12 tháng 5, 2013


Mưa rừng chưa tới, gió đã đầy lầu

1319693519.4632Trông người mà ngẫm đến ta
Cao Cương – Bí thư cục Đông Bắc sau ngày lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tiếng tăm lừng lẫy, công trạng rất lớn. Khi ông ta tiến hành duyệt binh ở lãnh địa của mình, quần chúng nhân dân thay vì hô “Mao Trạch Đông muôn năm”, lại hô “Cao Cương muôn năm”. Cao là bạn thân lâu năm của Xtalin, nắm quyền cao nhất ở Đông Tam tỉnh, được gọi là “Thái thượng hoàng” vùng Đông Bắc. Lúc bấy giờ, Đặng Tiểu Bình là bí thư cục Tây Nam, chức vụ tương đương Cao, nhưng trên thực tế, địa vị của Cao Cương quan trọng hơn, do vị trí đặc biệt của vùng Đông Bắc.
Vùng Đông Bắc, nơi Cao phụ trách, xét về các mặt đều có ý nghĩa chiến lược đối với toàn TQ. Ở đây tập trung nền công nghiệp chủ yếu của TQ, là hậu phương của chiến tranh Triều Tiên và lại là cầu nối sang Liên Xô. Do Cao thuộc phái thân Liên Xô nên Mao cần dựa vào Cao để khai thông quan hệ với Xtalin.
Thế nhưng, tháng 6.1949, khi cùng Lưu Thiếu Kỳ sang Liên Xô thông báo tình hình TQ và xin viện trợ, Cao Cương đề nghị sáp nhập ba tỉnh Đông Bắc của TQ thành nước Cộng hòa thứ 17 của Liên Xô. Nhận được báo cáo của Lưu, Mao nổi giận lôi đình, gọi Cao về nước ngay. Nhưng khi Cao có mặt tại Trung Nam Hải, Mao lại vỗ về, hứa cho Cao giữ chức Phó chủ tịch nước. Song, Cao hãy đợi đấy!
Rồi một sự kiện lớn đột ngột xẩy ra. Ngày 25.6.1950, Bắc Triều Tiên dưới sự chỉ huy của Kim Nhật Thành – ông nội của “tượng đái” Kim Jong Un hiện nay, đã dốc toàn lực bất ngờ tấn công Nam Triều Tiên. Cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ.
Thời gian đầu, quân Bắc Triều Tiên thế mạnh như chẻ tre, nhanh chóng chiếm Hán Thành, ào ạt tiến xuống phía Nam. Ngày 27.6, Mỹ và 16 nước tuyên bố tham chiến. Sau nhiều tuần kịch chiến, đến trung tuần tháng 8, quân Bắc Triều Tiên đã chiếm hơn ba phần tư lãnh thổ Nam Triều Tiên. Thế nhưng, khi tiến đến sông Lạc Đông, quân Bắc Triều Tiên bị chặn lại, hai bên giằng co nhau, không bên nào tiến lên được. Trong khi đó, quân Mỹ đổ bộ thành công lên cảng Nhân Xuyên, cắt ngang lưng quân Bắc Triều Tiên. Quân Bắc Triều Tiên trước sau đều bị vây hãm, bị thương vong và tổn thất nghiêm trọng, phải dốc toàn lực tháo chạy, tình thế vô cùng nguy ngập.
Ông nội của Un – Kim Nhật Thành, với ba mươi sáu kế, không còn kế gì khác hơn là điện khẩn cho Mao cầu cứu: “Trong tình trạng quân địch vượt vĩ tuyến 38, tiến công ra Bắc, giải phóng quân nhân dân TQ hãy nhanh chóng, trực tiếp xuất quân cùng chúng tôi chiến đấu với kẻ thù. Tôi xin đề xuất ý kiến này với Ngài, mong nhận được lời chỉ giáo”.
Mao cả đêm 1.10 suy nghĩ không ngủ được, gần 2 giờ sáng ngày 2.10, ông ta điện khẩn cho Cao Cương: “Mời đồng chí Cao Cương, sau khi nhận được điện, lập tức về Bắc Kinh họp”.
Trưa ngày 2.10, Cao Cương vội vàng đáp máy bay về Bắc Kinh. Ông ta nhận định, Mao triệu tập khẩn cấp về Bắc Kinh họp, chắc không ngoài vấn đề kháng Mỹ viện Triều. Do đó, Cao định liệu, lần này, dù bất kể thế nào, mình cũng không nên nhấn mạnh vấn đề bộ đội biên phòng chuẩn bị chưa đầy đủ. Vào hồi 3 giờ chiều, Mao, Lưu, Chu, Chu (Chu Ân Lai và Chu Đức), Lâm Bưu, Nhiếp Vĩnh Trăn và Cao Cương họp tại Di Niên Đường.
Vừa mới bắt đầu, Mao đưa ngay ra một bức điện nói với Cao Cương:
- Đây là điện khẩn của Kim Nhật Thành, chúng tôi đã xem rồi, ông hãy xem đi.
Lát sau, Mao nói:
- Tình hình Triều Tiên nghiêm trọng như vậy, hiện tại không còn là vấn đề xuất quân hay không xuất quân. Mà là lập tức xuất quân ngay! Xuất quân sớm hay muộn một ngày là cực kỳ quan trọng đối với chiến cuộc. Hôm nay chúng ta chỉ thảo luận hai vấn đề cấp thiết: một là thời gian xuất quân? Hai là ai cầm quân?
Thấy mọi người im lặng, Mao hướng về Cao Cương:
- Đồng chí Cao Cương, đồng chí đứng trên gò cao, nhìn được xa, đồng chí nói xem, dù thế nào trận này cũng phải đánh chứ?
