6 tháng 6, 2013

 Phận hồng nhan

Đã hai ngày rồi mà không thấy thành viên nào trong Lớp dịch bài thơ " Dụ thần liêu" của vua Thành Thái do ĐVH đưa lên. Có thể do ngày xưa Lớp chúng ta học chương trình Hán - Nôm ít quá, nên quên hết. Mình tạm thời post tiếp bài " Phận hồng nhan " của Ng Q Lập để Lớp đọc cho vui. Mình cũng bị ám ảnh bởi bài này ( TQS)

Phận hồng nhan

images1669201_1Mình kém chị Kim tám tuổi, ở cùng xóm với chị. Hai tuổi chị cõng đi bắt chuồn chuồn, đi hái lá me quanh những hàng rào lối xóm. Bốn tuổi chị dắt ra bờ sông, chạy lon ton dọc bờ sông đuổi bắt những con còng gió bé xíu. Thỉnh thoảng chị bế xốc lên trợn mắt nhìn mình, nói cu Lập yêu chị không, mình nói yêu. Chị cười, hôn mình chùn chụt mấy cái liền. 
Chị Kim hay hát lại hát hay, hội diễn văn nghệ của huyện năm nào cũng có mặt chị. Đêm nào có hội diễn chị đều dắt mình đi theo, cho ngồi ở cánh gà. Chị múa và hát, thỉnh thoảng còn đóng kịch, lấy nhọ nồi vẽ râu vẽ ria trông rất tức cười. Mỗi lần xong tiết mục chị lại chạy vào cánh gà bẹo má mình, nói răng không vỗ tay hoan hô chị hả hả?
Rồi chiến tranh, nhà mình sơ tán lên làng Đông, nhà chị Kim chạy lối nào không biết. Từ đó không có ai dắt mình đi chơi nữa. Mình cũng quen dần chơi một mình, lối chơi thành nếp cho đến bây giờ. Đôi khi mình cũng nhớ chị Kim, thèm được chị dắt đi chơi nhưng chỉ thoáng qua chút xíu rồi cũng quên luôn. Nhiều đêm mình chiêm bao thấy chị, mừng hết lớn. Tỉnh dậy không thấy chị đâu, buồn ngẩn ngơ. Ngủ một giấc sáng mai thức dậy là quên.
Năm mười hai tuổi, một tối mùa hè nghe tin có văn công về diễn ở làng Hướng Phương, con nít trong làng kéo nhau đi xem, tất nhiên mình đi đầu tiên. Sân khấu ngoài trời có đến vài ngàn người xem. Tụi mình con nít, phải vất vả lắm mới len lên được hàng đầu để xem cho rõ. Len tới nơi, ngồi xem một lúc mới phát hiện ra hai cái vạt áo của mình bay đi đàng nào rồi.
Tối đó múa hơi bị nhiều, nhiều người kêu ầm lên, mình thích múa vẫn ngồi xem say sưa. Đến điệu múa Bảo vệ biển trời, mình phát hiện cái cô múa đầu đàn rất giống chị Kim. Mình đứng vụt lên cốt để chị Kim trông thấy, xem chị có nhận ra mình không. Vừa đứng lên ba bốn người ngồi sau thi nhau túm áo kéo bắt xuống. Mình đành ngồi xuống, cứ nhấp nhổm không yên.
Màn múa kết thúc mình vọt ra khỏi bãi, chạy vòng ra sân khấu mò vào khu vực hậu đài kiếm tìm xem có đúng chị Kim không? Chui qua tấm bạt che hậu đài, mấy cô đang thay phục trang trông thấy mình lập tức rú lên. Hai chú bảo vệ xách tai mình lôi ra, vừa lôi vừa chửi. Một chú còn đá đít một phát thật đau.
Đúng lúc mình bị đá đít ngã dúi, phía sân khấu giới thiệu đơn ca nữ Lê Hoàng Kim. ( Hồi này không ai giới thiệu ca sĩ hay nghệ sĩ, có lẽ sợ nói vậy là không khiêm tốn, hi hi). Mình vọt về phía bãi ngay. Chị Kim đang hát bài Xa khơi. Đúng là chị Kim! Chị Kim trăm phần trăm! Chỉ khác bây giờ chị quá đẹp, hát quá hay. Mình đứng lặng ngắt, tự nhiên nước mắt dầm dề.
Mình đứng chờ cho hết buổi diễn, mọi người về hết rồi mới mò về sân khấu, vừa lúc diễn viên lên xe ca hết rồi. Lượn vòng quanh xe mình vừa chạy vừa gọi chị Kim ơi chị Kim ơi! Chị Kim nhô đầu ra cửa xe kêu to, nói ôi ôi Lập Lập! Xe ca chạy. Chị Kim chỉ kịp hỏi em ở đâu? Mình nói em ở làng Đông. Chị reo lên, nói ôi rứa thì hay rồi. Mai chị còn diễn ở Pháp Kệ.
Chiều mai mình về làng Pháp Kệ thật sớm, người ta đang làm sân khấu mình đã tới đứng ngóng rồi. Chừng như chị Kim cũng đoán mình sẽ đến sớm, chị ra cũng rất sớm. Mình đang đứng ngó quanh chợt có người bịt mắt mình, giật tay ngoảnh lại hóa ra là chị. Chị Kim ôm lấy mình cười rất tươi, nói ôi cu Lập của chị mau lớn khiếp hè, đẹp trai khiếp hè. Mình chỉ biết đứng cười, thực sự hãnh diện. Được cô văn công hai mươi tuổi xinh đẹp hát hay ôm lấy hỏi han thân thiết trước mắt mọi người, thật không gì hãnh diện hơn. Bây giờ mới để ý chị quá đẹp, không biết tả thế nào chỉ biết từ nhỏ đến giờ mình chưa thấy ai đẹp như chị.
Chị Kim cứ ôm riết lấy mình không chịu bỏ ra, chị hỏi liên tù tì, hỏi đi rồi hỏi lại, tuồng như hỏi chỉ là cái cớ để chỉ ôm ấp mình. Lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy hạnh phúc khi được một phụ nữ ôm ấp. Chán vạn người lớn ôm mình, chỉ có cái ôm của chị Kim mới khiến mình xao động, rưng rưng.
Tối đó diễn xong chị em lại gặp nhau, chị Kim lại ôm riết lấy mình, nhét vào túi mình một đồng, nói học giỏi năm sau chị thưởng hai đồng. Mình nói tối mai chị diễn ở mô. Chị nói ở Quảng Trường, xa lắm, em đừng đi nữa. Tất nhiên mình không nghe, suốt cả ngay mai chỉ trông đến tối để chạy ù về Quảng Trường với chị. Lần đầu tiên mình nhớ một người phụ nữ, nhớ quay cuồng.
Ở Quảng Trường văn công hát hò múa máy thế nào mình cũng không quan tâm, chỉ mong đến tiết mục của chị Kim. Chị tham gia một bài tốp ca nữ, một điệu múa và hai bài đơn ca. Tiết mục đơn ca của chị rất đặc sắc, lần nào cũng được mọi người yêu cầu hát lại. Mình ngồi giữ đám đông hãnh diện vô cùng, muốn hét to lên với mọi người, nói tui quen chị Kim!
Tan diễn mình chạy ù ra phía sau sân khấu, tìm hoài không thấy chị Kim đâu. Khi đoàn văn công lên xe ca rồi cũng không thấy chị đâu. Xe ca chạy, mình lủi thủi bỏ về. Bỗng mình gặp chị Kim ngay lối vào sân bãi, chị đang cầm tay anh bộ đội nói cười líu lo. Mắt mình tối sầm, mặt mày nóng bừng. Lúc đầu mình định rẽ sang lối khác tránh mặt chị Kim, sau, mình quyết định cúi gầm mặt đi thẳng về phía hai người. Chị Kim thấy mình liền kêu to, nói Lập Lập, Lập ơi! Mình như điếc cứ cúi gầm mặt đi. Chị Kim đuổi theo, mình bỏ chạy. Chị Kim vừa chạy vừa gọi, mình vừa chạy vừa khóc.
Từ đó đến mười năm sau mới gặp lại chị, lúc này mình đã là chàng trai hai hai tuổi. Mình đi Huế, xe đến phà Gianh mình thấy một người đàn bà rất giống chị Kim, ăn mặc nhếch nhác, tay ôm đứa con nhỏ tay xách túi du lịch rách đang đi xuống phà. Xe dừng, mình nhảy xuống đuổi theo. Phà đã rời bến được một quãng, mình vẫn nhìn rất rõ chị Kim bèn vừa vẫy vừa gọi, nói chị Kim chị Kim! Chị giật mình ngoái lại, thấy mình chị vội vàng ôm con len lên phía trước.
Mình không hiểu vì sao chị Kim lại tránh mặt mình. Một năm sau về quê gặp thằng bạn học thời phổ thông là thằng Đại Phúc, nó kể chị có chửa với ai đó, đoàn văn công kỉ luật đuổi chị về nhà. Chị ôm bụng về nhà cũng bị ba mạ chị đuổi ra khỏi nhà. Từ đó chị lang thang rày đây mai đó, rất khổ. Mình nói chị làm gì để sống. Thằng Đại Phúc cười, nói e hè, thứ đó chỉ có làm đĩ chứ làm chi. Khi đó mình tức thằng Đại Phúc lắm, chửi nó vô phúc, nói chị Kim mà làm đĩ à, đom đom cứt cứt! Không ngờ thằng Đại Phúc nói đúng, thế mới đau.
Cuối năm 1986 mình đi tàu ra Hà Nội, tình cờ nhặt được tờ báo gói cơm đưa tin thành phố Vinh bắt được ổ mại dâm lớn. Mình không quan tâm lắm mấy cái tin này nếu báo không đăng hình chị Kim với chú thích: Chủ nhà chứa Lê Hoàng Kim. Cái thời còn tong tắng, thật không thể tả được mình bị sốc thế nào, suốt ngày mồm miệng đắng ngắt, ăn gì cũng thấy nhạt hoét. Mình gọi điện cho thằng bạn công an ở Vinh, nó cười hề hề, nói ôi bà Kim này ghê lắm, bỏ chồng làm đĩ rồi lại bỏ chồng làm đĩ ba bốn lần rồi. Bây giờ vừa làm má mì vừa làm đĩ, bốn chục tuổi rồi khách vẫn rất đông, kinh không? Thật mình không thể tin nổi!
Mười năm sau, lại mười năm sau, sao nhịp thời gian này nhiều đắng cay đến thế?
Năm 1996 mình được Care mời làm phim Gió qua miền sáng tối cùng với Thùy Linh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiêu.v.v… Đây là một phim về HIV và AIDS, trong khi cả nhóm làm phim chẳng ai biết gì HIV và AIDS cả, Care phải mở lớp tập huấn một tháng. Cô Khánh ở Care hỏi mình, nói anh Lập đã gặp bệnh nhân AIDS lần nào chưa, mình nói chưa. Khánh bảo khi nào rảnh em đưa đi gặp gỡ họ. Mình ok liền. Đi để biết chứ gặp bệnh nhân AIDS cứ thấy ghê ghê, mặc dù mình làm phim tuyên truyền không nên sợ hãi xa lánh bệnh nhân AIDS, hi hi.
Khánh có ô tô, cô lái xe đưa mình đến trại phục hồi nhân phẩm hay gì đó không nhớ nữa, ở tít cuối huyện Từ Sơn ( Hà Nội). Đi dọc hành lang mình nhắc Khánh, nói chỉ gặp một hai người thôi nhé, gặp nhiều anh sợ lắm. Khánh cười hi hi, nói em biết rồi, chỉ gặp một người thôi, một hoa hâu miền Trung, chị bị AIDS giai đoạn cuối, cũng sắp đi rồi. Khánh kéo tay mình, nói vào đây anh. Cửa mở, phòng chỉ có một người đàn bà đang ngồi bó gối trên giường bệnh. Mình đứng sững sờ, không ai khác đó là chị Kim!
Khi đó chị Kim chưa nhận ra mình, tới khi Khánh giới thiệu với chị, nói đây là nhà văn Nguyễn Quang Lập thì chí ối một tiếng thật to. Rồi hai tay ôm mặt chị ngồi khóc nức nở, khóc mãi, không nói được một câu nào.
 NQL

1 nhận xét:

  1. Thật tội nghiệp! Ranh giới giữa hạnh phúc và tủi nhục sao mà mong manh thế, hỡi một kiếp người!? (TA)

    Trả lờiXóa