30 tháng 1, 2013

SÁCH GIÁO KHOA VIỆT NAM CHỦ YẾU VIẾT VỀ SỰ CHỐNG TRẢ HÀNH ĐỘNG XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC LỚN MẠNH VÀ HUNG HÃN

                                                                                      Người dịch:  XYZ

     Tạp chí “Atlantic Monthly” của Mỹ mới đây nói, trong lịch sử Việt Nam từng giao chiến với Trung Quốc 17 lần, “trong các sách giáo khoa người Việt Nam học từ nhỏ đều nói đến những sự tích anh hùng dân tộc chống lại Trung Quốc”. “Người Trung Quốc quá mạnh, quá hung hãn”, Việt Nam lo bị Trung Quốc khống chế, nhưng vị trí địa lý đã khiến cho họ “phải chịu đựng Trung Quốc”, cho dù “nếu xét về mặt thống kê thì Việt Nam chỉ là một tỉnh của Trung Quốc”. Nỗi lo lắng này hiện giờ ngày càng trở nên mãnh liệt, “Nam Hải[i] không chỉ liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, mà còn là nơi Trung Quốc tới đây phải cân bằng sức ảnh hưởng với Mỹ ở Châu Á”. Việt Nam vì thế mà ra sức mua sắm quân sự và kỳ vọng vào sự hợp tác với Mỹ, song họ thấu hiểu rằng “Nước xa không cứu được lửa gần”:  Trung Quốc ở gần trong gang tấc, còn Mỹ thì ở xa tận chân trời.          
     “Lịch sử chính thống của Việt Nam dường như đều là những nội dung chống Trung Quốc”.
     Hà Nội khiến cho người ta phải suy ngẫm, thủ đô Việt Nam đều được định hình trong lịch sử. Tại Viện Bảo tàng lịch sử của Hà Nội, các bản đồ, tranh vẽ và cột đá màu xám lớn đều để kỷ niệm sự chống trả đầy bất ổn của người Việt Nam đối với các đế quốc triều Tống, Minh và Thanh Trung Quốc xâm lược vào thế kỷ 11, thế kỷ 15 và thế kỷ 18. 
     Mãi cho đến thế kỷ 10, Việt Nam mới thoát ly khỏi Trung Quốc, rồi kể từ đó, danh phận chính trị của Việt Nam luôn khác với Trung Quốc. Xét từ ý nghĩa nào đó, đây là một phép màu  -  bất cứ thứ lý luận nào trước đó cũng không thể giải thích được một cách hợp lý về vấn đề này.
     Việt Nam hiện đang tranh thủ đi vào thế giới phát triển, hiển nhiên là vì chính họ cùng gia đình mình.  Đồng thời còn là vì khi phải đối mặt với một Trung Quốc cũng đầy sức sống, cần phải bảo vệ nhu cầu độc lập của Việt Nam ra sao đây. Hà Nội vẫn là một thành phố hết lòng hết sức vì những tính toán chính trị, cũng giống như từ xưa đến nay, điều này đã trở thành cái giá phải trả của một cường quốc hạng vừa tiềm năng.  
     Việt Nam có đường bờ biển dài, địa thế ở vào cửa ngõ huyết mạch giao thông trên biển, tiếp cận với nguồn trữ lượng năng lượng ngoài khơi cực lớn. Năm ngoái khi đi thăm Việt Nam, tôi phát hiện thấy nước này không chỉ bận rộn với phát triển kinh tế, mà còn phải đối mặt trước thách thức sống chung ra sao đây với nước láng giềng hung hãn từ hàng trăm năm nay, Việt Nam ngày càng cầu viện tới Mỹ là đối thủ cũ của mình. 
     Điều này rất có thể đòi hỏi người Mỹ ít ra phải thay đổi góc nhìn lịch sử của mình, cố nhìn thế giới theo con mắt của người Việt Nam.
     Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam Ngô Quang Xuân nói, những năm tháng then chốt của Việt Nam đương đại, không phải Đảng Cộng sản Miền Bắc lật đổ Nam Việt[ii] vào năm 1975, mà là năm 1995. Khi ấy Việt-Mỹ  thực hiện bình thường hóa quan hệ, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đã ký một thỏa thuận “khung” với Liên minh Châu Âu. “Nói một cách khác, chúng tôi đã hòa nhập vào thế giới”. Ngô Quang Xuân nói.
 “Người Việt Nam không quên cuộc Chiến tranh chống Mỹ trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước”, một nhà ngoại giao Phương Tây giải thích. Người Việt Nam không quên, 20% đất đai nước họ không có người ở do các loại vũ khí đạn dược chưa nổ mà Mỹ bỏ sót lại.
