôi đen, còn tôi thì trắng. Trong nhà gọi tôi là “cu trắng” và gọi Trung là “cu đen”. Ba tôi cũng đen. Nhưng bây giờ khi có tuổi, đi nắng nhiều hơn, tôi bắt đầu đen hơn, da mặt bắt đầu có đồi mồi, thì rất nhiều người bảo tôi giống ba. Có người gặp tôi, đưa cánh tay cho tôi xem: “Mày nhìn này, tay tao nổi hết da gà lên. Mày giống ông già quá”!
     Tôi nghĩ rằng, trong một gia đình, con cái nhất định sẽ thừa hưởng cha mình cái gì đó về cốt cách, tinh thần, không mặt này thì mặt kia. Ngày xưa mỗi lần ăn cơm xong, ba tôi luôn có thói quen gọi tất cả con cái ngồi quây quần bên cạnh và kể chuyện hoạt động của ông. Nó như một thói quen, mà sau này thì tôi hiểu ra rằng, ba tôi làm thế vì muốn qua những câu chuyện đó truyền cho con cái một tình cảm nào đó, một điều sâu xa nào đó.
     Những câu chuyện mà ba tôi kể đúng như ông đã nghĩ: nó tác động vào suy nghĩ, vào tình cảm của chúng tôi. Ba tôi rất hay nói về lòng thương người, ba tôi nói nhiều về lẽ phải, nói nhiều về tình cảm. Ba tôi luôn cho rằng: con người, nếu mà có cả tình thương và lẽ phải, thì đó là sự hoàn thiện. Lớp người như ba tôi, là lớp người có thể san sẻ gần như mọi thứ. Những cái đó luôn ở trong tiềm thức của tôi. Còn thực tế trong cuộc đời, có lẽ không phải lúc nào tôi cũng làm được những điều như thế hay đạt đến mức mà ba tôi mong đợi, nhưng đó là định hướng của tôi, là cái tôi cố gắng vươn tới.

Tiến sỹ Lê Kiên Thành
     PV: Tôi từng nhớ ông nói rằng “cái mà tôi kế thừa ở cha tôi là tình thương con người”. Ông đã từng chứng kiến tình thương con người của cha ông như thế nào?
     LKT: Ví dụ gần nhất là đối với những chú bảo vệ, cần vụ trong nhà. Gần như giữa ba tôi và các chú không hề có sự cách biệt. Nhất là mỗi lần đi sang nước ngoài, điều đó khiến họ hơi ngạc nhiên: giữa một ông lãnh đạo Đảng và một người cần vụ, mà cư xử trong cuộc sống như anh em, anh em là vì ba tôi lớn tuổi hơn chú đó.
     Rất nhiều cái mọi người nhìn vào thấy có lỗi. Nhưng ba tôi không thấy thế. Tôi nhớ có lần đi đến nhà nghỉ ở Quảng Ninh, ba tôi không thấy cô phục vụ đâu. Ba tôi hỏi thì người ta trả lời: cô ấy đã bị kỷ luật vì cô ấy có quan hệ không trong sáng. Ba tôi buồn lắm. Ông nói với người lãnh đạo ở nhà nghỉ: nếu người ta xa chồng hàng chục năm, mà chẳng may có những chuyện như vậy, thì đừng coi cái lỗi đó là cái gì ghê gớm lắm. Mình phải nhìn nhận điều đó trong một góc độ khác. Quan niệm về đạo đức ngày đó luôn nhìn những việc đấy rất ghê gớm. Nhưng ba tôi luôn nhìn những cái sâu xa hơn của vấn đề.
     Sau này khi giải phóng miền Nam rồi, ba tôi có nhận được những lá thư của các cô TNXP, xin phép chỉ cần được có con mà không có chồng, ba tôi đã băn khoăn rất nhiều. Ba tôi gọi những người phụ trách phụ nữ lên. Ông nói với họ rằng hạnh phúc nhất của một người phụ nữ là được làm mẹ. Người ta đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước này. Tặng người ta huân chương, có thể người ta cũng không thích, tặng vật chất, có lẽ người ta cũng không cần, cái người ta mong muốn là được làm mẹ. Vậy xã hội mình có thể chấp nhận một người mẹ có con mà không có bố không? Ba tôi đã hỏi như thế, nhưng gần như tất cả những người phụ trách đều phản đối. Họ nói: thưa anh, nếu anh chấp nhận những cái đó thì nền tảng đạo đức sẽ bị phá hoại hết.
     Những điều đó khiến ba tôi buồn kinh khủng. Ông cho rằng nếu chúng ta cứ quan niệm như thế, thì có lẽ chúng ta đang rời xa cái chất của Cộng sản. Bởi Cộng sản đúng nghĩa là phải cực kỳ nhân văn, cực kỳ vì con người, vì con người một cách ghê gớm. Đến cuối đời ba tôi vẫn day dứt vì câu hỏi: tại sao ông đã không thể thuyết phục được những người xung quanh về điều đó? Thời ba tôi là thế, nhưng thời nay người ta nhìn những chuyện này rất đơn giản.
     PV: Khi ông ra làm kinh tế tư nhân, thì cố TBT Lê Duẩn đã qua đời. Nhưng thời điểm đó, người ta vẫn nhìn kinh tế tư nhân với con mắt rất khe khắt, giống hệt như người ta khe khắt với những người phụ nữ không chồng mà có con. Quyết định ra làm kinh tế tư nhân của ông thời điểm đó thực sự là một quyết định can đảm, nhất là ở vị trí của ông – con trai của TBT Lê Duẩn?\
     LKT: Đó là một giai đoạn khó khăn! Mặc dù mọi người rất phê phán kinh tế tư nhân, nhưng hầu như người nào cũng làm kinh tế tư nhân, theo góc độ nhỏ hoặc lớn. Họ làm điều đó một cách vừa giấu diếm vừa không giấu diếm. Người ta cứ nói đến kinh tế tư nhân như là một cái gì đó rất xấu xa. Tôi hiểu là lịch sử của chúng ta đã trải qua một giai đoạn phong kiến, thực dân, đế quốc bóc lột rất nặng nề. Những chuyện đó được cắt nghĩa là do kinh tế tư nhân đẻ ra. Khi tranh luận với những người lãnh đạo về vấn đề tại sao không cho đảng viên làm kinh tế tư nhân vì dính đến bóc lột, tôi có nói: những nỗi lo lắng về chuyện bóc lột, chúng ta có thể xử lý. Còn nếu như luật của chúng ta chưa hoàn thiện, chúng ta phải hoàn thiện, chứ chúng ta không thể cấm. Còn nếu một người đã làm đúng luật Lao động đề ra, anh không thể kết tội người ta được.
Tôi nghĩ rằng vấn đề này, phải qua cả một quá trình nhận thức người ta mới hiểu được. Thời mà tôi đi làm kinh tế tư nhân, tôi cứ nghĩ: tại sao lại cấm những điều vô lý như thế? Khi tôi ở trong Nhà nước, tôi được trả một cái cục tiền nhỏ. Tôi nhìn cái cục tiền đó và hiểu mình không thể sống được. Vậy tại sao người ta nghĩ ra công ăn việc làm, anh lại cấm người ta, lại bắt người ta phải sống bằng cái cục tiền đó và ép người ta nghĩ rằng đó là đúng? Tôi cầm cục tiền đó về, tôi không thể nuôi cá nhân tôi, không thể nôi con tôi, vậy thì đúng ở chỗ nào???
     Hiện nay chúng ta nói đến đạo đức, đến tham nhũng, đến tiêu cực, nhưng cái gốc của vấn đề chúng ta không xử lý được thì rất khó. Hỏi tất cả mọi người, và nói sòng phẳng với nhau đi: với ăn uống bây giờ, nuôi con đi học bây giờ, những chi phí như bây giờ, thì cái lương này sống đượ c bao nhiêu? Không thể sống được! Trên một bối cảnh như thế, làm sao chúng ta đòi hỏi những điều công bằng, trong sạch? Nó như một phản xạ tự nhiên, anh bịt mũi họ, thì họ sẽ phải há mồm ra để thở!
     PV: Rất nhiều người nói : Lê Kiên Thành có đầy đủ tố chất và cả nền tảng để phát triển con đường chính trị. Nhưng ông lại không đi theo con đường đó mà lại đi làm kinh tế tư nhân. Ông có phải trả giá không?
     LKT: Khi tôi làm kinh tế tư nhân, có lần tôi đã nằm trong danh sách bị đưa ra khỏi Đảng, vì ngày đó cấp ủy nơi tôi sinh hoạt đưa ra quy định: một đảng viên được làm cơ sở kinh tế không quá 13 lao động. Người đảng viên chỉ được có không quá 30% vốn trong cơ sở không quá 13 lao động đó. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười gọi tôi lên hỏi chuyện, tôi đã nói: chúng ta phải có luật để ngăn chặn bóc lột, chứ chúng ta không cấm kinh tế tư nhân. Còn nếu nói đảng viên làm kinh tế tư nhân là bóc lột, thì bóc lột một người cũng là không đúng, vậy tại sao Đảng lại cho bóc lột 13 người? Mà tại sao lại nghĩ là bóc lột 13 người thì tốt hơn bóc lột 14 người? Tôi đã nói với bác Đỗ Mười tôi không hiểu về khái niệm, về lý do người ta đưa ra con số đó, và cả về bản chất của việc đó. Nó không thuyết phục được tôi phải tuân theo nó.
     Hồi đó bác Đỗ Mười đã đề nghị Thành ủy gặp tôi. Lúc đó chú Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – pv), khi ấy là Phó Bí thư Thành ủy gặp tôi. Chú Sáu Phong nói: “Tao có 30 phút để nói chuyện với mày”. Nhưng cuối cùng ông ấy đã nghe tôi nói chuyện suốt 2 tiếng. Chứng tỏ những điều tôi nói đã thuyết phục được ông ấy. Tôi nhớ chú Sáu Phong đã nói một điều mà đến giờ tôi vẫn rất cảm động mỗi lần nhớ lại, không biết chú Sáu Phong còn nhớ hay không: “Mày cứ yên tâm làm đi. Nếu người ta bắt mày ra khỏi Đảng, tao sẽ đi ra cùng mày”. Câu nói đó của chú Sáu Phong động viên tôi rất ghê gớm: một người như ông mà dám nói câu đó, nghĩa là còn có những người hiểu tôi. Đó là yếu tố cho tôi niềm tin để sống, để làm việc.
     Khi có nguy cơ bị đưa ra khỏi Đảng, tôi đã nói: nếu các anh không cho tôi sinh hoạt Đảng ở Tp.HCM, tôi sẽ về địa phương khác sinh hoạt. Nếu địa phương khác cũng thế, tôi sẽ tiếp tục chuyển đến một địa phương khác nữa. Tôi sẽ đi đến nơi nào cuối cùng của đất nước này cho phép tôi vừa làm đảng viên, vừa làm kinh tế. Đến lúc đó mà không còn cách nào khác thì như tôi đã nói với mẹ tôi khi đứng trước bàn thờ cha tôi: “ Khi đó con mới chấp nhận ra khỏi Đảng”.
     PV: Vậy sau những cuộc đấu tranh, những tranh luận thẳng thắn đó, ông vẫn là đảng viên?
     LKT: Đúng thế! Đến giờ này tôi vẫn là đảng viên.
     PV: Ông đi làm kinh tế tư nhân, vì khát khao thoát khỏi cuộc sống khó khăn với đồng lương công chức eo hẹp và khẳng định bản thân?
    LKT: Tôi chỉ muốn sống như tôi muốn sống. Tôi chỉ nghĩ làm sao để những người làm việc với mình không khổ, bản thân mình cũng không khổ. Bởi vì cái thời điểm trước khi tôi ra làm kinh tế tư nhân, tôi cực kì khổ.
     PV: Khi nghe điều ông vừa nói, hầu như mọi người rất khó hình dung tại sao con trai của TBT Lê Duẩn đã sống không hề sung sướng, bởi vì như cái sự thật hiển hiện mà tôi đang thấy trong xã hội hiện nay, con cái của các quan chức có những thứ mà người bình thường nằm mơ nhiều đời cũng không có được?
     LKT (cười): Thời của tôi, không phải vì tôi là con ông TBT mà tôi có thêm nửa cân thịt một tháng. Tôi chỉ có thế, đúng theo tiêu chuẩn. Không phải vì con ông TBT mà ở trong đơn vị, người ta được phát một bộ quần áo, tôi được phát hai. Không có điều đó! Đến mức mà khi sinh đứa con trai đầu tiên, vợ tôi không có sữa, mỗi lần được phát một bộ quần áo mới, tôi lại nhìn bộ quần áo cũ tôi đang mặc và tự hỏi mình có thể mặc bộ quần áo này thêm một năm nữa không, để bán bộ quần áo mới này đi. Dĩ nhiên bộ đội thì không thể ăn mặc rách rưới. Nhưng nếu cố được, tôi sẽ cố. Bán đi thì sẽ có tiền mua sữa cho con. Hồi đó ở đơn vị tôi có tôi và Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp – pv). Nhiều anh em trong đơn vị nói là nếu không sinh hoạt cùng Lê Kiên Thành, cùng Võ Điện Biên, họ sẽ nghĩ những người như chúng tôi sống khác. Và khi sinh hoạt cùng, họ phát hiện ra chúng tôi không có mảy may gì khác biệt.
     Tôi không biết, trong tâm những người lãnh đạo của tôi, họ có ý định tốt với tôi cái gì không, nhưng những cái gì thuộc về quyền lợi, thì tôi không có khác biệt so với những người khác. Nếu không muốn nói, đôi khi tôi bị đối xử khắt khe hơn. Đố kị là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Cái gì qua rồi, tôi không muốn nói lại. Nhưng chắc chắn một điều là có những sự không công bằng với tôi, chỉ vì tôi đã xuất thân từ gia đình đó.
     PV: Ông ra làm kinh tế tư nhân khi cha ông đã qua đời. Nhưng có bao giờ ông hình dung rằng nếu cha ông còn sống, thì cha ông sẽ phản ứng thế nào với quyết định của ông?
     LKT: Câu hỏi của bạn rất giống câu hỏi của một người làm Tham tán kinh tế trong Đại sứ quán Mỹ khi gặp tôi. Anh ta hỏi tôi: Tôi với anh, chúng ta có thể nói chuyện thẳng thắn được không? Ok, chúng ta nói chuyện thẳng thắn, vì chúng ta đã từng đánh nhau cơ mà, còn chuyện gì không nói được. Và anh ta hỏi tôi: Nếu cha ông còn sống, cha ông sẽ nhìn những việc ông đang làm như thế nào? Tôi nói: ông không hiểu ba tôi thì là đương nhiên rồi. Vì rất nhiều người trong đất nước tôi còn không hiểu ba tôi. Tôi thì tôi hiểu một điều, ba tôi không phải một người Cộng sản cứng nhắc như nhiều người nghĩ. Nhà tôi ở gần đường Phan Đình Phùng, có một hiệu cắt tóc có đề bảng “HTX cắt tóc”, có lần ba tôi đi qua nhìn thấy, ba tôi buồn lắm. Cắt tóc cũng bắt người ta làm HTX! Chẳng lẽ ta sợ những người cắt tóc đi lên tư bản?
     Khi ba tôi đi thăm một cơ sở dệt xuất khẩu, ba tôi hỏi: Cháu có biết đồng đô-la là gì không? Hồi đó đang chiến tranh, đến tiền Việt còn khó chứ đừng nói là đồng đô-la, thì ông Đoàn Duy Thành ở cạnh nghe thấy liền nói: thưa anh, đến tôi còn không biết đồng đô-la là gì chứ đừng nói đến cô này. Ba tôi nói: Thế này là quá sai! Bây giờ mình đang đánh Mỹ, nhưng sau khi đất nước giải phóng, rồi Mỹ sẽ là đối tác làm ăn lớn nhất của mình. Tại sao ba tôi lại hiểu điều đó? Tại sao không phải là Liên Xô hay Trung Quốc, khi mà hồi đó ba tôi không bao giờ nghĩ Liên Xô sẽ sụp đổ? Tại sao ba tôi lại nghĩ Mỹ - sau khi là kẻ thù, thì rất có thể sẽ là một đối tác? Tôi không hiểu!
     PV: Những điều cố TBT nói, là hiện thực mà chúng ta đang trải qua!
     LKT: Đúng là như vậy! Tôi rất tâm đắc với một câu nhận xét của một người về ba tôi, ông ta nói đại ý: Lê Duẩn là một người mà sau lưng một kẻ thù, ông thấy có thể đến một lúc nào đó, là một người bạn. Và sau lưng một người bạn, đến một giai đọan nào đó, có thể là là một kẻ thù. Ba tôi luôn lường được, luôn nhìn thấy những cái mà người ta không nhìn thấy. Ba tôi không được học ở Liên Xô, không được học ở Trung Quốc. Nhưng ba tôi nhìn thấy những điều đó, qua lăng kính của lòng yêu nước. Khi người ta yêu nước đến vô cùng, người ta sẽ rất sáng, người ta sẽ cảm nhận được cái gì là đúng, cái gì là tốt với dân tộc mình. Và ông đã thuyết phục những người lãnh đạo chỉ với lòng yêu nước của mình.
     PV: Như những gì mà chúng ta đã nói nãy giờ, tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi của mình: nếu còn sống, cố TBT Lê Duẩn sẽ hoàn toàn ủng hộ những việc mà con trai mình làm.
     LKT: Tôi nghĩ thậm chí còn lớn hơn thế, nếu ông còn đủ thời gian. Tôi có nói với người bạn ở Đại sứ quán Mỹ là một trong những cái mà ba tôi tiếc, và tôi cũng tiếc là ba tôi chưa có dịp đến một đất nước tư bản. Hồi đó ba tôi rất muốn đi Pháp, nhưng không được. Nước duy nhất ngoài các nước XHCN mà ba tôi đi là nước Ấn Độ. Nhưng mặc dù chưa đi, ba tôi vẫn hiểu và vẫn đang cố gắng làm là cải biến cái cũ, cải biến những cách hiểu cứng nhắc về CHXH.
     Tôi từng nói rất nhiều lần về câu chuyện Giá – Lương – Tiền. Ở thời điểm khó khăn, người ta phê phán Giá – Lương – Tiền. Nhưng Giá – Lương – Tiền là cái gì? Giá – Lương – Tiền là sự cố gắng của chúng ta trong việc xóa bỏ sự bao cấp, để không còn chuyện giá mậu dịch thế này, còn giá ngoài lại thế kia. Giá – Lương – Tiền là một cú sốc, đánh động cả xã hội, bẻ ngoặt suy nghĩ của người ta, buộc người ta phải suy nghĩ khác đi.
     Trận Mậu Thân 1968, tổn thất của mình rất lớn, nhưng nó bẻ ngoặt cuộc chiến sang một giai đoạn khác và tiến đến thắng lợi. Trong kinh tế, có thời điểm đã có một đòn choáng váng như vậy. Chúng ta phải chấp nhận hi sinh. Nó đã gây ra sự đảo lộn về mọi cái, nhưng cái được là chúng ta đã thay đổi được suy nghĩ của xã hội, hướng cái suy nghĩ đó sang một hướng khác. Làm điều đó không đơn giản! Liên Xô, Tiệp, Ba Lan, khi thay đổi cơ chế, họ “tung tóe” bằng mấy lần Việt Nam, và họ phải trả giá bằng sự thay đổi chế độ. Còn chúng ta không làm cái đó. Tự chính chúng ta thay đổi và kiểm soát sự thay đổi.
     Tôi phải nhấn mạnh rằng mỗi thời kỳ đặc biệt, nó có một cái đúng riêng. Anh không thể nói thời bao cấp là sai. Tôi nói ví dụ này: Tại sao đứa bé trong bụng mẹ có miệng mà không ăn, lại ăn qua dây rốn? Vì đó là thời kỳ đặc biệt của nó. Thằng anh ở ngoài cũng không thể ích kỷ so bì: tại sao mày sống xấu thế, mày có miệng mà không ăn, mà lại bắt mẹ nhai, mẹ nuốt rồi để cho mày? Không thể nói thế được. Nhưng khi đứa bé ra đời, nếu nó mang theo cuống rốn để ăn, thì lại không đúng. Cho nên cái đúng của thời kỳ kia là gì? Thời chiến tranh, nếu chúng ta chia ruộng đất, nếu chúng ta không đưa vào tập thể thì ai sẽ là người đi đánh giặc? Ai đi đánh giặc sẽ sẵn sàng hy sinh? Chúng ta đã làm ra cơ chế đó, và chỉ như thế mới đủ sức đánh giặc. Nhưng chúng ta không thể duy trì cơ chế đó mãi được.
     Khi Liên Xô chất vấn ba tôi về việc cho xí nghiệp định giá sản phẩm, họ nói: các đồng chí mà cho phép làm như vậy là các đồng chí giống tư bản rồi. XHCN chúng ta không vậy, XHCN chúng ta có ủy ban vật giá nhà nước và ủy ban vật giá đó quyết định giá cả. Ba tôi đã giải thích: chúng tôi khác các đồng chí ở chỗ nhà nước không thể cung cấp tất cả cho nhà máy, cái chúng tôi cung cấp chỉ là một phần nhỏ thôi. Phần nhỏ đó chúng tôi định giá được. Nhưng phần lớn còn lại, xí nghiệp phải lo bên ngoài, họ phải tự định giá. Lúc đó Liên Xô đang giúp ta rất nhiều cái: cung cấp máy bay, phân bón, họ sẽ cắt hết nếu họ thấy họ đang giúp một ông mà không biết ông ta thành cái gì? Mình phải chứng minh cho họ thấy là cái mà chúng ta đang làm là cái mà rồi tất cả đều phải nghĩ đến.
     Trong những lần ngồi ăn với các nhà lãnh đạo Liên Xô, ba tôi luôn tranh luận với họ. Ông nói: Có lẽ đối với những Đảng, những nước anh em, họ sẽ tìm một cách riêng của họ để đi lên, chứ không thể như chúng ta được đâu. Phía Liên Xô không đồng tình. Họ nói: Có nhiều con đường, nhưng Lê -Nin khẳng định đây là con đường duy nhất đúng. Lúc đó ba tôi chỉ cười, im lặng không nói gì. Đến giờ tôi hiểu ba tôi đúng, hoàn toàn đúng. Tôi nói thế này nhiều người không hiểu sẽ nói con thì bao giờ chẳng khen cha. Nhưng tôi sống ở đó, tôi đã chứng kiến ông nghĩ gì, nói gì, làm gì. Và thực tế đang diễn ra nó dần dần đúng với những cái mà ba tôi hình dung.
     Trên tạp chí “Xưa và Nay” có đăng một bài của tác giả Đinh Phong nhận định về tình hình kinh tế vào năm 1976. Ông Đinh Phong đã nói rằng: thực ra ông ấy đã không nghĩ rằng ông Lê Duẩn lại có một tư tưởng như vậy vào thời đó. Không phải cái gì ba tôi muốn làm, cũng làm được đúng như ý ông muốn.
      PV: Đó là lý do đến giờ vẫn còn những đánh giá rất khác nhau về cố TBT Lê Duẩn?
     LKT: Anh Nguyễn Anh Tuấn khi còn làm TBT báo VietNamNet đã từng bị một cô chuyên gia người Mỹ gọi điện nói là: “Chúng mày đang có những cái nhầm lẫn cơ bản. Tao nghiên cứu thì tao thấy người đổi mới đầu tiên ở Việt Nam là Lê Duẩn. Chúng mày đang có những cái nhầm lẫn cơ bản”. Cô ấy viện diễn ra những gì cô đọc được. Sau này anh Tuấn có trao đổi với tôi: ‘Trước đây em nghĩ về ông già khác. Nhưng khi em theo những tài liệu mà cô ấy hướng dẫn thì em hiểu khác”.
     Hồi đó tôi đi chơi ở nhà một số người bạn, có những chuyện rất đau lòng. Ông bà, bố mẹ bạn tôi biết tôi là con ai, cứ cố tình nói đổng lên: “Dân tình khổ lắm! Có ai biết không?”. Tôi biết họ cố tình nói để cho tôi nghe. Tôi có mang điều đó về kể với ba, ba tôi nói: “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi. Những cái như bây giờ sẽ qua”.
     Một lần tôi sang Hàn Quốc, được ông ĐBQH Hàn Quốc tiếp. Tôi hỏi: “Ông sang Việt Nam, ông thấy kinh tế Việt Nam cách Hàn Quốc bao nhiêu năm?”. Ông ta trả lời: “Chừng 30 năm”. Tôi hơi buồn khi ông ta nói thế. Nhưng ông ta nói tiếp một câu: “Thế nhưng về thống nhất đất nước, chúng tao cách chúng mày không biết bao nhiêu năm!”. Tự nhiên tôi thấy lòng mình đầy tự hào. Có lẽ chỉ có người ngoài, những người đồng cảnh, người ta mới nhìn thấy cái vĩ đại của một cái dân tộc khác.
     Lần đầu tiên tôi sang Mỹ, nhìn nước Mỹ giàu có, gần như làm gì cũng được: một bãi cát sa mạc, họ muốn trồng 1 thảm cỏ, họ làm được; Nước đang ầm ầm, nhưng lửa phun lên được. Toàn những cái trái chiều, toàn những cái nghịch lý, toàn những cái không thể, họ đều làm được. Giống như là họ có quyền lực có thể thay đổi thế giới. Tôi nhận ra nước Việt Nam không thể tình cờ thắng Mỹ được. Mình phải mạnh hơn Mỹ một điều gì đó. Tự nhiên tôi bước đi đầy tự hào, thấy ngực mình ưỡn ra, và thấy mình – một người Việt Nam nhỏ bé, trở nên to lớn bên cạnh những người Mỹ to lớn.
     Theo nguyên lý, khi A lớn hơn B, thì 2A phải lớn hơn 2B, 3A càng phải lớn hơn 3B. Nhưng trong cuộc chiến tranh của chúng ta, A lớn hơn B, nhưng 2A chỉ bằng 2B và 3A có thể nhỏ hơn 3B. Khi anh liên kết những cái lớn lại, nó có thể trở thành một cái nhỏ hơn. Quy luật đó áp dụng với chính cuộc chiến của Việt Nam. Và để hiểu nó, phải hiểu một cách thông minh. Người Mỹ không hiểu tại sao những người Việt Nam đi chân đất, lại thắng được họ - những người đi giày, họ không hiểu nổi tại sao người Việt Nam ngô nghê lại thắng họ? Tôi có nói với những người Mỹ: “Các ông cứ thử một lần chống lại một kẻ thù bên ngoài mạnh hơn các ông 1000 lần đi. Các ông toàn chống lại những người yếu hơn. Các ông phải chống lại những người mạnh hơn các ông, các ông mới hiểu chúng tôi”.
     Người Mỹ đã nói rằng họ nghiên cứu và phát hiện ra người Việt Nam rất thông minh. Thông minh ở chỗ họ có thừa lòng dũng cảm, nhưng cũng thừa khôn ngoan để không lao vào chỗ chết. Họ cố gắng giảm thiểu thương vong ở mức thấp nhất. Vì chúng ta biết tổ chức, chúng ta đã thắng trong cuộc chiến mà nhiều dân tộc khác thất bại. Người Mỹ nói với tôi: “Nếu các ông chỉ có lòng dũng cảm, bom đạn của chúng tôi sẽ chà đạp lên lòng dũng cảm”. Nhưng ngoài sự dũng cảm, người Việt Nam còn có nhiều thứ khác. Chúng ta có nhiều phẩm chất khác, và vào một cái thời điểm, mọi phẩm chất đó ở trong chúng ta tụ hội, khiến chúng ta mạnh hơn chính chúng ta thực sự, và chúng ta làm được một điều kỳ diệu, kỳ diệu nhưng thật ra lại rất hợp lý.
Cha tôi nói: “Nhiều người theo đạo họ không sợ chết, vì họ nghĩ khi chết họ được sang một thế giới khác. Người Cộng sản cao hơn họ ở chỗ, người Cộng sản biết cuộc sống chỉ có một, nhưng họ vẫn không sợ chết”. Họ sẵn sàng hy sinh cả cái quý nhất của mình, nhưng không có nghĩa họ không cố gắng gìn giữ nó. Vì vậy phẩm chất của người Cộng sản cao hơn người khác.
     PV: Trước những tiếng nói trái chiều về cố TBT Lê Duẩn, ông đã từng nói: “Cha tôi là một người Cộng sản chân chính với nghĩa đúng nhất của từ này”. Tôi rất thích cách ông bảo vệ cha mình trước những tiếng nói trái chiều, có thể trong đó có sự chủ quan của một người con, nhưng không thiếu những lập luận chính xác. Nhưng tôi thực sự muốn hỏi ông về cảm giác của ông trước những điều người ta nói về cha mình?
     LKT: Tôi nghĩ lịch sử là công bằng. Như ông Nguyễn Trãi dù có tru di tam tộc, thì dù mất cả hàng trăm năm, lịch sử vẫn không cưỡng lại được, vẫn phải công nhận ông. Với ba tôi, tôi luôn cố gắng nhìn ông như một nhân vật lịch sử. Tôi cố gắng tách phần ruột thịt ra, để nhìn ba tôi như một con người, xem họ sống thế nào, nghĩ thế nào. Muốn nói gì thì nói, lớp người như cha tôi là một lớp người đặc biệt, không phải lúc nào cũng xuất hiện trong lịch sử dân tộc.
     Có một cái hay là người bố khó giả dối với con cái mình. Rất nhiều người ra ngoài nói thế này, nhưng về lại nói với con cái thế khác hoặc vô tình con cái nhìn thấy họ khác. Tôi thấy ba tôi sống thực với tất cả những gì mà ba tôi trăn trở, với tất cả những điều ý nghĩa của cuộc đời ông. Ba tôi luôn kể một câu chuyện về bà nội. Bà nội tôi đi ngang qua một ngôi nhà, họ có một nồi khoai to, bà nội tôi ước: “Trời ơi, bao giờ mình có một nồi khoai to như thế?”. Ba tôi đã khóc, khóc kinh khủng. Mỗi khi ra đường, ông luôn thấy trong những người nghèo kia có mẹ mình ở đó. Cả đời ông phấn đấu làm sao cho con người không nghèo nữa. Những cái đó là những cái rất thật về con người ba tôi. Như ba tôi đã từng nói: “Người Cộng sản đi ra đường nhìn thấy một người đẩy xe bò mà không biết xót xa thì không còn là một người Cộng sản”.
     Một lần ba tôi sang Liên Xô lúc chúng tôi đang học ở đó. Tôi ở bộ đội, nhưng họ vẫn phát cho một bộ comple, cà- vạt, ba tôi nhìn và nói: Nhìn mấy đứa này người ta bảo chắc không phải con của ba mất. Thật ra tôi không khác so với những sinh viên khác ở Liên Xô. Nhưng tôi hiểu ba tôi muốn nói điều gì đó: tôi không khác với những sinh viên ở Liên Xô, nhưng tôi khác so với những người đang ở trong nước.
     Năm 1974, mẹ tôi từ miền Nam ra và chuẩn bị sang Liên Xô chữa bệnh. Trước khi đi, mẹ thấy em tôi đi đôi dép cao su chật lên chật xuống, nên gọi em vào: “Lại đây mẹ đo chân cho. Sang đó có đôi giầy nào mẹ sẽ mua cho”. Tự nhiên ba tôi quát: “Giầy gì mà giầy? Ở ngoài kia người ta còn không có dép mà đi”. Mà em trai tôi là đứa con mà ba tôi yêu chiều nhất.Trong hồi ký của mình, mẹ tôi có viết lại chuyện đó. Mẹ tôi đã rất tủi thân. Mẹ đã rất sững sờ khi bị ba tôi mắng, vì ba mẹ tôi người Nam kẻ Bắc, 10 năm mới gặp nhau. Những cái đó ba tôi thể hiện với vợ con mình, không phải với người ngoài, ông đâu cần phải giấu diếm điều gì về con người ông.
     PV: Nhắc đến cái tên Lê Kiên Thành, người ta có thể đưa ngay ra những cái gạch đầu dòng: Con trai của cố TBT Lê Duẩn. Là người đầu tiên sáng lập ra ngân hàng Techcombank, một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay. Là một doanh nhân thành đạt nhưng lại rất tâm huyết với các vấn đề chính trị xã hội…Trong những điều đó, cái gì đúng là Lê Kiên Thành nhất, và còn điều gì thiếu?
     LKT: Tôi không biết bên ngoài họ nhìn tôi ra sao, nhưng nhiều người quanh tôi nhận xét: tôi quá hiền để làm kinh tế, cũng quá hiền để làm chính trị. Những điều họ nói về tôi, không phải là ca ngợi, mà có lẽ “chê” nhiều hơn. Hiện nay, tôi có làm tổ trưởng dân phố. Có những việc con con, không ai chịu làm thì tôi làm. Đó có lẽ là “chức vụ” cao nhất của tôi về mặt chính quyền. Làm kinh tế đôi khi phải lạnh lùng, tàn nhẫn, không được để tình cảm xen vào thì mới dễ thành công. Làm chính trị trong một giai đoạn nào đó có thể phải có thủ đoạn: chắc là thế, hoặc người ta bây giờ hình dung như thế. Tôi đều không có cả hai cái đó. Nên có lẽ nhận xét của mọi người về tôi là đúng. Mình rất khó để tự hiểu mình là ai. Có khi người ngoài lại hiểu mình hơn.
     PV: Ông từng nói ông tự hào “là con của một người Cộng sản chân chính với nghĩa đúng nhất của từ này”. Ông sinh năm 1955. Thời điểm này, sau khi cố TBT Lê Duẩn mất gần 30 năm, ông cũng đã gần 60 tuổi, đã lên chức ông nội. Vậy nhìn lại chặng đường ông đã sống, đã trưởng thành, đã phấn đấu cho những gì ông cho là đúng, và đã đạt được những thành công như ông đang đạt được: ông đã thấy mình sống xứng đáng là con của một người Cộng sản chân chính chưa?
     LKT: Chưa!
     PV: Tại sao?
     LKT: Rất nhiều việc mà tôi muốn làm, hoặc có thể làm, nhưng chưa thể làm được, vì nhiều lý do. Nhưng cái đích của tôi là luôn cố gắng trở thành một người tốt. Có thể tôi chưa làm được những điều ba tôi muốn, hoặc tôi đã làm nhưng chưa được như ba tôi kỳ vọng, nhưng tôi vẫn luôn hướng tới những điều đó, như là cái đích của đời mình.
     PV: Kể từ sau khi bắt “Bầu” Kiên – một người rất nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, được cho là người có quyền lực lớn, có sự ảnh hưởng lớn với nhiều ngân hàng ở nước ta, hiện tượng thâu tóm ngân hàng và sự xuất hiện của những nhóm lợi ích đang là vấn đề được nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
     LKT: Tôi là doanh nhân và có rất nhiều bạn bè là doanh nhân. Phần lớn họ là người tốt, luôn cố gắng đóng góp cho đất nước bên cạnh mục tiêu làm giàu cá nhân. Tôi tin ở đâu, ở môi trường nào trong xã hội, cũng luôn có người tốt và người tốt là chủ yếu, hoặc ít nhất bản chất họ là tốt. Nhưng nếu cách hành xử, nếu những chính sách của Nhà nước ta không hợp lý, thì sẽ rất có thể dẫn đến việc chúng ta đẩy họ ra xa, chúng ta làm bản năng họ ngày càng méo mó, càng xấu xí đi. Có thể xuất hiện nhiều doanh nhân thích và biết lợi dụng vào những kẽ hở, lợi dụng sự che chở, tiếp tay của các quan chức nhà nước, để thao túng một phần nền kinh tế, tạo một siêu lợi nhuận cho chính bản thân họ.
     PV: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn biết ở các nước Tư bản Chủ nghĩa, các tập đoàn kinh tế khi lớn mạnh đến một mức nào đó, sẽ có thể thao túng kinh tế, sau đó chi phối chính trị, chi phối kết quả các cuộc bầu cử, vậy việc có một bộ phận các nhóm lợi ích thao túng kinh tế và có thể có khả năng chi phối chính trị đang xuất hiện ở nước ta, điều đó sẽ gây ra những hậu quả gì lâu dài cho những thành quả mà chúng ta đã xây dựng bằng cả máu xương và bao mồ hôi nước mắt?
     LKT: Để nói về lâu dài, thì như TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong. Chẳng đâu xa lạ, người ta nói rất nhiều về việc các tập đoàn tài phiệt của Nga chi phối chính trị vào cái thời Liên Xô sụp đổ. Nó sẽ lặp lại y chang như vậy ở nước ta, nếu chúng ta không cảnh giác và không chủ động đẩy lùi !
     PV: Vấn đề của nước Nga – Xô Viết ngày xưa ở thời điểm đó rất trầm trọng. Còn chúng ta hiện nay thì sao?
     LKT: Với kinh nghiệm của nước Nga, sự nguy hiểm chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, và sau đó nó sụp đổ. Nên việc chúng ta chưa nguy hiểm, chưa nói lên điều gì. Việc nó chưa xảy ra không thể nói lên điều gì cả. Có thể những nguy cơ chỉ xuất hiện trong vòng một ngày, và ngay khi nó xuất hiện, nó làm sụp đổ mọi thứ, sụp đổ đến tận gốc rễ.
     Vào giữa thập niên 80, tôi đang học ở Liên Xô. Tình hình chính trị, xã hội bề ngoài có vẻ bình thường. Bất ngờ trên tờ báo Văn hóa có bài viết phản ánh về phiên đại hội đầu tiên của mafia Liên Xô khiến đất nước này rung chuyển. Bài báo viết, đại hội này được tổ chức tại cảng Ô-đét-xa có đại diện mafia quốc tế đến dự. Sau đại hội, mafia Liên Xô đã cử đại biểu đi họp mafia quốc tế... Sau này Liên Xô sụp đổ, mafia Nga mọc lên như nấm tạo nên một thế giới tội phạm, khủng bố, bắt cóc, bắn giết tàn khốc... hơn hẳn mafia Mỹ hay Ý và các nước trên thế giới. Người ta nghi ngờ rằng mafia Nga đã hình thành từ trong lòng chế độ XHCN.
     Thế giới có hai loại mafia: mafia cổ điển, là những mafia phát sinh ở tầng lớp dưới đáy xã hội, bắt đầu với việc đi bảo kê bài bạc, đĩ điếm, tầng lớp mafia đó có thể có cung điện nguy nga, có nhiều quyền lực ngầm, nhưng họ vẫn ở ngoài vòng xã hội. Họ không bao giờ bước vào được giới thượng lưu, không bao giờ có những ảnh hưởng có thể chi phối được giới thượng tầng của đất nước. Nó và một số cá nhân trong chính quyền có thể có những mối liên hệ làm ăn, chia sẻ lợi nhuận, nhưng chắc chắn nó và chính quyền vẫn luôn ở vị trí đối lập nhau. Nhưng mafia của nước Nga xuất phát từ tầng lớp thượng lưu, từ những người có tiền, có quyền trong xã hội. Nên mafia của Nga, khi nó hình thành đã tạo ra một thứ mafia không giống mafia cổ điển và hung dữ hơn các mafia cổ điển, nó làm những chuyện tàn bạo hơn mọi mafia cổ điển khác. Đó chính là mafia hiện đại.
      Câu chuyện trên muốn nói rằng: chúng ta đừng quá mải mê chống các nguy cơ bên ngoài mà bỏ quên nguy cơ nội tại. Chúng ta có nhiều nét tương đồng với thể chế Liên Xô cũ. Trong đó có sự tương đồng về tư duy phòng chống mafia. Tư duy đó là kẽ hở cho chúng hình thành... Cách đây 5 năm, tôi đã từng đặt ra vấn đề “Quả trứng mafia Việt Nam bao giờ nở?”, nhưng vì nhiều lý do, vấn đề đó tôi chưa có điều kiện chia sẻ trên báo chí. Tôi đặt ra vấn đề này, và có liên hệ với sự hình thành mafia ở nước Nga. Người ta nói ở Việt Nam, mafia chính là trùm giang hồ Năm Cam. Nhưng thật ra Năm Cam có phải là mafia không? Không phải! Mafia theo đúng nghĩa của nó là không phải.
     Tôi định nghĩa mafia là một xã hội thu nhỏ có tổ chức hẳn hoi, chặt chẽ, nó có “luật pháp” riêng của nó, và cái “luật pháp” này tồn tại song song với luật pháp của một đất nước. Cái “luật pháp” của nó cũng rất chặt chẽ, vì nó ảnh hưởng quyết định sự tồn vong, sự sống còn của nó. Mafia bao năm qua vẫn tồn tại ở cả những nước tiên tiến nhất, bởi vì nó có kết cấu chặt chẽ như một “xã hội mafia”. Những Năm Cam, Dung Hà như ở Việt Nam, tôi nghĩ đó mới chỉ là những liên kết, những móc nối để cùng chia sẻ lợi ích, lãnh thổ, dựa vào nhau để sống, chưa phải là một xã hội mafia. Nhưng đến một lúc nào đó, những nhóm liên kết này sẽ thấy rằng nếu họ không tổ chức lại, họ sẽ bị đánh sập, và cái đó chính là cái nguy cơ hình thành một xã hội mafia, như mafia Nga. Tôi chỉ sợ điều đó sẽ xảy ra ở Việt Nam, và tôi nghĩ ở Việt Nam, đang có “quả trứng mafia” đó rồi, chỉ là bao giờ nó sẽ nở? Việc chúng ta cần phải làm là làm sao ngăn chặn, không cho nó có cơ hội được nở!
     PV: Khi ông suy nghĩ về vấn đề “quả trứng mafia ở Việt Nam bao giờ nở?” từ 5 năm trước, cho đến thời điểm này, ông đã nhìn thấy “quả trứng mafia” đó ở đâu trong xã hội Việt Nam, hay đó chỉ là sự thổi phồng, lo xa?
     LKT: Không phải là lo xa, không chỉ là cảnh báo mà tôi thấy hồn vía mafia đã ngay bên chúng ta. Chúng ta chưa nhìn tận mắt, bắt tận tay bởi vì Việt Nam hiện chưa có mafia thực thụ. Nó mới đang là hồn vía lượn quanh “quả trứng” mafia sắp nở mà thôi. Nói ra cụ thể thì rất khó. Nhưng từ trong tài chính, sản xuất, xây dựng, nói chung là tất cả các lĩnh vực của nước ta, tôi đều nhìn thấy những mầm mống, những điều kiện để có thể phát sinh những “quả trứng” đó, giống như Liên Xô trước đây. Ở những nước như Việt Nam, mafia không đi lên từ đĩ điếm, từ thuốc phiện, vì con đường đó sẽ rất lâu, mà có lẽ nó đi lên từ những tầng lớp khác, đó mới là điều nguy hiểm. Nói tóm lại, “quả trứng mafia” hình thành ở những nơi có lợi nhuận, chính xác hơn thì phải là những nơi siêu lợi nhuận, và nó chỉ chờ cơ hội để “nở”!
     Xét những vụ trọng án trong 20 năm qua, ta thấy sự xuất hiện những tổ hợp tội phạm có tính chất “tiền mafia”. Đó là chính khách, quan chức liên minh với xã hội đen. Các vụ án kiểu này ngày một lớn về quy mô, chặt chẽ về tổ chức, nguy hiểm về hành vi và trầm trọng về tác hại. Những vụ Trần Đàm, Khánh “trắng”, Năm Cam... và PMU 18 đã cho thấy: một số chính khách nắm giữ một số bộ phận quan trọng của đất nước như thứ có mặt trong liên minh với những ông trùm trong nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy có rất nhiều những chính khách cấp cao có hàng tá con nuôi, con đỡ đầu, em kết nghĩa hay “hàng đàn” cháu “xã hội”... là những “đại gia” tài sản kếch sù, quyền lực khuynh đảo nhưng làm ăn đầy tai tiếng, không học hành, không địa vị, thậm chí xuất thân từ lưu manh. Họ có quan hệ với nhau từ kín đáo đến công khai.
     PV: Nói như vậy tức là nguy cơ mafia đã hiển hiện?
     LKT: Hiện chúng ta chưa có mafia là do chúng chưa “chín muồi”. Sự “chín muồi” đó thường hình thành theo những quy luật chung và dựa vào “thời cơ” riêng của chúng tại mỗi quốc gia. Quy luật chung là: xã hội phát triển đến đâu thì tội phạm phát triển đến đó. Ví dụ khi tham nhũng hay bảo kê mà chúng có vài tỷ đồng, chúng sẽ mua bất động sản. Có vài chục tỷ thì gửi ngân hàng nhưng khi có tới vài trăm, vài ngàn tỷ đồng thì chúng sẽ rửa tiền, sẽ chuyển ra nước ngoài. Tương tự như vậy, người ta đánh bạc, cá độ ở mức nhỏ thì có thể chơi ở cơ quan, ở khu phố, ở Hà Nội hay ở Việt Nam nhưng đến một mức khổng lồ thì phải chơi với những nhà cái quốc tế... Đó là sự lớn dần tự nhiên của tội phạm...
     Mặt khác, đứng trước sự đấu tranh của xã hội, đến một ngày nào đó, giới tội phạm dù siêu quyền lực cũng sẽ hiểu rằng chúng không phải là bất khả xâm phạm. Và theo luật sinh tồn, chúng sẽ phải tìm cách tự bảo vệ... Nghĩa là chúng sẽ tự ý thức, tự chuyển đổi tư duy. Cơ hội để chuyển từ tư duy đến thực tế của chúng không khó bởi chúng có tiền và quyền lực. Một phần tài sản của đường dây tội phạm vụ PMU 18 đã có thể gấp 5-7 lần thu ngân sách cả năm của một tỉnh. Với lượng tài chính ấy, với quyền ấy thì chúng có thể làm được rất nhiều việc về mặt tổ chức... Một khía cạnh nữa là những tổ chức tội phạm quốc tế không ngừng mở rộng địa bàn, chân rết khắp thế giới. Chúng giống như các nhà đầu tư mở rộng thị trường. Đến một ngày chúng sẽ có mặt ở Việt Nam. Kẻ đón rước chúng chính là những tổ chức tội phạm đang có trong nước.
     Chúng ta không nên lầm hiểu là xã hội XHCN của mình tự thân đã có “vắc-xin” phòng ngừa mafia. Theo tôi, nếu một Nhà nước XHCN có quá nhiều tham nhũng, không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự thoái hóa cán bộ cũng như dùng người kém đức tài thì xã hội ấy còn màu mỡ cho mafia hơn là xã hội tư bản. Hiện nay nhiều người cho rằng mafia Việt Nam là một cái bóng rất xa xôi. Có người tránh nhắc đến nó, sợ như một sự cố tình tiêu cực hóa vấn đề. Chống rửa tiền là công việc cần nhất, dễ nhất và cũng là đầu tiên nhất để chống mafia, thế nhưng đến nay chúng ta sau nhiều năm hội nhập toàn diện nhưng vẫn chưa có Luật này. Nghị định chống rửa tiền đã ban hành gần như chỉ để đối phó với đòi hỏi hội nhập. Hiện chúng ta vẫn nhận bất cứ đồng tiền nào gửi vào ngân hàng. Các quy chế công khai minh bạch tài sản cán bộ, công chức hay các hiện tượng “doanh nghiệp ngoài khơi”, “công ty gia đình” không có biện pháp khống chế hữu hiệu... Những điều đó thể hiện một tư duy quá chủ quan với mafia.
     Có nhiều chính sách của chúng ta hiện nay chưa ổn, tôi nghĩ không phải do trình độ, mà có thể là vì một động cơ khác. Tôi rất không hiểu sao chúng ta lại không cảnh giác trước những việc đó. Vừa rồi việc Nhà nước độc quyền vàng SJC cũng là một việc tôi cho là không ổn. Những chính sách dạng như vậy sẽ là điều kiện, là “môi trường” để những nhóm lợi ích, hoặc nếu như chưa có nhóm lợi ích thì sẽ thúc đẩy sự ra đời của các nhóm lợi ích để lợi dụng chính sách đó. Nghĩa là chúng ta đang tạo ra môi trường, tạo ra cơ hội để hình thành những nhóm lợi ích đó. Hoặc có thể, biết đâu đó, những nhóm lợi ích đó đã có sẵn rồi.
     PV: Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn nguy cơ “quả trứng” sẽ nở?
     LKT: Chúng ta không thể đi từng nơi, tiêu diệt từng “quả trứng”, vì chúng ta tiêu diệt được “quả trứng” này, sẽ có một “quả trứng” khác mọc lên ở chỗ đó hoặc ở một nơi khác. Cách duy nhất là chúng ta không cho những “quả trứng” ấy có môi trường để “nở”, không cho mafia có bất cứ cơ hội nào để hình thành ở Việt Nam. Đây là thách thức toàn cầu, không chỉ của riêng Việt Nam. Người ta mới dừng ở mức khống chế nó càng nhiều càng tốt. Theo tôi thì nguyên tắc lớn nhất trong các vấn đề xã hội của nhân loại là hãy để cho nhân loại tự lo liệu. Nhân loại ở đây hiểu theo nghĩa người dân. Tức là không có bộ máy nào bảo vệ xã hội tốt hơn chính người dân. Nói ngắn gọn là chỉ có xã hội dân chủ, sự làm chủ thực sự của người dân, mới có thể chống mafia tốt nhất. Họ sẽ giám sát các quan chức chính quyền, sẽ loại bỏ những đối tượng có vấn đề. Tóm lại họ có nhiều cách làm tốt để bảo vệ quan chức chính quyền khỏi rơi vào tay ma quỷ hay ma quỷ lọt vào chốn công đường. Khi cắt rời được quyền lực nhà nước khỏi quyền lực tội ác thì việc khống chế nó trở nên dễ dàng hơn.
     PV: Một trong những vấn đề được nhân dân cả nước bàn luận nhiều nhất hiện nay, chính là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. Cá nhân ông, ông kỳ vọng gì vào Nghị quyết Trung ương 4 và những gì mà Đảng đang quyết tâm thực hiện?
     LKT: Là một người dân, tôi cũng chỉ biết hy vọng. Tôi hy vọng vì tôi luôn nghĩ rằng, bản năng của một dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn sống. Bao giờ cái tốt cũng là cái thúc đẩy sự đi lên của cả dân tộc. Đến một lúc nào đó, cái tốt ấy sẽ phá vỡ mọi sự trì trệ đang tồn tại, dù sự trì trệ đó nó ẩn dưới hình thức nào đi chăng nữa. Tôi chỉ sợ không biết cái chu kỳ tất yếu đó bao giờ đến? Tôi chỉ sợ cái chu kỳ đó sẽ không đến khi tôi còn có thể chứng kiến nó. Nhiều khi chu kỳ của nó chỉ xảy ra nhiều năm sau nữa. Nhưng tôi vẫn hy vọng.
     PV: Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về những nhà Cách mạng của chúng ta trước đây. Tôi nhớ một câu chuyện về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Khi Nguyễn Lương Bằng làm người phụ trách công tác tài chính cho Đảng, trong ngân quỹ của Đảng chỉ còn hơn 20 đồng tiền Đông Dương rách nát. Ngày ngày, ông đẩy xe mật mía đi bán, dù cho có bán được rất nhiều tiền, nhưng cả ngày ông chỉ dám mua 1 xu tiền bánh, 1 xu tiền nước, còn lại để dành tiền gây quỹ cho Đảng. Sau này, dù làm ở bất cứ chức vụ gì, ngay cả khi tình hình cách mạng bớt đi khó khăn, ông vẫn không hề thay đổi. Đi đâu, tiêu 1 xu tiền nước, 1 xu tiền đò, ông cũng ghi lại. Khi đi thăm con gái đi học, ông ra bến xe bắt xe khách như một người dân bình thường. Thế hệ những người như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, họ đã cống hiến, đã hi sinh, không một chút toan tính. Nhưng nhìn vào lớp Đảng viên bây giờ, những người như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng... khiến chúng ta vừa xót xa, vừa phẫn nộ. Nhân dân sẵn sàng hi sinh cả xương máu cho độc lập dân tộc, nhưng không sẵn sàng hi sinh cho những cán bộ nhà nước mất chất như thế. Theo ông, điều gì khiến khá nhiều Đảng viên hôm nay đã không còn giữ được cái tinh thần của thế hệ những người Đảng viên thời chống Pháp, chống Mỹ?
     LKT: Tôi cũng muốn hỏi thế! Vì tôi thấy điều đó thật vô lý. Khi tôi ra nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo, ra nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị, nhìn thấy những nấm mồ của bao nhiêu con người đã nằm xuống ở đó, tôi càng thấy điều đó vô lý. Tại sao trong khó khăn, chúng ta đã sống tốt như thế, đã chiến đấu anh dũng và tự hào như thế. Vậy mà trong thời điểm này, khi chúng ta đang thừa hưởng những thành quả, chúng ta có điều kiện để làm tốt hơn thế gấp nhiều lần, mà chúng ta lại không làm được? Cái khó nhất là giành độc lập dân tộc, chúng ta làm được, mà tại sao xây dựng đất nước trên nền tảng hòa bình, chúng ta lại làm không tốt?
     Tôi đã từng nói với nhiều người, đã từng trả lời trên báo chí: ngày xưa khi anh là đảng viên, anh sẽ bị kẻ địch bỏ tù; anh là bí thư chi bộ, giặc sẽ xử bắn; anh là Ủy viên Trung ương, nó sẽ bắn cả nhà. Còn bây giờ, nếu anh là Trưởng phòng, anh phải là đảng viên; anh muốn làm Bộ trưởng, anh phải là Ủy viên Trung ương. Cái “phê và tự phê” để phát triển của chúng ta còn yếu. Chính điều này làm chúng ta suy yếu đi. Vì chứa trong lòng nó rất nhiều người cơ hội.
     PV: Vừa rồi, TBT Nguyễn Phú Trọng đã can đảm thay mặt Đảng, thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, thừa nhận việc chúng ta có sửa chữa được những yếu kém đó hay không sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đây là lần đầu tiên chúng ta dám nhìn trực diện vào sự lâm nguy mà chúng ta đang đối mặt…
     LKT: Cũng là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy sự nguy hiểm đó do chính chúng ta tạo ra. Hôm trước tôi có dịp nói chuyện với nguyên TBT Đỗ Mười, tôi có nói: “Trước một sự lâm nguy, chúng ta phải có những hành động đặc biệt. Cũng giống như là trước họa xâm lăng của đất nước, chúng ta phải tổ chức hội nghị Diên Hồng, chúng ta phải tổng động viên, chúng ta phải dốc hết lòng để đánh giặc.
     PV: Là con trai của một người Cộng sản, ông có cảm thấy buồn khi điều mà cha ông - cố TBT Lê Duẩn và thế hệ đó đã tin vào, bây giờ đang bị lung lay?
     LKT: Tôi nghĩ niềm tin đó vẫn còn, nó chỉ bị biến tướng đi ở hình thức khác. Đó là điều làm tôi đau khổ. Đau khổ vì có một bộ phận lớp thế hệ hôm nay người ta lợi dụng sự hi sinh của nhân dân, của các đồng chí, lợi dụng niềm tin của dân tộc để trục lợi cho mình và làm méo mó nhiều thứ, có thể là tất cả.
     PV: Ông có đang bi quan?
     LKT: Tôi nhìn vào quỹ thời gian của tôi và hiểu rằng, tôi không còn nhiều cơ hội để hy vọng nữa, không còn nhiều thời gian để chờ đợi nữa, nói là cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng, tuy hơi quá, nhưng có lẽ chỉ là như vậy. Tôi xin chia sẻ một điều rất cá nhân này, từ khi tôi có cháu nội, thì cái khao khát làm được một cái gì đó bỗng nhiên bùng lên.
      Trước đó tôi nghĩ là đời mình thôi thế cũng xong, đời con mình như thế cũng xong, nhưng khi tôi có cháu nội, tôi bỗng cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Tôi băn khoăn mãi với cái ý nghĩ cuộc sống của cháu nội tôi sau này sẽ thế nào, tôi có thể hình dung ra cuộc sống của con trai tôi và chấp nhận nó một phần, nhưng không thể hình dung ra điều gì sẽ đến với cuộc sống của cháu nội tôi.
      Việt Nam ta có một câu rất hay: “Thương người như thể thương thân” – chừng nào anh biết thương người khác như thương chính bản thân mình, chừng nào anh biết làm điều tốt cho người khác như chính bản thân mình, thì sức mạnh sinh tồn sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Đến cái tuổi này, khi nhìn thấy một sinh linh bé nhỏ như cháu nội tôi chào đời, cần sự bao bọc, che chở của tôi, cái bản năng khao khát được làm cái điều thiện cho những đứa trẻ giống như cháu tôi, cho một thế hệ giống như thế hệ cháu tôi, bỗng nhiên trỗi dậy. Trước đây tôi đi ra ngoài đường, gặp người ta bế một em bé đi ăn xin, tôi vô cùng xót xa, nhưng bây giờ nếu ra ngoài đường, cũng gặp một cảnh tương tự, tôi thấy không thể chịu nổi và chỉ ao ước có thể làm được điều gì đó, có thể có sự thay đổi nào đó.
     Tôi vẫn tin là sức sống của một dân tộc, suy cho cùng, là vĩnh cửu. Tôi tin không phải lúc này hay lúc khác, dù có sống trong tăm tối, trong đau thương, đổ nát đến bao nhiêu, sẽ có những lúc sức sống của chúng ta trỗi dậy, và vì thế, sẽ không bao giờ là quá muộn để hành động. Nhưng tôi hy vọng, với trí tuệ của người Việt Nam, với lòng can đảm và sức mạnh tinh thần kỳ lạ của người Việt Nam, chúng ta đã vượt qua 1000 năm nô lệ phương Bắc, đã vượt qua những kẻ thù đế quốc thực dân mạnh nhất như Pháp, Mỹ, thì chúng ta cũng biết vượt qua chính mình.
      PV: Nhưng Phật đã dạy: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” – vượt qua chính mình dường như chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng?
     LKT: Vượt qua chính mình – với ý nghĩa cá nhân, là một cuộc chiến khó khăn với từng cá nhân, nhưng vượt qua chính mình – với ý nghĩa một tập thể, thì đó sẽ là một cuộc chiến thực sự, một cuộc chiến dữ dội.
     PV: Và đôi khi trong cuộc chiến dữ dội đó, chúng ta có thể bị thương, nhưng chúng ta vẫn nhất định phải hành động ?
     LKT: Nếu đúng như chủ nghĩa Mác về phủ định của phủ định, thì sau một cái phủ định, sẽ có một sự phát triển lớn. Hoa tàn đi thì sẽ ra trái, trái già và hỏng đi thì sẽ ra hạt để nảy mầm. Quy luật đương nhiên luôn là như thế. Chỉ có điều là chúng ta đang sống trong thời đại này, chúng ta đủ sức không bị phụ thuộc vào khoảng thời gian, chúng ta càng nỗ lực vượt qua chính mình trong thời gian càng ngắn bao nhiêu, thì sẽ càng tốt cho xã hội bấy nhiêu. Ví dụ, nhìn vào những nước chưa giải phóng, chưa thống nhất trên thế giới, chúng ta thấy chúng ta đã giải phóng đất nước sớm từng đó, nghĩa là về mặt nào đó chúng ta đã đi trước họ, đi trước rất xa.
     Người Hàn Quốc đến giờ vẫn chưa hình dung được họ sẽ thống nhất đất nước như thế nào và sẽ sống thế nào sau khi thống nhất. Người CHDCND Triều Tiên lại càng không thể hình dung ra được. Thời của tôi, cái gì mà không làm được, người ta đều nói “đợi đến Thống nhất”. Nói thế để thấy việc thống nhất đất nước nó quan trọng thế nào, khó khăn, gian khổ thế nào và chặng đường xa vời vợi ra sao. Vậy mà chúng ta đã làm được điều kỳ diệu đó, điều khiến cả thế giới phải khâm phục. Tôi hy vọng rằng, có thể có lúc thế nọ thế kia, nhưng khi cả dân tộc đã cùng đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn như hiện nay. Còn nếu chúng ta không vượt qua được, đó sẽ là một điều quá cay đắng, quá phi lý, quá nghiệt ngã.
     PV: Xin chân thành cám ơn những lời tâm huyết và chân thực của ông!