3 tháng 11, 2012

Nỗi nhớ đầu đông


     Bao nhiêu năm rồi dòng thời gian cứ mãi chảy và trôi về miền biên viễn của vương quốc hư không, nơi vị chúa tể toàn năng mang tên vô thức sẽ ban phát cho con người một đặc ân cao nhất là lãng quên đi bao nỗi sướng khổ buồn vui trong cuộc đời. Phải chăng chúng ta đã bắt đầu tập đếm thời gian? Bài viết của TTT, rồi còm của TTM, cộng với cái se lạnh ẩm ướt của gió đầu mùa ở Huế nghe thật da diết và cồn cào bao cung bậc cảm xúc.
     Huế không có mưa lạnh trắng trời sẽ chẳng còn là Huế, nên thật khó diễn tả hết tâm trạng của người Huế khi đón nhận cơn mưa lạnh đầu đông. Hơi thở mùa đông là dưỡng khí không thể thiếu để nuôi sống tâm hồn Huế.
     Cuộc sống hiện tại xô bồ đẩy con người vào vòng hối hả và chúng ta nóng lên vì nhiệt lượng trong cơ thể buộc phải nhiều hơn để tồn tại trong vòng quay đương đại. Ai đó bảo trái đất nóng lên là tại nhân loại nóng lên và mình tin điều đó là chính xác. Mình tin nên mình sợ rồi một ngày Huế sẽ không còn mưa lạnh nữa. Lúc ấy mình và bạn - những người đã sống và từng gắn bó một thời với Huế còn gì để mà nhớ mà thương nhỉ.
     Sáng nay, mình cùng NHL, NĐN ngồi nhâm nhi ly cà phê bên bờ sông Hương để cùng nghe hơi lạnh của gió mùa đông bắc đợt đầu, chưa đủ độ lạnh để uống đen nóng. Dần dần, hương vị ly cà phê xứ Huế sẽ biến thiên theo chiều ngược lại của biểu đồ nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dần. Và đó chính là cái thú vị, cái khó quên nhất của thú thưởng thức cà phê mùa đông ở Huế. Xin gởi đến các bạn một chút hương cà phê Huế vào trong gió.
     Chiều nay, thứ sáu cuối tuần, bọn mình ba đứa NHL, NHA và mình lại đội mưa lạnh đi nhậu sau giờ làm (sáng thì HA bận, chiều đổi lại ĐN bận - trà thì tam mà tửu chẳng đủ tứ). Uống rượu nóng người lại cởi áo ngoài ra uống tiếp. Nhậu đủ no, uống gần say vậy mà chỉ hết 149.000đ. Vậy thì theo các bạn, tụi này có nên tạo thành cái lệ nhậu mùa đông để ủ ấm tình bạn trong những ngày mưa tháng rét này không?
     Ôi! Nhớ cái buổi đầu đông năm thứ nhất, cả bọn lớp mình kéo nhau đến cửa hàng ăn uống Nam Sông Hương trước bưu điện Huế uống rượu cam đến khuya, rồi khất khưỡng kéo nhau lê lết về cư xá trong gió buốt. Tối đó, hai phòng nam có đến một phòng rưỡi say oắt, nôn mửa tưng bừng. Giờ  uống ken mà mong có được không khí rượu ngày xưa.
     Mai mốt khi mô trời Huế thiệt lạnh và mưa dầm, ông Minh rủ ông Hạnh, ông Huyên, ông Biên bay ra Huế uống cà phê rồi chiều nhậu rượu một trận với bọn này đi. Lâu lâu liều làm người điên cuối mùa một cú, bảo đảm quên luôn chuyện xa xỉ hay giản dị, chỉ biết sướng và hạnh phúc vì được điên thôi.
     30 năm trước, đa phần bọn mình chỉ mong được làm người điên trong vườn hoa tình ái, thì 30 năm sau cũng nên làm người điên cho khung trời kỷ niệm bạn bè.
     Ông Sửu có biết bài HÀNH nào về chủ đề này không ông? Xin lỗi vì chiều nay uống rượu đế mà quên gọi điện thoại cụng ly với ông. Hẹn ông tuần sau nhé!  đtd

7 nhận xét:

  1. Nếu đtd không bằng lòng với việc có đứa lộng quyền rinh bài từ chỗ này sang chỗ khác rồi còn đề tên đề tuổi, thì tìm S mà tính sổ nhé. Mình chỉ làm theo sự xúi giục của hắn. T

    Trả lờiXóa
  2. Nếu ĐTD có tính sổ thì tính luôn chuyện phạt người nào tự ý lấy bài Ba lần gặp ông đại sứ cất đi đâu rồi. Riêng việc nhờ T rinh bài của 2 ông D và M từ chỗ này sang chỗ khác, LT chịu trách nhiệm trước toàn q toàn d (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Thấy cái gối màu hồng của TTT dễ thương và ấm áp quá, nên thằng còm của mình muốn gối đầu lên nằm ké. Các vị không thương tình đem ra mặt tiền bắt hứng gió mùa nên còm tui xin vá lại mấy chỗ che bớt rách nát, đỡ xộc xệch.
    Chuyện "dân biết, dân bàn, ... , dân kiểm tra" đã là chuyện xưa như diễm rồi. Thằng dân đen nào dám nói chuyện phạt và tính sổ chắc là lỡ uống thuốc liều. Còn lại cái phần "dân làm" đó, lo chăm chỉ làm lụng bươn chải dưới sự chăn dắt của các quan phụ mẫu đầy năng lực "siêu... phàm" đi nhé.
    Hồi hôm xem chương trình góc nhìn văn hóa trên VTV, nghe giáo sư Phong Lê, Tiến sĩ Đoàn Hương và người dẫn chương trình Giáo sư Đặng Hùng Võ bàn về nền giáo dục nước nhà, sự xuống cấp của nhân cách và suy đồi đạo đức trong xã hội hiện nay thật quá thấm thía. Thực trạng xã hội cùng sự khô cứng của nền giáo dục chúng ta đã tạo ra hàng loạt sản phẩm mang nặng mùi tanh tưởi của đồng tiền. Giá trị vật chất lên ngôi còn giá trị nhân văn chật vật cố len lỏi đi tìm chỗ đứng vậy con người và xã hội rồi sẽ trôi dạt về đâu. Nghe đứa con kể rằng thầy xem bảng thành tích học tập phổ thông rồi bảo em học tốt vậy sao không thi vào các ngành khác mà thi vào khối C trường sư phạm mình chỉ còn biết kêu trời. Muốn hướng con cái vào cái nghề cao quý là học làm người để dạy người, hướng con trẻ học chuyên ngành Sử để biết ôn cố tri tân mà làm người cho xứng, thời nay sao lại khó thế. Chỉ còn biết cố hết sức mà động viên an ủi con và mong ngày mai trời lại sáng cho người với người sống để yêu thương nhau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm gì có con đường khoa học chân chính nào không qua chông gai. Thầy có thể chưa hiểu hết trò, và có thể thầy nói từ thực tế xót xa của hiện tại... Nhưng bạn và con đã nghĩ thấu đáo và đã chọn thì kiên định mà đi. Đích đến chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui.
      Anh hai Zippo nhà mình cũng học rất được, nếu vào du lịch hoặc hoặc kinh tế thì mọi cái coi như yên- ít nhất cũng tiếp tục công việc đã nề nếp của ba mẹ. Nhưng con đã tự chọn ĐHSP- nói là muốn đi dạy, muốn có học trò để cùng yêu thương lo lắng... Mình đã suy nghĩ rất nhiều, cũng có tham khảo ý kiến ĐVH và một số bạn khác. Cuối cùng quyết định ủng hộ. T

      Xóa
  4. Hồi đêm mình không xem Góc nhìn văn hóa nhưng mình nghĩ văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả những cái khác mất đi. Mình vẫn tin vào tương lai, vẫn tin vào văn hóa. Nếu dân tộc Việt Nam không có văn hóa thì đất nước VN sẽ không còn trên bản đồ thế giới ngày nay.Trong thời buổi nhiểu nhương này, mặc dù đồng tiền lên ngôi nhưng đó chỉ là chuyện nhất thời. Không có tiền nên người ta kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn. Nhưng cho rằng có tiền là có tất cả, kể cả hạnh phúc thì sai lầm lớn. Tiền nhiều không mua được hạnh phúc. Phải trả giá cho mặt trái của đồng tiền. Thế hệ chúng ta đã được học hành nghiêm túc nên phải hướng con cái tìm đến các giá trị thật của cuộc sống, cần phải biết cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời để đến khi cuối đời nhìn lại chúng ta không ân hận...(TQS)

    Trả lờiXóa
  5. Mình trích một đoạn trong bài "Sau tiền là tệ" trên blog Thùy Linh để các bạn ngâm cứu thêm" ... "Tại sao rất lâu trong xã hội lấy nho giáo làm nền tảng đạo đức lại có một tình yêu điên cuồng, khát vọng cháy bỏng đến vậy với tiền bạc khiến người ta không còn cả liêm sỉ khi lao vào kiếm tiền? Mình đã thử hỏi chuyện nhiều cô cậu học trò quen biết về nguyện vọng thi đại học thì hầu hết đều mong muốn thi những ngành nghề liên quan đến tài chính, kế toán dù không thích. Chả thế mà vài trường đại học đã không tuyển đủ số sinh viên cho các nghành nghề thuộc lĩnh vực nhân văn như ngôn ngữ, môi trường, lịch sử…Rất ít và hãn hữu có cô, cậu nào đó dám theo đuổi mơ ước mà họ yêu thích với cái nghề dự báo trước là sẽ nghèo, lương ít. Đồng tiền đã chi phối ngay từ nguyện vọng, mơ ước của người ta. Và đã lập trình cho con đường làm giàu ngay từ mơ ước thì đương nhiên họ phải đi theo tiếng gọi của tiền bạc. Liệu có ai hy sinh mơ ước của mình để theo đuổi nghề nghiệp kiếm tiền lại chấp nhận sống thanh đạm, biết đủ? Mình hoàn toàn không có ý trách đám trẻ về chuyện này khi bản thân xã hội không đủ sức mạnh lôi cuốn giới trẻ dám thực hiện mơ ước của họ. Những rõ ràng sự yếu đuối trước cuộc sống luôn bị ám ảnh về sự no, đói; sức hấp dẫn lôi cuốn về cuộc sống xa hoa vật chất hàng ngày chường mặt trên báo chí, hay trở thành lối sống, tín điều bám chắc trong tư duy của người Việt hôm nay dường như là vô tận… Hầu như tất cả mọi người đã bị cơn mê sảng về tiền bạc làm cho mụ mị, nhất là những kẻ như bố già Kiên và các quan chức. Họ tự tin đến mức ngông cuồng khi tạo dựng đế chế bất khả xâm phạm trong nhiều năm để kiếm tiền, thâu tóm tiền bạc, của cải của xã hội vào một nhóm người".

    Trả lờiXóa
  6. Không thể có mùa xuân quanh năm, nhưng tâm hồn có thể trẻ mãi đến cuối đời nếu giữ được trong tim tình yêu tha thiết với những người đáng được yêu mến, nếu không bỏ qua và thờ ơ với tất cả những gì đẹp đẽ, cao thượng ,tốt lành và chân thực (Ph. Levan)

    Trả lờiXóa