19 tháng 11, 2012

THƯƠNG NHỚ THẦY NGUYỄN ĐÌNH THẢNG

         Kỷ niệm 30 năm ngày ngày nhà giáo VN, trên những con đường lớn : Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi ... TP.HCM những dải lụa phấp phới trong gió chiều, ghi những câu trọng thị:  " tôn sư trọng đạo", "nhất tự vi sư bán tự vi sư", "lương sư hưng quốc", "muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy Thầy". Từng tốp học trò nét mặt hớn hở dừng chân ở các shop hoa lớn hay những quầy hoa di động của các anh chị sinh viên ở gần cổng trường ĐHSP, ĐHKHTN, ĐHSG..., mua những giỏ hoa nho nhỏ với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng... lấp lánh  như niềm vui của các em hòa trong tia nắng sớm. Nhìn các em háo hức xôn xao, mình lại nhớ quý thầy cô đã dạy dỗ mình từ mẫu giáo cho đến những năm Đại học. Suốt 4 năm đèn sách trên giảng đường Trường ĐHTH Huế, cụ thể là lớp Sử K6, hình ảnh thầy Nguyễn Đình Thảng, một nhà giáo mẫu mực, tấm gương cao quí của sự nghiệp trồng người mãi đọng lại trong lòng mình những ký ức khó phai. Cuộc đời Thầy đã gặp biết bao điều trắc ẩn. Có lần mình cùng Trịnh Dũng, Sử K5 đến chơi nhà Thầy, thấy học bạ của cháu Phong con trai Thầy để trên bàn liền giở xem, đọc lời thầy ghi:  " tôi cảnh gà trống nuôi con, nhờ thầy cô quan tâm dạy dỗ cháu". Tôi và Trịnh Dũng nhìn nhau muốn ứa nước mắt. Sau đó trong một dịp tôi về thăm quê Thầy ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quãng Ngãi - nhà tôi cách nhà Thầy một giờ xe đạp. Tôi được biết Thầy có nuôi một người con nuôi. Số là sau khi cưới vợ chẳng được bao lâu Thầy tập kết ra Bắc, người vợ trẻ ở lại miền Nam, bị một người có quyền lực của chính quyền đối lập ép có con, sau giải phóng Thầy trở lại quê, biết sự tình, Thầy đã xem đứa trẻ đó như con đẻ của mình, và cháu quí Thầy như cha. Cháu Phong là kết qủa của tình nghĩa vợ chồng sau ba mươi năm xa cách của Thầy. Bây giờ mình kể chuyện này các bạn có thể thấy bình thường, nhưng những năm sau chiến tranh thì cách xử thế của thầy thật là cao cả, lời thị phi, đố kỵ và hận thù còn chưa xóa hết ở đâu đó trong lương tâm con người, thi xử thế của thầy thật là cao cả .
        Lần nọ, tôi đi bưu điện nhận quà gia đình gởi cho, xe đạp thầy chạy ngược chiều, thấy tôi thầy dừng lại, bảo tôi ngồi trên xe thầy chở vế, tôi ngần ngại, giọng thầy dứt khoát, tôi ngoan ngoãn vâng lời. Một dịp hè,  thầy đến vùng biển quê tôi thăm chơi. Thầy trò dạo động cát vàng bao quanh vịnh Dung Quất. Những rặng phi lao rì rào, cùng tiếng sóng ven bờ, tạo ra bản hòa âm dịu êm của biển chiều yên lặng. Bất chợt tôi tôi gặp ánh mắt ưu tư, lắng đọng của thầy. Thầy kể tôi nghe câu chuyện thương tâm của vợ chồng nhà cọp, chuyện rằng : có hai con cọp, cọp vợ, cọp chồng, những đêm trăng sáng từ miền sơn cước Trà Bồng, rủ nhau dạo chơi bãi đá dọc Dung Quất ngay chân núi Nam Châm, một lần mãi giỡn trăng cọp vợ sẩy chân chết chìm dưới biển, cọp chồng than khóc thảm thương, từ đó mỗi năm đến ngày vợ mất cọp chồng về bãi đá xưa tưởng nhớ vợ hiền xấu số. Quê mình trước đây, cứ đến ngày ấy là xằng la, mỏ, khua động thâu đêm, suốt sáng, đến khi chiến tranh cho tới hòa bình, quê tôi không còn bóng dáng ông ba mươi nữa. Câu chuyện thầy kể tôi nghe là thông điêp về lòng chung thủy. Tết con chuột, cách nay hai mươi mốt, hai mươi hai năm. Mình đến thăm thầy, trên bàn tiếp khách, có đĩa bánh mức, và lọ hoa đằng sau lọ hoa có bìa cứng dựng đứng, mặt trước để trống, tôi tò mò lật phía sau, đọc bốn câu thơ :
                           Mèo gầy phải bắt chuột con
                           Mèo mà như chuột thì còn hại to
                           Năm mèo nông vụ vẫn lo
                           Dưới đồng nhiều chuột, trên gò thiếu khoai .
         Lời dự báo cho căn bệnh trầm kha xã hội, tham nhũng ngày thêm nặng, đến lúc trở thành đại dịch như chuột đồng cắn phá thóc lúa, ngô khoai. Thầy gần gũi với gia đình mình, đám cưới em trai mình Nguyễn Hòa thầy có dự. Khi thầy nghỉ hưu sống với cháu Phong công tác ở đài truyền hình Quảng Ngãi, một dịp quê mình được tổ chức lễ hôi văn hóa dân gian của tỉnh, thầy về dự không quên con đường vô nhà mình thăm cha mẹ mình. Ngày thầy mất mình ở TP.HCM cuộc sống mưu sinh còn vất vả, mình không về được để tiễn đưa người thầy, đã đi hết quảng đường nhân gian với tâm hồn trong sáng. Mình thắp nén hương đứng trước cửa nhà, khấn vái thầy mà rưng rưng nước mắt .
         Trong mình từng có hình ảnh của cha Lenin, nhà giáo già đội tuyết đi đến  trường này trường khác lo chổ học cho con dân nghèo (trong tác phẩm trái tim người mẹ), hình ảnh nhà giáo Nguyễn Tất Thành ở Phan Thiết, thầy dạy sử Võ Nguyên Giáp trước khi làm đại tướng, xa hơn nữa nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần, nhà giáo Chu Văn An dâng sớ xin trãm 7 nịnh thần. Ngày nay cuộc sống người thầy còn khó khăn nhưng khuôn mẫu, mực thước, mô phạm là bản chất người thầy đâu đâu cũng tỏa sáng .
        20/11 mình nhớ thầy Đình Liễn hiền hậu, say sưa môn sử VN, mình không quên câu thầy hỏi: Nhà Nguyễn mất nước tất yếu hay không tất yếu? thưa thầy do ở con người, sự nhu nhược,  hèn nhát của những người đứng đầu quốc gia đồng nghĩa với tất yếu, sự đồng lòng dũng cảm của toàn dân yêu nước sẵn sàng đánh giặc là không tất yếu. Mình nhớ thầy Đỗ Bang nay là TS lịch sử, chuyên gia số một nghiên cứu nhà Tây Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ người nông dân áo vải lật đổ chế độ vua quan thối nát tham nhũng, lịch sử có thể lập lại. Nhớ thầy Đình Khôi trầm tư, nghiêm túc trong khoa học, nhớ thầy Hà Văn Thịnh uyên thâm nhìn xuyên trang sử, nhớ thầy Nhành  chiều chiều đạp xe vào cư xá, gần gũi sinh viên, năm ấy Huế bão lớn "cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng, xẻ chia đắng cay, gian khó mặn nồng", thầy đứng trước lớp nói: "bão đi qua để lại đống tro tàn" trong khung cảnh đau buồn mà cả lớp không nhịn được cười.
        Và bao thầy cô nữa trong tim mình mãi mãi không quên .
                                                                                                              NB

3 nhận xét:

  1. Cảm xúc chân thành sâu lắng. Cám ơn NB đã viết bài này bằng lòng yêu thương, niềm tôn kính về những người THẦY của chúng ta. Mình thấy sang cũng bắt quàng làm họ. Cho mình ké với! T

    Trả lờiXóa
  2. Mình hoàn toàn đồng thuận với B về những cảm xúc, sự tôn vinh đối với các thầy cô đáng kính. Thật là bất hạnh cho những ai không có hoặc có quá ít thầy cô để mình mãi mãi tri ân, tôn kính phải không B? Viết đều hơn cậu nhé! (TA)

    Trả lờiXóa
  3. Mình vừa đọc xong bài của NB. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, chúc Thầy Cô luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Dù có làm việc gì hay sống ở nơi đâu, bao giờ hình ảnh và những lời dạy bảo của Thầy Cô cũng sẽ theo chúng em đến cuối đời.
    Nhân NB viết về Thầy Thảng, mình kể thêm cho các bạn nghe một số chuyện. Ngày Thầy mất ( năm 2007), học trò về rất đông. Vì ở gần nhà Phong( con của Thầy) nên mình có mặt thường xuyên. Khi viết điếu văn, một số anh em sv khóa 1, 2 và một vị lãnh đạo tỉnh cùng với một vài người nhà ( trong đó có mình, vì mình là người bà con với vợ Thầy )hội ý bởi có thông tin: Ngày xưa, khi học ở Tổng hợp văn Hà Nội,thầy Thảng là người giới thiệu TBT Nguyễn Phú Trọng vào Đảng, bây giờ có đưa thông tin trên vào trong điếu văn không. Khi hỏi ý kiến, mình không đồng ý, bởi cả cuộc đời Thầy giới thiệu biết bao nhiêu người vào Đảng, sao lại chỉ đưa 1 mình ông NPT. Nhưng ý kiến mình không được chấp nhận.Trong số vòng hoa tang có vòng hoa ghi tên NPT.
    Khi đưa tang Thầy về quê xong, trở lại nhà của Phong, một số anh em học trò bà con ngồi lại, mình nhớ lại 1 câu chuyện rất xúc động. Số là trước đó 1 năm, hình như ngày mùng 4 Tết, Thầy cúng tạ và có mời một số người, trong đó có Trần C Tánh- văn k2, Nguyễn Đ Vũ- văn k1 và một số anh em Sở văn hóa...Uống được vài ba lon, Thầy bắt đầu kể về cuộc đời( có 1 số chuyện như NB đã kể).Và có 1 chuyện hồi giờ chưa ai biết: Số là khi tập kết ra Bắc, có một người con gái Hà Nội rất thương Thầy nhưng vì đã có vợ nên Thầy chỉ đối xử như anh em bạn bè. Thời gian qua đi,bao nhiêu năm sau, người con gái ấy có chồng có con nhưng vẫn nhớ về Thầy. Và bạn có biết, ngôi nhà xinh đẹp mà gia đình Phong ( con của thầy) đang ở, người thiết kế là kiến trúc sư - con của cô gái Hà Nội xinh đẹp ngày xưa với người chồng hiện tại.
    Hôm đưa tang Thầy, người rất đông, có đủ giới, học trò, bạn bè , quan chức, bà con gia đình, đặc biệt bà con ở quê rất đông.Xe chở quan tài trên đường về quê, mình thấy có một số bàn thờ để trái cây và thắp nhang đèn và người đứng lạy khi quan tài đi qua.Một số phận một cuộc đời. Có phải trời buồn mà mưa bay lất phất. Nhớ đến Thầy , mình khóc... (TQS)

    Trả lờiXóa