8 tháng 2, 2013

Giỗ cha

      Ba tôi chết ngày 29 tháng chạp năm Mậu Thân, khi mới hai mươi chín tuổi... từ đó với tôi hình như không còn tết nữa. Theo tục lệ quê tôi, cúng giỗ tính lùi một ngày- cúng vào ngày còn sống, nên 28 tháng mười hai âm lịch hàng năm là ngày giỗ.
      Thời loạn lạc màn trời chiếu đất, không biết nhà cúng ba vào lúc nào, chỉ nhớ được từ sau 1975 mẹ tôi xin phép bà nội được đem các con ra ở riêng và tự mình làm giỗ cho chồng. Bà đồng ý nhưng không cho đội bàn thờ đi- kèm lời hứa: chừng nào có nhà to đàng hoàng thì sẽ được đến đón. (Bàn thờ không được phép mang đi- sâu xa  là ba tôi cũng ở lại).  Mẹ gạt nước mắt làm một cái kệ có bát hương và hai cây đèn... khổ cách mấy, đến kì cũng chắt chiu bằng được một đôi con gà cho một mâm cúng đất và một mâm cúng cha.
      Năm đói kém, nhà chẳng có gì, mẹ sai tôi đến nhà ngoại, những mong ngoại có gửi gì về chăng? Nhà ngoại ở mãi Vĩnh Điện, tôi ngồi ca nô từ bến làng lúc trời còn chưa sáng, xuôi con nước mất giờ rưỡi thì tới. Bà ngoại như hiểu cả điều tôi không dám nói, nên mua cho từ gói bánh nổ, nải chuối đến cân  thịt... Có được đồ rồi tôi mừng lắm, cho tất cả vào bao, khi thì vác, khi thì đội, qua bến Hục chờ chuyến đò ngang, vừa mệt vừa đói, khát, sẵn nước sông tôi uống đến no, thấy ốc quắn nhiều, tiếc của tôi cố nhặt... Trời trong, nước trong có đứa trẻ đi bòn của về giỗ cha là tôi đứng khóc bên đời. Về đến nhà bánh trái hoa quả nát nghiến, lại thấy ốc, mẹ gắt vang trời- Sao lang thang ở tận đâu mãi mới về lại còn đi bắt ốc làm gì hở con? Mày không biết hôm nay ngày gì à? Sao không thương mẹ, mày có biết mẹ chờ đồ cúng đến mức nào không? Tôi không dám kể rằng sợ tốn tiền đò dọc, tôi đã đi bộ qua chặng đường mười mấy cây số từ Vĩnh Điện về nhà.
      Vụ đông xuân năm ấy mẹ con chị em quần quật,  gánh nước tưới mòn cả vai. Được tiền mẹ bảo tôi, con ra Đà Nẵng tìm mua cái tủ về thờ ba. Tôi cầm nắm tiền đi từ sáng sớm, mua tủ hết 270 đồng, thừa tiền mua thêm một cái bình tích sứ có vỏ ấp nhiệt rất đẹp. Chở tủ từ Đà Nẵng về,  lúc chuyển xuống bến đò do sơ ý cái bình tích rơi ra vỡ choảng... chỉ còn lại chiếc vỏ ấp. Tiếc của ngẩn ngơ. Thương mẹ thương các em chắt chiu từng đồng, lòng tôi quặn đau.
      Cũng như những người phụ nữ góa bụa sau chiến tranh, mẹ tôi làm hết cách để nuôi các con, cố vượt lên những khắc nghiệt của số phận. Năm hạn hán mất mùa người làng đói thì chúng tôi cũng đói, nhưng được mùa cũng dành dụm được chút ít. Vụ đông xuân  bội thu mấy  năm liền rồi nhờ chồng cô Năm tôi hướng dẫn, mẹ tôi đã lần hồi mua được 1500 viên ngói Cẩm Hà và 4 m3 gỗ từ trại gỗ ngã ba Điện Hòa. Hết sạch tiền rồi, nhưng nếu không làm, gỗ mua về phơi mưa phơi nắng sẽ hư hỏng, mẹ xin khất nợ công thợ để dựng nhà. Bốn công thợ mộc đều đặn suốt gần hai tháng cho mẹ con chúng tôi trở thành chủ ngôi nhà gỗ khang trang 8 cột chính bằng gỗ mùn cây tròn bào nhẵn thín, hiên trước trước là gỗ lim xẻ vuông, hàng cột sau do thiếu gỗ nên làm bằng sắt, lá trính và các vì kèo đều thuộc gỗ loại tốt, sáng đẹp, chỉ có rui mè là gỗ tạp. Dàn ngói Cẩm Hà lợp lên, đỏ au sao mà kiêu sa thế! Người làng đoán già đoán non rồi đồn thổi- mẹ con nhà ấy đào được cả một lon vàng nên mới làm được nhà to như vậy. Mẹ tôi vẫn bữa đói bữa no chắt chiu lần hồi trả nợ.
      Việc đầu tiên chị em tôi nghĩ đến khi có nhà mới là đi đón ba về. Lấy hết can đảm tôi dẫn hai em cầm theo một đoạn dây và cây đòn định đến nhà nội  xin được khiêng bàn thờ về theo lời bà hứa trước đây (nhà nội cách chúng tôi chưa đầy cây số) Mẹ ngăn mãi, không cho mang đòn và dây đi, bảo là cứ đi xin được hẵn hay, mẹ khắc có cách mang về. Đã vậy chúng tôi bàn nhau sẽ đội lên dầu mà đi, MH thấp hơn chị một ít nó bảo: không sao, em sẽ nhón chân lên để đỡ cho các chị bớt nặng, em tôi vừa đi vừa nhảy chân sáo miệng líu lo mắt tròn xoe- em đang vui.
      Bà nội ngồi nghe tôi trình bày có lớp có lang xong, nói tỉnh khô: không được. Tưởng bà quên tôi nhắc lại lời bà năm xưa, nhưng bà bảo khôngkhông. Tôi nhìn sang cô cầu cứu- cô tôi không nói gì. Chú tôi thẳng thắn hơn đuổi thẳng cổ, (chú tôi thần kinh không được bình thường nên chẳng ai trách) Có bác Bốn Tiết gái nhà bên cạnh bà nói là: ác, khi chúng tôi ra về bác đứng bên hiên nhà nhìn theo thương hại... Chị em lủi thủi về tay không. Lần này thì mẹ tôi khóc. Mẹ bảo mẹ biết từ lâu rồi là vậy, nhưng không cản được nên đành để tôi đi. Đó là bài học đầu tiên tôi biết -ngay cả với người máu mủ chưa chắc đã ruột rà... Giỗ ba tôi năm đó cũng là dịp mừng nhà mới, bà nội tôi đem đến cho những 2 ang gạo (chừng 15 kg) và một cặp gà. Món quà lớn nhất mà chúng tôi từng nhận được từ bà. Sao cả nhà không ai thấy vui nhỉ (?)
      Quanh mẹ tôi giờ có 9 đứa cháu ngoại: sáu trai ba gái, Ơn trời, các con không hẩm hiu như phận mẹ sinh con một bề toàn gái, để rồi khi chồng chết thành người dưng, lạc loài đơn độc. Chín đứa cháu ngoại cộng con gái con rể nữa với mẹ là mười tám. Cả một gia đình lớn, mỗi năm lo cho cha có ngày giỗ, vậy mà cũng  thấp thỏm từ mãi tận hồi tháng mười. Người ta nói- hay nhớ chuyện xưa là dấu hiệu của tuổi già. Tôi không dám nói là mình già, mẹ nghe thấy sẽ mắng là già bằng mẹ mày hay già hơn? Các em thì bảo chị nó cổ hủ lại khắc kỉ, nhớ làm gì mãi những chuyện buồn xa xưa... Điều còn lại mà em tôi chưa biết là tôi cũng ước gì mình có thể quên được.
      28 tháng chạp, trưa nay vừa làm giỗ cho ba, tôi chợt nhận ra mùa xuân không còn trọn vẹn bên đời những đứa trẻ bất hạnh phải mất cha khi chúng còn thơ bé.
T

6 nhận xét:

  1. Lâu lắm rồi mới gặp 3T và một bài viết thật xúc động. Hình như trong Lớp chúng ta có rất nhiều người không còn cha và ngày giỗ cha là một ngày đặc biệt. Phần lớn tuổi thơ của chúng ta đều khổ cực. Nhưng đọng mãi trong ta là những tình cảm sâu đậm không bao giờ quên được. Ông bà ta có câu: Gia bần tri hiếu tử. Đến bây giờ mình mới thấm thía điều ấy. Năm mới mình cầu chúc cho các bạn cùng gia đình khỏe mạnh bình an. Các cháu học giỏi. (TQS)

    Trả lờiXóa
  2. Ngày đầu năm Quý Tỵ, cầu mong mọi điều an lành đến với T cùng gia đình. Xin chia sẻ nỗi buồn và niềm vui cùng bạn. Mấy hôm nay không có thời gian để vào SKS, giờ cúng giao thừa xong, vào đọc bài của bạn thật quá xúc động. Bạn thắp dùm mình một nén hương dâng lên Bác trai và cầu mong Bác được siêu thoát. đtd

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình viết bài này từ cảm xúc những dòng bạn kể trong com về sự thấu hiểu những nhọc nhằn của mẹ ngày xưa.
      T

      Xóa
  3. ĐTD ơi mùa Xuân đã về rồi vì cớ gì mà thao thế may ra tui có thêm người bạn đồng hành .Cầu chúc gia đình Bạn an khang thịnh vượng .Hẹn ngày gặp lại nhau trên đất Thần kinh .27 năm xa Huế .Nhớ nhau và nhớ Huế thật nhiều

    Trả lờiXóa
  4. Thấy bài viết này của TTT trước tết , nhìn tiêu đề nghỉ là
    bài viết " thiêng liêng " nên sẽ dành đọc trong lúc thật tỉnh
    tâm .Nay đọc thật xúc động , người viết chân thành , tình cảm
    lắng sâu từ rất lâu trong ký ức . mình may mắn còn cha mẹ cha
    mình năm quý tỵ này là 79 mẹ 78 , mình luôn cầu nguyên cha mẹ
    trăm tuổi ,điều không trọn vẹn ở mình là ở xa cha mẹ khi cha
    mẹ tuổi già . Mình thấu hiểu những bạn hoàn cảnh như T mất
    cha và đặc biệt khi còn tấm bé . Thường những bạn như TTT co
    sức sống mạnh mẽ ,nội lực dồi dồi , và thành công trên đường
    đời , mình biết trong lớp nhiều bạn như T . Chúc T được cha
    phù hộ ,thêm nghị lực để luôn vững bước tiến lên trong cuộc
    sống .NB

    Trả lờiXóa
  5. Gặp bài viết của chị rất tình cờ. Quá khứ hiện tại xen lẫn như cuốn phim quay chậm. Chị viết chuyện nhà mà nghe như chuyện làng chuyện nước, chuyện của cả một lớp người. Tôi đã gần 60 cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng vất vơ vất vưỡn... Chừ nghiệm ra rằng nếu được giãi bày sẽ bớt tu uất. Sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Chúc chị năm mới sức khỏe.

    Trả lờiXóa