26 tháng 12, 2012

Lời cô



“Thánh thót như tiếng đàn
Dịu dàng như tiếng mẹ
Chứa bao điều mới lạ
Dạy em khôn lớn từng ngày…”

     Nghe lời bài hát ai cũng nghĩ hẳn bài hát này chỉ dành tặng riêng cho những cô giáo thời mẫu giáo hay cấp 1 thôi. Nhưng với tôi, tôi dành những lời này để tặng cho cô Tuyết Anh – cô giáo dạy Văn cấp 3 của tôi. Với cô, tôi không chỉ nhận được nơi cô cái chữ mà còn là cái tình ấm áp. Một đứa học trò có lẽ không còn những cái bỡ ngỡ như thuở mới cắp sách đến trường nhưng lại đủ những chới với giữa những lựa chọn của cách cửa tiếp theo trong từng bước ngoặt cuộc đời – cánh cửa trường đại học. 
     Tôi nhớ ngày ấy tôi chỉ là một cô bé cấp 3 vẫn còn mang trên mình tà áo dài trắng tinh tuổi học trò với nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch trên môi. Nhưng chỉ có cô mới nhìn thấy sâu thẳm trong đôi mắt tôi là nỗii buồn không bao giờ nói ra. Cứ mỗi buổi trưa tan học, tôi thích ngồi một góc ghế đá gần bãi giữ xe mà nhìn. Tôi nhìn các bạn, lớp lớp vui vẻ ra về. “ Ai mà chả muốn trở về nhà sau một ngày học tập mệt mỏi, nơi có căn phòng với chiếc giường êm ấm cùng với chiếc máy tính tha hồ thư giãn, còn có sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ lẫn với tiếng cười vui của gia đình” – Tôi cứ nhìn mà nghĩ vậy, rồi cúi mặt thở dài. “Còn tôi sao lại không về?” – “Đơn giản thôi. Nhà tôi không có điều tôi đang chờ đợi khi trở về. Dù tôi có muốn chờ đợi nhưng cũng sẽ không thấy”. Tôi cứ ngồi thế nhưng rồi tôi cũng phải về thôi. Vì chiều tôi còn buổi kiểm tra chuyên cho đợt thi chọn đội tuyển quốc gia sắp tới. 
     Nhưng dường như mọi chuyện tưởng chừng quá sức chịu đựng đối với tôi, nhất là đối với cái lứa tuổi dở dở ương ương cứ nghĩ mình hiểu hết mọi chuyện nhưng thực sự thì chả hiểu tới nơi tới chốn. Tôi cảm thấy mình như bị ngược đãi bởi chính gia đình mình. Nào là áp lực học hành đã căng thẳng, đến khi về nhà thì cũng toàn nghe tiếng la mắng, chữi bới. Sự phẫn uất xen lẫn sự tuyệt vọng, và rồi nước mắt cứ trào ra, trong suy nghĩ thì dường như muốn thứ gọi là “vứt bỏ tất cả, muốn xa lánh mọi thứ, muốn mình không còn thuộc về cái thế giới bon chen” này nữa.  “ Cố gắng mọi thứ để rồi cuối cùng được gì ?”. Khi ấy mọi thứ xung quanh tôi dường như toàn là điều giả dối. 
     Tôi đã từng một lần tuyệt vọng với cái niềm đam mê môn Văn của tôi khiến tôi nghĩ “Văn suy cho cùng cũng là giả dối” khi chứng kiến những điều ngang trái, phi lí từ chính một giáo viên dạy Văn khác tôi từng học. Nhưng rồi chính cô, cô đã làm thay đổi cả con người tôi. Cô như một làn gió mát đem theo nét con gái dịu dàng xứ Huế với chút sương mới của xứ sở Đà Lạt mộng mơ. Cô đến với lớp tôi, đến với tôi như xua tan đi làn khói xám giữa phố Sài Gòn nhộn nhịp, oi bức. Cô đến cũng đã xua đi sự ganh ghét, đố kỵ, tranh đua vì thứ hạng, vì giải thưởng của những đứa học trong lớp chuyên căng thẳng với những kì thi lấy thành tích cho trường. Với cô: “Không thành tài thì cũng thành nhân” , “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần. Nhưng với bản thân, bạn không được phép trở nên mềm yếu vì đấy chính là sự thất bại thảm hại nhất” (Marai Sandor). 
     Mỗi đề văn của cô đều là một bài học làm người cho tôi. Tôi nhớ những ngày thi đội tuyển cần kề đó là lúc tôi phải chịu áp lực nhiều nhất. Có lúc làm bài Kiểm tra nhưng nghĩ đến sự ấm ức, tuyệt vọng trong lòng tôi lại buông cây bút xuống mà khóc. “Tôi chấp nhận thua cuộc. Tôi cảm thấy mình không đủ sức chạy đua tiếp nữa rồi. Tại sao tôi phải chịu đựng những điều như thế này mãi”. Lúc ấy cô thấy tôi cứ vừa viết mà vừa khóc, cô im lặng không nói gì. Sau đó, cô lại gặp tôi và hỏi chuyện. Nhưng đáp lại cô tôi vẫn cố gắng cười thật vui và nói với cô “Con không sao cả”. Cô cũng không nói gì. Hôm Sinh hoạt chủ nhiệm, như thường lệ lớp tôi hay viết một câu danh ngôn lên để cô và các bạn cùng chia sẻ với nhau. Hôm đó, cô đã tặng lớp tôi một câu nói “Nếu không thể thay đổi được những điều được gọi là không thể thay đổi thì hãy xin Thượng Đế cho ta đủ sức để chịu đựng những điều đó”. Cô nhìn cả lớp, nhìn tôi rồi mỉm cười. Cô ơi ! Cô có biết không ? Chính nhờ những bài học vừa tế nhị vừa thấu tình đạt lý, chính nhờ tình yêu của cô, chính nhờ những buổi trưa cô phải hi sinh giờ nghỉ ngơi của mình mà lên ôn thi cho lớp, nhờ những tin nhắn hỏi han động viên của cô mà con và các bạn đã cùng cố gắng. Chính con không cho phép mình đỗ lỗi cho hoàn cảnh mà bỏ cuộc nữa. Cô nói đúng “Con người đôi khi sống không phải chỉ vì bản thân mình”. Khi ấy con biết mình không chỉ còn là vì con nhưng còn là vì cô, vì mẹ con. 
     Từng tháng ngày lớp tôi trải qua những giờ học không chỉ là học chữ mà còn là học làm người bên cô, rồi cũng đến ngày thi Đại học cận kề. Biết bao nhiêu sự chọn lựa, sự lo lắng và phân vân, cô đều nhìn thấy rõ trên gương mặt của từng đứa học trò thân yêu. Đứa thì chọn con đường du học, đứa thì chọn lấy một trường danh tiếng, đứa thì chọn theo sở thích của mình. Nhưng cô vẫn câu nói đó “Không thành tài thì thành nhân”, quan trọng là ta biết nỗ lực hết mình. Tôi vẫn còn nhớ những lời dạy trong bài “Hồn Trương Ba da hàng thịt của cô”: “Trên đời này chắc không có bi kịch nào đau đớn hơn bi kịch sống không được là chính mình”. 
     Phải ! Tôi biết mình đã đến lúc phải tự quyết định cho bản thân mình. Và cuối cùng trong lớp chỉ có mình tôi thi ĐH Kinh tế- Luật. Nghe có vẻ cô đơn nhưng tôi biết đó là lựa chọn của chính bản thân tôi. Đã đến lúc tôi phải tạm biệt tà áo dài thuở học trò, tạm biệt mái trường cấp 3 vẫn còn sự bảo bọc của thầy cô mà bay trên bầu trời xanh đầy mê hoặc nhưng cũng đầy cám dỗ. Nhưng tôi biết mình đang trên bầu trời xanh ấy mà vẫn nghe thoáng đâu đây Lời cô năm xưa, để tôi đủ tin yêu và khôn ngoan, đủ mạnh mẽ và vững chãi bay bằng chính đôi cánh của mình.
     Cám ơn cô – người con gái của xứ Huế dịu dàng mang theo chút sương sớm của Đà Lạt mộng mơ để tôi mang vào đời một chút chất thơ, một góc bình yên giữa chốn thành thị phồn hoa để tìm về mà nhớ, mà thêm yêu cuộc sống, thêm yêu con người hơn. Tôi ơi có nhớ bài học đầu tiên? Nghe để mà nhớ, nghe để mà thêm yêu những người đã âm thầm lặng lẽ làm “người lái đò” mang theo tri thức, mang theo tình thương ấm áp mà gửi trao những thế hệ. Dù thời gian có vội vã qua đi nhưng những tâm hồn cao thượng ấy vẫn còn “xanh” mãi với thời gian, tưới mát những tâm hồn tưởng chừng như khô héo giữa bộn bề lo toan mỗi khi tìm về.

 “Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
Như tiếng sỏi
Vào lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
Còn xanh
Riêng những bài hát
Còn xanh
Và đôi mắt em
Như hai giếng nước”
( Thời gian – Văn Cao


7 nhận xét:

  1. Mình vừa đi tiếp khách về. Đã có hơi men. Hồi nãy thấy chữ nhỏ thì sử lại cho to, bây giờ mới đọc. Đọc được vài đoạn thì đoán ra người viết là con gái của 1 bạn trai SKS. Rất phục, rất thương, rất kính nể. Nhưng cuộc đời là vậy. Trời không cho ai tất cả. Có thể bạn được cái này nhưng phải mất cái khác. Mình cũng đã trải qua những giờ phút khắc nghiệt ấy. Chỉ cầu mong cho cháu đủ sức để vượt qua trở ngại và ngẩng cao đầu đi đến tương lai. Quá khứ là cái đã qua. Hiện tại thì ta phải chấp nhận. Nhưng tương lai là của ta. Ta phải tự quyết định. Người Pháp có câu: muốn là được. Rồi cũng có câu: Không gì là không thể. Mình viết những dòng này là từ 1 đứa con của 1 người làm biển không đủ sống và cố vươn lên. Giờ này chỉ cầu mong được ngồi với người cha cực khổ năm xưa để nói đôi lời về cuộc đời. Nhưng sẽ không bao giờ được vì cha đã mất gần 40 năm rồi. Cha ơi! Con thương cha biết chừng nào ...(TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con thực hiện lời hứa với bác Sửu rồi nha :)

      Xóa
    2. Rất cảm ơn cháu- LTMD. Cháu viết rất hay và xúc động. Hôm nào rãnh, cháu tiếp tục viết nhé. Bác chúc cháu học giỏi, ngoan, xinh đẹp. Có dịp vào SG, bác sẽ đến thăm gia đình cháu ( TQS)

      Xóa
  2. Bài viết hay quá! Ngập tràn xúc cảm trong sâu lắng pha lẫn chút hồn nhiên, ngập ngừng của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Đâu đó trong từng câu chữ toát lên khí chất của sự già dặn, nghị lực vươn lên trong gian khó và niềm tin vào tình người, tình thầy trò và vào tương lai tươi sáng. Sao không thấy tên tác giả nhỉ. đtd

    Trả lờiXóa
  3. Nếu cháu không chọn ĐH Kinh tế - Luật , mà chọn đại học Nhân Văn
    Cháu có thể thành nhà văn trẻ . Nhưng không hẳn như vậy , nhiều nhà
    khoa học tự nhiên dồng thời cũng là nhà thơ , nhà văn , nhạc sĩ.Như
    nhà bác học ALFRD NOBEL không chỉ là nhà khoa học , mà còn là một
    tâm hồn văn học ,thi ca mãnh liệt . Ông có khoảng 100 ấn bản được in
    in , nhưng sau đó đã bị thiêu hủy theo nguyện vọng của người nhà (
    vì tính chất quá bi thảm và đau buồn như chính số phận của ông ), ông
    chơi đàn violon rất hay . Bác chúc con vui , khỏe và gặp nhiều may
    mắn trên đường đời . Bác NB

    Trả lờiXóa
  4. Đến giờ chú mới rảnh vào blog để đọc bài viết của cháu, đọc xong thấy tiếc vì đã không sắp xếp được thời gian để về thăm nhà ba Huyên và thăm gia đình, gặp được cháu, hai ngày trước đây khi còn ở Sài Gòn. Bài viết của cháu thật xúc động. Cháu cảm nhận được cuộc sống và hiểu biết hoàn cảnh của mình như vậy là điều thật đáng mừng, đáng trân trọng. Chú tin trong bước đường sắp tới cháu sẽ gặt hái được thành công như mong ước và đáp ứng được lòng mong đợi của gia đình. Chúc cháu luôn mạnh khỏe, xinh tươi, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Chú L

    Trả lờiXóa