8 tháng 10, 2012

Khổng Tử và học trò

Tử Lộ yết kiến Khổng Tử. Khổng Tử hỏi:
-Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?
Tử Lộ thưa: - Người trí là người làm thế nào cho người ta biết mình. Người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình.
Khổng Tử nói: - Nhà ngươi nhận xét như vậy quả là kẻ có học .
Tử Lộ ra. Tử Cống vào, Khổng Tử lại hỏi câu ấy.
Tử Cống thưa:- Người trí là kẻ đã hiểu rõ được người khác. Người nhân là kẻ hay yêu người khác.
Khổng Tử nói: - Nhà ngươi nhận xét như vậy quả là kẻ có học .
Tử Cống ra, Nhan Hồi vào. Khổng Tử lại hỏi câu ấy.
Nhan Hồi thưa: - Người trí là kẻ hiểu được mình. Người nhân là kẻ tự yêu mình.
Khổng Tử nói:- Nhà ngươi nhận xét như vậy đáng gọi là bậc thức giả đó.
  (TQS sưu tầm)

1 nhận xét:

  1. Nhân TQS bàn về Khổng Tử (27.9.551-479 B.C.),mình chép thêm vài câu của ông (tuy có nhiều người đã biết một số trong số này).
    Thi ân bất niệm, thụ ân bất vong: Đã làm ơn cho người thì đừng nhớ, đừng nhắc; đã nhận ơn của người thì không được quên.
    Sĩ tắc niệm: Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện: Đã là một trí thức thì phải luôn biết rằng, phải học không biết chán, phải dạy người (dân ít học) không biết mỏi.
    Học bất tư tắc võng, tư bất học tắc đãi: Học (đọc) mà không suy nghĩ là vô ích; suy nghĩ mà không học (đọc) thì nguy hiểm (tệ hại).
    Quân tử khác tiểu nhân chỗ nào?
    Quân tử nghĩ rồi mới nói, tiểu nhân nói rồi mới nghĩ/ Quân tử thấy người thành thì mừng, tiểu nhân thấy người thành thì ghen ghét/ Quân tử cậy mình mà thành, tiểu nhân cậy người mới thành/ Quân tử thấy nghĩa là làm, tiểu nhân có lợi mới làm/ Quân tử làm rồi mới nói, tiểu nhân nói rồi không làm (hoặc làm nửa vời)/ Quân từ hòa mà bất đồng, tiểu nhân đồng mà bất hòa.
    Quảng Trị, 9.10.2012, 11:11 A.M. HVT.

    Trả lờiXóa