29 tháng 12, 2012

ÔNG CHÍN ĐƯA ĐÒ

              Ốc đảo quê tôi có tên gọi là xóm lưới Cổ Cò, bị cắt ngang đất liền bởi con rạch lớn - từ khi quê tôi trở thành cảng nước sâu Dung Quất có chiếc cầu Đúc dài 120m bắt ngang qua. Thuở nhỏ, mỗi buổi đến trường tôi phải hai lần qua lại con rạch bằng chuyến đò ngang. Nói đò, nhưng thật ra đó là chiếc thúng lớn- phương tiện ngư dân đánh bắt ven bờ. Ông Chín sống một mình trong nhà tranh nhỏ, nằm giữa mô cát bên bờ con rạch, mái lá lô xô theo hướng gió mùa. Ông Chín sống lặng lẻ như những chuyến đò, đều đặn như nước lớn nước ròng. Đôi mắt ông tỉnh lặng, sự tỉnh lặng của biển sau cơn giông chiều, chân ông cà thọt, bọn tôi đứa nói ông Chín là thương binh, đứa nói chân ông bị cá mập đớp, đứa ác miệng nói chân ông bị cưa, do ông lớ ngớ sập hầm chông. Khiếm khuyết của ông Chín luôn là đề tài cho bọn tôi bàn tán.
             Một buổi sáng khi mặt trời đo sào mặt biển, vài con chim bói cá chao liệng trên mặt nước săn mồi, tôi buông câu ở đầu bãi đá, ngồi bất động như cư sĩ ngồi thiền, gỡ con cá đầu tiên cắn câu bỏ giỏ, cầm cần trúc tôi đứng thẳng người, nghiêng mình lấy đà vụt mồi ra xa, theo quán tính đầu tôi quay sau, bất chợt thấy bóng người thấp thoáng. Hình như ông Chín đang tắm ở bãi cát nhỏ - đoạn gạch nối giữa đầu và cuối bãi đá chạy dọc núi Nam Châm, che chắn sóng gió xóm tôi - ít ai tắm biển giờ này vì nước biển sau một đêm không được sưởi ánh nắng mặt trời, lạnh lắm. Tôi cắm câu chặt vào kẻ đá, lần theo dọc ghềnh đi tới mà ông Chín không hề hay biết.Ông Chín nghịch nước, lấy đôi bàn tay khuấy nước văng tung tóe, rồi ngụp lặn, bơi, như đứa trẻ  mới tập tành, nét mặt ông tươi tắn lạ thường, nước biển mơn man làm tan những nếp nhăn trong phút chốc, tôi nhìn được thần sắc trẻ trung của ông so với mọi ngày. Tắm biển xong, ông lên bờ, cò chân đuổi bắt những con còng gió chạy lối chữ chi, ông muốn thử khả năng tật nguyền hay nhớ lại thời thơ ấu ? Tôi bị lây lan cái nghịch ngượm của ông, lén lấy chân giả ông đã tháo để trên bờ cát, rồi chôn ở một góc chân đá. Tôi điềm nhiên trở lại chỗ cũ ngồi câu, mãi mê khi tôi quay trở lại thì ông Chín đã về, chân giả bị ngập trong nước triều lên, đêm ấy tôi thao thức, cầu mong trời yên biển lặng, đừng có con sóng nào cuốn chân giả trôi, Tảng sáng tôi chạy ra bãi cát bới tìm, vác nó chạy liền một mạch tới nhà ông, tôi thấy khúc đòn khiêng cá dựng ngoài vách, thì ra hôm qua ông đã cò một chân vào xòm lưới mượn nó làm chiếc nạng chống về nhà. Tôi nói lời xin lỗi, nét mặt lạnh lùng cố hữu của ông không tỏ ra nóng giận hoặc tha thứ. Nếu không may chân giả bị nước cuốn trôi, chẳng biết tôi có đủ can đảm đứng trước ông tự thú.. Chưa hết tuổi thơ dại dột không chỉ một lần, một buổi đến lớp bọn tôi lén lấy chiếc dầm ( dầm bơi thúng, chèo bơi thuyền) nhảy vào thúng bơi ra giữa rạch, chơi trò xoay con dụ, chiếc thúng quay vòng tròn, làm bốn đứa mất thăng bằng  đổ nhào về một phía, chiếc thúng lật úp, chìm nghỉm, bọn tôi bơi  vào bờ, chưa kịp định thần, đã thấy ông Chín khập khiểng lao xuống mé kênh, ông nhanh nhẹn cởi chân giả, rồi toàn thân ngập dần trong nước. Ông bơi nghiêng, một tay cầm đoạn dây thừng, một tay sải nhanh, đôi chân không cân đối, ông đảo qua đảo lại như con cua biển ngoi lên mặt nước. Tôi thất thanh gào lớn: " Ông Chín ơi ! Dừng lại " và cả bọn cởi quần áo, nhanh như rái cá lao theo ông thành một vành đai bảo vệ, ông hướng dẫn cho bọn tôi xác định nơi thúng chìm. Sau khi " định vị " , một đầu sợi dây buộc vào thúng,rồi tất cả bơi vào bờ. Cuộc trục vớt kéo dài khoảng một giờ. Hú hồn, nếu thúng chìm đúng vào dòng nước chảy, chẳng biết sự thể ra sao? Đêm ấy ông Chín lên cơn sốt. Hôm sau đi học không thấy ông Chín ở bến đò, bọn tôi vào nhà thấy ông đắp mảnh vải dù sờn cũ, co ro. Tôi bảo chúng bạn mượn dầm tự bơi qua rạch đến lớp, còn mình ở lại với ông .Tôi sờ trán ông nóng hầm hập, đỗ mồ hôi nhớt, chân tay lạnh ngắt, ông bị cảm lạnh, lần bơi hôm qua làm ông đuối sức. Tôi lục tìm gạo để nấu cháo, ông chỉ tay ra hiệu cho tôi mở nắp chiếc rương, có chai dầu Nhị thiên đường, ông dành phòng khi nắng gió. Tôi vừa xức dầu, vừa xoa bóp chân tay ông ấm dần lên. Ông thiêm thiếp ngủ, tôi để lại chai dầu vào rương, chợt thấy một cuốn vở đóng bìa cứng bằng cạc tông vàng ố, tôi tò mò lật từng trang giấy viết chữ i, tờ. Bỗng bàn tay tôi run lên khi chạm vào trang loang vết máu khô. Đôi tay tôi cứng ngắc không giở được thêm trang nào. Quyển vở ấy ám ảnh tôi mãi, thôi thúc tôi tìm tông tích ông.
              Khi vào nghề báo, tôi có điều kiện đi đây đó và đến quê ông vùng biển Kỳ Hà , huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tôi được biết, sau Cách mạng tháng Tám thành công, quê ông là một trong những thí điểm của phong trào bình dân học vụ mà Chính phủ Việt minh phát động " diệt giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm " vào năm 1946. Có nơi dùng những biện pháp " diệt giặc dốt " rất mạnh mẽ, khá " tả". Dùng dây ngăn đường, ngăn chợ, ngăn sông, đón người đố chữ. Trước mỗi cửa nhà có những khuyên tròn đen, đỏ để phân biệt người biết chữ ( khuyên đỏ ), người không biết chữ ( khuyên đen ). Tối, tối xóm làng đỏ đèn dầu mù u, cất tiếng ê a " o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu ". Ông Chín là thầy dạy bình dân học vụ, trong một đêm đứng lớp, một quả pháo của tàu chiến  Pháp ngoài biển nã vào, trúng ngay lớp học, nhiều người chết và bị thương, trong đó có cô du kích trẻ xinh đẹp, vợ sắp cưới của ông Chín. Sau đó ông không nghĩ tới chuyện vợ con nữa. Thời đánh Mỹ, ông làm cán bộ giáo dục ở Liên khu 5. Sau giải phóng năm 1975, ông Chín nghỉ hưu, độc thân, trống vắng, nhớ trò, nhớ lớp. Ông Chín đến quê tôi làm người đưa đò cho trẻ. Ngày ông Chín mất tôi xa quê, không đưa ông cuối đoạn đường trần. Giờ đây, mỗi khi về thăm Dung Quất, qua cầu Đúc, tôi tìm dấu bến đò, lòng chạnh nhớ ông.
                 
   NB 

     
                                                                                                                                       

6 nhận xét:

  1. Ngày cuối năm đọc được bài nhiều cả thông tin và cả tình cảm. Người viết viết có nghề. Chúc bạn may mắn năm mới.

    Trả lờiXóa
  2. Cuối năm được đọc bài viết của NB quá hay. Đầu năm chúc NB cùng gia đình dồi dào sức khỏe và rộn ràng tiếng cười trong niềm vui hạnh phúc. Mong được đọc thêm nhiều bài viết rất chất lượng của bạn trên blog SKS.

    Trả lờiXóa
  3. Mấy hôm nay lu bu quá. Có Trịnh Dũng từ ĐL về nên chơi với bạn cũng vui. Giờ mình mới đọc bài của NB. Rất hay và cảm động. Tr D nói với mình rằng, sau khi đọc bài của NB : Sĩ tử đất thần kinh làm Tr D nhớ lại một chuyện tình hay hơn chuyện của B. Tr D hứa sẽ viết và nhờ blog SKS đăng để tham gia cùng bạn bè lớp chúng ta. Rất hoan nghênh. Năm mới , mình chúc NB và gia đình vui, hạnh phúc, hai cháu học giỏi. Riêng cháu học lớp 12, năm nay thi đậu vào trường đại học. Vậy B nhé. (TQS)

    Trả lờiXóa
  4. NB thật có khiếu văn chương, là bậc tài hoa không chỉ của lớp, mong NB viết thật nhiều... [h]

    Trả lờiXóa
  5. Ấn tượng thật sâu, khó thể quên phải không Biên? Không hiểu vì sao thân phận của những người đưa đò thường đầy ắp những trắc ẩn và họ vừa đáng thương, vừa đáng nể? Xin đồng cảm với cậu (và các bạn) về câu chuyện xúc động này) (TA)

    Trả lờiXóa
  6. Hay lắm Biên ơi! Cậu viết đầy cảm xúc, cứ như một người viết chuyên nghiệp vậy!

    Trả lờiXóa