8 tháng 9, 2012

Đọc chuyện LH ( tiếp theo và hết tập 1 )



Gió heo may đã về chiều tím loang vỉa hè và gió hôn tóc thề rồi mùa thu bay đi…
Quê hương chiều cuối thu mưa buồn và xám lạnh. Tạm biệt bếp lửa của Bằng Việt những đêm thu về vẫn nhắc thầm “ sáng này mẹ nhóm bếp lên chưa”. Với bạn bè xin vẫy tay chào nhau.Và những tàu dừa như bàn tay đan trong gió biếc xôn xao. Tạm biệt quê hương con đường làng bé nhỏ, cánh đồng xanh lúa khoai…hẹn ngày trở về.
Bến xe An Cựu và bạn bè đón nhau. L và mình lững thững xách va li trên đường về cư xá sinh viên. Ánh điện chìm trong sương mù. Cung An Định vang lên những giai điệu thân quen “một ngõ vắng xôn xao”… “đường phố đã vào hè”…Nhà thờ An Cựu uy nghiêm. Tượng Chúa Giê Su vẫn dãi dầu cùng sương gió:
“ Đôi tay hờ như nhắn với nhân gian
Cuộc đời vốn nhiều nước mắt
Hãy theo ta sẽ về nước thiên đàng…”
Nhớ những chiều những đêm trăng một mình đến đây ngồi chơi ngắm trăng hóng mát và suy ngẫm chuyện đời hoặc cùng bè bạn đến đây trò chuyện. Thỉnh thoảng ngắm những bóng hồng dạo dưới trăng, ngắm những con chiên trung thành của Chúa. Những cô gái đẹp tuyệt vời. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ những khuôn mặt hồng như trái chín, những bộ ngực nở nang căng phồng sự sống, những bước chân thanh thoát dịu dàng…Chính ma lực ấy đã hấp dẫn Xuân Diệu từ buổi đầu. Suy cho cùng thần thi ca cũng chỉ tôn thêm vẻ đẹp của thần Venus đấy thôi. Nhà thơ đã xếp những trang sách vào một xó để tìm về với
“ Ruộng gió đồng trăng anh ấy đi…
Bạ kẻ nào đâu anh cũng mê
Chân theo xa với trí theo về
Si tình lắm đấy nhưng đôi lúc…
Có gửi thư đi chẳng thấy về…”
Bạn bè khệ nệ khiêng hòm kinh sử trở lại phòng mình. Tôi cũng vậy. Sau khi chào hỏi thân mật, dọn giường chiếu xong, khi ánh điện đường sáng lên chúng tôi kéo nhau xuống quán cà phê Nam Sông Hương. Vừa trò chuyện vừa uống cà phê vừa nghe nhạc vừa nhìn phụ nữ, cố đoán xem trong hơn một tháng qua những mẫu hình quen thuộc có gì khác trước.
Năm học thứ ba bắt đầu. Đây là năm học nhàn nhã nhất trong quảng đời sinh viên. Ngoài những giờ lên lớp như thường lệ thời gian còn lại dành cho thư viện. Một mình sử dụng đến 3 thẻ thư viện: thư viện trường, thư viện nhân dân, thư viện thành phố. Có thể nói với 3 thẻ ấy muốn đọc gì cũng có, muốn đọc lúc nào cũng được. Mặt khác có điều kiện thay đổi không khí vừa học vừa chơi lại được tiếp xúc với nhiều con người khác nhau.
Sách ở đây không thể nào đếm xuể và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của tri thức loài người tích lũy được từ chính trị, khoa học, nghệ thuật… và hàng trăm chuyên ngành lớn nhỏ khác nhau chưa kể báo và tạp chí các loại. Những chiếc ghế nệm xinh xắn xếp quanh những bàn đọc lí tưởng. Ánh điện sáng ngời. Quạt trần mát rượi. Qua những ô cửa kính thỉnh thoảng có thể nhìn ra bên ngoài. Nếu sách là một kì công to lớn và phức tạp nhất mà con người đã sáng tạo ra trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai thì thư viện là nơi học tập tốt nhất và mỗi ngành khoa học là một chìa khóa kì diệu giúp chúng ta khám phá một phần bản chất con người và thế giới tự nhiên. Tôi đã lao vào đọc, học… với tất cả sức lực say mê nhưng chẳng ăn thua gì. Bốn năm quá ít để tiếp cận với một ngành khoa học dù nhỏ bé nào. Mỗi ngày càng hiểu ra lời tổng kết lao động miệt mài của Các Mác: “ đối với khoa học không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả. Chỉ có những ai không sợ chồn chân mỏi gối trèo lên những con đường nhỏ bé ghập ghềnh của khoa học mới hi vọng đạt đến đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi”. Càng biết ơn V.I Lê nin khi người nói: étudiant, étudiant, étudiant toujour ( học, học nữa, học mãi ).
Năm học nầy lớp chúng tôi đón thầy Phùng Hữu Phú, phó tiến sĩ sử học ở Hà Nội vào thỉnh giảng phần Lịch sử Việt Nam hiện đại. Với bộ ka ki màu vàng thẩm, mũ kết bi, cặp trên tay, dáng đi nhanh nhẹn, bài giảng sâu sắc với giọng nói khúc chiết đầy ma lực, thầy đã gây men say mê trong mỗi chúng tôi. Trung bình mỗi ngày chúng tôi học 9 tiết. Thầy trò làm việc cật lực say mê. Chúng tôi nắm tay cùng chạy về đích thật nhanh. Mỗi sáng chiếc xe Lađa chở thầy đến bậc tam cấp. Sau khi vượt qua 127 bậc tam cấp chúng tôi lao vào công việc. Điểm đáng nhớ ở đây là trong mỗi bài giảng thầy có một phong cách diễn đạt khác nhau: ngôn ngữ nói chẳng khác nào ngôn ngữ viết, không thừa không thiếu. Ngoài giờ dạy, thầy trò nói chuyện với nhau thoải mái nhiệt tình.
Nhớ mãi tầm vóc một người thầy hồn hậu và nhiệt tình. Thấm thoát Chuyên đề cũng sắp xong, thời gian hợp đồng đã hết. Chúng tôi lưu luyến tiễn biệt một người thầy đáng nhớ nhất trong đời sinh viên trở về Hà Nội. Trong buổi họp mặt thân mật chúng tôi hút thuốc ăn kẹo trò chuyện vui vẻ, tặng thầy chiếc nón Huế xinh xắn và 2 cuốn sách. Bấy giờ là mùa xuân, Hà Nội đang đợi Thầy ngày trở về.
Bên cạnh thầy PHP tuyệt vời về môn Lịch sử Việt Nam hiện đại, thầy Thịnh cũng tài ba không kém về môn Lịch sử thế giới hiện đại. Chúng tôi cùng nhau vòng quanh thế giới qua bài giảng của Thầy bằng cách tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại, chỉ khác với Colompo vòng quanh thế giới bằng con thuyền của ông, qua nhiều bài giảng về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở Áo, Hunggari, Ba Lan…Chúng tôi say mê những bài học về nước Mỹ với những tên tuổi lừng danh: Oa sinh tơn, Ru zơ ven…Từ một nước theo chủ nghĩa quốc gia truyền thống, từ những Hiệp ước và Thông điệp, từ sự giàu có về tài nguyên… Mỹ đã vươn lên bá chủ hoàn cầu ra sao? Quá trình phát triển và suy tàn của chủ nghĩa đế quốc…Tất cả đều sống động qua những bài giảng sâu sắc với giọng nói hùng biện của một nhà ngoại giao, một chính khách  tài ba khoác áo giảng viên.
Bây giờ xa rồi những hình dáng thân yêu. Mỗi con người một số phận nhưng làm sao quên được những ngày đi học. Ở đó mỗi lần gặp gỡ trò chuyện đều gợi cho con người lòng khát vọng và say mê.
Tôi đã đi từ làng quê thân yêu với mái trường nhỏ bé đến phố thị với giảng đường đồ sộ…Và phải chăng ý thức là nguyên nhân của mọi sự đau khổ. Anh sinh viên Raskônicôp là tiêu điểm của một thấu kính hội tụ để người ta soi mình vào đó và hiểu được thế nào là “ tội ác và trừng phạt” trong thế giới hiện sinh của con người. Hoan hô Dostoievski, một con người khổng lồ, một tác giả được say mê nhất của hàng triệu người đọc. Một con người say mê đi tìm những bóng hình thể xác của cái induvidu và mổ xẻ bằng tia la de ngôn ngữ, cảm nhận và khám phá nó bằng sự sống của cả đời mình.
Học kì một trôi qua trong niềm luyến nhớ. Mùa xuân về ngự trị giữa lòng phố thị tự bao giờ. Những cánh hoa tươi những chùm lộc mới vẫy tay như xua đuổi mùa đông rét mướt ảm đạm chạy vào ngõ vắng.
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Chuẩn bị trở về quê hương chào đón mùa xuân đồng nội. Tạm biệt giảng đường, thư viện, tạm biệt những con đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… Tạm biệt những buổi chiều những dãy núi xa xanh mờ dần trong nắng nhạt. Vẫy tay chào dòng sông:
Hương Giang sông buồn trôi chậm rải
Trăng Vĩ Dạ bâng khuâng hồn vụng dại
                 ( Trời xanh như biển tím )
Trở về với biển quê hương:
“…Ta lại về xuôi với biển xanh
Muôn đời sóng nước vỗ reo quanh
Êm như bài hát giao duyên ấy
Ru lịm hồn ta dưới nắng hanh”
Vượt dặm dài 250 km qua hai thành phố một thị xã, anh sinh viên đã về “ ngồi yên giữa mái nhà”. Đâu cũng là đất đâu cũng là người. Với quê hương vẫn tạc một dáng hình riêng rất đỗi thiết tha. Đây rồi hàng cây bờ cỏ con đường yêu. Chú “ki ki” chạy ra quấn quít bên chân chủ. Căn nhà khang trang đang ngủ yên bỗng choàng dậy đón chủ nhân trở về. Lại bắt tay lau chùi bàn ghế, sửa lại lư hương, dọn dẹp trong nhà ngoài ngõ. Một mình ngồi ung dung và nghĩ ngợi xa xăm. Giá như giờ này Ba còn sống, Người sẽ tự hào khi thấy hai con phương trưởng hòa hai. Lại trò chuyện cùng Mẹ và Chị. Sau bữa cơm tối ba mẹ con quây quần bên chiếc bàn ăn, mình kể chuyện đông tây kim cổ…Mẹ Chị ngặt nghẽo cười:
“Trăm sắc huy hoàng tắm núi sông
Nàng xuân đã đến trong bao lá
Với nụ cười tươi với nắng hồng”
Đi qua vùng cỏ non ngỡ mùa xuân đang tới. Bâng khuâng chiều ba mươi tóc em xanh màu trời…
Những người dân quê tôi sau nửa tháng tất bật chuẩn bị cho ngày Tết, ngày cuối năm nhà nhà đều cúng rước ông bà. Chiều khói hương nghi ngút. Sau bữa cơm thịnh soạn chiều cuối năm, người người đều cảm thấy nhẹ lòng thanh thản… Công việc đồng áng trong nhà ngoài ngõ đã xong, họ ngồi bên những chén trà thơm  vui vẻ chuyện trò, chờ đợi và ung dung bước qua ngưỡng cửa của một ngày mới với tấm lòng tự tin và nhẫn nại.
Màn đêm buông trên đường. Trên nền trời xanh những vì sao nhấp nháy. Tôi nhẹ nhàng khép cửa ngồi bên ánh đèn đọc sách, hút thuốc, nhấm nháp các loại bánh… chờ phút giao thừa.
Lòng nhớ xa khơi lại nghĩ gần
Dáng ai gấp gháp trên đường lớn
Hoa mai vàng nở rộ ngoài sân…
Ngồi chờ pháo nổ, trí bâng khuâng…
      ( Ngồi đón giao thừa trên quê hương)
Những đêm giao thừa và những lần suy tư chiêm nghiệm suy nghiệm về cuộc sống về sự hiện diện của bản thân mình. Những dòng chữ bâng quơ chạy dài trên giấy trắng. Đây là bài thơ tặng Mẹ, kia là nỗi nhớ bạn bè. Trên bàn bày một bình hoa cúc:
Hoa vẫn nguyên màu cúc
Anh cầm như trăm năm
Trong căn nhà yên ấm, Mẹ Chị đã nằm từ lâu. Không biết Mẹ Chị nghĩ gì trong giờ phút thiêng liêng này. Chắc chắn Mẹ nhớ Ba rồi. Những đêm như thế này mình nhớ Ba cồn cào. Những đêm như thế này mấy năm về trước, sau khi cúng giao thừa xong, hai cha con ngồi ăn bánh uống trà hút thuốc… Trong bộn bề cuộc sống , những giây phút hạnh phúc hiếm hoi và quý giá biết chừng nào.
Mùng một Tết, mùng hai Tết tôi ở nhà tiếp khách. Họ hàng đến mừng tuổi ông bà, bà con nội ngoại đến thăm. Ngày Tết là tụ điểm thể hiện nổi bật nhất mối quan hệ huyết thống và mối quan hệ láng giềng thân thiện. Mùng ba, tôi đi đáp lễ những người đến thăm. Mùng bốn, mùng năm dành cho bạn bè và một người con gái.
Nhớ những ngày quây quần với bạn bè bên những đĩa bánh chai rượu. Một nguyễn Chí Tuyển đam mê và nghị lực ( Tuyển là người đưa LH về nhà TQS hôm 25/8/2012). Một Trần Nhạn “ hiền như con gái”. Một Nguyễn Lệ lông bông. Một Trần Trầm chán chường trên nẻo đường khoa cử. Một Trần Hiền “ chấp nhận trăm lần trong thổn thức”… Ôi! Những gương mặt bạn bè sao thân thương đến thế. Và bao nhiêu bạn khác nữa… Và những đêm vui, những giọng nói, những lời thơ tâm tình, những giọt lệ… của những chàng trai còn lẩn quẩn trên đường về miền đất hứa. Còn những người bạn ở xa: Lê Văn tiến, P, N…
Những bài thơ tiền chiến ngân lên trong căn phòng ấm áp lung linh ánh đèn khói thuốc. Những li rượu nồng đượm hương thơm… “ Màu tím hoa sim” được phô diễn qua giọng ngâm trong, ấm của TN tặng cho người thiếu phụ:
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại…
Thương người vợ hiền bé bỏng chiều quê.
Luận đọc bài “ Quê hương” của Giang Nam và hát. Một sinh viên ngoại ngữ hết mình với bạn bè trong cuộc vui. Phạm Công Như với giọng hát say mê và ngón đàn tuyệt vời. Những bài ca của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… vang lên rộn ràng. Hát và nhảy.
Đấy là những lần gặp gỡ vào mùa xuân và mùa thu trong mỗi dịp về quê. Những cuộc vui thần thánh của bạn bè. Tri thức là cầu giao nối liền tình bạn mến thân và sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau.
Những ngày nghỉ Tết ngắn ngủi trôi qua. Tôi lại xách va li trở lại trường. Ổn định lớp rồi lên đường đi thực tập.
Ga An Hòa một sáng mùa xuân, chúng tôi lỉnh kỉnh trong bộ đồ nghề của mình lên xe ra huyện Triệu Hải. Đoàn chia làm 3 nhóm. Nhóm chúng tôi gồm có VNĐ, TBN. Từ huyện Triệu Hải chúng tôi lỉnh kỉnh cuốc bộ về Triệu Long. Sau vài ngày làm quen với các cô chú ở Ủy ban, Hợp tác xã, bà con quanh xóm, chúng tôi bắt tay vào công việc. Tôi được phân công phụ trách tìm hiểu “ Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân xã Triệu Long từ 1954 đến 1975”. Sáu tuần ở Triệu Long ngày nào trời cũng mưa như trút. Chúng tôi đã đi trên những con đường quê lầy lội. Đoàn ở nhà cô Thỉ. Hợp tác xã, Ủy ban chỉ định cô nấu ăn giúp chúng tôi. Bữa cơm nào cũng có rau xào rau sống thỉnh thoảng có thịt cá. Chúng tôi đã đến Bích La- quê hương và dòng họ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, quê hương của cố Tổng bí thư LD… Cuộc sống ở đây mới bắt đầu trổi dậy từ sau mùa hè đỏ lửa 1972. Cái mùa hè khủng khiếp của nhân dân Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ thành phố cho đến nông thôn đều đổ nát đều bị san bằng. Ở đây Tố Hữu đã nói rất đúng rằng:
Ai tính được giá một ngày chống Mỹ
Ở miền Nam hỡi em nhỏ của anh
Xen giữa những ngày thu thập tư liệu, chúng tôi tổ chức hội thảo với Ủy ban để kiểm tra lại nguồn tư liệu. Thấm thoát cũng đến ngày trở lại trường, Ủy ban tổ chức liên hoan thân mật tiễn đoàn trở về cố đô. Chúng tôi không quên sự giúp đỡ của gia đình cô Thỉ, chú A ( chủ tịch xã) và nhiều người khác ở xã Triệu Long.
Ngày 26 tháng 3 chúng tôi trở về trường bắt gặp không khí tưng bừng ở Huế đang kỉ niệm ngày giải phóng cố đô. Ngày hôm sau tôi trở về quê nhà nghỉ ngơi một tuần lễ.
Bảy ngày trôi qua, một lần nữa tạm biệt quê hương, tạm biệt người Mẹ già đau yếu… để trở lại trường. Lại lao vào học tập. Và một sự kiện đã xảy ra trong giờ Lịch sử thế giới của một cô giáo ( tôi không nhớ tên ). Tôi đã viết một bài về con Thỏ và con Rùa nhằm lên án sự trì trệ bảo thủ của nhân loại. Với bài viết này, Lớp phải họp nhiều lần để phê bình theo chỉ đạo của Nhà trường. Lại một tờ dài kiểm điểm , kết quả là được “ thưởng” hình thức cảnh cáo toàn trường. Merci friends.
Bây giờ nghĩ lại cảm thấy nực cười. Lên án sự trì trệ bảo thủ nhằm góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn lại bị “ chụp mũ” thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên. Ha ! ha !
Nhớ lại lời nói của nhà dân tộc học Từ Chi: phàm khi người ta đã là một ông quan thì không thể là người trí thức được! Như thế có vẻ phản biện quá chăng. Nên gọi như thế này, họ là những “ ông quan- trí thức”.  Lại tiếp tục lao vào học tập cho đến ngày trở về nghỉ hè hằng năm.
Mùa thu về, năm học thứ tư bắt đầu. Tôi và một số bạn xin vào chuyên ban Dân tộc học. Trở lại trường, sau khi học nốt những chuyên đề về Phương pháp luận, Dân tộc học, Tâm lí học, Nhân chủng học…tất cả lên đường đi thực tập. Tôi được phân công làm đoàn trưởng về các huyện miền núi bắc Nghĩa Bình.
Sáng 24 tháng 2 lên đường đi Qui Nhơn nhận Giấy giới thiệu, gặp thầy Hồng, TQS, LKO đang ở Qui Nhơn. Thầy trao giấy tờ xong tôi về chỗ ở của Trần Cao Tánh ( 304- Lê Hồng Phong) ngủ. Sáng hôm sau Chế Q Hoanh đưa xuống bến xe về quê nhà. Lại ra trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi đón TTM, Trần B Nhật, Tuấn cùng nhau mua vé đi Trà Bồng.
Những ngày ở Nhà khách UBND huyện Trà Bồng tôi cùng với TTM qua huyện ủy, UBND trình bày mục đích yêu cầu của chuyến đi và phương hướng làm việc. Sau hai ngày nghỉ ngơi chúng tôi bắt tay vào công việc. Sau khi tìm những tư liệu ở huyện ủy, ủy ban tôi lên Công ty quế thăm Côi, Kiệt và liên hệ xe đi Trà Phong. Lại cùng nhau nằm ở Trà Phong một tuần lễ. Một lần nữa lại đến với Trường sơn.
Gần một tháng rưởi ở Trà Bồng đến lúc chia tay nhau, Nhật, Minh, Tuấn trở lại quê nhà. Tôi ghé về thăm Mẹ mấy hôm rồi đi Ba Tơ. Đến Ba Tơ gặp Ánh ( Tổng hợp toán) làm ở Văn phòng UBND huyện. Làm việc với huyện ủy, ủy ban một tuần rồi đi Ba Xa, Ba Vì cùng với Đội văn nghệ lưu động của huyện. Lần này gặp Ánh và anh Thanh ( Công an ) cùng nhau đi chơi cùng nhau uống rượu. Dân tộc học là môn học uống rượu mà! Ha ! Ha !
Hơn hai tuần ở lại Ba Tơ thỉnh thoảng chiều buồn lại lên huyện ủy chơi và trò chuyện với chú Tân- phó bí thư huyện .
Lại trở về quê nhà. Nghỉ ngơi.
Trong chuyến thực tập nầy tôi được Côi báo tin Hiền cưới vợ. Một buổi chiều mùa hạ tôi cùng Côi về dự đám cưới Hiền. Ở lại và giúp đỡ nhiệt tình từ ngày đầu cho đến ngày cưới. Thế là “ họ” đã nên vợ nên chồng sau khi đã vượt qua bao giông tố thác ghềnh. Trở lại trường và bắt tay vào viết luận văn tốt nghiệp. Lại bị đau một trận phải nhờ Văn Nam giúp đỡ nhiệt tình mới xong luận văn đúng thời hạn.
Thấm thoát cũng đến ngày bảo vệ luận văn. Một bầu không khí buồn tẻ. Các thầy cô trong tổ bộ môn ở trong đoàn chủ tịch. Tất cả những tiết mục đều diễn ra đúng nghi thức. Mỗi người sau khi đọc Bản tóm tắt phải trả lời khoảng ba bốn năm câu hỏi của giáo viên phản biện. Giáo viên hướng dẫn và giáo viên phản biện đọc nhận xét ( về hình thức nội dung ) luận văn. Sau đó Hội đồng bảo vệ cho điểm bằng phiếu kín. Ngày bảo vệ luận văn cũng trôi qua. Ánh, V Nam được 8 điểm, Huyên, Minh, Sửu… được 7 điểm. Số còn lại được 6,5 điểm. Nghỉ ngơi ít hôm, cả bọn lao vào ôn tập chính trị , pháp văn để chuẩn bị thi quốc gia…
Những ngày cuối cùng của năm học thật là khẩn trương. Việc học tập cũng kết thúc tốt đẹp. Rồi cùng nhau đi khám nghĩa vụ quân sự. Lớp lại tổ chức kết nạp Đoàn và lần thứ hai tôi trở lại đội ngủ. Tuần cuối cùng ở lại trường, cả khóa học tập chính trị. Ban đêm cùng nhau đi đến các cửa hàng uống café , cùng nhau đi xem phim. Cuối cùng là bữa liên hoan mặn để ngày sau chia tay. Lại say sưa với bạn bè.
Lên đường trở về quê nhà với hòm sách trên xe, va li trong tay. Chấm dứt 4 năm học tập nghiên cứu…dưới mái trường đại học Tổng hợp Huế. Từ giã tuổi học trò, vẫy tay chào những hàng phượng vĩ… “ Nghe tiếng ve réo gọi hồn tôi. Thôi cạn li giã từ nhau nhé…Cùng chúc nhau những lời gì đây…Phút giây này nhớ vạn ngày sau…” ( Hết tập 1 )

Quảng Ngãi, thứ bảy ngày 8 tháng 9 năm 2012- đúng 2 tuần ( 25/8/2012_ 8/9/2012)  SKS gặp lại LH sau 26 năm lưu lạc.
Người đánh máy, biên tập và post : TQS


11 nhận xét:

  1. Cám ơn LH đã chịu khó viết và nhả ý cho bạn bè cùng chia xẻ. Cám ơn TQS đã đem hồi kí của LH đến với anh em bạn bè.
    Trước đây mình đã ngạc nhiên khi S dịch nhạc của V ĐT nay bạn còn dịch cả hồi kí. Sắp tới không biết còn bất ngờ nào nữa đây.
    Mình cũng biết một số bạn có ghi chép về thời sv quí giá của lớp chúng mình:TA, NVN... nhân đà này ta công bố luôn đi. Được không các bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đã viết nhật ký không ngày nào bỏ sót trong gần 10 năm (trong đó có 4 năm ĐH), nhưng tiếc ơi là tiếc, các trang đời ấy đã bị mối xơi sạch cả rồi!!! (TA)

      Xóa
  2. Mình rất trông mong được đọc những ghi chép của mọi người về thời sinh viên. Mình có năng khiếu về dịch. Nếu bạn nào có nhật kí,nguyệt lí, niên kí , hồi kí hoặc thiên tình kí nào mà chưa dịch được thì gửi đến , mình sẽ dịch và post để các bạn trong lớp đọc (TQS)

    Trả lờiXóa
  3. Tin mới nhận: Do vợ của TTM bị bệnh nên ngày mai ( chủ nhật, 9/9/2012)TTM và ĐVH không thể đến nhà LH được. Mình đã điện thoại cho LH biết chừng.Rất mong TTM sắp xếp công việc gia đình để trong ngày thứ hai ( 10/9/23012)có mặt tại SG để cùng ĐVH hoàn thành công việc của Lớp giao phó. Cảm ơn 2 bạn rất nhiều. (TQS)

    Trả lờiXóa
  4. Tuy có vài chi tiết chưa được chuẩn xác lắm nhưng cảm ơn LH và TQS nhiều .Vợ TTM bị bệnh có nặng không ? Bạn nào biết cung cấp thêm nhé !

    Trả lờiXóa
  5. NĐN (ngồi cùng NHL) vừa điện cho biết ủng hộ quỹ của lớp 1 triệu đồng. Như vậy quỹ đã có 17 tr. Chi tiết sẽ thông báo đến các bạn sau khi TTM cùng mình đi mua xe. [h]

    Trả lờiXóa
  6. Mới lên SG tối nay. Sáng mai sẽ cùng H đi đến LH và tiến hành mua xe ( quà tặng) cho LH. Cảm ơn Thọ, bà xã mình bị đau khớp kèm đau lưng thôi. Đang uống thuốc và châm cứu.

    Trả lờiXóa
  7. Cầu mong cho 2 ông TTM và ĐVH khỏe mạnh để sáng nay ( thứ hai, 10/9) thay mặt Lớp đến thăm gia đình LH và hoàn thành công việc của Lớp giao. Nhớ chụp vài bô hình kỉ niệm (TQS)

    Trả lờiXóa
  8. Trần Ánh thân thân yêu,Bạn phải tìm mấy chú mối ấy bắt đền nó trả lại hồi ký cho bạn.Không được thì nhớn ngày nào ấn tượng nhất kể thôi.Chẳng hạn có ngày có mấy em đến tìm. Hoặc hôm ở T B dụ được mấy em .Lo ám hối đi nhé! H

    Trả lờiXóa
  9. Thọ thân,mình bận quá .Cơm áo cứ đùa với khách Thơ,mà đùa dai nữa chứ.Hẹn hôm sau sẽ tâm sự nhiều với anh.H

    Trả lờiXóa
  10. Thọ thân mến .Mấy hôm nay đi nhiều ,đi An giang với anh Hạnh ,hôm sau đi Tiền giang dự giổ Mẹ mình. Về thì đi làm ngay.Bây giờ mình xin có vài nhận xét về truyện cũa Thọ nhé;Hay lắm ,dí dỏm lắm. . .Đọc xong mình cười hoài.Chắc là nhiều tập lắm đây. Viết tiếp đi Thọ ơi!Mai nầy minh sẽ in rồi đem ra vỉa hè Sài Gòn ngồi bán chới!Hai chúng mình sẽ nồi tiếng nhất lớp Su73K6.Hi hi...Chúc Thọ và gia đình luôn luôn hạnh phúc.Huyên

    Trả lờiXóa