Mao là người thông kim bác cổ, chơi chữ rất độc đáo, ở đây “cao” là cao, “cương” là gò, “cao cương” là cái gò cao.
Cao nghe Mao nói vậy, vội đáp:
- Nếu sớm muộn nhất định phải đánh, thì đánh muộn hay hơn. Hiện giờ không có cách gì đánh được, đánh tồi, mất cả giang sơn, chúng ta nói sao với nhân dân? Hơn nữa, trong chúng ta cũng chưa có ai đi Triều Tiên đánh nhau với Mỹ, ai cầm quân đi?
Mao đề xuất Lâm Bưu cầm quân nhưng Lâm từ chối, nói rằng mình đang bệnh, mồ hôi đổ ra nhiều, bác sỹ đã yêu cầu đi Liên Xô chữa bệnh.
Mao hết sức tức giận, vì nghe Cao Cương nói khó, Lâm Bưu nói bệnh, thế là ông ta hầm hầm bỏ phòng họp ra ngoài.
Trở lại với vấn đề Cao Cương. Đúng như Mao đã dự tính, không lâu sau, Cao Cương được điều về Bắc Kinh, được bổ nhiệm chức Phó chủ tịch nước kiêm Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch nhà nước. Mao lại đưa 15 cán bộ cao cấp như Trần Vân, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, Lý Phú Xuân…về làm việc dưới quyền Cao. Trong khi đó, Mao vẫn cho Cao kiêm nhiệm 4 chức vụ quan trọng nhất ở Đông Bắc: Bí thư thứ nhất đảng ủy, Chủ nhiệm ủy ban quân chính, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu. Mao càng ngày càng tỏ ra tin cậy Cao hơn. Và Cao tưởng như đã nắm được ý đồ của Mao.
Cao Cương quen đề cao mình là người độc nhất vô nhị, lại có thành tích, song ông ta căn bản không biết rằng lần thăng chức này của Mao chính là tách ông ta ra khỏi quyền lực ở vùng Đông Bắc. Mao chỉ chờ cơ hội là sẽ ra tay thanh toán Cao.
Từ địa phương về Trung ương, Cao hoạt động mạnh, ông ta muốn mở rộng quyền lực, thay thế vị trí của Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, làm Phó chủ tịch đảng và Thủ tướng. Cao gieo rắc trong đảng thuyết “đảng của quân đội” và “đảng của khu trắng”. Ông ta quả quyết, đảng là do “quân đội sáng tạo ra” và tự xếp mình là nhân vật đại biểu của “đảng quân đội”. Cao cho rằng đảng và nhà nước hiện nay đang nằm trong tay “đảng của khu trắng” tức trong tay Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, do đó phải cải tổ Trung ương. Cao được Trưởng ban tổ chức Trung ương và Lâm Bưu ủng hộ. Cao còn gặp Trần Vân đàm phán, lôi kéo Đặng Tiểu Bình tham gia nhưng bị Đặng cự tuyệt. Thấy tình hình nguy hiểm, Đặng lập tức báo cáo toàn bộ âm mưu của Cao Cương với Mao.
Mao nghe Đặng báo cáo xong, hỏi lại: “Mưa rừng chưa tới, gió đã đầy lầu. Theo anh, gió từ hướng nào thổi tới?”.
Đặng suy nghĩ kỹ và trả lời rất khéo: “Ở địa vị mà mưu tính công việc thì là đúng phận sự; không ở địa vị mà lại muốn mưu tính công việc là bệnh ham muốn quyền lực vậy”. Câu trả lời của Đặng càng làm cho Mao suy nghĩ, sớm giải quyết vấn đề Cao Cương.
Xtalin vừa qua đời, lập tức Mao tính sổ với Cao Cương. Mao cho triệu tập hội nghị Trung ương, vạch trần phê phán Cao. Sau hội nghị, lại giao cho Đặng tổ chức các buổi tọa đàm, tiếp tục vạch trần, đối chứng âm mưu chống đảng của Cao. Cao Cương không thể chịu nổi sự phê phán, trong một cuộc hội nghị, đã rút súng tự sát tại chỗ.
Nhớ lại đêm Lâm Bưu lên máy bay định bỏ sang Liên Xô, Chu Ân Lai đã điện cho Diệp Quần, vợ Lâm, hãy chú ý thời tiết: “Bay đêm không an toàn đâu”. Diệp Quần: “Chúng tôi không bay đêm, đợi sáng mai hoặc trưa mai thời tiết tốt mới bay”. Chu: “Đừng bay nữa, không an toàn. Nhất định phải nắm chắc tình hình thời tiết”.
Ý của Chu là nhắc nhở họ chú ý thời tiết chính trị, hành động phiêu lưu sẽ không an toàn. Nhưng, Diệp và Lâm đã không nhận ra, dẫn đến thất bại đau đớn.
Quyền lực là một thứ “ma túy” đủ sức “mê hoặc” bất cứ ai dính vào nó. Trong lịch sử các cuộc đấu tranh giành quyền lực TQ, không phải nhà lãnh đạo nào từ địa phương về Trung ương cũng thành công. Thông thường, những người thành công phải có một “cái ô to”, đủ sức khuynh loát chính trường “bảo hộ”. Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều…có Mao; Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân…có Đặng. Dĩ nhiên, khôn khéo, mưu lược, kiên nhẫn, không thể hấp tấp là những phẩm chất mà họ không thể thiếu được. Lịch sử thường đi những lối bất ngờ.
Từ địa phương về Trung ương quả là một con đường dài, đầy cam go và lịch sử luôn thử thách những chính khách ôm “giấc mộng bá vương”.
( Người giới thiệu bài viết của LM : TQS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét