24 tháng 1, 2013

BẠN TÔI ĐI HỌC

                     
         Tôi phì cười, khi nghe thằng Dễnh, thằng Phính đi học, eo ơi! Hai đứa nó mà đi học, thế giới đến hồi thay đổi chẳng chơi. Một đứa gần như mù, hễ mặt trời bắt đầu xuống núi là quờ quạng tay chân, còn đứa gần như điếc chỉ nghe được tiếng voi rống, hổ gầm. Không hiểu sao cái xóm nhỏ lọt thỏm giữa đồi núi Trà Bồng, Quãng Ngãi lại có những đứa trẻ bị khiếm khuyết, tật nguyền? Theo lời cố: Rừng núi linh thiêng mà con người ngày càng giảm lòng thành kính, nên con cháu bị hành phạt. Cha tôi thì nói do hậu quả chất độc màu da cam. Tôi tin lời cha hơn lời cố, bởi tôi đã thấy phái đoàn điều tra quốc tế về tận xóm. Họ mang theo đủ thứ thức ăn, nước uống, lũ trẻ chúng tôi nhốn nháo theo sau để được quay phim chụp ảnh. Tôi thích và ngưỡng mộ họ, bằng cách chạy về vườn nhà hái đủ thứ trái cây: cam, xoài, đu đủ, đem mời họ. Họ cười cười, xoa đầu tôi nói: "Mẹc-xi" mà chẳng đụng đến thứ gì. Nói đến cây trái tôi nhớ mỗi mùa trái ửng chín, chúng tôi chia ra từng nhóm đi tìm quả: sim, bòn bon, bứa, giũ giẻ... chẳng ai dại chọn thằng Dễnh, thằng Phính vào nhóm. Vậy là hai đứa phối hợp với nhau. Thằng Dễnh mờ mắt nhưng mũi rất thính, nó hít hít đánh mùi như chó Bẹc giê - còn chúng tôi dùng tai nghe tiếng chim tranh quả, nên từ xa có thể xác định nơi nhiều trái - thằng Phính lãng tai nhưng mắt rất sáng. Trái giũ giẻ dẫu có nằm rạp dưới đất, được lá phủ kín, mắt nó cũng soi được. Trái bứa, trái sim có chui đầu giữa cành lá sum suê nó cũng phóng "tia X" cho bò ra. "Tài!".
        Ngày thằng Dễnh, thằng Phính đi học chẳng được êm xuôi. Thằng Dễnh mặt mày méo xệch, buông tay mẹ chạy trở vô nhà. Mỗi khi mẹ nó dắt ra trước cổng, mặc dù nó được phủ mới toàn thân từ quần áo, mũ, dép, cặp da và thêm gói kẹo đủ màu sắc nhắc tay. Thằng Phính thì phát huy hết sự điếc của mình, mặc cho cha nó há mồm hét lớn, nó vẫn đứng giữa nhà trơ trơ như khúc gỗ. Được cha mẹ hai đứa nhờ đóng vai trò "tư vấn", tôi có dịp trỗ tài "diễn thuyết", nhưng vô hiệu. Hai đứa tâm sự: thà ở nhà còn hơn vào trường trẻ em khuyết tât, trường chuyên biệt chẳng khác nào tự đi triển lãm mình, tự bêu riếu mình trước bàn dân thiên hạ. Tôi đồng cảm với chúng. Cô giáo dạy trẻ em khuyết tật người thị trấn Trà Bồng đến tận nhà hai đứa. Cô có sức thu hút lạ lùng. Đứa nào ăn kẹo cô cho là theo cô về trường. Tôi biết thằng Dễnh khoái kẹo sô-cô-la lắm. Người lớn nói cô có thuật thôi miên. Tôi nghỉ khác: nói dại tôi là trẻ khuyết tật tôi cũng theo cô, vì cô giáo dịu dàng dễ mến lắm, giọng nói cô trong trẻo, êm hơn tiếng con suối chảy qua làng. Từ ngày hai đứa đi học, cha mẹ nó khoe với hàng xóm: thằng Dễnh biết tính số tiền bán quế hàng triệu đồng trong nháy mắt bằng bàn tính gỗ - cha nó làm nghề thuốc bắc.
       Thằng Phính phân biệt được tiếng chó, tiếng mèo biết lắc lư cái đầu mỗi khi đài truyền thanh phát chương trình ca nhạc. Đến một ngày hai đứa báo với tôi chúng sẽ vào học cùng trường với tôi, chút xíu là tôi đột quỵ. Trời đất! Đúng là thế giới loài người thay đổi thật! Một hôm đến trường vào giờ chào cờ sáng thứ hai. Thầy hiệu trưởng trường tôi thông báo: "Niên học tới, trường sẽ nhận một số em khuyết tật, nhằm thực hiện chủ trương giáo dục hòa nhập cộng đồng". Nghe đến đây tôi không còn là người ngoài hành tinh.
        Ngày thằng Dễnh, thằng Phính "hòa nhập công đồng", tôi thức dậy rất sớm, qua nhà hai đứa, thằng Dễnh mặt tươi như hoa, tay nó để yên trong tay mẹ, khi mẹ đưa ra tận cửa, thằng Phính hiền hòa đứng bên cha, nghe lời nhắc nhở. Cả ba đứa đến trường. Trên đường tiếng chim hót líu lo, hương rừng thơm ngào ngạt, báo hiệu mùa trái chín.
                                                                                                   NB

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn TTM nhé ! Chỉnh bài viết ngay hàng
    thẳng lối , và " dọn vườn " cho bài viết của
    mình trơn tru hơn . NB.

    Trả lờiXóa
  2. Nhẹ nhàng, sâu lắng mà đậm tính nhân văn. Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa