11 tháng 5, 2012

Hoa Đà Lạt

Báo cáo lớp trưởng (TQS), cố vấn lớp trưởng (ĐVH), trưởng Blog (TTT).
Để Ngôi nhà chung của chúng ta luôn luôn tươi mới, hấp dẫn, mình đề xuất thế này được không: Ngoài những tin tức về nhau, mỗi tuần nên chọn một chủ đề đưa lên Blog. Ai có thông tin gì liên quan đến chủ đề đó thì góp vào hoặc đưa ra ý kiến bàn luận. Chủ đề nên thiết thực, gần gũi và vừa phải (đừng nêu những chủ đề lớn quá). Chủ đề có thể là một tác giả, tác phẩm nào đấy; hoặc một sản vật, một vùng đất, địa danh, sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt tín ngưỡng nào đấy...miễn là hữu ích.
Để mở đầu, mình xin xung phong nêu một chủ đề: HOA ĐÀ LẠT
Đà Lạt nằm giữa cao nguyên Lang Bian, trên bình độ 1.500 mét so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình từ 18 – 20C, thổ nhưỡng tốt tươi, thật phù hợp với sự sinh trưởng của mọi loài thực vật. Vùng đất mộng mơ với muôn vàn đồi núi chập chùng giữa Trường Sơn hùng vĩ được mệnh danh là “vương quốc của các loài hoa” và thật xứng với tên gọi đó. Có thể nói, không ở đâu trên đất nước ta lại có nhiều chủng loại hoa như ở thành phố này. Tính chất khí hậu và thổ nhưỡng riêng có khiến cho Đà Lạt trở thành mảnh đất tốt tươi và cởi mở để đón nhận vào mình hầu như tất cả các loài hoa có nguồn gốc từ bản địa cho đến các loài của nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Các loài hoa thay nhau đua nở quanh năm. Hoa khắp mọi miền, hoa Đông phương và Tây phương tụ hội. Hoa dại, hoa rừng khoe sắc cùng hoa nhà vườn của nông dân và hoa sản xuất bằng công nghệ cao cấp của các công ty kinh doanh hoa xuất khẩu.
Kể tên các loài hoa, nhắc nhở về cội nguồn hơn một trăm năm qua, hãy tịnh tâm cảm xúc nguyên sơ cho những cánh hoa rừng, những mai, anh đào, lan, đỗ quyên, bướm bạc. Đà Lạt là xứ sở của hoa lan. Thành phố và vùng ven có hơn 200 loài lan, trong đó có 5 loài mới được phát hiện lần đầu trên thế giới và mang tên Đà Lạt. Lan Đà Lạt có nhiều loại quý hiếm như cẩm bào, giáng hương, vanda parishii odorata… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là địa lan. Do lịch sử hình thành và phát triển thành phố, nên ở Đà Lạt có nhiều loại hoa xuất xứ từ phương Tây đến. Cho đến nay, những loài hoa đến từ quê hương xa xôi này vẫn được mang tên gọi khởi thuỷ: marguerite, lys, glaieu, lobelia, mimosa… Một số khác được mang hai, ba tên gọi khác nhau như: cẩm tú cầu (tư tưởng), pense ( học trò), ceillet (cẩm chướng), comos (bươm bướm), arum (cuộn kèn)… Mặc dù có nguồn gốc từ châu Phi, châu Âu hay Mỹ Latinh, nhưng một số loài hoa đã hoàn toàn mang tên Việt. Có thể kể: sen cạn, hoàng anh, thược dược, dạ hợp, thu hải đường. Hoa phương Đông trên đất Đà Lạt cũng trăm hồng ngàn tía. Người phương Đông kín đáo, dịu dàng, thâm trầm, tế nhị, “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong đêm, chợt bừng thức bởi mùi hương dịu dàng của dạ lan, lài hay hồng. Tại các vườn hoa trong thành phố, sân chùa hay sân vườn cư dân ở Đà Lạt có thể thấy màu hồng của anh đào, tường vi, màu tím của cúc, màu vàng của thiên lý, màu đỏ của râm bụt, màu trắng của huệ, rồi sứ, trà mi, nhất chi mai,…
Cái đẹp thanh tao thời nào cũng giống nhau, và vì vậy, không gian Đà Lạt như không còn khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa cuộc đời thực và thế giới mộng mơ. Những cẩm chướng, thạch thảo, cúc đại đóa, loa kèn, mimosa khoe sắc bên những ly ly, hồng và cẩm tú cầu như muốn gửi gắm đến khách thưởng lãm những thông điệp cao quý nhất của thành phố mà họ yêu mến, làm thoả mãn những tâm hồn cao khiết và lãng mạn. Du khách cũng như người dân thành phố sẽ thật sự ấn tượng với cuộc trưng bày các loài hoa tiêu biểu, các hoa hậu của làng hoa, những bonsai quý giá nhất, những phong lan, địa lan từ các nhà sưu tập trong thành phố tụ hội về góp mặt cho một bản tổng phổ màu sắc, thế dáng và hương vị. Tất cả những gì nói về hoa trong Festival sẽ thể hiện ý nghĩa chuyển tải niềm tự hào, những nét độc đáo nhất của đô thị gần gũi với thiên nhiên, về một vùng hoa có lịch sử lâu đời và nền sản xuất hoa bề thế, công nghệ cao trên cao nguyên Lâm Viên. Hoa lá được tôn vinh, những con người của xứ sở tốt tươi sắc màu và ngào ngạt hương thơm này cũng đã và đang được tôn vinh.
 Hoa Đà Lạt trở thành biểu tượng của xứ sở, đã nên thơ, hoá nhạc, từng nuôi cảm hứng của người yêu hoa qua nhiều thế hệ. Chế ngự trong cảm xúc, những loài hoa cất tiếng nói thay trạng huống tâm hồn. Hoa Đà Lạt càng rực rỡ hơn trong một khung cảnh thơ mộng, một bầu khí hậu trong lành, mát mẻ hoà quyện với một tổng thể kiến trúc đô thị kiêu sang gần gũi với tự nhiên. Vì lẽ đó, từ thuở đầu khai sơn lập phố,  người Pháp đã từng chiết tự Latinh từ địa danh “Đà Lạt” thành một câu khái quát thật giàu ý nghĩa: “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”, hiểu theo ngôn ngữ chúng ta là “cho người này niềm vui, cho người kia sức khoẻ”. Hơn một thế kỷ đã qua, đối với thành phố nổi tiếng trên cao nguyên Lâm Viên, danh xưng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Và, hoa Đà Lạt vẫn mãi mãi là những chủ nhân thanh lịch, mến khách và cũng là những sứ giả vượt đại dương đi tìm bạn ở khắp bốn phương trời, góp hương sắc của mình về làm giàu cho vùng cao nguyên. 
NVN

4 nhận xét:

  1. Mỗi tuần một chủ đề. Nghe rất hay.Tùy theo các bạn, riêng mình chưa có ý kiến khác.Mình nghĩ cứ để tự do. Bạn nào viết về chủ đề nào cũng được, miễn là thật. Trang blog của lớp là nơi giao lưu, gặp gỡ,chia sẻ những niềm vui , nỗi buồn để chúng ta cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống và cùng nhớ về những kỷ niệm của một thời sinh viên, về mái nhà xưa (TQS)

    Trả lờiXóa
  2. Trước nhận xét của mình, mình thấy ĐVH. Sao bây giờ không thấy? (TQS)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào TQS, mình vừa lấy xuống sửa lại mấy chữ. Có lại rồi đó, nhưng để mấy bửa thôi kẻo TTT lại không vui [ĐVH]

      Xóa
  3. Chào Lớp trưởng và NVN.
    Cách thức mà NVN đề nghị để duy trì và tạo: sinh, khí, lực cho blog của lớp như vậy là có lý. Mình hoàn toàn tán thành. Nhân NVN đưa hoa ra bàn luận, mình xin kể một truyền thuyết về cách chăm sóc hoa, như sau:
    Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ mỗi khi âu yếm nhau, sờ vào cái ấy của vợ thì ông chồng gọi tên nó ra luôn. Vợ bảo, mình là con nhà có học, ai lại nói thế, tục lắm. Chồng nói thì tên của nó sao thì gọi vậy, ông bà mình đã đặt thì phải có cái lý của nó chứ, chính danh ngôn thuận, có gì mà tục. Nhưng vợ không chịu và đề nghị: hay anh gọi nó là hoa đi. Hoa vừa đẹp, vừa mềm mại, vừa quý như cái... của em. Ông chồng thấy có lý và đồng ý. Và thế là mỗi đêm vợ đều đề nghị anh chồng chăm sóc hoa. Có lần ông chăm sóc qua quýt rồi ngủ, vì hải cẩu hoàn trong nhà đã hết. Bà vợ nạt nộ: anh chăm sóc hoa thì phải tưới cho hoa chứ, không tưới để cho hoa héo vậy mà cũng gọi là chăm sóc à? Từ đó trở đi ông chồng ý thức được rằng chăm sóc hoa là phải tưới cho hoa, không để hoa khô héo vì thiếu nước. Nhờ có nước mỗi đêm mà hoa phát triển tươi tốt, bông nở to đẹp, ai cũng muốn ngứt (vặt) khỏi cành. Đó là nguồn gốc của cách chăm sóc hoa ngày nay... [ĐVH]

    Trả lờiXóa