20 tháng 11, 2012


                                   VĨNH BIỆT THẦY
           Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cùng với tình cảm của các bạn đối với quý thầy cô, mình xin đăng lại bài viết trên Báo Quảng Nam khi nghe tin thầy Trần Quốc Vượng đột ngột qua đời. Đã hơn 7 năm rồi, kể từ ngày ấy...
                                       

            Vậy là sức kháng thể của một cây đại thụ cuối cùng cũng phải đầu hàng trước cơn bạo bệnh! Thầy đã vĩnh viễn ra đi giữa ngồn ngộn công việc dở dang. Nỗi tiếc thương, sự mất mát này là của biết bao người, của nhiều vùng miền, của cả quốc gia và hơn thế nữa! Xin được đốt nén tâm nhang thành kính vĩnh biệt thầy - Giáo sư Sử học, Văn hoá học uyên thâm Trần Quốc Vượng!
Vùng đất và con người Xứ Quảng vẫn luôn tri ân những đóng góp khoa học rất đáng kể của thầy, vẫn luôn tôn vinh giá trị của những nhát cuốc khảo cổ học để “lật từng trang sách đất”, làm sáng tỏ bước đầu về thời kỳ tiền - sơ sử vùng đất Quảng Nam của thầy. Chính những năm tháng đầy thiếu thốn, khó khăn trong thời bao cấp từ sau ngày miền Nam giải phóng ấy, thầy, cùng với Khoa Lịch sử của trường ĐHTH Hà Nội, đã là người tiên phong “Nam tiến” để khám phá những điều bí ẩn về khảo cổ, lịch sử, văn hoá,...của dải đất miền Trung. Nền văn hoá Sa Huỳnh của vài ngàn năm trước đây đã dần dần được nghiên cứu có hệ thống trên diện rộng và đem lại những kết quả quan trọng. Đặc biệt, việc phát hiện 02 loại tiền đồng Ngũ Thù và Vương Mãng (thời Hán - Trung Quốc, thế kỷ II BC – thế kỷ II) trong lòng đất Thanh Hà - Hội An đã minh chứng một điều thú vị rằng, ngay từ đầu Công nguyên, đã từng có nền kinh tế ngoaị thương manh nha hình thành từ Hội An - Xứ Quảng. Công lao đó thuộc về thầy và các đồng nghiệp.
Tháng 7 năm 1985, thầy được UBND tỉnh QN-ĐN mời chủ trì tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia lần thứ I về Hội An. Ngoài việc trực tiếp dẫn dắt, chủ trì, tổng thuật khoa học của cả cuộc hội thảo với hơn 30 tham luận, thầy đã có quan điểm của riêng mình: khẳng định người Hội An (kể cả người Chăm trước kia và người Việt sau này) đã có cái nhìn về biển đúng đắn để giao thương hàng hải, phát triển ngoại thương, để mở rộng cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhận định đó đến nay vẫn còn rất giá trị, Hội An - Quảng Nam chỉ thật sự phát triển bền vững khi đặt trong mối quan hệ thoáng mở với quốc tế như truyền thống vốn vậy.
Tháng 3 năm 1990, tại cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về Hội An tổ chức tại Đà Nẵng (có hơn 150 đại biểu đến từ 9 quốc gia với hơn 30 báo cáo khoa học), trong tham luận “Vị thế địa - lịch sử và bản sắc địa - văn hoá Hội An”, thầy đã đưa ra kết luận rất khái quát “ Hội An: Đó là một sự hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng đa dạng!”. Quả là hiếm có một “định nghĩa” nào về Di sản Văn hoá Thế giới Hội An hoàn hảo, chuẩn xác và hàm súc như thế!
Những năm sau này, trong các chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ - văn hoá giữa Hội An, Quảng Nam với Hà Nội và Nhật Bản, thầy luôn được mời tham gia cố vấn và bao giờ cũng có những cống hiến khoa học xứng với tầm vóc “cây đa cây đề”. Qua ba lần điều tra, đào thám sát, khai quật khảo cổ học trên đảo Cù Lao Chàm, thầy đã làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, thán phục khi phát hiện và chỉ cho chúng tôi một dạng “thuỷ hệ”(hệ thống dẫn nước) quanh co trên sườn núi, đồng thời đưa ra những phán đoán về phương thức sử dụng “thuỷ hệ” này một cách đầy sáng tạo của cư dân trên hải đảo từ ngàn xưa. Cũng từ hố khai quật ở Bãi Ông, thầy đã đoán định niên đại những hiện vật bằng đá (rìu, bôn, bàn mài,...) có tuổi từ 3000 - 3500 năm, nghĩa là, cho đến kết quả nghiên cứu khảo cổ hiện nay, con người thời tiền - sơ sử đã xuất hiện tại hải đảo Cù Lao Chàm  trước cả Hội An nội địa (?),...
Và, còn biết bao tri thức khoa học khác mà thầy đã đóng góp cho Hội An - Quảng Nam và biết bao thế hệ học trò trong cả nước, đã truyền dạy vừa rất ân cần vừa hết sức nghiêm khắc cho thế hệ chúng tôi, đã gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề, đề tài cần kế tục suy ngẫm, nghiên cứu, làm sáng tỏ,...
Thế là “tứ trụ triều đình” nay không còn nguyên vẹn nữa! Các thầy Lâm, Lê, Tấn đã không còn người đồng nghiệp tri kỷ, tri âm! Các thế hệ học trò của thầy đã vĩnh viễn mất đi người thầy đáng yêu, đáng kính!...Từ quê hương Phố Hội - Quảng Nam, từ sâu thẳm trái tim mình, cho tôi chia sẻ nỗi đau này với những người kính yêu thầy Vượng!
                                                                                              Trần Ánh                                                                                                 
                                                                                      Hội An, 10.8.2005

5 nhận xét:

  1. Bài viết từ tháng 8 năm 2005 nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy rất hay Tr A ơi. Thầy TQV là hiền tài là nguyên khí của quóc gia. Hạnh phúc thay những người được học, được gần Thầy. Mình chưa được học, chưa được gần nhưng mình có đọc những quyển sách Thầy viết và những bài viết của ngững người học trò của Thầy. Cầu mong linh hồn của Thầy được siêu thoát.
    Tr A viết rất hay . Mong bạn tiếp tục (TQS)

    Trả lờiXóa
  2. Viết tiếp đi Trần Ánh .Viết về người Thầy đầu tiên và ...Hẹn ngày gặp nhau..H

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LH khi viết nhận xét nhớ để tên viết tắt là LH để tránh nhầm với 1 bạn trong lớp tên là H (TQS)

      Xóa
  3. Cảm ơn DVH,LH,NB,TA và các bạn trong lớp đã trang trí cho blog một diện mạo mới thật đẹp và có nhiều bài viết hay, sâu sắc, thật cảm động về các Thầy nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam.Kính chúc quý thầy cô và các bạn SKS đón một ngày 20/11 thật vui tươi như ý.

    Trả lờiXóa
  4. NHL ơi! Bạn có 1 tin nhắn trong bài Vua cờ (TQS)

    Trả lờiXóa