     Song ¾ số người Việt Nam lại đều được sinh ra sau “Chiến tranh của nước Mỹ”, số người không còn nhớ cuộc chiến tranh đó lại còn nhiều hơn. Một lý do khác khiến cho người Việt Nam không còn nhạy cảm lắm với Chiến tranh của nước Mỹ là vì họ là kẻ chiến thắng.  
     Một sinh viên đại học Việt Nam nói:  “Quyền lực của Mỹ đối với an ninh thế giới là cần thiết”. Thực ra, ở Học viện ngoại giao Việt Nam, sinh viên và quan chức đã nhiều lần dùng lối nói “cân bằng quyền lực” để mô tả Mỹ và Trung Quốc. “Người Trung Quốc quá mạnh, quá hung hãn”, một nhà phân tích nữ nói, cho nên, sự bá quyền của Trung Quốc là mối đe dọa đối với chúng tôi”.
     Quá khứ của Việt Nam chẳng quan hệ gì với Mỹ, còn Trung Quốc thì lại chiếm vị trí trung tâm. Robert Templer đã viết trong cuốn sách “Shadow and wind” về Việt Nam đương đại như sau: “Phần lớn lịch sử chính thống của Việt Nam nói chống lại kẻ thù bên ngoài, dường như đều là chống Trung Quốc. Việt Nam lo bị Trung Quốc kiểm soát, tâm lý này đã vượt ra ngoài bất cứ sự chia rẽ ý thức hệ nào khác, đã tạo nên một sự lo lắng và cảnh giác nhạy cảm nào đó ở người Việt Nam”. 
     Đúng như một nhà ngoại giao Việt Nam đã nói: “Trong lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam giao chiến với nhau tới 17 lần. Còn Mỹ xâm lược Mexico chỉ có 1 lần, bạn hãy xem người Mexico nhạy cảm với sự xâm lược của Mỹ đến nhường nào. Trong các sách giáo khoa chúng tôi học từ nhỏ đều nói đến những sự tích anh hùng dân tộc chống lại Trung Quốc”.
     Nếu không có Trung Quốc, nền kinh tế của Việt Nam không thể vận hành được bình thường.
    Người Việt Nam sợ Trung Quốc chính là bởi vì Việt Nam không có cách gì thoát khỏi được ảnh hưởng của nước láng giềng phương Bắc khổng lồ. Dân số Trung Quốc đông gấp 15 lần Việt Nam. Người Việt Nam thấu hiểu rằng, vị trí địa lý  đã quyết định mối quan hệ với Trung Quốc của họ.
     Người Việt Nam nhiều lần bảo tôi, Nam Hải không chỉ liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ, mà còn là cửa ngõ thương mại hàng hải toàn cầu, nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản là hết sức quan trọng, đồng thời còn là nơi mà Trung Quốc tới đây sẽ cân bằng sức ảnh hưởng với Mỹ ở Châu Á.
     Việt Nam khao khát trở thành nước lớn trong khu vực. Thứ có thể biểu hiện được nhất khát vọng ấy của Việt Nam không nằm ngoài việc nước này cách đây không lâu đã mua 6 tàu ngầm “lớp kilo” tiên tiến từ Nga. Một chuyên gia quốc phòng phương Tây nói, khoản mua bán này không hợp lý.
 “Người Việt Nam sẽ phải kinh ngạc khi phát hiện thấy, để duy trì những chiếc tàu ngầm này phải cần đến một khoản tiền khổng lồ”. Chuyên gia này nói, điều quan trọng hơn là, Việt Nam phải huấn luyện nhân viên thao tác tàu ngầm tiên tiến”. Để ứng phó với tàu ngầm Trung Quốc, tốt nhất họ nên tập trung vào chống ngầm và phòng ngự ven biển.”
     Hiển nhiên, Việt Nam mua những tàu ngầm này là để giữ thể diện, cũng có nghĩa là bảo:  Chúng tôi làm thật đấy. Ian Storey, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, Việt Nam ngầm hy vọng dựa vào sự “tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ để thúc đẩy sự tồn tại  quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á, nhằm đối chọi lại với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
     Tháng 7.2010, trong thời gian diễn ra Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN được tổ chức tại Hà Nội, Mỹ và Việt Nam đã hình thành nên một quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế. Mỹ và Việt Nam có cùng điểm chung về cách nhìn thế giới:  Đều cùng cho rằng tăng trưởng quốc gia của Trung Quốc mang lại mối đe dọa. Điểm khác biệt là Mỹ có rất nhiều lợi ích địa-chính trị, còn Việt Nam thì mục tiêu chỉ có một:  Đối chọi lại Trung Quốc.  
 Song Việt Nam chắc chắn không thể xa lánh Trung Quốc để sa vào vòng tay Mỹ. Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc và đã kết liền với Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu không có Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn không thể vận hành được bình thường, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, gây cản trở cho sự tăng trưởng của ngành chế tạo địa phương.
     Ngoài ra, các quan chức Việt Nam hiểu rằng họ ở vào thế bất đối xứng về mặt địa lý, họ nói, “nước xa không cứu được lửa gần”. Trung Quốc ở gần trong gang tấc, còn Mỹ thì ở xa tận chân trời, điều này có nghĩa Việt Nam phải chịu đựng Trung Quốc. “Chúng tôi không thể dọn đi nơi khác”, một vị nguyên thứ trưởng nói, “xét về mặt thống kê, chúng tôi là một tỉnh của Trung Quốc”.
Việt Nam luôn lo lắng một ngày nào đó sẽ bị Nhà Trắng bán đứng.
     Ngoài nhân tố địa lý ra, người Việt Nam không tin hẳn vào Mỹ. Một vị quan chức nói, Mỹ đang suy thoái, Washington cứ chỉ chằm chằm vào Trung Đông mà bỏ qua sự trối dậy của Trung Quốc, điều này sẽ khiến cho Mỹ càng trượt dốc nhanh. Chưa hết, Việt Nam còn lo là Mỹ sẽ vì mối quan hệ với Trung Quốc mà bán đứng Việt Nam.  
Ngô Quang Xuân đặc biệt nhắc tới chuyện Nixon mở cửa cho Trung Quốc, tạo điều kiện chiến lược địa-chính trị cho Trung Quốc vào Việt Nam. “Việc này có thể sẽ xảy ra”, ông ta thất vọng lắc đầu. Người Việt Nam luôn lo lắng rằng, áp lực tới từ Quốc hội, báo chí và các tổ chức phi chính phủ rất có thể một ngày nào đó sẽ khiến cho Nhà trắng bán đứng họ, giống kiểu Mỹ đã làm với các nước châu Á khác như Uzbekistan, Nepal…
     Một nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa cộng sản kéo dài được ở Việt Nam là thực chất của chủ nghĩa cộng sản đã bị biến mất. Người Việt Nam chịu sự cai trị của Đảng Cộng sản (nhưng dường như đã vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản), chấp nhận một bản khế ước xã hội bất thành văn, tức miễn là Đảng Cộng sản đảm bảo nâng cao được mức thu nhập, thì họ sẽ không phản đối ra mặt.
     Trong thực tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tiến hành một cuộc thử nghiệm: Một nhà nước do Đảng Cộng sản cai trị, phân phát của cải của chủ nghĩa tư bản.
     Trong khoảng thời gian 25 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã nói lời tạm biệt với việc cung cấp bằng tem phiếu, đã trở thành một trong những quốc gia có mức thặng dư lúa gạo nhiều nhất trên thế giới. Theo các số liệu thống kê, cách đây không lâu Việt Nam đã vọt lên đứng vào hàng ngũ các nước thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người đạt 1.100 đô la Mỹ.
     Ở Tunisia, Ai Cập, Syria và các nước Ả Rập khác, hình ảnh của các nhà lãnh đạo độc tài có thể thấy ở khắp mọi nơi, tuy nhiên, hầu hết trong số họ không đủ năng lực, còn đội ngũ cầm quyền Việt Nam tuy không cao giọng, nhưng trong 10 năm qua đã tạo ra được tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 7%.
     Đảng Cộng sản Việt Nam còn lo lắng hơn về nạn lạm phát, tham nhũng và gia đình trị. Quan chức Việt Nam còn lo lắng, **** có thể dẫn họ đến con đường của Nam Việt trước năm1975 (khi ấy chính phủ suy yếu, chia rẽ bè phái, cuối cùng làm cho quốc gia bị sụp đổ), hoặc của Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi ấy chính quyền trung ương suy yếu thảm hại, dẫn đến bị nước ngoài chi phối.
     Đồng thời, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục dựa trên tinh thần Völkisch của mình, chính sách kinh tế tư bản chủ nghĩa của mình, đồng thời áp dụng kiểm soát chính trị chặt chẽ để bảo vệ độc lập quốc gia.                       (ngày 3/7/2012)


[i]   Tức Biển Đông.
[ii]   Tức Việt Nam cộng hòa.
(Lâu lâu đọc một bài để nhớ rằng bạn bè chúng ta đã từng học Tổng hợp Sử. Người giới thiệu: TQS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét