9 tháng 5, 2012

Thầy trò một thuở
Mình đọc trên mạng , thấy bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập ( Quảng Bình ) quá hay. Xin phép nhà văn ,cho tôi được đăng bài nầy trên Trang Blog của Lớp sử K6. Trân trọng cảm ơn nhà văn và  xin giới thiệu bài "Thầy trò một thuở "
Kì hội trường nào cũng vậy, học sinh cũ những năm 1965-1975 đều tìm về nơi ngày xưa mình đã ăn học, đó là Phù Lưu và Đông Dương, dù bây giờ chẳng còn dấu vết trường cũ, tất cả đã khác xưa rất nhiều. Khi mình tới nơi, có mẩy trăm học sinh cũ đang đứng ngồi quanh khu trường cũ. Bỗng có người kéo áo, nói nhớ ai đây không. Chị Hoa, mình nhận ra ngay vì chị xinh tươi không khác bao nhiêu so với ngày xưa cả. Công nhận chị trẻ lâu.
 Khóa mình có Bích Như là trẻ lâu nhất, xinh lâu nhất. Bằng tuổi mình nhưng nó trẻ hơn mình vài chục tuổi, gương mặt vẫn trắng hồng tươi tắn như thanh nữ. Mấy đứa con nít  gọi nó bằng chị, gọi mình bằng ông. Mình đi với nó, ai không biết cứ tưởng nó là con mình, hi hi.  
Có vẻ như chị Hoa còn trẻ hơn Bích Như, tóc vẫn xanh mướt, đôi gò má vẫn hồng tươi, cười vẫn lúm đồng tiền tròn xoay, sâu hoắm. Chị học trước mình mấy lớp, đi học sư phạm Vinh, trở về trường dạy từ năm từ năm 1981. Nghe nói chị đến thăm học trò cũ khóa 81-84, nhiều đứa nhầm là bạn cùng khóa, ôm vai hót cổ vui vẻ, nói mi tên chi hè, nhìn mặt thấy quen quen. Có đứa còn ra hiệu với bạn cùng lớp, mắt trợn tay chỉ thì thầm, nói con ni không phải học lớp mình, hi hi.
Chị Hoa là chị ruột thằng Diệp, bạn rất thân với mình, học cùng lớp với mình từ lớp 5 đến lớp 10.  Từ ngày tốt nghiệp phổ thông đến giờ gần bốn chục năm mình chưa gặp thằng Diệp một lần nào. Cứ tưởng nó đã đi làm ăn ở xứ nào, chẳng dè từ khi ra trường đến giờ nó vẫn ở làng Đông. Mình xin số mobile thằng Diệp, chị Hoa nói nó không có mobile, máy bàn cũng không có nốt. Mình quá ngạc nhiên, sau nhớ ra nó là anh nông dân thuần chất, sống hiu hắt dưới bóng tre làng, sáng vác cày đi, tối dắt trâu về, chả quan tâm đến mấy thứ đó.
Khóa mình quá nửa có bằng đại học, hơn chục đứa  thạc sĩ, tiến sĩ. Số còn lại không cao đẳng cũng trung cấp, chỉ riêng nó là nông dân. Thằng Cảnh thằng Bình Ngân cũng sinh sống ở làng nhưng chúng học xong đại học mới về làng, thằng Cảnh làm kĩ sư canh nông, thằng Bình Ngân làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã. Thằng Diệp chẳng bằng cấp gì, nó học thuộc loại khá nhưng  tốt nghiệp lớp 10 xong nó không ôn thi đại học, quyết định về làng làm anh nông dân. Cả khóa mình không đứa nào như nó. Mình và bạn bè cố nèo nó thi đại học. Nó cười lắc đầu, nói ẻ vô. Mình nói làm cán bộ nhà nước đỡ cực hơn, đừng có dại. Nó cười lắc đầu, nói ẻ vô. Chị Hoa nói ai cũng mơ thành kĩ sư bác sĩ, chỉ có mi mơ làm nông dân, ngu chi ngu rứa Diệp ơi. Nó cười cái xoẹt, nói tui thích rứa đo, mần chi tui? Hi hi chịu thằng này.
Hồi nhỏ thằng Diệp trắng trẻo xinh  trai, trông vẻ thư sinh nhưng nó khỏe nhất đám trẻ làng Đông. Con trai sắp hàng đái thi, nó đái xa nhất. Buổi tối ra giếng làng tắm truồng, thi nhau vuốt cu thật thẳng, móc gàu nước lên, cu nó treo gàu được lâu nhất. Đã khỏe lại khéo tay, từ làm ruộng đến thợ mộc, thợ hồ, đốn cây vác gỗ, mò cua bắt cá… bất kì việc gì nó cũng hơn hẳn mọi người. Từ lớp 5 đến lớp 10, năm nào nó cũng lớp phó phụ trách lao động. Trong lớp đứa nào không làm được việc gì, nó làm thay cho tất. Nó vui vẻ giúp hết đứa này sang đứa chẳng hè kêu ca cũng chẳng cần một lời cảm ơn.
Duy nhất một việc nó không làm, ấy là đánh nhau. Nếu đánh nhau, bảo đảm chẳng ai bì được nhưng nó không hề. Cứ có đánh nhau là nó tránh xa, bạn bè xui nó đến mấy nó cũng lắc đầu cười, nói ẻ vô. Đứa nào láo, xông vào đánh, nó chụp lấy tay vặn cho một cái rõ đau rồi bỏ đi. Nhiều đứa chạy theo ghẹo nó, nói ê ê hèn hèn, bỏ chạy à, hèn rứa. Nó vừa đi vừa vỗ đít, nói ẻ ẻ quẹt quẹt.
Lớp 5 tụi mình đang ăn kẹo, nó hút thuốc lá. Bọ nó cầm roi đuổi nó chạy khắp làng nó vẫn cứ hút. Đến lớp 10 tụi mình tập tọng hút thuốc lá, nó bỏ thuốc lá, ăn trầu. Nó têm trầu bỏ túi, đến lớp ngôi nhai trầu bỏm bẻm, mặc kệ thầy cô trố mắt nhìn. Tụi con gái trêu chọc nó cũng tỉnh bơ. Nó ăn trầu từ đó cho đến bây giờ, lại còn nhuộm răng đen hạt na, y chang ông bà già thời xưa. Đêm hội khóa, nó đến muộn, đứng giữa đám đông nhìn hết một lượt chẳng nhớ ai ra ai, bèn nhăn răng cười trừ. Tố Châu kéo tay mình, nói thằng Diệp răng rụng hết rồi à. Mình cười đau bụng, nói nó nhuộm răng đó, không tin bà hôn nó xem, nó chẳng cắn cho một phát đứt lưỡi, hi hi.
Đêm hội khoa thật vui.  Thằng Diệp vui quá uống tì tì say nhừ. Nó là thằng duy nhất gần bốn chục năm qua không gặp bất kì ai trong số bạn bè cùng khóa. Thoạt đầu nó chẳng nhớ ai, đến Tố Châu ngày xưa nó mê tít giờ cũng quên biến. Nhắc chuyện gì nó cũng không nhớ, chỉ nhăn răng cười, nói quên cha cả rồi, nhớ mô nữa. Nó đã đánh rơi tuột quá vãng xuống ruộng cày ao cá, tuồng như những gì thời trai trẻ chẳng liên quan gì đến nó cả, rất lạ.
 Chỉ duy nhất mình là nó nhớ. Nó ngồi với mình, sau vài câu hỏi han chuyện vợ con, nó chẳng biết nói gì nữa, cứ ôm vai mình lắc lắc, nói vui hè vui hè. Giống y chang ông nhà quê ra tỉnh, nhìn cái gì cũng lạ, nhìn ai cũng e dè, nhưng mắt nó lại chứa chan hạnh phúc, cho thấy nó biết cuộc vui này là của nó, bạn bè và thầy cô ngồi đây là của nó.
Mình hỏi nó răng ngày xưa mi không chịu thi đại học? Nó nhăn răng cười, nhấp ngụm rượu chợt rưng rưng, nói tụi bay khác, tau khác. Tau không chịu được nhục, không biết đấu tranh không thích đánh nhau mà không chịu được nhục thì chỉ có quạn hệ với sào ruộng của mình, con trâu của mình là hay nhất. Mình cười, nói hồi đó tí tuổi đầu mày đã nghĩ ngợi sâu xa vậy a? Nó cười lặng lẽ, nói hồi đó tao không nghĩ được rành rẽ như ri nhưng cảm được điều đó, từ đời bọ tau, tau biết. Bọ tau là địa chủ mà. Địa chủ ngày nay vinh quang, địa chủ ngày xưa thì nhục lắm.
Nó uống cạn cốc rượu, thêm một cốc rượu nữa, ngước nhìn mình nửa cười nửa mếu, nói tao biết tao sai rồi, sai lắm. Tao sửa sai bằng cách cho bốn đứa con vào đại học, đứa mô cũng bằng đỏ. Tưởng mình sửa sai rứa là được rồi, chẳng dè đến  đây mới biết mình vẫn sai, bạn bè một thuở mà không nhớ ai cả, thiệt sai lầm quá…
Đêm hội khóa, mỗi người đều phải giới thiệu về mình. Mọi người đều nói năng trơn tru, hát hò vui vẻ. Đến thằng Hùy, thằng Tăng còn hát được đôi bài. Thằng Thái Bình hát cả chục bài, càng say càng hát, vui lắm. Đượt lượt thằng Diệp, nó cầm micro đảo ngược đảo xuôi, thổi phù phù, a lô a lô tôi là Phạm Minh Diệp… Lại thổi phù phù, a lô a lô tôi làm ruộng, làm nông dân… a lô a lô. Rồi nó đứng ngẩn ngơ không biết nói gì nữa. Mọi người cũng không biết nên cười hay nên khóc.
Thằng Xô Viết thấy vậy liền nhảy ra bắt nhịp cho cả hội hát bài hát Nhớ về mái trường thân yêu, bài hát truyền thống của nhà trường. Mọi người đứng dậy vỗ tay rập ràng, hát vang vang. Thằng Diệp đứng giữa đám đông hết nhìn đứa này sang đứa khác. Đến câu Bạn ơi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc yêu thương, ta nhớ về tổ ấm hôm nay, thằng Diệp bỗng hú lên ôm chầm lấy mình, nói tao nhớ rồi, nhớ hết rồi Lập ơi. Đây là thằng Xô Viết,  đây là thằng Lợi râu, đây là thằng Đặng Huề con thầy hiệu trưởng Đặng Phàn… A thằng Xuân Cẩm, tao nhớ rồi. A con Châu, con Sinh, con Bích Như, con Bổn, con Ninh móm…. A thầy An, cô Tám, thầy Tiến, thầy Duyệt… Đó, nhớ hết rồi… Hú khù khù!…
Nó ôm mình nhấc bổng lên hú một hồi dài, như ngày xưa nó vẫn hú lên khi bắt gặp những hạnh phúc bất ngờ. Mọi người ngưng hát nhìn nó rưng rưng. Nó cười ngượng ngập, nói tui nhớ rồi, nhớ hết rồi, từ ni xin thề không bao giờ quên, thiệt đo, không bao giờ…
Lúc này nó mới ôm mặt bật khóc.
Người giới thiệu : TQS- 

2 nhận xét:

  1. Bài viết thật hay và rất ý nghĩa Sửu ơi! Mình tin Sử K6 vẫn rất nhân văn, nghĩa tình hơn thế! (T.A)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn TQS về bài này. Câu chuyện trên đây mình tin 100% là thật vì mình đã gặp người đúng như thế. Và những người như vậy hết sức nhân bản.

    Trả lờiXóa