16 tháng 12, 2012

SĨ TỬ ĐẤT THẦN KINH


      Ba giờ sáng mẹ lay tôi dậy. Tôi đưa tay dụi mắt, miệng ậm ờ mê ngủ. Nhưng trong tiềm thức đây là ngày trọng đại, tôi liền bật dậy như chiếc lò xo được nén cả đêm qua. Tôi nghe tiếng sóng vỗ hòa với tiếng gõ nhịp vành thúng ven bờ, giờ này ngư phủ bắt đầu bủa lưới, giăng câu. Tối qua trước khi đi ngủ, mẹ đã xếp quần áo, sách vở, giấy bút cho tôi gọn vào chiếc túi nhỏ. Lẫn trong đó là cái gigo đựng thức ăn khô, chiếc đồng hồ đeo tay cũng được nhét vào. Tiền tàu, tiền ăn mẹ bỏ vào cái bọc nhỏ xíu, khâu vào túi quần cho chắc. Trước khi cha ra biển, cha đã cẩn thận xếp giấy tiền vàng mã, cắm hoa vào lọ, xếp đĩa trái cây, nhang, đèn đặt sẵn trước nhà cho mẹ tôi khấn vái, cầu nguyện cho tôi được thượng lộ bình an, được may mắn trên con đường ứng thí. Mẹ dắt tay tôi đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy van vái từ đường thất tổ, ông bà độ trì gia hộ cho tôi được đỗ vào đại học.
         Từ xóm nhỏ cổ cò, Dung Quất, nay là cảng nước sâu Dung Quất. Nơi đây vào năm Tân Mão (1471), để chinh phục Chiêm Thành, Hoàng đế Lê Thánh Tông đưa đại binh theo đường biển đổ bộ vào cửa Sa Cần trong vịnh Dung Quất (theo Đại Nam thực lục). Dung Quất quanh năm mặt nước yên lặng lại được núi Nam Châm chắn gió, từ lâu trở thành nơi neo đậu của  thuyền buôn lớn, thuyền đánh bắt cá xa bờ thuở xa xưa. Tôi đến thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi khoảng 8 giờ sáng, như vậy phải mất 5 tiếng đồng hồ ngồi ghe đò - mà có được ngồi yên đâu, đò qua những đoạn nước cạn tất cả khách đi đò phải xắn quần nhảy xuống nước đẩy cho đò vượt cạn. Từ đây ra Đà Nẵng trên 100km, rồi từ Đà Nẵng ra Huế khoảng 100km nữa. Đến ga Đà Nẵng tôi gặp thầy Ngãi người Huế dạy học ở trường cấp 3 Bình Sơn, thầy dẫn theo ba học trò cũng thi ngoài Huế. Tôi mừng quá nhập nhóm có ba người, tôi nữa là bốn gồm hai nam hai nữ. Tàu chợ thời bao cấp phức tạp, chật chội, ì ạch, tôi bỗng nhớ câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: "Tôi thấy thương cho những con tàu, ngàn đời không đủ sức đi mau. Có chi  vương vấn trong hơi khói, mà mấy toa đầy nặng khổ đau". Sau một đêm và đến hết buổi trưa tàu hỏa mới đến ga Huế. Nhoài người chen lấn mới ra được cổng ga, chiếc túi nhỏ bị rạch bao giờ không hay, gigo thức ăn và chiếc đồng hồ đeo tay biến mất. Về tới nhà thầy Ngãi tôi lăn đùng ra ngủ một giấc thật ngon quên cả trời trăng mây gió, quên luôn hai nàng sĩ tử xinh đẹp. 5 giờ chiều tôi nghe giọng nói ngọt dịu, du dương ''Anh ơi! Dậy ăn cơm". Đó là Loan. Bây giờ tôi mới nhìn kỷ nàng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, môi son, mắt ngài, mày phượng. Tôi  bối rối, rồi ngẫn ngơ ...
        Cơm nước xong, thầy Ngãi thu xếp cho bọn tôi chỗ ôn bài. Chái bên kia là Ân và Nguyệt, vì hai bạn học chung lớp, lại thi vào đại học cùng một trường cho dễ truy bài, tiện trao đổi. Còn lại chái bên này là tôi và Loan. Nhà thầy là nhà rường một gian hai chái, bàn thờ gia tiên đặt giữa gian, chạm khắc hoa văn nạm xà cừ, cột kèo bằng gỗ quí. Mỗi đòn là bức họa nỗi, hoa văn, là những tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc- trước. Mái nhà rường được lợp bằng ngói âm dương, hai lớp chồng lên nhau có khả năng giảm nhiệt, nên giữa mùa hè nóng bức mang hơi hướng gió Lào mà tôi có cảm giác mát mẻ làm sao. Tôi ngồi đối diện với Loan ôn bài tuy không nói một lời, nhưng trái tim tôi rạo rực ngàn lời chưa dám nói ...
       Rồi ngày thi cũng đến. Ở mảnh đất cố đô này, từ thời vua Gia Long đã đề cao thi cử, chọn người có đức có tài ra làm quan. Cứ ba năm một lần, triều đình mở khoa thi Hương ở các địa phương, năm sau mở khoa thi Hội tại kinh đô, tiếp theo là thi Đình ở trong Điện nhà vua để chọn  tiến sĩ. Nhà vua cho lập Văn Miếu ở các doanh, năm 1803 lập Quốc Tử giám ở Kinh thành, đề cao Nho học. Tôi ngồi trên xe đạp ôm đến địa điểm thi, nên phải trừ hao thời gian bất trắc, đi trước 2 tiếng đồng hồ. Tôi làm bài suôn sẻ, nhưng chẳng đoán định được điểm bao nhiêu. Trong phòng thi, môn địa cuối cùng tôi đã thiếp đi lúc nào không biết, vì một năm thức khuya dậy sớm, thiếu ngủ và mệt mỏi. Khi tiếng trống thu bài tôi chợt tỉnh, làm câu cuối rồi nạp bài cho thầy giám thị.
        Thi xong, bọn tôi tổ chức đi chơi. Nơi đến đầu tiên là lăng vua Tự Đức, nằm trên đồi thông thơ mộng. Tôi và Loan sóng đôi quanh lăng tẩm mà tưởng chừng lạc chốn bồng lai. Tôi chợt nhớ câu ai oán của nhân dân: "Vạn niên là vạn niên nào, thành xây xương lính hào đào máu dân". 7 lăng vua nhà Nguyễn được xây dựng trong số 13 vị vua, trị vì ngót một thế kỷ rưỡi (1802-1945), với quan niệm sống gởi thác về của nhà Nho, và triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật. Chúng tôi dạo chơi Đại Nội, cung điện nguy nga, lầu son gác tía, với nghệ thuật cung đình độc đáo mà chủ nhân sáng tạo là nhân dân khắp bốn phương trời hội tụ. Đi chợ Đông Ba, qua cầu Tràng Tiền những danh lam nổi tiếng. Tôi cùng em thưởng thức món ngon Huế bánh bột lọc, cơm hến, chè cung đình. Ăn rồi nhớ mãi không quên.
      Tình cảm học trò trong trắng, ngây thơ, ngày chia tay cũng đến. Tại bến xe Đà Nẵng chia tay nhau, tôi về Bình Sơn, Quảng Ngãi, em về phố cổ Hội An. Tôi viết bài thơ tặng em giấu trong túi áo, trao em và dặn em, mở đọc khi đã về nhà, và xin ghi lại:

                                                     GẶP GỠ
                                          Gặp nhau lòng bỡ ngỡ
                                          Ai có hẹn bao giờ
                                          Cho người xa thương nhớ
                                          Chưa một lần ước mộng
                                          Mà gặp gỡ người ơi!
                                          Mai giã từ xứ Huế 
                                          Nỗi niềm xa chơi vơi
                                          Huế có nhớ thương ai?
                                          Có mong ngày trở lại
                                          Ta nhớ người em gái
                                           Mộng ước của ngày mai
                                           Hương Giang sầu đưa tiễn
                                          Trường Tiền bóng người đi
                                           Mai xa rồi xứ Huế 
                                           Thơ thay lời chia ly!    
          Từ đó đến giờ tôi chẳng gặp em đâu, nhưng cứ mỗi mùa thi đại học, tôi lạị khe khẽ ngâm nga bài thơ học trò ngày ấy!                   
NB

10 nhận xét:

  1. Bạn đăng bài từ hôm qua mà mãi sáng nay mình mới đọc. Chuyện của 30 năm trước dần tái hiện qua hồi ức thật dễ thương mà sâu lắng. Cảm giác như được sống lại tuổi mười tám đôi mươi... Lâu lắm rồi mình mới thấy dễ chịu như vậy.
    Mong NB khỏe và hạnh phúc trong yêu thương của gia đình và bạn bè để viết cho nhà SK6 thêm nhiều bài hay như vậy nữa. T

    Trả lờiXóa
  2. NB ơi! bạn viết hay quá. Ngày xưa như hiện về trước mắt mình. Mình cũng như bạn,cũng ra đi từ mái tranh ngèo ở 1 miền quê ven biển. Cha mình cũng làm nghề biển. Từ quê bạn đến quê mình chỉ 5,7 cây số. Cũng đi đò, cũng đẩy thuyền khi thuyền bị mắc cạn. Cũng lần đầu ra kinh thành Huế để thi đại học. Biết bao nhiêu là chuyện lạ đối với bọn mình- những cô cậu học trò nghèo xứ Quảng lần đầu đến kinh thành phố hội.Vậy là NB gặp may hơn mình. Được gặp thầy Ngãi đưa về nhà cho ở lại để ôn bài và được gặp người đẹp Hội An. Số của NB đi đâu cũng được qúy nhơn phù trợ. Còn mình năm ấy ra H thi cũng được 1 người buôn chuyến Huế- ĐN dẫn về nhà cho ở trọ. Ngồi chung toa tàu, nói chuyện, người ta thấy tội nên đưa về nhà giúp đỡ. Mình còn nhớ, nhà cô ấy ở gần 1 dòng sông. Không nhớ tên sông. Đợt đi thi này, mình gặp 1 chuyện mà bây giờ sau 30 năm mỗi lần nhớ lại là mình sợ nổi da gà.
    Số là đêm hôm trước ngày thi, khoảng 9 h tối, đang ngồi ôn bài thì mình nghe tiếng la hét. Bỏ sách vở chạy ra ngoài, thấy người rất đông. Có 2 cô gái người Đà Nẳng ra Huế thi đại học, cũng ở trọ gần chỗ bọn mình. Họ xuống sông tắm. Vì sợ ánh điện sáng nên họ chọn chỗ tối gần gốc cây để tắm. Do nước sâu nên 1 cô bị ngạt nước, chìm xuống dòng sông. Cô còn lại kêu khóc quá trời. Bà con xung quanh đến rất đông nhưng không ai dám xuống vì họ sợ ( năm nào cũng có người chết, họ tin rằng người xuống đầu tiên thì phải thế mạng).Nghe tiếng la, chỉ mặc 1 quần đùi, mình chạy ra và phóng xuống dòng sông ấy. Lặn lần thứ nhất, không thấy gì.Lặn lần thứ hai, thấy 1 cô gái đầu tóc rủ rượi đang dập dềnh dưới nước . Vội ngoi lên, gọi 1 số người lớn ( sau khi mình nhảy xuống nước thì họ mới dám xuống) giúp mình kéo cô gái ấy lên bờ. Cũng hô hấp nhân tạo, làm đủ cách nhưng không kết quả. Có ai đó gọi xe. Mình ( vẫn mặc quần đùi) leo lên xe cùng cô ấy đến bệnh viện. Khoa cấp cứu lắc đầu. Cô gái ấy đã chết. Khoảng 1 hoặc 2 h sáng, mình mới về lại nhà trọ. Có lẽ cuộc đời mình sau nầy gặp may mắn chính là nhờ cô gái ấy phù hộ chăng?
    Đọc bài viết của NB , trước mắt mình như hiện lên rõ ràng về 1 ngày đầu tiên gặp Huế.Thật là ấn tượng. Mới đó mà đã 32 năm (TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hành động dũng cảm cứu người của lớp trưởng thật đáng trân trọng. Xin gắn một mề đay lên ngực của TQS dẫu muộn còn hơn không. Bao năm rồi có nghe lớp trưởng kể về chuyện xả thân cứu người đâu. Nếu cụ còn nhớ địa điểm ngày ấy ở trọ để thi, hôm nào cụ ra Huế, bọn mình sẽ dẫn đi tìm lại để thắp một nén hương tưởng nhớ về cô gái xấu số ấy. Trước khi ra,(19 hay 20/12 vậy)nhớ báo để bọn này sắp sếp nơi ăn ở nghe. Ở lại Huế và cùng thức khuya đón Lễ Giáng sinh ở nhà thờ Phú Cam để nhớ về những năm tháng sinh viên 30 năm trước nhé Hôm nay mình mới đến cơ quan mới, rất vui vì mọi người thân thiện, cởi mở. đtd.

      Xóa
    2. Mình rất cảm ơn các bạn ở H nhưng ngày 20 tháng 12 này không đi H được rồi. Đúng là nói trước bước không tới. Số là ngày mai ( 19/12) vợ mình có cuộc họp ở H. Thời gian từ 19 đến 22/12.Nhân dịp vợ đi H, mình định kết hợp ra thăm anh em bè bạn ở đó nên rủ vc Tr A và vc TTT cùng đi. Có công việc nên TTT không đi được, còn Tr A thì nhận lời. Mình định trưa thứ năm ( 20/12) sẽ đi tàu hỏa ra, khoảng 6 h chiều sẽ có mặt tại quán VMD-HN và sẽ điện cho vc các bạn ở H đến cùng gặp mặt liên hoan. Nhưng người định không bằng trời định. Hôm kia ( 16/12)tự nhiên vợ mình bị sốt. Mình đã chở đi khám bác sĩ, uống thuốc, rồi chạy xuống chợ mua lá về xông rồi mua củ nén nấu cháo ăn cho mau bớt bịnh để kịp đi H, nhưng vẫn còn mệt, thành ra vợ đã báo cơ quan cử người khác đi thay. Xin cáo lỗi cùng anh em ở H. Đã đt cho vc Tr A biết chừng. Nếu trời thương thì Tết dương lịch đến, mình sẽ sắp xếp đi thăm các bạn và cũng sẽ mời vc Tr A. Sẽ thông báo lại. Rất mong các bạn thông cảm cho. (TQS)

      Xóa
  3. Đúng chính cô gái ấy phù hộ cho TQS ! Những lúc hoạn nạn , khó khăn mà bạn
    vượt qua là do bàn tay vô hình của cô gái ấy . Bạn đã dũng cảm cứu người mà quên
    nổi sợ hải , và nguy hiểm đến tính mạng mình , bởi xuất phát từ tình yêu thương
    đồng loại . Cứu người không kể công chuyện 35 năm bây giờ mình mới biết . Mình
    hết sức cảm phục việc làm của bạn TQS ạ ! NB

    Trả lờiXóa
  4. Lớp trưởng k6 thật tuyệt vời .Kẻ đồng môn xin cảm tạ .huyên

    Trả lờiXóa
  5. NB viết rất dung dị, hay. Phải thừa nhận là các cụ đất Quảng Ngãi có năng khiếu viết hồi ký. Cụ Cửu Soang tuy chưa công bố nhưng qua các trích đoạn còm mình thấy rất ấn tượng, đề nghị cụ sắp xếp để công bố nhật-hồi ký bốn năm đại học cho anh em thưởng thức nhé.đtd

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một lát cắt đầy nhung nhớ trên dòng đời với biết bao kỷ niệm vui buồn. Mình cũng vậy, không thể quên những ngày vất vả ra đất thần kinh làm sĩ tử. Thi xong về nhà rồi mà Huế vẫn theo mãi trong tâm tưởng. Cám ơn NB nhé!

      Xóa
  6. Tiếc quá B ơi! Nếu ông Tơ bà Nguyệt xe duyên thì cậu đã là chàng rể quê mình rồi! Hèn chi, mình chợt nhớ một cô bạn cùng trường cấp 3 TQC tên Loan có 1 đứa con trai trạc chừng 30 tuổi và có vẻ giống cậu. Hãy xác nhận đi, cậu có "vô tình" để lại tác phẩm ấy không? (TA)

    Trả lờiXóa
  7. Không có đâu TA ơi ! Mình đã viết " tình cảm học trò trong trắng , ngây
    thơ " mà! Nghe đâu Loan làm ở Ngân Hàng Nhà Nước , hay Ngân Hàng Phát Triển
    Nông Thôn ở Hội An biết đúng không ? Có phải L học chung trường với TA ?
    Cảm ơn TA nhé ! NB

    Trả lờiXóa