2 tháng 10, 2012

      HÀ VĂN THỊNH

     Nằm một chỗ, đau trong khi mình là người luôn thích dịch chuyển, quả là đau vô cùng... Mới có 17 ngày xa trường mà nhớ... Đành nghĩ cách trò chuyện với cựu SV. Hôm nay cho mình lại được "giảng" (để tự an ủi, để chia sẻ cho vơi nỗi buồn, âu lo, đau đớn...) 4 câu thơ của Lý Thương Ẩn nhé. Hy vọng mọi người sẽ thuộc.

VÔ ĐỀ
Lý Thương Ẩn (813-858)

Tương kiến thời nan, biệt diệc nan
Đông phong vô lực, bách hoa tàn
Xuân tàm đáo tử, ty phương tận
Lạp cự thành hôi, lệ thủy can!


1) Cái khoảnh khắc mà chúng ta được gặp gỡ nhau cũng giống như khoảnh khắc được sinh ra để gặp gỡ cuộc đời này là rất khó khăn; thế nhưng, phải chia tay với người mình tri kỷ, tha thiết cũng như phải "chia tay" với cuộc đời này, càng khó khăn hơn gấp bội phần.
2) Tuy nhiên, cuộc đời là thế (Takôi Jưznhi, C'ést la Vie, That's Life). Hãy nhìn ngọn gió Xuân kia, nó nhẹ nhàng lắm nhưng muôn hoa đều phải bị héo tàn. Thời gian vô ảnh, vô tình mà ai cũng phải chết...
3) Mặc tất cả những đớn đau và muộn phiền, đã sống ở trên đời, phải như con tằm mùa Xuân ấy, cứ rứt ruột mình ra, tạo thành tơ biếc dâng hiến cho đời, chỉ đến khi chết mới không còn tơ nữa.
4) Sống trên đời phải như ngọn nến ấy, cháy hết mình và yêu thương hết mình. Nến cháy được nhờ tim nến (sợi bấc). Ngọn nến cháy chừng nào, nước mắt ướt đẫm chừng đó. Chỉ đến khi cả thân xác cháy thành tro bụi, mới không còn nước mắt nữa.

Quảng Trị, 09.09 AM, 2.10.2012.

8 nhận xét:

  1. Gam màu của bài thơ thật buồn. Thế nhưng ý nghĩa thì tuyệt vời bởi "Vô đề" của Lý Thương Ấn là bài thơ của nước mắt. Chỉ có con người mới khóc và biết khóc vì điều gì. Sự chia ly luôn đi kèm nỗi đớn đau bất tận. Cảm ơn Thầy đã giảng cho chúng em nghe về một bài thơ, không, Thầy đã giảng về một nhân cách sống của con người trong cuộc đời này. Rất mong Thầy khỏe lại, thôi đau đớn để chúng em vẫn còn được nghe thầy giảng không chỉ những bài học về lịch sử mà còn được nghe nhiều bài giảng văn chương để được làm người đúng nghĩa.

    Trả lờiXóa
  2. Rất cảm ơn thầy Hà Văn Thịnh. Lần đầu tiên em được đọc và được hiểu nghĩa của bài thơ nầy. Không hiểu tại sao ngày xưa người ta không dạy cho mình nhưng bài thơ nầy khi còn đi học.
    Nghĩ đến Thầy, em nhớ 4 câu thơ của Hoàng Bình Trọng:
    Đã không chịu sống cúi luồn
    Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời
    Đã lầm một kiếp làm người
    Thì đi cho hết trận cười bể dâu...
    Nói về nghề dạy học, em nhớ trong " Thế giới như tôi thấy" của Einstein có một đoạn em chép lại để Thầy đọc cho zui trong lúc nầy:
    Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy đẻ có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng...
    Rất mong Thầy tiếp tục giảng về thơ. Blog của bọn em thiếu đề tài nầy. TQS

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Thầy đã chỉ cho chúng em cách tiếp cận mới giàu nhân văn hơn và mang đầy tính dâng hiến cho đời. Qua phân tích của Thầy, đọc bài thơ không chỉ đơn thuần là cảm thụ thơ mà còn là phương châm sống và làm người đúng nghĩa. Hình như Thầy có nhầm ở câu thứ nhì (gió đông chứ không phải là gió xuân): Đông phong vô lực bách hoa tàn - Gió Đông dẫu không mang một chút khí lực nhưng lại là tác nhân chính gây nên cảnh lụi tàn cho muôn hoa, cho vạn vật. Còn bốn câu sau của bài này em thấy cũng rất ý nghĩa, đầy cảm xúc. Thầy giảng tiếp nhé! Đtd

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đông phong là GIÓ XUÂN, ví dụ "Hoa Đào năm trước còn cười Gió Đông" - Hoa Đào nở vào mùa Xuân mà (Kiều); hoặc trong thơ Lý Bạch (702-761) " "Đông Phong bất tương thức/ Hà sự nhập la vi" (Gió Xuân kia hỡi, ta với ngươi vốn không quen biết/ Cớ sao lài lọt vào màn the của ta, bắt ta phải (rạo rực, bừng xuân ý) thao thức vì mong mỏi...

      Xóa
  4. Đtd nhầm. Đông phong là gió xuân chứ không phải gió đông.Theo mình hiểu là thế. Mình còn nhớ trong hai câu cuối của một bài thơ : Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong .
    Sẵn đây xin phép Thầy cho bọn em hỏi luôn Thầy một câu thơ mà hôm trước ĐTD nói rằng TQS nhớ sai một chữ là:
    Tích niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
    hay: Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Theo ĐTD là khứ niên ( năm ngoái)
    Còn TQS nhớ là tích niên ( năm xưa)
    Cho bọn em hỏi, câu nào là đúng theo nguyên bản hả Thầy. Rất cảm ơn Thầy (TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi Hộ (TK VIII-IX, đỗ TS năm 796) viết bài thơ " Đề thơ ở một thôn ấp phía Nam đô thành, viết:
      Khứ niên kim nhật thử môn trung
      Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
      Nhân diện bất tri hà xứ khứ
      Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
      1) Năm ngoái (khứ niên, năm vừa trôi qua), cũng ngày này đây, cũng ngay giữa cổng thành này. 2) Ta gặp một người con gái chen đi giữa muôn cánh hoa đào. Chẳng biết giữa hoa và người, ai đã làm hồng lên sắc thắm cho "ai". 3)Người con gái đó ta chẳng hề quen biết, và giờ đây nàng đi đâu (trôi theo năm ngoái rồi), để riêng ta lòng dạ vấn vương. 4)Bây giờ, dường như vẫn là hoa đào giống y như năm trước, đang giễu cuwoif mai mỉa ta trước ngọn gió Xuân (gợi tình) đau đớn, xót xa... HVT.

      Xóa
  5. Hu!Hu! Đúng rồi! S nhắc lại bài thơ của Thôi Hộ mình mới chợt tỉnh (lâu quá quên mất các điển tích và chú giải thơ Đường): Hoa đào y cựu tiếu đông phong. Mùa xuân ở TQ thường có gió từ hướng Đông thổi tới. Ở bài Vô đề của Lý Thương Ẩn đông phong ở đây đúng là nói về cơn gió nhẹ từ hướng Đông thổi về cuối xuân vào thời điểm bách hoa lụi tàn mới chính xác. Đúng là mình cảm nhận chưa chín về bài thơ này. Cảm ơn S đã nhắc nhở. Xin lỗi Thầy! Em dốt chứ không phải Thầy nhầm.
    Mình đã tra nhiều bản vẫn thấy ghi khứ niên mà. Đtd

    Trả lờiXóa
  6. Vậy là ĐTD nhớ đúng bài thơ hôm trước. Câu đầu đúng là Khứ niên kim nhật thử môn trung...Rất cảm ơn Thầy (TQS)

    Trả lờiXóa