13 tháng 11, 2012

ĐI ĐƯỜNG TẮT

     Mình nhớ hồi học lớp 6, lớp 7...đường đến trường xa đến gần 5 cây số là ít. Sáng phải dậy thật sớm, nghe tiếng gà gáy thay cho đồng hồ báo thức. Sách vở gọn gàng, bữa nào ở lại trường thì mang theo cơm nén trong vỏ lon sữa Guigo, trên thêm bì muối đậu phộng hoặc trán một trứng vịt. Thế là, bình minh vừa ló dạng, lũ bạn trong xóm léo nhéo gọi nhau đi học. Lát sau, cả lũ gom thành bầy, lên đường. Đường đến trường thôi thì thật đa dạng về địa hình, địa vật. Khi thì rồng rắn nối nhau đi trên bờ ruộng, lúc thì luồn qua thôn xóm, qua sông , qua suối, có lúc len lổi men theo chân đồi đầy sổi đá, gai góc...Mùa nắng, trưa về nám cả mặt, bụng đói, chân rã rời cố mà lê bước. Nhưng dù sao cũng dễ chịu hơn là mùa mưa, mùa lụt bão. Vào những tháng trong mùa mưa bão đó, nước sông từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, tràn vào đồng ruộng, làng xóm và chỉ cần qua một đêm là cả một vùng mênh mông một màu trắng đục phù sa mà người dân quê mình gọi là " nước bạc". Có năm lụt lớn, nước ngấp nghé ngoài bậc thềm. Người lớn thì lo lắng, vất vả chống chọi với bao nỗi do lụt lội. Còn trẻ con như bọn mình ở quê thì "khoái" lắm. Trước hết là được nghỉ học, rủ nhau chặt những thân chuối đóng bè hoặc nài nỉ xin ba mẹ mượn chiếc sõng nan rồi bơi, rồi chống chèo trên đồng nước trắng lăng. Cả ngày cứ thế mà đùa giỡn cùng đồng nước quê mình. Vài ngày sau nước rút dần và lại phải đến trường dù không muốn mấy! Đường đi học lúc này mới thấy vất vả đúng y chang cái nghĩa đen trùi trụi. Qua sông bằng những chiếc sõng nan bé tẹo, nước liếm sát vành, mấy đứa ngồi nín thở, tưởng như đứa nào đó lỡ bật ho một tiếng thì chiếc sõng nan  nước ào vào chìm ngay. Mình nhớ mãi một kỷ niệm buồn vào đầu năm lớp 7. Lúc đó nước sông cạn, lội qua được. Trong nhóm có một chị con gái học trên mình một lớp và  trong số bọn con trai duy chỉ có một đứa biết bơi thôi. Theo lệnh  thằng bạn biết bơi, mấy đứa con trai đi trước một đoạn, tách  hẳn chị con gái, rồi nhanh chóng cởi hết áo quần gom lại với sách vở, đội trên đầu, đến chỗ nước gần ngập đầu , thằng biết bơi nắm tay lôi từng đứa qua. Khi nó vừa bỏ tay, thằng nào cũng vội vàng lội nhanh lên bờ, mặc ngay quần áo. Sau cùng là tới chị con gái. Bữa đó mình không nhớ, không hiểu vì sao chị lại sẩy tay, sẩy chân làm sao đó mà chìm trôi ngay theo dòng nước chảy xiết. Cả lũ kêu cứu ...nhưng rồi...Có đến một năm sau, gần như đứa nào cũng nhớ, cũng nhắc hình ảnh cuối cùng của chị chấp chới chìm dần vào dòng nước với niềm thương tiếc, xót xa...
         Mình nhớ đường đến trường phải qua một cánh đồng xa ngai ngái, rồi vòng qua xóm nhà nho nhỏ. Khi mùa lúa gặt xong, cánh đồng trơ gốc rạ, bọn mình theo dấu mòn người dân đã đi để đi tắt, mong rút ngắn bớt quãng đường được chút nào hay chút nấy. Cứ thế theo thói quen, chẳng cần nghĩ vì sao lại thế!  Một bữa, có một thằng bạn chợt khoát tay hỏi rõ to : " Đố tụi bay, vì sao tụi mình  không đi trên bờ nữa mà xuống ruộng đi ?". " Mầy hỏi ngu quá! Xuống ruộng đi tắt cho gần, vậy mà cũng hỏi!". Thằng đó lại hỏi tiếp: " Vì sao gần ?". " Thì...gần chớ sao!". Thằng bạn đứng lại, la lên: " Tui bay ngu thì có. Hôm qua thầy dạy mà tụi bay ngu không biết! Mình đi xuống ruộng là mình đi một cạnh tam giác, nên phải ngắn hơn đi liền hai cạnh kia!". " Ờ hén!". Nói xong nó cười khoái chí.
         Vài hôm sau, nó xướng lên cùng cả bọn: " Tao thấy đi vòng vèo qua xóm nhà thấy xa quá! Hay là ta đi tắt theo đường thẳng, từ chỗ sau lùm tre với mấy đám ruộng sình, cái gò mả được không ?". Mấy đứa liền lao nhao: " Thôi đi mầy, không có đường đâu mà đi, đừng bày bậy". " Cứ đi đường lâu nay mình đi có sao đâu!". Nó ra chiều phấn khích: " Tao dòm kỹ rồi! Đi theo hướng đó nhanh hơn một nửa đó! Chẳng tin ngày mai đi thử nhen!". Đứa thì lắc đầu: " Tao không ngu! ". Có đứa con gái thì cười ré: " Thôi đi "ông nội". Tui không theo đâu!". Còn mình thì nghe nó nói cũng phai phải. Đi một cạnh chắc chắn ngắn hơn nhiều cạnh. Nó thuộc làu mấy bài hình tam giác vừa học ấy mà. Nó muốn áp dụng theo lời thầy giảng để rút ngắn quãng đường. Ừ, thử coi sao! Mình ậm ờ, vẻ ngầm theo nó. Và rốt lại chỉ có mỗi mình mình là được nó tin cẩn...
           Sáng hôm sau, tới đoạn đường sắp vòng qua xóm, nó kéo mình chậm lại, để mấy đứa kia vượt qua một quãng xa, rồi nắm tay mình hồ hởi: " Tao với mầy đi đường này. Gần lắm! Đi trước cho bọn nó biết mặt! Theo tao, nhanh lên! ". Thế là hai đứa lom lom đi men theo mấy bụi tre gai, rồi lội xuống ruộng, bùn liền ngập tới gối. " Ối cha, bùn vầy sao đi được!". Nó bảo đưa cặp vở nó cầm cho, xắn quần lên khỏi dính bùn. Bì bõm lội cũng qua được đám ruộng. Mình thở phào, trèo lên bờ đất, gặp phải một vùng gò mả, thấy sờ sợ. Qua được vùng gò mả đụng phải hàng rào tre ken dày của vườn nhà ai đó. Nó bí đường. " Làm sao qua được mầy!". Nó toát mồ hôi, nhưng vẫn làm cứng: " Không sao, để tao chui qua trước cho...". Nó chui qua nhanh như chuột. Lóng ngóng một hồi rồi mình cũng chui qua được, chỉ thêm mấy vết gai cào rướm máu lẫn bùn đất trên bắp chân. Mới đi qua một đoạn vườn, thì giật mình nghe tiếng quát: " Tụi bay đi đâu đó? Làm gì vậy???" . Cả hai líu ríu : " Dạ...tụi con ...đi học...". Môt bác già ở đâu xuất hiện lừng lững trước mặt. " Đi học sao không đi đường ngoài mà vào tận đây?". " Dạ...dạ... tụi con...đi lạc...". Nó đáp lí nhí. " Thôi được rồi ! Đi ra sân trước, qua ngõ rồi theo đường nhỏ là đến đường xóm lớn mà đi! Tao tưởng ma lạc dẫn tụi bay đi chứ !". " Cám ơn bác!". " Đi nhanh khéo trễ đó. Thằng cháu tao đi hồi nào mà tụi bay còn ở đây!"....
             Bữa đó , hai thằng bỏ học một buổi. Học hết lớp 7, may sao thằng bạn chưa tìm con đường đi tắt khác...
                                                                                                                                  VĐT 
        
          

4 nhận xét:

  1. Ông VĐT ơi! Chuyện ông viết hay lắm. Chuyện tuổi thơ của ông giống y như tuổi thơ của tui. Bây giờ sau bao nhiêu năm, ngồi nhớ lại, ta sẽ rất thương tuổi thơ của mình. Mình còn nhớ, Lỗ Tấn nói: làm gì có con đường. Đi mãi sẽ thành đường. Đúng không? Mình tưởng câu kết của bài bạn viết là đi đường tắt sẽ nhanh hơn, sẽ tiện hơn, sẽ hay hơn... nhưng câu kết của bạn thì chưa làm hài lòng mình. Cố gắng đi đến tận cùng vấn đề...Xỉn quá rồi T ơi! Chúc vui vẻ T nhé. Mình rất thích đọc bài của bạn (TQS )

    Trả lờiXóa
  2. Đường thẳng, đường tắt, đường chung, đường riêng. Đau đầu lắm! Nhưng không thể chọn con đường mà không đi đến thành La mã.đtd

    Trả lờiXóa
  3. Như vậy là "cái cạnh huyền" của cậu không những không ngắn hơn "tổng 2 cạnh góc vuông" mà còn chẳng dẫn đến đâu cả! Đúng là đồ khùng! Một quãng đời dễ bị khùng! Hì...hì...(TA)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đúng là khùng! Và thêm không ít kẻ khác nũa.Một lũ khùng để một quãng đời bị khùng, TA ơi! Than ôi, những con đường...tắt! Hề...hề !

      Xóa