17 tháng 10, 2012

Hồi kí chương II (tt)

      Giã từ trường cấp 2 số 10, tôi  thi chuyển cấp, lên cấp 3.
      Trường THPT Tư Nghĩa. Ngôi trường có quá nhiều kỷ niệm, có quá nhiều  người bạn mà chỉ số IQ đều vượt trội. Lớp 10c3, lớp 11C3. Hai năm, tôi học ban C. Lớp có các thầy cô điển trai, xinh gái quá chừng: thầy Cảnh dạy toán, thầy Vũ, thầy Binh dạy Lí, thầy Thanh dạy Địa,... Cô Thanh (người Huế) dạy Văn, cô Nguyễn Thị Mai dạy Lí kiêm chủ nhiệm lớp. Quê cô ở Nghĩa Hà. Em và các bạn rất nhớ cô. Nghe nói bây giờ cô đang bán vải ở chợ Tân Bình.
      Thầy Lũy dạy văn lớp 11C3, thầy có mối tình quá đẹp mà thầy thường kể cho chúng em nghe năm nào. Bên cạnh những bài học hấp dẫn, lí thú… Thầy còn kể chuyện “Ngìn lẻ một đêm” cho lớp nghe. Ôi quá tuyệt vời! Khi nào ghé QN-ĐN em sẽ tìm thăm thầy. Chúc thầy cô và gia đình  hạnh phúc.
      Các thầy khác như thầy Cảnh, nghe đâu đã chuyển sang trường chuyên Lê Khiết; thầy Vũ, thầy Thanh vẫn còn đứng nguyên trên bục giảng, tiếp tục sứ mệnh dẫn đường đàn em sau này.
      Lớp 12A có quá nhiều sự kiện. Giữa học kì 1 tôi chuyển sang lớp này. Tạm biệt 11C3 nhưng tình bạn vẫn nguyên vẹn như ngày xưa. Thầy Huỳnh Ngọc Anh làm chủ nhiệm lúc nào cũng tưng tưng khi vào lớp, lúc lắc cái đầu, dáng cao, gầy, nhanh nhẹn...
      Thầy vào lớp là kiểm tra bài ngay. Eo ôi! Tôi bây giờ bết bát môn Toán lắm rồi! Mỗi lần kiểm tra được 5, 6 hoặc 7 điểm là mừng lắm rồi. Vài năm nay thầy đã về hưu. Sáng uống cafe, đánh bi-a, quây quần bên vợ con. Cầu chúc thầy cô luôn hạnh phúc. Sự đời nó vốn thế. Khi “làm quan” thì họ nể vì cầu cạnh, khi về hưu, làm dân thì họ lánh xa.
      Chuyện ấy đời nào cũng thế. Hỡi những con người chính trực, thẳng ngay. Không chơi với đời thì ta chơi với tùng, với bách vậy. Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… đã từng như thế có sao đâu?
       “Kiếp sau xin chớ làm người
        Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
        Giữa trời vách đá cheo leo
        Ai mà chịu rét thì trèo với thông”
        Xin chúc thầy như cây Thông  ở giữa cuộc đời này.
      Rồi thầy Lượng dạy Hóa, thầy Đỉnh-cô Cúc dạy Sinh-dạy Anh… vào lớp chép bài lên bảng rồi đọc kiếm hiệp cho đến khi kẻng báo hết giờ là ra khỏi lớp. Cứ thế hết ngày nay sang ngày khác, hết học kì này sang học kì khác.
      Đặc biệt, người thầy mà tôi chịu nhiều ơn nghĩa nhất là nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Quyền. Năm ấy, Đoàn Thành Tiến, Quang Chu, Nguyễn Văn Luận do thầy trực tiếp giảng khi thì học ở lớp, khi thì học ở nhà Đoàn Thành Tiến…Đi thi cấp tỉnh, Đoàn Thành Tiến đậu. Cùng với Huỳnh Giới đậu Toán. Tất cả vào đội chuyên của Tỉnh để đi thi toàn quốc.Vì ăn uống kham khổ nên các bạn  nghịch ngợm viết và vẽ bậy lên bảng nên vô tình bị công an phát hiện. Như thế là Huỳnh Giới bị kỉ luật ở lại 1 năm.
      Suốt năm 12 tôi chỉ viết một bài “Phát biểu cảm tưởng về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu” mà chỉ thầy Quyền và thầy Lũy hiểu được bí ẩn sau 6 trang giấy khổ lớn của tác giả. Còn bạn bè không ai hiểu hết. 17/20 là điểm duy nhất cho cậu học “trò cưng” nhất của thầy.
      Ôi người thầy tài hoa, hóm hỉnh…làm sao! Vào lớp thì ngó nghiêng, lúc thì Ngọc, lúc thì Lựu…có hiểu thầy nói gì không? Thưa thầy chúng em rất hiểu và rất biết ơn dạy dỗ của thầy nhiều lắm. Thầy đã mất rồi bây giờ chỉ còn lại mình cô (Dương Thị Vân Nghê) vò vỏ một mình trong căn nhà lạnh lẽo…Cô ơi hãy vui lên mà sống với các em, cô nhé !
      Ôi! Những người thầy, người cô suốt đời tôi yêu mến và biết ơn. Các thầy không những là những người lái đò mà còn là những người lái xe, những phi công, người dẫn đường cho chúng em khám phá những tinh cầu mới lạ trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai.

      Trường ĐHTH Huế, ước mơ của chàng học sinh phổ thông nay đã thành hiện thực. May mắn thay, chúng tôi đã gặp những người thầy tài năng về nhiều mặt như thầy Thịnh, thầy Thông, thầy Phú; đặc biệt là thầy Dương Đình Khôi (TS Nhân chủng học, tốt nghiệp ĐH Sorbon, Pháp) giảng dạy. Trong khuôn khổ một quyển hồi kí, tôi chỉ xin kể về một vài người thầy đặc biệt để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Thông. Thầy là người dẫn  lớp đi thực tập ở A Lưới năm thứ 2 về Dân tộc học. Thầy rất gần gũi với học trò. Với giọng Huế đặc trưng, bài giảng của thầy rất cuốn hút khiến chúng tôi không ai bảo ai luôn luôn lắng nghe những chuyên đề do thầy phụ trách: chuyên đề về dân tộc Chăm-pa, chuyên đề về văn học dân gian… Riêng thầy đã dành cho tôi rất nhiều ưu ái trong quá trình học tập, nghiên cứu, được đi chơi với thầy nhiều hơn các bạn trong lớp. Thầy dẫn tôi đến Kim Long- một làng nổi tiếng ở kinh thành Huế. Làng có rất nhiều cô gái đẹp, những “Kiều nữ” thắt đáy lưng ong, đôi mắt sắc như là dao cau, những cái nhìn “chết người” đã làm cho vua chúa, quan lại bao phen điêu đứng, dại khờ:
         Kim Long có gái mĩ miều
         Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi
      Tôi đã đến thăm nhà bà Nguyễn Đình Chi, một nhà yêu nước, một con người tài hoa trên xứ Huế. Ấn tượng lớn nhất lúc bấy giờ là khu vườn hoang sơ, căn nhà rêu phong cổ kính. Trước nhà là một  vườn hồng khoe sắc thắm mà giống của nó được mua từ Pháp về. Ôi những bông hồng to, đỏ tươi bốn mùa vẫn nở trong khu vườn lặng lẽ, hoang sơ. Nghe đâu ngày nay nó đã trở thành một địa chỉ văn hóa trên đất Thần Kinh với tên gọi “Thư Hiên đạo quán”?
      Thầy dẫn tôi ngược phía Tây kinh thành thăm chùa Huyền Không nằm trên một vùng núi cao. Con đường đi về gập ghềnh, khúc khuỷu. Ôi! Chùa Huyền Không làm cho tôi quá ngỡ ngàng. Ở đây gồm những nhà sư vô cùng uyên bác về nhiều mặt: Họ trồng hoa, trồng cải…Những vườn hoa đầy màu sắc: Nào hồng, nào cúc, đồng tiền muôn màu khoe sắc. Lần đầu tiên tôi được uống trà Đài Loan, được hầu chuyện với các nhà sư uyên bác nhưng rất bình dị nơi đây. Một bữa cơm chiêu đãi “khách thập phương” về viếng chùa với bao nhiêu là “cao lương mĩ vị”, “tôm công chả phụng” muôn màu nghìn sắc, muôn hình muôn vẻ. Hóa ra tất cả đều làm bằng bột. Thế mới biết khối óc và đôi tay con người kì diệu biết bao. Nó đã biến những vật bình thường thành một bữa tiệc vô cùng thịnh soạn, cao cấp. Cám ơn các nhà sư, cám ơn chùa Huyền Không. Một lần tôi đã đi và đã đến. Huyền Không ơi, biết bao giờ trở lại? Vốn biết cửa Phật luôn luôn mở rộng mà đến đó sao khó khăn vô cùng? Huyền Không ơi! Hi vọng có ngày trở lại.
      Bây giờ tôi xin trở lại tư gia của thầy nằm ở phía tây kinh thành Huế, trên đường Lò Đúc. Hai bên là những pho tượng nằm dọc ven đường. Những thửa ruộng đương thì con gái, làng xóm thân yêu chạy dài theo con đường nho nhỏ ngày xưa. Trước ngõ là cỗng vào rêu phong cổ kính. Đây là dinh thự xưa của cụ Nghè Đường (cha của thầy đã từng làm quan trong kinh thành Huế). Thầy ở với người mệ già, lúc nào chúng tôi lên chơi cũng thấy bà nằm trên chiếc võng đu đưa đọc sách. Ôi người mẹ tuổi già nghiêng bóng xế. Nơi này đã từng đón tiếp những con người tài hoa của một thời: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Khánh Ly…Lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy cây hải đường bằng xương bằng thịt
         “Hải đường lả ngọn đông lân
         Giọt xuân gieo nặng, cành xuân la đà”
      Đóa hải đường đẹp như người con gái Huế. Bốn góc trời ngoài hiên là 4 “nhàn tịnh cảnh” mà thầy nói sẽ xây lại sau này. Không biết thầy đã thực hiện dự định này chưa? Hỡi “chàng tư mã áo xanh”… Ôi căn nhà, khu vườn của thầy có quá nhiều kỉ niệm đối với chúng tôi. Biết ơn Trời, chúng tôi đã học thầy quá nhiều điều tốt đẹp về đối nhân xử thế, về nhân cách làm người… Bên cạnh một người thầy tận tụy, hết lòng thương yêu, gần gũi, chia sẻ những buồn vui cùng học trò, thầy còn là một  nghệ sĩ tài hoa.  Hát rất hay với chất giọng Huế không lẫn vào đâu được. Hai bài hát mà chúng tôi còn nhớ khi thầy đàn và hát cho lớp nghe là “Lí chiều chiều” và “Dân ca 3 miền”… vẫn còn đâu đây trong tâm trí mỗi người học trò thân yêu của thầy. Ước gì ngày gặp lại, thầy sẽ hát cho chúng em nghe lần nữa thì thú vị biết bao! (Lê Huyên, còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét