14 tháng 6, 2012

Chữ với nghĩa  (Đỗ Hồng Ngọc)

     Không biết ai là người đầu tiên đặt ra chữ tượng hình trong tiếng Hán: cứ mỗi nét lại tượng trưng cho vật mà mình muốn chỉ rồi ghép từng phần lại thành một thứ gì đó mà mình muốn...ám chỉ, thế mà diễn tả gần đủ mọi thứ chuyện trên đời một cách sâu sắc thật là đáng phục! Chẳng hạn chữ Tưởng tách riêng từng phần thấy có chữ mộc, là cây, nào rễ nào cành; rồi mục là mắt nào mí trên mí dưới nào con ngươi đâu đó đầy đủ, dĩ nhiên là cách điệu. Mộc và mục đứng bên nhau thì chưa có chuyện gì sinh ra bởi nó mới chỉ là Tướng, thế rồi thêm một chữ tâm vào bên dưới để thành Tưởng. (Chữ tâm rõ ràng có hình ảnh quả tim với tâm nhĩ, tâm thất, van tim đủ thứ). Có tưởng thì mọi thứ mới bắt đầu sanh chuyện! Cho nên Đức Cồ Đàm đã đến "phi tưởng phi phi tưởng" rồi mà còn chê,  phải vượt qua chặng nữa đến diệt thọ tưởng định mới xong! Tướng thì chỉ có mộc và mục, chỉ có "căn" với  "trần", chưa sanh chuyện gì lắm. Tuy vậy, người đi tu thường được khuyên phải  "bảo vệ cái căn" đừng để nó quậy. Người tu còn được khuyên nên xa lìa các thứ kích thích, nên lánh trần , ly trần... (không phải lìa trần!) cho nên có người phải lên rừng , lên núi. Nhưng mọi sự lại do cái tâm nằm bên dưới kia, cái tâm ghép  vào cái tướng để thành cái tưởng kia mới rắc rối ! Nó hại ta, nó bày vẽ, nó sanh chuyện. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Trần Nhân Tông nói vậy! Vô tâm không dễ. Dĩ nhiên cái tâm trong sáng, cái tâm hồn nhiên, tâm không dính mắc, tâm không phân biệt vẫn còn nguyên đó.
     Ôi cái tiếng Hán thú vị vậy còn tiếng ta thì sao? Còn thú vị hơn đó chứ! Này nhé, hai chữ giận dữ chẳng hạn. Có khi nào ta thấy một người giận mà hiền không? Đã giận đương nhiên phải dữ. Mắt phải long lên sòng sọc, phải đỏ mặt tía tai (do giãn mạch vùng mặt mà co thắt mạch vùng tai). Bên trong cơ thể cũng vậy, mạch co thắt từng vùng, tùy vùng, nên nhiều khi giận dữ có thể gây tai biến mạch máu não! Cũng có những người có khả năng nén giận, nuốt giận. Nén là ém nó xuống còn nuốt là cho nó tọt vào trong. Ém thì có lúc nó sẽ bùng lên còn nuốt thì nó quậy bên trong. Bên ngoài vẫn có vẻ điềm đạm mà bên trong là lò lửa. Dân gian gọi là bầm gan tím ruột rất chính xác! Mỗi lần giận, soi gương sẽ thấy cái dung nhan của ta. Dữ, nhìn không ra. Hầm hầm, trông dễ sợ. Vậy nên tiếng ta mới gọi là giận dữ, thật tuyệt vời! Tức tối cũng vậy. Đã tức thì phải tối. Ta rất dễ bị chọc tức. Chọc mà không tức thì sắp thành chánh quả! Một từ nữa là sung sướng! Có người diễn dịch là muốn sướng thì phải...sung. Càng sung càng sướng. Cho nên phải làm giàu bằng mọi cách. Mâm ngũ quả cũng phải có một chùm sung. Để cho được "sung", nhiều người tìm kiếm thuốc này thuốc nọ, nào Viagra, nào Cialis... rồi thức ăn này thức ăn nọ kể cả con bổ củi ! Sướng đâu không thấy chỉ thấy sung quá thì dễ ... rụng !
     Bối rối nhất với tôi là từ vô sanh. Đọc sách thấy nói A La Hán là các bậc vô sanh. Thế  thì ngày nay có nhiều A La Hán quá ! Tình trạng "vô sanh" ngày càng gia tăng và Ngành y đã phải phát triển nhiều cơ sở để chữa trị! Thế nhưng không phải vậy. Vô sanh ở đây là một trạng thái tâm... không sanh khởi nữa, không bày chuyện, không vẽ chuyện nữa, tóm lại là hết còn sanh sự nữa, không giận không hờn không thương không ghét nữa, mọi thứ đều bình đẳng, đều "miễn chấp", đều thiện tai thiện tai! Tới được trạng thái vô sanh đó thì sướng quá, hạnh phúc quá, bởi vì nó làm cho ta vô sự, mà đã vô sự thì bình an vậy. Hóa ra ông bà ta nói rất hay: bình an vô sự !
 ( Người giới thiệu : TQS )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét