31 tháng 12, 2012

Đầu năm gặp gái ba miền cho hên...


Cô Gái Nam

Ý chèng ơi
Hổng được đâu
Cái mặt ngầu
Tui ớn lạnh
Ngồi bên cạnh
Rục rịch hoài
Lỡ gặp ai
Kỳ quá hà
Thôi dzô trỏng
Đồ quỷ sứ
Để từ từ
Nè cha nội!


Cô Gái Trung

Dị kể chi
Răng làm rứa
Người chi mô
Nhột thấy mồ
Anh bên nớ
Tui bên ni
Răng cớ gì
Ưa lấn đất
Mạ ra chừ
Mang tiếng hư
Nói nhỏ nì
Túi nay hỉ.


Cô Gái Bắc

Em chả đâu
Ngượng lắm đấy
Ai lại thế
Cứ như ranh
Tí tẹo thôi
Nhớ đấy nhé
Mặt dầy tợn
Chỉ nghịch ngợm
Không ai bằng
Cứ hung hăng
Như quân cướp
Thôi cũng được
Phải giao trước
Cấm chạy làng
Hễ lang bang
Em xẻo tuốt!
[...]

CHÀO NĂM MỚI 2013


 Ngày đầu tuần cuối năm 2012 trời Huế mưa và lạnh. Vào blog của lớp thấy thưa vắng thông tin bài vở, có lẽ giờ này mọi người đang quây quần bên gia đình, người thân tận hưởng những ngày nghỉ tết Dương lịch quí giá.
Ngày mai đã đã bước vào năm mới 2013, xin cầu chúc các bạn và  thân quyến đón một năm mới tràn đầy sức khỏe, có nhiều niềm vui mới, cơ hội mới và thành công mới.
Chúc cho blog SKS sống khỏe, sung túc, thường xuyên được mọi người quan tâm ghé thăm và chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa. NHL

29 tháng 12, 2012

ÔNG CHÍN ĐƯA ĐÒ

              Ốc đảo quê tôi có tên gọi là xóm lưới Cổ Cò, bị cắt ngang đất liền bởi con rạch lớn - từ khi quê tôi trở thành cảng nước sâu Dung Quất có chiếc cầu Đúc dài 120m bắt ngang qua. Thuở nhỏ, mỗi buổi đến trường tôi phải hai lần qua lại con rạch bằng chuyến đò ngang. Nói đò, nhưng thật ra đó là chiếc thúng lớn- phương tiện ngư dân đánh bắt ven bờ. Ông Chín sống một mình trong nhà tranh nhỏ, nằm giữa mô cát bên bờ con rạch, mái lá lô xô theo hướng gió mùa. Ông Chín sống lặng lẻ như những chuyến đò, đều đặn như nước lớn nước ròng. Đôi mắt ông tỉnh lặng, sự tỉnh lặng của biển sau cơn giông chiều, chân ông cà thọt, bọn tôi đứa nói ông Chín là thương binh, đứa nói chân ông bị cá mập đớp, đứa ác miệng nói chân ông bị cưa, do ông lớ ngớ sập hầm chông. Khiếm khuyết của ông Chín luôn là đề tài cho bọn tôi bàn tán.
             Một buổi sáng khi mặt trời đo sào mặt biển, vài con chim bói cá chao liệng trên mặt nước săn mồi, tôi buông câu ở đầu bãi đá, ngồi bất động như cư sĩ ngồi thiền, gỡ con cá đầu tiên cắn câu bỏ giỏ, cầm cần trúc tôi đứng thẳng người, nghiêng mình lấy đà vụt mồi ra xa, theo quán tính đầu tôi quay sau, bất chợt thấy bóng người thấp thoáng. Hình như ông Chín đang tắm ở bãi cát nhỏ - đoạn gạch nối giữa đầu và cuối bãi đá chạy dọc núi Nam Châm, che chắn sóng gió xóm tôi - ít ai tắm biển giờ này vì nước biển sau một đêm không được sưởi ánh nắng mặt trời, lạnh lắm. Tôi cắm câu chặt vào kẻ đá, lần theo dọc ghềnh đi tới mà ông Chín không hề hay biết.Ông Chín nghịch nước, lấy đôi bàn tay khuấy nước văng tung tóe, rồi ngụp lặn, bơi, như đứa trẻ  mới tập tành, nét mặt ông tươi tắn lạ thường, nước biển mơn man làm tan những nếp nhăn trong phút chốc, tôi nhìn được thần sắc trẻ trung của ông so với mọi ngày. Tắm biển xong, ông lên bờ, cò chân đuổi bắt những con còng gió chạy lối chữ chi, ông muốn thử khả năng tật nguyền hay nhớ lại thời thơ ấu ? Tôi bị lây lan cái nghịch ngượm của ông, lén lấy chân giả ông đã tháo để trên bờ cát, rồi chôn ở một góc chân đá. Tôi điềm nhiên trở lại chỗ cũ ngồi câu, mãi mê khi tôi quay trở lại thì ông Chín đã về, chân giả bị ngập trong nước triều lên, đêm ấy tôi thao thức, cầu mong trời yên biển lặng, đừng có con sóng nào cuốn chân giả trôi, Tảng sáng tôi chạy ra bãi cát bới tìm, vác nó chạy liền một mạch tới nhà ông, tôi thấy khúc đòn khiêng cá dựng ngoài vách, thì ra hôm qua ông đã cò một chân vào xòm lưới mượn nó làm chiếc nạng chống về nhà. Tôi nói lời xin lỗi, nét mặt lạnh lùng cố hữu của ông không tỏ ra nóng giận hoặc tha thứ. Nếu không may chân giả bị nước cuốn trôi, chẳng biết tôi có đủ can đảm đứng trước ông tự thú.. Chưa hết tuổi thơ dại dột không chỉ một lần, một buổi đến lớp bọn tôi lén lấy chiếc dầm ( dầm bơi thúng, chèo bơi thuyền) nhảy vào thúng bơi ra giữa rạch, chơi trò xoay con dụ, chiếc thúng quay vòng tròn, làm bốn đứa mất thăng bằng  đổ nhào về một phía, chiếc thúng lật úp, chìm nghỉm, bọn tôi bơi  vào bờ, chưa kịp định thần, đã thấy ông Chín khập khiểng lao xuống mé kênh, ông nhanh nhẹn cởi chân giả, rồi toàn thân ngập dần trong nước. Ông bơi nghiêng, một tay cầm đoạn dây thừng, một tay sải nhanh, đôi chân không cân đối, ông đảo qua đảo lại như con cua biển ngoi lên mặt nước. Tôi thất thanh gào lớn: " Ông Chín ơi ! Dừng lại " và cả bọn cởi quần áo, nhanh như rái cá lao theo ông thành một vành đai bảo vệ, ông hướng dẫn cho bọn tôi xác định nơi thúng chìm. Sau khi " định vị " , một đầu sợi dây buộc vào thúng,rồi tất cả bơi vào bờ. Cuộc trục vớt kéo dài khoảng một giờ. Hú hồn, nếu thúng chìm đúng vào dòng nước chảy, chẳng biết sự thể ra sao? Đêm ấy ông Chín lên cơn sốt. Hôm sau đi học không thấy ông Chín ở bến đò, bọn tôi vào nhà thấy ông đắp mảnh vải dù sờn cũ, co ro. Tôi bảo chúng bạn mượn dầm tự bơi qua rạch đến lớp, còn mình ở lại với ông .Tôi sờ trán ông nóng hầm hập, đỗ mồ hôi nhớt, chân tay lạnh ngắt, ông bị cảm lạnh, lần bơi hôm qua làm ông đuối sức. Tôi lục tìm gạo để nấu cháo, ông chỉ tay ra hiệu cho tôi mở nắp chiếc rương, có chai dầu Nhị thiên đường, ông dành phòng khi nắng gió. Tôi vừa xức dầu, vừa xoa bóp chân tay ông ấm dần lên. Ông thiêm thiếp ngủ, tôi để lại chai dầu vào rương, chợt thấy một cuốn vở đóng bìa cứng bằng cạc tông vàng ố, tôi tò mò lật từng trang giấy viết chữ i, tờ. Bỗng bàn tay tôi run lên khi chạm vào trang loang vết máu khô. Đôi tay tôi cứng ngắc không giở được thêm trang nào. Quyển vở ấy ám ảnh tôi mãi, thôi thúc tôi tìm tông tích ông.
              Khi vào nghề báo, tôi có điều kiện đi đây đó và đến quê ông vùng biển Kỳ Hà , huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tôi được biết, sau Cách mạng tháng Tám thành công, quê ông là một trong những thí điểm của phong trào bình dân học vụ mà Chính phủ Việt minh phát động " diệt giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm " vào năm 1946. Có nơi dùng những biện pháp " diệt giặc dốt " rất mạnh mẽ, khá " tả". Dùng dây ngăn đường, ngăn chợ, ngăn sông, đón người đố chữ. Trước mỗi cửa nhà có những khuyên tròn đen, đỏ để phân biệt người biết chữ ( khuyên đỏ ), người không biết chữ ( khuyên đen ). Tối, tối xóm làng đỏ đèn dầu mù u, cất tiếng ê a " o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu ". Ông Chín là thầy dạy bình dân học vụ, trong một đêm đứng lớp, một quả pháo của tàu chiến  Pháp ngoài biển nã vào, trúng ngay lớp học, nhiều người chết và bị thương, trong đó có cô du kích trẻ xinh đẹp, vợ sắp cưới của ông Chín. Sau đó ông không nghĩ tới chuyện vợ con nữa. Thời đánh Mỹ, ông làm cán bộ giáo dục ở Liên khu 5. Sau giải phóng năm 1975, ông Chín nghỉ hưu, độc thân, trống vắng, nhớ trò, nhớ lớp. Ông Chín đến quê tôi làm người đưa đò cho trẻ. Ngày ông Chín mất tôi xa quê, không đưa ông cuối đoạn đường trần. Giờ đây, mỗi khi về thăm Dung Quất, qua cầu Đúc, tôi tìm dấu bến đò, lòng chạnh nhớ ông.
                 
   NB 

     
                                                                                                                                       

26 tháng 12, 2012

Lời cô



“Thánh thót như tiếng đàn
Dịu dàng như tiếng mẹ
Chứa bao điều mới lạ
Dạy em khôn lớn từng ngày…”

     Nghe lời bài hát ai cũng nghĩ hẳn bài hát này chỉ dành tặng riêng cho những cô giáo thời mẫu giáo hay cấp 1 thôi. Nhưng với tôi, tôi dành những lời này để tặng cho cô Tuyết Anh – cô giáo dạy Văn cấp 3 của tôi. Với cô, tôi không chỉ nhận được nơi cô cái chữ mà còn là cái tình ấm áp. Một đứa học trò có lẽ không còn những cái bỡ ngỡ như thuở mới cắp sách đến trường nhưng lại đủ những chới với giữa những lựa chọn của cách cửa tiếp theo trong từng bước ngoặt cuộc đời – cánh cửa trường đại học. 
     Tôi nhớ ngày ấy tôi chỉ là một cô bé cấp 3 vẫn còn mang trên mình tà áo dài trắng tinh tuổi học trò với nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch trên môi. Nhưng chỉ có cô mới nhìn thấy sâu thẳm trong đôi mắt tôi là nỗii buồn không bao giờ nói ra. Cứ mỗi buổi trưa tan học, tôi thích ngồi một góc ghế đá gần bãi giữ xe mà nhìn. Tôi nhìn các bạn, lớp lớp vui vẻ ra về. “ Ai mà chả muốn trở về nhà sau một ngày học tập mệt mỏi, nơi có căn phòng với chiếc giường êm ấm cùng với chiếc máy tính tha hồ thư giãn, còn có sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ lẫn với tiếng cười vui của gia đình” – Tôi cứ nhìn mà nghĩ vậy, rồi cúi mặt thở dài. “Còn tôi sao lại không về?” – “Đơn giản thôi. Nhà tôi không có điều tôi đang chờ đợi khi trở về. Dù tôi có muốn chờ đợi nhưng cũng sẽ không thấy”. Tôi cứ ngồi thế nhưng rồi tôi cũng phải về thôi. Vì chiều tôi còn buổi kiểm tra chuyên cho đợt thi chọn đội tuyển quốc gia sắp tới. 
     Nhưng dường như mọi chuyện tưởng chừng quá sức chịu đựng đối với tôi, nhất là đối với cái lứa tuổi dở dở ương ương cứ nghĩ mình hiểu hết mọi chuyện nhưng thực sự thì chả hiểu tới nơi tới chốn. Tôi cảm thấy mình như bị ngược đãi bởi chính gia đình mình. Nào là áp lực học hành đã căng thẳng, đến khi về nhà thì cũng toàn nghe tiếng la mắng, chữi bới. Sự phẫn uất xen lẫn sự tuyệt vọng, và rồi nước mắt cứ trào ra, trong suy nghĩ thì dường như muốn thứ gọi là “vứt bỏ tất cả, muốn xa lánh mọi thứ, muốn mình không còn thuộc về cái thế giới bon chen” này nữa.  “ Cố gắng mọi thứ để rồi cuối cùng được gì ?”. Khi ấy mọi thứ xung quanh tôi dường như toàn là điều giả dối. 
     Tôi đã từng một lần tuyệt vọng với cái niềm đam mê môn Văn của tôi khiến tôi nghĩ “Văn suy cho cùng cũng là giả dối” khi chứng kiến những điều ngang trái, phi lí từ chính một giáo viên dạy Văn khác tôi từng học. Nhưng rồi chính cô, cô đã làm thay đổi cả con người tôi. Cô như một làn gió mát đem theo nét con gái dịu dàng xứ Huế với chút sương mới của xứ sở Đà Lạt mộng mơ. Cô đến với lớp tôi, đến với tôi như xua tan đi làn khói xám giữa phố Sài Gòn nhộn nhịp, oi bức. Cô đến cũng đã xua đi sự ganh ghét, đố kỵ, tranh đua vì thứ hạng, vì giải thưởng của những đứa học trong lớp chuyên căng thẳng với những kì thi lấy thành tích cho trường. Với cô: “Không thành tài thì cũng thành nhân” , “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần. Nhưng với bản thân, bạn không được phép trở nên mềm yếu vì đấy chính là sự thất bại thảm hại nhất” (Marai Sandor). 
     Mỗi đề văn của cô đều là một bài học làm người cho tôi. Tôi nhớ những ngày thi đội tuyển cần kề đó là lúc tôi phải chịu áp lực nhiều nhất. Có lúc làm bài Kiểm tra nhưng nghĩ đến sự ấm ức, tuyệt vọng trong lòng tôi lại buông cây bút xuống mà khóc. “Tôi chấp nhận thua cuộc. Tôi cảm thấy mình không đủ sức chạy đua tiếp nữa rồi. Tại sao tôi phải chịu đựng những điều như thế này mãi”. Lúc ấy cô thấy tôi cứ vừa viết mà vừa khóc, cô im lặng không nói gì. Sau đó, cô lại gặp tôi và hỏi chuyện. Nhưng đáp lại cô tôi vẫn cố gắng cười thật vui và nói với cô “Con không sao cả”. Cô cũng không nói gì. Hôm Sinh hoạt chủ nhiệm, như thường lệ lớp tôi hay viết một câu danh ngôn lên để cô và các bạn cùng chia sẻ với nhau. Hôm đó, cô đã tặng lớp tôi một câu nói “Nếu không thể thay đổi được những điều được gọi là không thể thay đổi thì hãy xin Thượng Đế cho ta đủ sức để chịu đựng những điều đó”. Cô nhìn cả lớp, nhìn tôi rồi mỉm cười. Cô ơi ! Cô có biết không ? Chính nhờ những bài học vừa tế nhị vừa thấu tình đạt lý, chính nhờ tình yêu của cô, chính nhờ những buổi trưa cô phải hi sinh giờ nghỉ ngơi của mình mà lên ôn thi cho lớp, nhờ những tin nhắn hỏi han động viên của cô mà con và các bạn đã cùng cố gắng. Chính con không cho phép mình đỗ lỗi cho hoàn cảnh mà bỏ cuộc nữa. Cô nói đúng “Con người đôi khi sống không phải chỉ vì bản thân mình”. Khi ấy con biết mình không chỉ còn là vì con nhưng còn là vì cô, vì mẹ con. 
     Từng tháng ngày lớp tôi trải qua những giờ học không chỉ là học chữ mà còn là học làm người bên cô, rồi cũng đến ngày thi Đại học cận kề. Biết bao nhiêu sự chọn lựa, sự lo lắng và phân vân, cô đều nhìn thấy rõ trên gương mặt của từng đứa học trò thân yêu. Đứa thì chọn con đường du học, đứa thì chọn lấy một trường danh tiếng, đứa thì chọn theo sở thích của mình. Nhưng cô vẫn câu nói đó “Không thành tài thì thành nhân”, quan trọng là ta biết nỗ lực hết mình. Tôi vẫn còn nhớ những lời dạy trong bài “Hồn Trương Ba da hàng thịt của cô”: “Trên đời này chắc không có bi kịch nào đau đớn hơn bi kịch sống không được là chính mình”. 
     Phải ! Tôi biết mình đã đến lúc phải tự quyết định cho bản thân mình. Và cuối cùng trong lớp chỉ có mình tôi thi ĐH Kinh tế- Luật. Nghe có vẻ cô đơn nhưng tôi biết đó là lựa chọn của chính bản thân tôi. Đã đến lúc tôi phải tạm biệt tà áo dài thuở học trò, tạm biệt mái trường cấp 3 vẫn còn sự bảo bọc của thầy cô mà bay trên bầu trời xanh đầy mê hoặc nhưng cũng đầy cám dỗ. Nhưng tôi biết mình đang trên bầu trời xanh ấy mà vẫn nghe thoáng đâu đây Lời cô năm xưa, để tôi đủ tin yêu và khôn ngoan, đủ mạnh mẽ và vững chãi bay bằng chính đôi cánh của mình.
     Cám ơn cô – người con gái của xứ Huế dịu dàng mang theo chút sương sớm của Đà Lạt mộng mơ để tôi mang vào đời một chút chất thơ, một góc bình yên giữa chốn thành thị phồn hoa để tìm về mà nhớ, mà thêm yêu cuộc sống, thêm yêu con người hơn. Tôi ơi có nhớ bài học đầu tiên? Nghe để mà nhớ, nghe để mà thêm yêu những người đã âm thầm lặng lẽ làm “người lái đò” mang theo tri thức, mang theo tình thương ấm áp mà gửi trao những thế hệ. Dù thời gian có vội vã qua đi nhưng những tâm hồn cao thượng ấy vẫn còn “xanh” mãi với thời gian, tưới mát những tâm hồn tưởng chừng như khô héo giữa bộn bề lo toan mỗi khi tìm về.

 “Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
Như tiếng sỏi
Vào lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
Còn xanh
Riêng những bài hát
Còn xanh
Và đôi mắt em
Như hai giếng nước”
( Thời gian – Văn Cao


Merry Christmas

Đây là hình con gái của LH








SKS Saigon đón chào trọng thể NHL

Đang trên đường từ Angiang về thì mình nhận được điện thoại NHL đang ở SG. Vậy là mình nhắn tin cho NB, LH, TTM: "CT.MTTQVN.H NHL đang kinh lý Nam Kỳ, hiện đang có mặt tại 20 Bùi Thị Xuân, Q.1. Mời các bạn sắp xếp có mặt lúc 5g45 để tiếp đón trọng thể"... Nói là 5g45 chứ mới 5g15 mình và LH đã có mặt. Cũng vì vội gặp bạn mà mình quên mang máy ảnh, phải chụp bằng điện thoại, loay hoay mãi sáng nay mới post được cho cả lớp cùng xem. TTM bận đếm tiền cho vợ ở VT nên chỉ bốn đứa cùng nhậu và điện thoại liên tục cho gần như tất cả các bạn trong lớp. Có những người điện lui tới 2-3 lần nhưng cũng có những người không biết ngoắc cần câu thế nào lại tắt máy điện không được như TQS. Khi đã ngà ngà say cả bọn kéo nhau ra bờ sông SG cafe đến hơn 10 giờ mới về. TTT nói SG năm nay được mùa gặp gỡ bạn bè liên tục. Sướng! KO thì nói biết có cuộc hội ngộ này từ trước thì đã bay vô SG rồi. Tiếc!
Ba vị này 26 năm mới gặp nhau...
[h]

23 tháng 12, 2012

3 chuyện tình: Tình Bạn, Tình Mẹ, Tình Người

Cuối cùng thì tận thế cũng không xẫy ra trong ngày 21-12-2012 như lời tiên tri của người xưa. Xin gửi tới SKS ba câu chuyện tình đọc vui chào đón một tuần mới, tuần cuối cùng của 2012 [h]


Tình Bạn : Tại sao anh khóc?

Một anh nọ đến gõ cửa nhà anh bạn Bedouin để nhờ vả:

“Tôi muốn anh cho tôi mượn bốn ngàn dinar vì tôi phải trả nợ. Anh giúp tôi được không?”
Anh bạn bảo vợ gom hết mọi thứ giá trị họ đang có, nhưng cũng không đủ. Hai vợ chồng phải đi mượn hàng xóm cho tới khi gom đủ số tiền.
Khi anh nọ đi rồi, vợ thấy chồng mình khóc.
“Sao anh lại buồn? Giờ đến lượt hai vợ chồng mình lại nợ hàng xóm, có phải anh sợ mình không trả nợ nổi?”


“Chẳng phải vậy đâu! Anh khóc vì anh ấy là người anh rất quý mến, vậy mà anh chẳng hề biết anh ấy gặp hoạn nạn. Anh chỉ nhớ tới anh ấy khi anh ấy đến gõ cửa hỏi mượn tiền".
Tình Mẹ : Không chịu buông tay!

Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!

Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càn gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai.
Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức.
Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội vã của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu!
Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.
Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên.
Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.
Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!
Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta. Là nơi ta tìm về khi mệt nhòai trên con đường đời đầy rẫy chông gai.
Tình Người : Tiếng đóng cửa
Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.
Mẹ tôi khuyên: "Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm".
Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm. Có người khuyên: "Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu..."
Rồi người ấy nói tiếp: "... Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được. Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm!
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: "Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi".
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.
Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: "Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn..."
Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.
Mẹ tôi an ủi: "Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được..."
Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.
Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.
Tôi nói với mẹ: "Mẹ nói đúng thật!"
Nhưng tôi bỗng bất ngờ… khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.
Mẹ tôi nghẹn ngào nói: "Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn.
Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi.
Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.
Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: "Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi".
Rồi cậu nói trong tiếng nấc: "Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ..."
Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra...
Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.
Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời.
Xin Bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình,
Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương.
Tạo Hóa ban tặng riêng chỉ có ở "Con Người"...

22 tháng 12, 2012

Chia sẻ cuối tuần: Lời Phật dạy về thời gian, nghiệp báo

Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:
1- Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2- Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3- Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4- Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5- Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

[h post]

21 tháng 12, 2012

VIẾT TIẾP NHẬT KÝ…


Lesoir 16-10 -86
Hôm nay là một ngày bình thường không có gì đặt biệt .Đã đọc xong tập truyện ngắn  “ Mây và mây và mặt trời "…
Sáng dậy tập thể dục , ăn cơm sáng .Về nhà ra bãi cỏ tập bắn bài thứ nhứt : Bia di động. Dưới ánh nắng gay gắt, mồ hôi chảy ra ướt cả thân mình .Trưa về nghỉ , mình tranh thủ đi tắm , ăn cơm .Ăn xong ngủ một giấc .Buổi chiều lên sân D tập đội hình A ,B,C .Trời nghiêng bóng xế ,buổi tập đã xong . Nghỉ được 5 phút , mình đi tắm . Lên y tế D xin thuốc. Bây giờ , sau 12 giờ vận động , mình mới được nghỉ ngơi thật sự .Thời gian từ đây đến lúc sinh hoạt tối là của riêng mỗi người .Hôm nay cả B7 trực chiến . Nhìn đồng đội súng ống nai nịt gọn gàng , thấy rất vui .Các A trưởng , B trưởng thi nhau quát tháo ầm ỉ : Đứng vào xem nào ; thằng kia- mầy làm gì đó , không tập họp à ; mang giày vào …
Ở B7 có A trưởng Thuẩn  , người loắt choắt . Hay bắt nạt đánh đập lính mới .Có những anh đánh lại. Sau một tháng luyện tập , đời sống sinh hoạt của C đi vào nề nếp hơn và mỗi người dần  thích nghi với môi trường mới…
Riêng mình cảm thấy nhẹ nhàng về các mặt cơ bản .Chỉ khi nào cơ thể ốm đau mới cảm thấy mệt nhọc thôi …
Muốn đi gởi thư nhưng chẳng có xu nào mua bì thư cả . Hẹn khi khác vậy .
…Ăn cơm tối xong mình xin phép A trưởng đi chơi cho đỡ buồn .Gặp các bạn đang nhai đậu , nhấm rượu ,hút thuốc.Mình được các bạn cho dự cuộc vui ấy ….
Về đến nhà , đi tập họp điểm danh . Bây giờ chuẩn bị đi ngủ. ( Huyên )

19 tháng 12, 2012

Thăm quê bạn.

Chúng mình khởi hành từ Đà Nẵng lúc 5h sáng, và trở về đúng 17h30. Đi về 260km - gọi là chút tình với anh em.T

Đứa con chân chất của miền quê biển Bình Sa- Dung Quất- Quảng Ngãi
 (một trong những anh đẹp trai SK6)

Rể và con trai SK6

Trước hiên nhà cha mẹ Nguyễn Biên
Lớp trưởng TQS với cha Nguyễn Biên

Sau lưng hai anh là nhà máy lọc dầu Dung Quất

Sửu không nhỏ con đâu nhé- tại Trạng to xác vậy thôi!

Nhà cũ - nơi  TQS sinh ra và lớn lên




Sông trước hiên nhà, TQS nói là sẽ dẫn các anh đẹp trai SK6 về cởi...trần cào Don.


Biển bạc đầu biển vẫn đẹp- hai anh đừng lo
ttx 377 hành Quảng Ngãi


18 tháng 12, 2012

Viết tiếp nhật kí những ngày trong quân ngũ

      Lesoir 26-4-88
     Today is Tuesday. Trời buồn u ám. Sáng dậy Di, Tín vào C ăn sáng rồi đi làm. Mình lững thững dậy tập dăm động tác thể dục. Lấy đàn ra học cho vui. Còn 5 hôm nữa là hết tháng 4. Bao giờ ra quân, bao giờ trở về?
     Trải qua những dặm đường từ làng quê đến trường ĐH, từ trường ĐH đến núi đồi hoang dại, đìu hiu; từ màu áo thư sinh đến màu xanh lính chiến có bao nhiêu việc phải làm phải làm…
     Vào đời với đôi bàn tay trắng, với dăm chữ nghĩa cũ mèm. Làm việc gì và ứng xử như thế nào để có cơm ăn áo mặc một cách tươm tất. Tìm kiếm sự công bằng trên nền tảng present này là ảo tưởng, là revenir với Xanh xi mông, Phu ri ê. Phải bằng lòng với cái hiện thực khách quan đó…
     Tất cả các cá nhân trong xã hội hôm nay đã ráo riết trên lối về ốc đảo? Biết làm sao được. Hữu lí và vô lý? Không lẽ đem cái thể chất xã hội này mà mổ xẻ, xem xét dưới góc độ của triết học? Những cá  nhân trong một cộng đồng, thậm chí trong một gia đình ngày càng trở nên dửng dưng, lạnh lùng, tàn nhẫn với nhau hơn?!
     Đối với mình đừng xem nhẹ và hời hợt mọi hiện tượng, sự kiện xảy ra trong cuộc sống, phải xem xét nó thật khách quan và đặt nó vào đúng chỗ...
     Cuộc đời như một thanh nam châm lớn, mỗi cá nhân là một hạt kim loại với màu sắc, kết cấu khác nhau. Tất cả đều bị hút về cực này hay cực kia, mạnh hay yếu phụ thuộc vào mối tương quan giữa từ trường của thanh nam châm và từ tính của thanh kim loại mà thôi.
     Lại một buổi chiều nữa trôi qua trên dòng sông ký ức. May mắn cuộc đời còn cho tôi những buổi chiều chiêu niệm. Nhìn đồng đội đi rừng về với áo quần te tua, những vác nứa, gánh củi trên vai… tôi lặng lẽ cúi đầu và tự dưng nước mắt chảy xuống khi nào chẳng rõ! Biết nói gì với rừng cao trong những chiều hiu quạnh. Mỗi người một vị trí trong cuộc đời! Biết bao giờ con người mới thôi dùng từ “số phận” cho bản thân mình.
     Cuộc sống sao mà trần trụi quá, cái trần trụi chưa được kỳ cọ kỹ càng. Tất cả đều bình đẳng khi trở về với đất.
     4 giờ 30 quay vào cơ quan. Một mình lững thững xuống quán uống một vài cốc rượu… 12 giờ khuya đi ngủ. Biết em còn thức hay đã ngủ say rồi, hỡi người tình kiều diễm của tôi. (LêHuyên)

17 tháng 12, 2012

SẮP ĐẾN NGÀY KỈ NIỆM THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM ( 22- 12-44 _22-12-12 )


Mình xin trích đăng một số đoạn trong nhật ký những ngày cuối quãng đời quân ngũ.
Sáng 12-5-1988:
Sáng nay dậy sớm tập thể dục… Buổi chiều gặp Tùng, Trung, Minh uống rượu nhai lạc, đến 11 giờ đêm về doanh trại. 12h đêm trực.
Sáng 14-5-1988: Tài vụ thanh toán tiền cho các đơn vị. Chiều, Ban Hậu cần tổ chức liên hoan. Ngày cuối ngồi trong căn phòng nhỏ trống trênh. Ngày mai là vẫy chào Tam Đảo… Mọi thủ tục giấy tờ đã xong.
Chiều 14-5-1988:
Ban tổ chức liên hoan. Qua C15 đàn hát với bạn bè, các em. Thương rủ ra nhà chú Mười uống tiếp đến 12h  rưỡi đêm trở về E.
Chiều 15-8-1988:
Lãnh gạo, bán được 13.300 đồng. Trả nợ 300 đồng. Lên đường trở về cố quận, dẫn bác Tuất (người quen nơi đóng quân của LH) về quê sau hơn 33 năm tập kết. 7h 30 tối đến Hà nội, gặp Nhơn. Cậu ấy bị móc hết tiền, lại góp ít đồng cho bạn. Tối nay ngủ ở Hà nội. Mai về nhà… (LH)

16 tháng 12, 2012

SĨ TỬ ĐẤT THẦN KINH


      Ba giờ sáng mẹ lay tôi dậy. Tôi đưa tay dụi mắt, miệng ậm ờ mê ngủ. Nhưng trong tiềm thức đây là ngày trọng đại, tôi liền bật dậy như chiếc lò xo được nén cả đêm qua. Tôi nghe tiếng sóng vỗ hòa với tiếng gõ nhịp vành thúng ven bờ, giờ này ngư phủ bắt đầu bủa lưới, giăng câu. Tối qua trước khi đi ngủ, mẹ đã xếp quần áo, sách vở, giấy bút cho tôi gọn vào chiếc túi nhỏ. Lẫn trong đó là cái gigo đựng thức ăn khô, chiếc đồng hồ đeo tay cũng được nhét vào. Tiền tàu, tiền ăn mẹ bỏ vào cái bọc nhỏ xíu, khâu vào túi quần cho chắc. Trước khi cha ra biển, cha đã cẩn thận xếp giấy tiền vàng mã, cắm hoa vào lọ, xếp đĩa trái cây, nhang, đèn đặt sẵn trước nhà cho mẹ tôi khấn vái, cầu nguyện cho tôi được thượng lộ bình an, được may mắn trên con đường ứng thí. Mẹ dắt tay tôi đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy van vái từ đường thất tổ, ông bà độ trì gia hộ cho tôi được đỗ vào đại học.
         Từ xóm nhỏ cổ cò, Dung Quất, nay là cảng nước sâu Dung Quất. Nơi đây vào năm Tân Mão (1471), để chinh phục Chiêm Thành, Hoàng đế Lê Thánh Tông đưa đại binh theo đường biển đổ bộ vào cửa Sa Cần trong vịnh Dung Quất (theo Đại Nam thực lục). Dung Quất quanh năm mặt nước yên lặng lại được núi Nam Châm chắn gió, từ lâu trở thành nơi neo đậu của  thuyền buôn lớn, thuyền đánh bắt cá xa bờ thuở xa xưa. Tôi đến thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi khoảng 8 giờ sáng, như vậy phải mất 5 tiếng đồng hồ ngồi ghe đò - mà có được ngồi yên đâu, đò qua những đoạn nước cạn tất cả khách đi đò phải xắn quần nhảy xuống nước đẩy cho đò vượt cạn. Từ đây ra Đà Nẵng trên 100km, rồi từ Đà Nẵng ra Huế khoảng 100km nữa. Đến ga Đà Nẵng tôi gặp thầy Ngãi người Huế dạy học ở trường cấp 3 Bình Sơn, thầy dẫn theo ba học trò cũng thi ngoài Huế. Tôi mừng quá nhập nhóm có ba người, tôi nữa là bốn gồm hai nam hai nữ. Tàu chợ thời bao cấp phức tạp, chật chội, ì ạch, tôi bỗng nhớ câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: "Tôi thấy thương cho những con tàu, ngàn đời không đủ sức đi mau. Có chi  vương vấn trong hơi khói, mà mấy toa đầy nặng khổ đau". Sau một đêm và đến hết buổi trưa tàu hỏa mới đến ga Huế. Nhoài người chen lấn mới ra được cổng ga, chiếc túi nhỏ bị rạch bao giờ không hay, gigo thức ăn và chiếc đồng hồ đeo tay biến mất. Về tới nhà thầy Ngãi tôi lăn đùng ra ngủ một giấc thật ngon quên cả trời trăng mây gió, quên luôn hai nàng sĩ tử xinh đẹp. 5 giờ chiều tôi nghe giọng nói ngọt dịu, du dương ''Anh ơi! Dậy ăn cơm". Đó là Loan. Bây giờ tôi mới nhìn kỷ nàng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, môi son, mắt ngài, mày phượng. Tôi  bối rối, rồi ngẫn ngơ ...
        Cơm nước xong, thầy Ngãi thu xếp cho bọn tôi chỗ ôn bài. Chái bên kia là Ân và Nguyệt, vì hai bạn học chung lớp, lại thi vào đại học cùng một trường cho dễ truy bài, tiện trao đổi. Còn lại chái bên này là tôi và Loan. Nhà thầy là nhà rường một gian hai chái, bàn thờ gia tiên đặt giữa gian, chạm khắc hoa văn nạm xà cừ, cột kèo bằng gỗ quí. Mỗi đòn là bức họa nỗi, hoa văn, là những tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc- trước. Mái nhà rường được lợp bằng ngói âm dương, hai lớp chồng lên nhau có khả năng giảm nhiệt, nên giữa mùa hè nóng bức mang hơi hướng gió Lào mà tôi có cảm giác mát mẻ làm sao. Tôi ngồi đối diện với Loan ôn bài tuy không nói một lời, nhưng trái tim tôi rạo rực ngàn lời chưa dám nói ...
       Rồi ngày thi cũng đến. Ở mảnh đất cố đô này, từ thời vua Gia Long đã đề cao thi cử, chọn người có đức có tài ra làm quan. Cứ ba năm một lần, triều đình mở khoa thi Hương ở các địa phương, năm sau mở khoa thi Hội tại kinh đô, tiếp theo là thi Đình ở trong Điện nhà vua để chọn  tiến sĩ. Nhà vua cho lập Văn Miếu ở các doanh, năm 1803 lập Quốc Tử giám ở Kinh thành, đề cao Nho học. Tôi ngồi trên xe đạp ôm đến địa điểm thi, nên phải trừ hao thời gian bất trắc, đi trước 2 tiếng đồng hồ. Tôi làm bài suôn sẻ, nhưng chẳng đoán định được điểm bao nhiêu. Trong phòng thi, môn địa cuối cùng tôi đã thiếp đi lúc nào không biết, vì một năm thức khuya dậy sớm, thiếu ngủ và mệt mỏi. Khi tiếng trống thu bài tôi chợt tỉnh, làm câu cuối rồi nạp bài cho thầy giám thị.
        Thi xong, bọn tôi tổ chức đi chơi. Nơi đến đầu tiên là lăng vua Tự Đức, nằm trên đồi thông thơ mộng. Tôi và Loan sóng đôi quanh lăng tẩm mà tưởng chừng lạc chốn bồng lai. Tôi chợt nhớ câu ai oán của nhân dân: "Vạn niên là vạn niên nào, thành xây xương lính hào đào máu dân". 7 lăng vua nhà Nguyễn được xây dựng trong số 13 vị vua, trị vì ngót một thế kỷ rưỡi (1802-1945), với quan niệm sống gởi thác về của nhà Nho, và triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật. Chúng tôi dạo chơi Đại Nội, cung điện nguy nga, lầu son gác tía, với nghệ thuật cung đình độc đáo mà chủ nhân sáng tạo là nhân dân khắp bốn phương trời hội tụ. Đi chợ Đông Ba, qua cầu Tràng Tiền những danh lam nổi tiếng. Tôi cùng em thưởng thức món ngon Huế bánh bột lọc, cơm hến, chè cung đình. Ăn rồi nhớ mãi không quên.
      Tình cảm học trò trong trắng, ngây thơ, ngày chia tay cũng đến. Tại bến xe Đà Nẵng chia tay nhau, tôi về Bình Sơn, Quảng Ngãi, em về phố cổ Hội An. Tôi viết bài thơ tặng em giấu trong túi áo, trao em và dặn em, mở đọc khi đã về nhà, và xin ghi lại:

                                                     GẶP GỠ
                                          Gặp nhau lòng bỡ ngỡ
                                          Ai có hẹn bao giờ
                                          Cho người xa thương nhớ
                                          Chưa một lần ước mộng
                                          Mà gặp gỡ người ơi!
                                          Mai giã từ xứ Huế 
                                          Nỗi niềm xa chơi vơi
                                          Huế có nhớ thương ai?
                                          Có mong ngày trở lại
                                          Ta nhớ người em gái
                                           Mộng ước của ngày mai
                                           Hương Giang sầu đưa tiễn
                                          Trường Tiền bóng người đi
                                           Mai xa rồi xứ Huế 
                                           Thơ thay lời chia ly!    
          Từ đó đến giờ tôi chẳng gặp em đâu, nhưng cứ mỗi mùa thi đại học, tôi lạị khe khẽ ngâm nga bài thơ học trò ngày ấy!                   
NB

Sinh hoạt cuối tuần: THƯƠNG YÊU VÀ SỐNG VÌ NGƯỜI KHÁC.


[Nếu bạn đã đọc rồi, xin đọc lại lần nữa cũng tốt bạn ạ - h post].

Dưới đây là bản ghi lại cuộc nói chuyện của Bác sĩ Richard Teo, một triệu phú 40 tuổi và bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, bị ung thư phổi thời kỳ 4 đến chia sẻ với khóa nha D1 về kinh nghiệm sống của mình vào ngày 19/1/2012. Ông vừa qua đời cách đây không lâu vào ngày 18/10/2012.

Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghẹ. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của mình và rất hài lòng khi được các giáo sư mời đến đây. Hy vọng sẽ giúp các em cách suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành để trở thành nha sĩ giải phẫu cũng như suy nghĩ về những việc chung quanh.

Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.

Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lãnh vực- từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi rất ganh đua. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ.  Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS phát triển tia laser để chữa bịnh mắt.

Trong khi nghiên cứu tôi có hai bằng phát minh-một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi hoàn tất MOH, tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, vài năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Vi` vậy tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.

Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả $20 cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả $10000 để hút mỡ bụng, $15000 cho sửa ngực, v.v… và v.v... Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Tại sao lại muốn thành bác sĩ tổng quát mà không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bịnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bịnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, 2 tháng, đến 3 tháng. Quá nhiều bịnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi mướn một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất,chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Nam Dương, thu hút  các “tai-tais” những người muốn có cuộc giải phẫu trong chớp mắt. Cuộc sống thật lên hương.

Tôi làm gì với mớ tiền dư thưà? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xẹ hơi. Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Mã Lai  và đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó. Với mớ tiền măt, tôi sắm chiếc Ferrari. Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430. Một người bạn học cũ của tôi làm ngân hàng. Anh ta mua chiếc màu đỏ mà anh mong muốn từ lâu. Tôi sắm chiếc màu bạc.

Tôi làm gì sau khi có chiếc xe?  Đến lúc mua nhà, xây cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.

Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang.

Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động manh. Tôi đi đến SGH và nhờ bạn học làm MRI để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết  tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao?  Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật. Tôi gần như muốn nói  “anh nói thiệt sao?”,  tôi đang sắp sửa chạy đi tập thể dục.  Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn-PET scans- và họ tìm thấy tôi đang ở thời kỳ thứ tư của ung thư phổi. Tôi nghĩ “từ đâu mà ra thế này?”. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng kế đó, tôi mất tất cả.

Đây là bản CT scan của phổi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và thật sự, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3,4 tháng tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát, dĩ nhiên rồi, làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng, tưởng rằng mình đã có mọi thứ trước đây.

Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được- sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong mười tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua.  Đây thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi.  Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không. Nếu có, tôi đã cảm thấy vui khi nghĩ đến.

Các em có biết, Tết sắp đến. Trước đây, tôi thường làm gì?  À, thì tôi thường lái chiếc xe hào nhoáng của mình một vòng, thăm viếng họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui, thật sự vui.  Nhưng các em có nghĩ họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật kiếm sống có thể chia sẻ niềm vui cùng tôi khi thấy tôi khoe khoang chiếc xe bóng loáng? Chắc chắn là không. Họ sống khó khăn, đi xe công cộng. Thật sự những gì tôi làm chỉ khiến họ thêm ganh ghét, thậm chí có khi thành thù hận.

Những thứ này chúng ta gọi là đối tượng của sự ganh tị. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi tưởng.

Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô ta tên là Jennifer. Chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau. Khi chúng tôi thả bộ, nếu cô ta thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm như thế? tại sao phải để bẩn tay?  chỉ là một con ốc sên. Sự thật là cô ta đã cảm được cho con ốc có thể bị đạp nát chết. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tiến hóa thội.   Đối ngược nhau quá, phải không?

Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bịnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bịnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng bịnh nhân có “thật”  đối với tôi không?  Không. Tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình.

Sự đau đớn, chịu đưng của bịnh nhân “thật” không? Không. Dĩ nhiên là tôi biết tất cả các từ ngữ chuyên môn để mô tả về sự đớn đau mà họ phải trải qua, nhưng thật sự tôi không hề “cảm” được cho đến khi tôi trở thành bịnh nhân. Mãi đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu được cảm giác của họ. Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ trả lời các em là Có. Vì bây giờ tôi thật sự hiểu đươc họ. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này.

Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều.

Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng đươc.  Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.

Tại sao tôi nói như vậy?  Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bịnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.

Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bịnh, đôi khi chúng ta khuyên bịnh nhân chữa trị bịnh không hẳn có, vùng xám không rõ rệt. Và ngay cả khi không cần thiết, chúng ta cũng nói thêm. Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.

Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, “đối thủ” của chúng tôi và không hề thấy khó chịu.  Nếu hạ thấp được họ xuống để nâng mình lên, chúng tôi làm.  Điều đó đang xảy ra trong ngành y, nha và ở mọi nơi. Tôi thử  thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.

Điều thứ nhì, nhiều người trong chúng ta muốn số lượng bịnh nhân, dù ở bịnh viên công hay tư. Tôi có thể kể cho các em nghe, khi tôi làm trong bịnh viện, với chồng hồ sơ bịnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong càng nhanh, càng tốt. Tôi chỉ muốn họ ra khỏi phòng khám bịnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì có quá nhiều bịnh nhân. Thực tế là vậy. Đây chỉ là một công việc, một công việc thường nhật.  Lúc đó, tôi có thật sự biết về cảm xúc của bịnh nhân của tôi như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu điều gì họ đang trải qua không ?  Không, mãi cho đến khi sự cố xảy ra với tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một lỗi lầm lớn nhất trong xã hội của chúng ta.

Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bịnh nhân.  Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không ?  Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây.  Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bịnh nhân.

Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em.  Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ mà các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp! Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bịnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi!

Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bịnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất vv. vv.. Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ.

Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, với tay đến những người cần sự giúp đỡ.  Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình.  Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.

Tôi sẽ ngưng với lời sau, trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”. Có lẽ một số các em đã đọc cuốn này . Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe bịnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự khác biệt cho đời sống của người khác.  Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.

Quan trọng nhất, tôi nghĩ niềm vui sướng thật sự là khi biết Thượng Đế. Không phải là chỉ biết về Thượng Đế khi như khi các em đọc Kinh Thánh- mà là bản thân biết đến Thượng Đế, tiếp cận với Ngài. Đây là điều quan trọng nhất mà tôi học hỏi được.

Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách khác và đã phải trả giá đắt cho bài học. Tôi phải quay lại tạ ơn Thượng Đế vì Ngài đã cho tôi cơ hội sống-tôi gặp 3 tai nạn lớn trong quá khứ-tai nạn xe hơi đua. Tôi đua nhanh và xe muốn lật ngửa nhưng không hiểu sao vẫn sống sót.

Vài điều tôi học được:
1) Hãy có Đức tin và tin tưởng vào Đấng sáng tạo với cả tấm lòng.  Điều này rất quan trọng.
2) Thương yêu và sống vì người khác, không chỉ cho bản thân mình.

Không có gì sai trái khi được giàu có cả. Tôi nghĩ hoàn toàn tốt vì được Thượng Đế ban ơn. Nhiều người được hồng ân với sự giàu có nhưng vấn đề là chúng ta không biết kiềm chế.  Có nhiều lại càng muốn có thêm. Tôi đã đi qua, lỗ đào càng sâu, chúng ta càng bị lún, đến nỗi chỉ biết phụng thờ của cải và quên cả việc chính. Thay vì phụng thờ Đấng sáng tạo, chúng ta thờ phượng sự giàu có.  Đây là bản năng con người và rất khó thoát khỏi. Chúng ta thành danh, đi làm, hiển nhiên, bắt đầu gây dựng sự giàu có. Tôi nghĩ, khi giàu sang và có cơ hội đến, các em nên nhớ, tất cả những thứ này không thuộc về chúng ta. Chúng ta không thật sự sở hữu và có quyền hành. Những thứ này là quà tặng của Thượng Đế. Tôi đã trải qua và tôi biết rằng sự giàu có thiếu đức tin sẽ thành trống rỗng.